Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

NỮ THẦN HỌC/Feminist Theology

(Thời sự Thần học – Số 17 – Tháng 9/1999, tr. 40-49)

LTS: Thời sự Thần học - Số 1, tháng 8/1994 đã đề cập đến Nữ thần học. Bài viết ở số này bàn sâu hơn về ba vấn đề: 1/ nguồn gốc của nữ thần học; 2/ lý do đưa đến bất bình đẳng nam nữ; 3/ nữ thần học với việc giải thích Kinh Thánh.
Nữ Thần học là tiếng nói phụ nữ trên diễn đàn thần học. Gọi là "nữ thần học" (NTH) thay vì "thần học phụ nữ", bởi vì đây không phải là chuyện các ông lạm bàn về đàn bà, cho bằng các bà đóng vai trò của nhà thần học, để suy tư và phát biểu kinh nghiệm sống đạo của mình. Nói cách khác, các bà là chủ thể (subjet) chứ không phải đối thể (objet) của thần học. Chúng ta hãy theo dõi diễn tiến và những khuynh hướng chính, và dĩ nhiên, không thể bỏ qua những mối băn khoăn gây ra cho phân nửa còn lại của loài người. 

I. Nguồn gốc 

Cho thể lấy năm 1895 (nghĩa là cách đây gần 105 năm) làm khởi điểm của việc các phụ nữ dấn thân vào thần học, với việc xuất bản quyển một của Bộ The Woman's Bible (Kinh thánh của phụ nữ) tại Nữu Ước (quyển 2 được xuất bản năm 1898). Đây là kết quả của một nhóm phụ nữ Tin lành ở Hoa kỳ, dưới sự phối hợp của Elizabeth Cady Stanton, đã họp nhau lại đọc Kinh thánh, nghiên cứu những đoạn có liên hệ tới nữ giới, tìm cách giải thích theo tâm thức của phụ nữ thời đại. Tuy có gây ra vài tiếng vang, nhưng nói được là yếu ớt, mãi tới thập niên 60 của thế kỷ 20 nó mới bùng dậy. Về phía công giáo, thì cũng nên nhắc tới sự thành lập "Liên minh quốc tế Jeanne d'Arc" tại Luân đôn năm 1911, nhằm bảo đảm sự bình quyền nam nữ trong hết mọi lãnh vực. Thực ra liên minh nhấn mạnh tới sự bình đẳng trong xã hội hơn là trong nội bộ của Giáo hội; tuy nhiên, họ cũng dám khiêu khích các nhà thần học khi gọi Thiên Chúa là "Bà" (She), để cho thấy rằng Thiên Chúa ở bên trên các giới nam nữ, và không thể để cho nam giới độc quyền lợi dụng. 

Vào thập niên 1956-1965, phong trào NTH bộc phát mạnh mẽ khi mà trong các giáo hội Tin lành, nữ giới đã tranh đấu để lãnh chức mục sư. Từ Hoa kỳ, phong trào tràn qua Âu châu, và từ Giáo hội Tin lành lan sang Giáo hội công giáo. Năm 1965 khi công đồng Vatican II sắp đến lúc kết thúc, một nhóm phụ nữ do Gertrud Heinzelman đã ra một tuyên ngôn gửi đến các nghị phụ: "Chúng tôi không thể im lặng được nữa" (Wir shweigen nicht laenger!, Zuerich 1965). Theo họ, việc nữ giới không được lãnh bí tích truyền chức cho thấy sự bất bình đẳng về quyền lợi trong Giáo hội: các ông được lãnh 7 bí tích còn các bà thì chỉ được lãnh có 6 thôi! Từ một lãnh vực hạn hẹp là bí tích truyền chức, các nữ thần học gia xét lại toàn diện về sự hiện diện của phụ nữ trong Kitô giáo. 

Vào những năm ấy, tại Pháp còn đang vang tiếng quyển khảo luận của nữ văn sĩ Simone de Beauvoir "Phái thứ hai" (Le deuxième sexe, Paris 1949), còn bên Hoa kỳ thì Betty Friedana xuất bản quyển "Nữ tính huyền nhiệm" (The Feminine Mystique, New York 1963), và cách đó không lâu Kate Millet cho ra đời cuốn "Chính sách phái tính" (Sexual Politics, New York 1969). Ba tác phẩm ấy trở nên nguồn cảm hứng cho Mary Daly dấn thân vào phong trào NTH với tác phẩm "Giáo hội và phái thứ hai" (The Church and the Second Sex, London 1968). Daly duyệt lại thái độ của Giáo hội đối với nữ giới trong lịch sử, và tố cáo rằng Kitô giáo đã dẫn phụ nữ tới chỗ nô lệ. Daly kêu gọi Giáo hội hãy có can đảm thống hối, gột tẩy hết các thứ quỷ gắn liền với thiên kiến phái tính. Tuy nhiên, sang tới năm 1975 thì bà ta tuyên bố rời bỏ Kitô giáo bởi vì không có hy vọng gì có thể dung hòa Thiên Chúa của Kitô giáo với phong trào giải phong phụ nữ (Beyond God the Father. Toward a Philosophy of Women's Liberation, Boston 1973). Tuy nhiên, vào lúc mà Mary Daly tuyên bố rời bỏ Giáo hội và Kitô giáo, thì cũng là lúc mà NTH dần dần đặt nền móng, tìm ra một phương pháp vững chắc, họa theo phương pháp của thần học giải phóng đang tiến mạnh vào năm 1968-1975. NTH là một hình thức của thần học giải phóng, nhằm phân tích những yếu tố xã hội kinh tế nào đã đưa tới sự đàn áp phụ nữ, và vạch ra một tiến trình xã hội kinh tế đưa phụ nữ ra khỏi tình trạnh áp bức đó. Muốn thế cần phải tạo ra một văn hóa mới đối chọi lại với văn hóa cổ truyền của nam giới thống trị. Do đó NTH mang tính cách thực dụng, nghĩa là không phải chỉ dừng lại ở cấp tư duy nhưng đòi hỏi sự dấn thân hành động để sửa đổi các mối liên hệ lệch lạc trong xã hội đã đưa tới sự lệ thuộc và thống trị. 

Tuy cùng nhắm tới một mục tiêu như nhau, nhưng NTH (cũng như Thần học giải phóng) mang những khuynh hướng khác nhau: có khuynh hướng muốn xây dựng thần học trong sự hòa hợp với truyền thống của Giáo hội; có thứ muốn vượt luôn cả Kitô giáo, như trường hợp của Mary Daly nói trên đây, vì cho rằng tất cả Thánh kinh Thánh truyền gắn liền với văn hóa phụ hệ không thể nào thay đổi được; khuynh hướng thứ ba thì lật lại hoàn toàn thế cờ: không được phép gọi nữ giới là "phái thứ hai" như Simone de Beauvoir, nhưng phải coi là "phái thứ nhất" (Elizabeth Gould-Davis, The First Sex, New York 1971); cũng vậy, Thiên Chúa là một phụ nữ; lịch sử chứng minh rằng văn hóa mẫu hệ có trước văn hóa phụ hệ. Như vậy, "Nữ thần học" thêm một đặc tính nữa, bởi vì nó không những do các nhà thần học nữ giới chủ xướng nhưng còn theo đuổi một đối tượng mới: nghiên cứu "Nữ thần", tôn giáo nữ thần (goddess religion). (Merlin Stone, When God was a Woman, New York 1976). Tiếc rằng khuynh hướng này (Carol Christ, Naomi Goldenberg) chủ trương trở lại với lễ nghi của các tôn giáo cổ của Hy lạp và Rôma; và rồi cũng tách ra khỏi Kitô giáo. 

Dĩ nhiên, khuynh hướng thứ nhất đáng cho chúng ta để ý hơn cả, khi họ vạch ra những yếu tố nào trong lịch sử Kitô giáo đã bị giải thích lệch lạc do ảnh hưởng văn hóa phụ hệ, đồng thời cũng nêu bật những yếu tố nào cho thấy đức Kitô đã mang lại một cái nhìn mới về phụ nữ. Có một điều không thể chối cãi được là phong trào giải phóng phụ nữ đã phát xuất từ Kitô giáo; phong trào có lý khi chỉ trích những bất công mà phụ nữ đã chịu từ 20 thế kỷ qua; nhưng phải nhận rằng chính Kitô giáo, nhờ động lực ngôn sứ tiềm tàng trong đó, đã khêu lên ý thức tranh đấu cho nam nữ bình quyền; điều đó đã không xảy ra nơi các tôn giáo hay triết học khác. 

II. Những yếu tố đưa đến tình trạng bất bình đẳng nam nữ 

A. Kinh thánh 

Ngay từ những trang đầu của Kinh thánh, chúng ta đã thấy các bà bị coi rẻ rồi. Dù sách Sáng thế ở chương 1, câu 27 quả quyết rằng Thiên Chúa đã dựng nên con người cả nam cả nữ theo hình ảnh của Ngài; nhưng khi qua chương 2, ta lại thấy chuyện bà Eva được rút từ xương sườn của ông Adong (2,22). Tệ hơn nữa, bà Eva đã phạm tội trước, và quyến rũ ông Adong sa ngã theo (3,12-13). Chính dựa trên những đoạn văn ấy mà thánh Phaolô đã kết luận về việc vợ phải tùng phục chồng (1Cr 11,1-16; 14,34-35; Ep 5,21-33; 1Tm 2,9-15). Dù sao, bản văn mạt sát phụ nữ thậm tệ hơn cả là đoạn văn Huấn ca (Siracide) 42,14: "Thà một người đàn ông độc ác còn hơn một người đàn bà tử tế". NTH muốn vạch ra một phương pháp chú giải Kinh thánh trong đó phân biệt đâu là "sứ điệp" của mặc khải, và đâu chỉ là lối "diễn tả" của một bản văn. Sứ điệp của Tân ước thực là có tính chất giải phóng; nhưng dần dần nam giới đã diển tả theo hình thức phụ hệ. 

B. Lịch sử Giáo hội 

Liền sau Thánh kinh, cần phải xét lại toàn thể truyền thống của Giáo hội, một truyền thống xưa nay do đàn ông viết ra; vì thế khi nghiên cứu lịch sử, cần phải lưu ý tới "sử của nàng" (her-story) chứ không phải là "sử của chàng" (his-story) (Sự phân biệt trong anh ngữ do Rosemary Ruether đặt ra). Thực vậy, sử của chàng chỉ đề cao các thành tích của đàn ông, và đàn bà chỉ được nhắc tới trong chương dành cho đĩ điếm. Trên thực tế, lịch sử của Hội thánh đã có những trang oai hùng về nàng: chính các nàng mới thực là những người đã lèo lái vận mạng của Giáo hội qua những mẫu gương như Caterina Siena, Teresa Avila. Tuy nam giới đã dành độc quyền phân phát ơn sủng bí tích; nhưng trên thực tế, các bà mới là những người tiến cao nhất trên đường thánh thiện và thần bí. Một số tác giả đã cho thấy rằng Augustinô và Tomasô Aquinô đã chấp nhận rằng sự trong hệ trật ơn sủng nam nữ đều ngang nhau (và như vậy họ đã vượt qua tư tưởng văn hóa hy lạp và Rôma), thế nhưng hai nhà đại tư tưởng ấy vẫn chủ trương đàn bà phải phục tùng đàn ông bởi vì họ còn bị ảnh hưởng của sinh lý học aristote, theo đó đàn bà được coi là "một thứ đàn ông bị thiếu hụt" (mas occasionatus). Đàn ông được coi như mẫu người lỳ tưởng cho các bà quy chiếu (Karl Elizabeth Borresen, Subordination et Equivalence. Nature et rôle de la femme d'après Augustin et Thomas d'Aquin, Oslo-Paris 1968). Đã đến lúc phải đi tìm một mẫu người ở trên cả phái nam lẫn phái nữ. 

III. Nữ Thần học với việc giải thích Kinh thánh 

Có thể nói được là chính nhờ việc đọc Kinh thánh theo con mắt phụ nữ mà phong trào Nữ thần học đã khai sinh, với việc xuất bản tác phẩm The Woman's Bible tại Hoa kỳ cách đây một thế kỷ (1895-1898). Từ đó đến nay, đã có biết bao nhiêu tác phẩm đã ra đời. Chỉ nguyên trong khoảng 1970-1987 đã có hơn 700 bài báo và sách viết về "Phụ nữ trong Tân ước" (I.M. Lindboe, Women in the New Testament. A Select Bibliography, Oslo 1990). Thực ra các bà có rất nhiều cách để đọc Kinh thánh: có người thì phân tích tất cả các đoạn văn nói về phụ nữ, dù khen dù chê; có người thì nghiên cứu vai trò của phụ nữ trong Phúc âm; có người chú trọng cách riêng tới cách cư xử của đức Giêsu đối với phụ nữ, v.v... Tuy nhiên, có lẽ tác phẩm gây tiếng vang hơn cả là cuốn In memory of Her, của Elizabeth Sclusser Fiorenza, xuất bản tại New York năm 1983, được dịch ra nhiều thứ tiếng (Pháp: "En mémoire d'elle", Cerf Paris 1986). Nên biết là khi phê bình phương pháp chú giải của nữ thần học (Approche féministe) Văn kiện của Ủy ban Giáo hoàng Thánh Kinh về vấn đề giải thích Thánh kinh (L'interprétation de la Bible dans l'Eglise, 1993) nhắm tới tác phẩm này. Cũng nên biết là toàn thể văn kiện đã được các thành viên tán thành, nhưng khi sang đến chuyện đàn bà thì các thành viên bất đồng ý kiến (11 phiếu thuận, 4 phiếu chống, 4 phiếu trắng. Kết quả được ghi vào cuối trang). 

Ngay từ những trang đầu, Sclusser Fiorenza đã bày tỏ dụng ý của mình, đó là tạo lại lịch sử Kitô giáo vào thời nguyên thủy (vào lúc mà cả nam lẫn nữ đều được đối xử ngang hàng với nhau) và vạch ra những yếu tố nào của văn hóa trọng nam đã len lỏi vào và làm bóp méo sứ điệp giải phóng của đức Kitô. Để đạt tới mục đích đó, cần phải áp dụng một phương pháp của thần học giải phóng, dung hòa các khoa chú giải, phê bình lẫn xã hội học. Thực vậy, theo tác giả, cho đến nay các học giả Thánh kinh chỉ chú trọng tới văn bản của Sách thánh, hoặc tới khung cảnh ra đời giữa công đồng Kitô tiên khởi, hoặc tới đạo lý mặc khải; nhưng họ đã bỏ qua một yếu tố quan trọng là 'não trạng phụ hệ trọng nam'. Vì thế cần phải tạo ra một mẫu thức mới: người đọc Kinh thánh phải đứng về phía những thành phần bị chèn ép áp bức, tức là các phụ nữ. Với cặp mắt ấy, chúng ta sẽ thấy rằng các phụ nữ tuy bị đàn áp, nhưng đã giữ vai trò rất tích cực giữa lòng Giáo hội nguyên khởi. Việc tái tạo lại khung cảnh của Giáo hội nguyên khởi đòi hỏi không những phải dựa vào những bản văn đã viết, mà còn phải biết sử dụng cả những chỗ "im lặng" của Tân ước nữa (luận chứng "ex silentio"). 

Theo tác giả, Đức Giêsu đã khai mào một giai đoạn mới trong lịch sử, khi kêu gọi cả nam lẫn nữ đi theo làm môn đệ của Ngài. Trong cộng đoàn của Ngài cả hai phái đều được đối xử ngang nhau, và cùng được trao những trọng trách như nhau. Thánh Phaolô cũng ý thức điều đó khi viết trong thư gửi Galat 3,28 rằng: "Không còn Do thái hay Hy lạp; không còn nô lệ hay tự do, không còn phân biệt nam hay nữ; tất cả anh chị em đều nên một trong đức Kitô Giêsu". Theo tác giả, câu văn này không phải là phản ánh tư tưởng của cá nhân Phaolô mà là công thức tuyên xưng rửa tội của các Kitô hữu được Phaolô lặp lại. Phaolô cũng đã diễn tả chân lý ấy ra thực hành khi mời gọi các phụ nữ gia nhập các đoàn truyền giáo. Đó là hiện trạng nguyên khởi. Nhưng dần dần do ảnh hưởng của não trạng phụ hệ, sự bình đẳng nam nữ đã bị bóp méo, và các bà bị lép vế. Trong các buổi cử hành phụng vụ, các bà bị hạn chế không được phát biểu (1Cr 11,1-16; 14,34-35); trong gia đình, vợ phải phục tùng chồng (Ep 5,21-33). Sự bình đẳng nam nữ chỉ còn giới hạn về khía cạnh thiêng liêng; còn trong đời sống Giáo hội, các bà hoàn toàn bị lép vế. 

- Về ngôn ngữ, người ta cho các bà ra rìa: các lời khuyên của thánh tông đồ được gửi tới "anh em" thay vì "anh chị em"; các bà chỉ xuất hiện như là người giúp việc cho các thánh tông đồ, thí dụ như bà Phebe (Rm 16,2-3). 

- Về sự lựa chọn các đoạn văn tường thuật cũng vậy. Lúc đầu các bà (thí dụ Maria Mađalêna) cũng như các ông (các tông đồ) đều mang trọng trách như nhau vì được Chúa Phục sinh hiện ra và sai đi loan Tin mừng. Nhưng dần dần, các bà bị gạt ra rìa; Phêrô và các tông đồ dành độc quyền vai trò làm chứng nhân. 

- Sau cùng, phe trọng nam đã biện minh thái độ khinh nữ bằng cách bôi nhọ là các bà "lạc đạo", với trường hợp điển hình là bà ngôn sứ Giezabel trong sách Khải huyền 2,20. Vì thấy có một bà lạc đạo cho nên hết các bà bị nghi ngờ và gạt ra khỏi các cơ cấu quản trị của Hội thánh. 

Thêm vào đó, khung cảnh xã hội của Hy lạp, Rôma muốn giữ các bà ở trong bếp; còn chuyện làng nước thì dành cho đàn ông. Vì thế không lạ gì, các bà không tham dự vào công việc của cộng đoàn Giáo hội, nhưng họ được khuyên hãy lo lắng chuyện gia đình là đủ. 

Tác phẩm của Slusser Fiorenza bị Giuseppe Senegalla một thành viên của Ủy Ban Giáo hoàng Thánh Kinh chỉ trích vì nhiều điểm. 

* Về chính mục tiêu sử dụng Kinh thánh: chủ đích là nhằm tranh đấu cho sự bình đẳng giữa nam nữ trong Giáo hội; sự bình đẳng này cần được diễn tả qua sự bình đẳng về quyền hành (power). Vì thế, mọi vấn đề được nhìn dưới góc cạnh của quyền hành, giữa lớp cai trị và lớp bị trị. Tiếc rằng, nếu chỉ nhìn Tân ước dưới khía cạnh quyền hành thống trị, thì e rằng sứ điệp của Phúc âm sẽ bị bóp méo, bởi vì đức Giêsu kêu gọi tất cả các môn đệ, bất luận nam nữ, hãy theo gương của Ngài để hầu hạ và phục vụ (Mc 10,42-45). 

* Nhằm chứng minh cho luận đề của mình, không thiếu lần tác giả đã phải cắt xén, thêm bớt. Thí dụ tác giả hoài nghi là sách Khải huyền đã kết án Giêzebel vì là đàn bà; nhưng tác giả đã bỏ qua sự kiện là sách Khải huyền còn kết án biết bao lạc giáo khác nữa, mà thủ phạm là đàn ông; hoặc nhằm đề cao tính cách cách mạng của Chúa Giêsu, tác giả đã trưng dẫn Mc 3,35 trong đó Chúa đã cho đàn ông ra rìa: "Ai làm theo ý Chúa, thì người ấy sẽ là anh chị em và mẹ của tôi". Theo tác giả, ở đây, Chúa coi rẻ vai trò của người cha theo chế độ phụ hệ đương thời. Tuy nhiên, giải thích như thế là quá đáng, bởi vì mạch văn của Marcô cho thấy tiếng "cha của tôi" được đức Giêsu dành riêng cho Chúa Cha. 

* Tác giả đôi khi tỏ ra mâu thuẫn với chính mình, miễn sao chứng minh được luận đề của mình thì thôi. Thí dụ như tác giả dẫn chứng vài tác phẩm ngụy thư phát sinh từ môi trường ngộ đạo, trong đó vai trò của Maria Mađalêna được đề cao như ngang hàng với Phêrô; nhưng tác giả cũng cho rằng do ảnh hưởng của phong trào ngộ đạo mà Giáo hội nguyên thủy trở lại với văn hóa trọng nam của xã hội Hy-La, thay vì tiến theo đà tiến giải phóng mà đức Kitô đã mở ra. 

Có lẽ một trong những lý do khiến cho các thành viên của ủy ban Giáo hoàng Thánh kinh không nhất trí khi nhận định về phong trào NTH là tại vì không thể chỉ giới hạn vào một tác phẩm của một tác giả, và coi đó như tiêu biểu cho cả phong trào. Thực vậy, như đã nói, có rất nhiều phụ nữ đã đóng góp vào khoa chú giải Kinh thánh cận đại bằng những đường hướng khác với chủ trương của Elizabeth Schlusser Fiorenza. Chính tác giả đã chỉ trích các khuynh hướng khác của các tác giả NTH khác, xếp họ vào hạng cực đoan (radical: Carol P.Christ), hay là tân chính thống (neo-orthodox: Letty Russel, Rosemary Radford Ruether, Phyllis Trible). Dù sao, không cần phải luôn giả thiết rằng Kinh thánh đã ra đời trong văn minh phụ hệ cho nên đầy tư tưởng trọng nam kinh nữ. Thí dụ chuyện Eva xuất phát từ sườn của Adong không nhất thiết giả thiết đàn bà ở dưới đàn ông, khi có người lưu ý rằng Adong thì ngủ mê mệt, phải có Eva đánh thức ông dậy, khơi dậy cho ông ý thức về tâm lý và luân lý. Kinh thánh cả Cựu ước lẫn Tân ước không phải lúc nào cũng đẩy các bà vào bếp. Kinh thánh đã nhìn nhận bao nhiêu phụ nữ đã cứu thoát dân tộc khỏi bị diệt vong: Raab, Đebôra, Rut, Ester, Giuđitta cho đến Sara, Miriam sát cánh với Abraham, Maisen. Đó là chưa nói tới miêu duệ của người đàn bà nói ở sách Sáng thế 3,15 và nhất là đức Maria trong Tân ước. Chúng ta có thể nhận thấy đường hướng đó ngay chính trong Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo ở các số 64 (các nữ ngôn sứ), 489 (những anh thư giải phóng dân tộc); cũng như những đoạn chú giải Kinh thánh của Đức Gioan Phaolô II trong tông thư "Mulieris Dignitatem". Tuy nhiên, vì đó là tác phẩm của một người đàn ông viết về đàn bà, cho nên chúng tôi không kể vào NTH. 

Một đóng góp không nhỏ của các phụ nữ cho khoa chú giải Kinh thánh là cảnh tỉnh cho hết mọi người rằng: mỗi người chúng ta đọc Kinh thánh với cái lăng kính của một tâm thức não trạng, do ảnh hưởng của văn hóa giáo dục. Mỗi người có khuynh hướng tìm trong Kinh thánh những đoạn văn biện minh cho tình trạng hiện tại, chứ ít khi dám thay đổi lăng kính để đọc Kinh thánh theo ý định nguyên thủy của Thiên Chúa. 

Như đã nói trên đây, NTH không phải chỉ giới hạn vào việc trình bày tư tưởng thần học cho chính xác hơn, nhưng còn muốn tìm ra những đường hướng cụ thể thực hành, tìm một chỗ đứng cho phụ nữ trong Kitô giáo: vấn đề không phải là hô hào vùng lên để thống trị nam giới, nhưng làm thế nào cả hai phái hòa giải với nhau, hợp tác với nhau để thực hiện kế họach của Thiên Chúa tạo dựng: cả nam cả nữ đều được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. 
-------

G. SEGALLA, L'ermeneutica biblica feminista, in: "Studia Patavina" 37 (1990) 585-599. M. PERRONI, Lettura femminile ed ermeneutica femminista del NT, in: "Rivista Biblica" 41(1993) 315-339. 

Bibliographia. Marie Thérèse van Lunen-Chenu / Rosino Gibellini, Donna e teologia, Queriniana, Brescia 1988.