Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

MỘT LỐI NHÌN THẦN HỌC…

Thời sự Thần học – số 17 – Tháng 9/1999, tr. 60-69


LTS. Để giúp suy tư về “một lối nhìn Thần học…” , TSTH xin chọn đăng “Phụ nữ với Thần học” và “Thần học theo một hướng mới” - Một lối hiểu sứ điệp Tin mừng, một cuộc đối thoại thực sự với Tin Mừng trong bối cảnh Châu Mỹ Latinh.

I. Phụ nữ với Thần học;

Lời dẫn: Chị Maria Clara Bingemer là một nữ thần học gia có uy tín trong phong trào Nữ Thần học tại Braxin, chị dạy Thần học tại Đại học Công giáo ở Rio de Janerio và tại Học viện Phanxico ở Retropolis. Dưới đây là cuộc phỏng vần chị dành cho Thông tấn xã Latinamerica về Nữ Thần học tại Châu Mỹ Latinh, một Thần học có khác với Nữ Thần học tại thế giới phát triển. 

* Chị định nghĩa thế nào về Nữ Thần học?

Bingemer: Đó là một nền thần học do phụ nữ xây dựng nên từ viễn cảnh của giới phụ nữ, và điều đó nằm trong tiến trình mở rộng phương pháp riêng của mình. Tính đến nay, thần học luôn luôn được thực hiện bởi cánh đàn ông - còn phụ nữ bị loại khỏi phạm vi khai mở thần học. Họ chỉ mới đi vào lãnh vực này gần đây thôi; điều này là có thực, đặc biệt là trong Giáo hội Công giáo; riêng các Giáo hội Tin lành đã có một số nhà thần học thuộc nữ giới. 

Tại Châu Mỹ Latinh, việc khai triển này lại càng mới mẻ hơn. Năm 1985, lần đầu tiên chúng tôi đã có một cuộc hội thảo của các nữ thần học gia ở cấp quốc gia, mà mục tiêu trước hết là đi tìm căn tính của chúng tôi; có 35 phụ nữ tham gia. Sang năm 1986, chúng tôi có cuộc hội thảo lần hai: 43 thần học gia nữ Công giáo và Tin lành đã tham dự và trình bày những bài tham luân, trong đó có một số rất có chất lượng. Phong trào này đang phát triển khắp Châu Mỹ Latinh và Thế giới Thứ ba, song có điều hơi khác với phong trào tại Thế giới Phát triển. 

* Có những khác biệt nào? 

Bingemer: Chúng tôi không có những đòi hỏi gì đặc biệt, tỉ như việc truyền chức cho phụ nữ hay việc phụ nữ nhận lãnh tác vụ, chẳng hạn. Đối với tôi, hình như đây là một trong những điểm được quan tâm nhất của phong trào nữ quyền Bắc Mỹ. Đối với chúng tôi, đây là một trong những vấn đề nhưng không phải là vấn đề chính yếu. Điều chúng tôi quan tâm nhất, đó là đi tìm đường lối riêng để làm thần học - từ việc chọn lựa những đề tài và những sự kiện để triển khai kiểu mẫu riêng của chúng tôi, một kiểu mẫu bao gồm tính nhạy cảm đối với công việc thần học đang khi vẫn duy trì được tính nghiêm túc của khoa học cần thiết. Chúng tôi muốn rằng cộng đoàn thần học thừa nhận công việc và cách thức hành động của chúng tôi, làm sao để công trình thần học của nữ giới ngày càng được lắng nghe hơn. Đó là lý do tại sao trong giai đoạn đầu chúng tôi làm việc cật lực để khai triển đề tài chuyên biệt về phụ nữ. Giờ đây, chúng tôi đã trở nên khác trước nhiều. Chúng tôi bắt đầu nhận thấy rằng cần phải làm việc với mọi đề tài thần học nhìn từ viễn tượng của nữ giới. 

* Theo Chị, thế nào là viễn tượng của nữ giới? 

Bingemer: Có nhiều yếu tố nằm ở đó. Ví dụ, cách thức mà chúng tôi đọc Kinh thánh thì mang tính chủ yếu cho việc khai triển thần học, vì điểm xuất phát của thần học chính là Kinh thánh. Kinh thánh luôn luôn được đọc và giải thích bởi cánh đàn ông - hơn nữa còn được viết bởi những người đàn ông trong nền văn hóa Do thái, vốn mang nặng tính cách phụ hệ. Những đề tài và những bản văn Kinh thánh được nêu lên thì luôn luôn là những gì mà phía đàn ông coi là quan trọng nhất. Giờ đây, giới phụ nữ bắt đầu nhấn mạnh và giải thích những bản văn Kinh thánh mà cho đến gần đây vẫn bị xếp vào hàng thứ yếu. Ví dụ ở chương đầu sách Xuất Hành (Xh 1,15-22), tả lại làm thế nào những bà đỡ người Ai cập đã cứu sống những đứa trẻ Do thái. Ví dụ khác là câu chuyện về Tamar và Judah (St 38,1-30); trong quá khứ thì biến cố này được coi như phản ảnh tiêu cực về phụ nữ, nhưng bây giờ nó được giải thích lại một cách tích cực như một cuộc chiến đấu của nữ giới biết sử dụng những phương sách sẵn có để đạt được một số quyền lợi trong một xã hội nô lệ họ đang phải sống. 

Tiếp đến, có một viễn cảnh của nữ giới trên con đường trình bày thần học. Một trong những vấn đề lớn nhất của thần học, đó là cuộc ly khai thường xuyên giữa thần học và linh đạo. Tôi tin rằng như thế thì cả hai đều bị thiệt hại. Linh đạo bị èo uột và thu gọn vào một mớ những việc sùng mộ lẻ tẻ, đang khi thần học lại trở nên trừu tượng và không còn nét hấp dẫn. Tôi cho rằng công việc thần học do nữ giới phụ trách thì có thể trả lại nét nhạy cảm, huyền bí và nên thơ nơi chiều kích thần học. 

Những yếu tố trên được hội nhập đầy đủ đang khi vẫn duy trì được nét nghiêm túc khoa học trong thần học. Phụ nữ có khả năng nghiên cứu thần học một cách mềm dẻo hơn, sống động hơn, cụ thể hơn đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Phụ nữ thì cụ thể hơn; họ ít bị ngăn cách hơn nhiều, và có khả năng hòa nhập nhiều hơn. Phụ nữ có thể cống hiến cho thần học tính cách hòa nhập đó. 

* Phải chăng về mặt mục vụ, phụ nữ làm việc một cách chuyên biệt hơn với chị em phụ nữ? 

Bingemer: Quả vậy, song không phải là tuyệt đối. Nhiều người trong chúng ta làm việc với những nhóm phụ nữ thuộc nhiều trình độ khác nhau - với những tổ chức dân thường, những nhóm theo nghiệp đoàn, v.v... Tiên vàn, những nhà thần học nữ cố gắng lảy ra một nền thần học phi hệ thống nơi những nhóm dân thường, một nền thần học đến từ ngôn ngữ đời thường của những chị em phụ nữ đó. Cảm nghiệm đức tin của họ, mà vốn là một phần hòa nhập nơi cuộc sống của họ, thì chất chứa đầy nội dung thần học có giá trị. Chúng tôi cố gắng lắng nghe, nắm bắt những yếu tố thần học đó và ráng sắp xếp chúng lại cho thành hệ thống. Nhưng chúng tôi không chỉ làm việc nguyên với phụ nữ; chúng tôi lưu ý đến chuyện không nên làm ngược lại một cách "máy móc" bằng cách tạo nên chỉ những nhóm phụ nữ hoặc chỉ làm việc với phụ nữ mà thôi. 

* Bên cạnh những vấn đề thần học, thì ngày nay trong Giáo hội, việc tranh đấu của phụ nữ còn có những khía cạnh nào khác? 

Bingemer: Có một cuộc chiến đấu để phát triển và thăng tiến. Chị em phụ nữ đang tiến hành và thành đạt. Những điều này, chỉ mới ít năm trước chưa hề nghe thấy. Ví dụ, cách đây một tháng, tôi được mời nói chuyện suốt một buổi sáng cho hội đồng Giám mục Braxin. Hơn thế nữa, các báo thần học đã công nhận công việc của chúng tôi và các nữ thần học gia đã được chấp nhận để đứng ra tổ chức những cuộc tĩnh tâm. Cuộc chiến đấu chưa ngừng đâu. Chúng tôi có tiến bộ đấy, song còn là cả một đường dài ở phía trước. Machismo (một kiểu “đàn ông thống trị”) đã ăn sâu nơi dân chúng; thành kiến chống lại phụ nữ đã xâm nhập rất sâu đậm trong nền văn hóa chúng ta và trong Giáo hội, nhưng cuộc chiến đấu của phụ nữ vẫn vững vàng tiến bước. Qua công việc, chúng tôi vẫn tiến tới; và theo ý kiến tôi thì đây là con đường mà Giáo hội phải bước lên để thực hiện một cuộc cải cách. Cuộc cải cách này không chỉ một sớm một chiều mà đạt được. Nhưng trước hết, những cải cách phải được công nhận trong thực hành và sau cùng cần phải được chính thức thừa nhận. 

* Chị thấy thế nào về mối tương quan giữa Machismo với một xã hội mà có nó hiện diện ? 

Bingemer: Chúng ta thừa hưởng một truyền thống phụ hệ từ truyền thống Do thái. Hơn nữa, chủ nghĩa tư bản, mà chúng tôi đang sống hiện nay vốn là kiểu mẫu xã hội chịu ảnh hưởng bởi machismo, tự nền tảng là một hệ thống thống trị. Việc một giới phái bị giới phái khác thống trị về mặt chính trị, kinh tế và xã hội, đó là một trong những yếu tố đặc biệt của việc thống trị theo kiểu tư bản chủ nghĩa. 

* Liệu những thay đổi trong cấu trúc xã hội có dẫn đến việc thay đổi những mối tương quan giữa đàn ông và đàn bà? 

Bingemer: Các bạn thấy đấy, lịch sử chỉ ra rằng những mối tương quan đó đã không thay đổi nhiều lắm nơi những xã hội theo chủ nghĩa xã hội. Những mối tương quan giữa đàn ông, đàn bà có thể được cải thiện dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, song chúng tôi thấy rằng giới đàn ông vẫn còn thống trị ở đó. Tôi tin rằng một kiểu mẫu xã hội chủ nghĩa được thích nghi cho Braxin và Châu Mỹ Latinh đã manh nha hình thành. Không một kinh nghiệm xã hội chủ nghĩa nào hiện có lại có thể tái hiện được ở đây. Ngay cả trường hợp xảy ra cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, thì cuộc chiến đấu chống lại một giới phái thống trị cần phải có mối tương quan chặt chẽ với mọi cuộc chiến đấu khác nhất định xảy đến để kiến tạo một xã hội mới. Chỉ lúc đó chúng ta mới có thể nói rằng một cuộc cách mạng thực sự đã xảy ra. 

* Đâu là những mối quan tâm chủ yếu của các thần học gia ủng hộ nữ quyền tại Braxin ngày nay? 

Bingemer: Tôi tin rằng điều cốt yếu là phải nghiên cứu chân dung Đức Maria, bởi vì trong Kitô giáo, Đức Maria luôn luôn được coi như kiểu mẫu tối thượng cho phụ nữ. Song Đức Maria lại là một kiểu mẫu quá gây “nản chí” bởi vì người ta không tài nào hoàn toàn nên giống Người được - thứ nhất, bởi bì Người vừa là một trinh nữ vừa là một bà mẹ; và thứ hai, bởi vì Người được coi là con người luôn nói "xin vâng". Chúng ta cần phải khám phá lại toàn bộ huyền nhiệm đầy năng lực, sự phong phú nơi nhân cách, tính nhân loại và chiều kích biểu tượng bao quanh lấy Đức Maria trong Kinh thánh. 

Như mọi phụ nữ xuất hiện trong Kinh thánh, Đức Maria đã được coi như một biểu tượng của con người, có khả năng mở rộng lòng mình trước mặc khải của Thiên Chúa và khai sinh sự sống. Maria xuất hiện trong Tân ước như một biểu tượng của Israel trung tín có khả năng sinh ra một Israel mới - Đức Giêsu Kitô. Mẹ xuất hiện như con người mang lấy lời nói "có" của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại, đồng thời Mẹ cũng được coi như lời nói "không" của Thiên Chúa trước bất công. Làm việc với hình ảnh của Đức Maria sẽ giúp rất nhiều cho các phụ nữ khi họ đấu tranh để có một chỗ đứng xứng đáng trong Giáo hội. 

Một lãnh vực quan trọng khác cần khai triển, đó là một nền thần học về Chúa Thánh Thần. Trong nền thần học Châu Mỹ Latinh, người ta chú trọng đến Kitô học và Giáo hội học, đặc biệt là Kitô học. Đến một lúc nào đó cần phải bảo vệ sử tính của Đức Giêsu, song khi làm như vậy, tôi tin rằng sự cân bằng đã bị phá đổ. Trong khi quá chú trọng đến Đức Giêsu của lịch sử thì, thật đáng ngạc nhiên, các thần học gia lại bỏ qua những chiều kích sáng tạo của Chúa Thánh Thần. 

Sau cùng, chúng tôi phải khai triển toàn bộ lãnh vực linh đạo. Lựa chọn đứng về phía người nghèo không phải là do bực tức, phẫn nộ “mang tính đạo đức” trước những thực tế; nhưng lựa chọn đó cũng còn được phát sinh bởi kinh nghiệm nhưng không của việc khám phá ra Đức Chúa nơi gương mặt của người nghèo. 

II. Thần học theo một hướng mới 

Lời dẫn: Robert McAfee Brown, một giáo sư Thần học tại Union Theological Seminary, New York; Macalester College, St. Paul, Minesota; và Stanford University California đã cố gắng tìm ra “Một lối hiểu sứ điệp Tin mừng, một cuộc đối thoại thực sự với Tin mừng”
.
Nếu sứ điệp Kinh thánh bao gồm một khuynh hướng đi về phía người nghèo, đó nhất định phải là khuynh hướng mà các độc giả Kinh thánh thời nay phải họa lại. Nếu sứ điệp Kinh thánh có nghĩa "nhận biết Thiên Chúa tức là thực hành công chính", thì làm điều công chính phải là "sự dấn thân" qua đó các độc giả Kinh thánh thời nay nhận biết được Thiên Chúa.
Chúng ta có thể minh họa một giải thích về dấn thân hơn là chỉ miêu tả nó. Đoạn văn sau là báo cáo có thực trong đó chỉ có một số chi tiết đã được thay đổi để tránh những việc nghi ngờ đến một số cá nhân đặc biệt. Tại một xứ ở Trung Mỹ, ở đó các nhà lãnh đạo Giáo hội bị bách hại ghê gớm, có một số Linh mục muốn chia sẻ số phận với người nghèo, sống trong những khu nhà ổ chuột của thành phố lớn, làm bất cứ công việc gì (quét đường, sơn nhà cửa) để trả tiền ăn uống và thuê nhà, và điều khiển chương trình "phụng vụ Chúa nhật" không chính thức, ở đó dân chúng giải thích những biến cố trong tuần qua, và các linh mục nối kết những biến cố đó với những đoạn Kinh thánh tương ứng. Có một cuộc trao đổi đại khái như sau:
Linh mục: Hôm nay ngày 12 tháng 9. Ngày này có nghĩa gì đặc biệt với bạn chăng? 

Trả lời: Cách đây 3 năm Allende đã bị giết chết ở Chilê và dân Chilê đã bị mất nhà lãnh tụ của họ. Bây giờ, họ đang phải chịu sự đàn áp. 

Trả lời: Cái chết của Allende làm tôi nghĩ đến cái chết của Mao. 

Trả lời: Những cái chết của họ làm tôi nghĩ đến cái chết của Martin Luther King. 

Linh mục: Tại sao các bạn lại nghĩ đến cái chết của ba người đó? 

Trả lời: Bởi vì cả ba người đó đều liên quan đến những dân tộc bị áp bức. 

Linh mục: Tại sao ngày này lại chỉ nhắc cho bạn về cái chết mà thôi? 

Trả lời: Đúng ra, hôm nay cũng là ngày Lễ kính thánh danh Đức Maria. Vậy ngày này cũng làm tôi nhớ tới Ngài. 

Linh mục: Vậy có mối liên quan nào giữa Allende, Mao, và Luther King với Đức Maria? 

Trả lời: Tôi cho rằng điều đó còn tùy việc Đức Maria có liên quan đến những dân tộc bị áp bức đó hay không. 

Linh mục: Xin cho phép tôi đọc một phần bài ca của Đức Maria, bài Magnificat, trong phần đầu của Tin mừng Luca: "(Thiên Chúa) dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng". 

Trả lời: Hoan hô! Nhưng thưa cha, điều đó chẳng thấy giống với Đức Maria mà chúng tôi thường nghe nói đến trong nhà thờ. Và Đức Maria trong "ảnh thánh" nhất định không giống như con người vừa nói lên như thế. 

Linh mục: Hãy kể cho chúng tôi về Đức Maria trong các ảnh thánh. 

Trả lời (đưa ra một mẫu ảnh): Đây, Đức Mẹ đây. Người đứng ở trên mặt trăng hình lưỡi liềm, đầu đội triều thiên, đeo nhẫn đầy tay. Người còn khoác một áo choàng xanh được nạm vàng nữa. 

Linh mục: Xem ra điều đó chẳng giống gì với Đức Maria của bài ca trên! Bạn có cho rằng mẫu ảnh đó đã phản lại Đức Maria của bài ca? 

Trả lời: Đức Maria lên tiếng rằng Thiên Chúa "đã nâng những người hèn mọn lên" thì không nên bỏ rơi tất cả những bạn hữu của Ngài để lên “đậu” trên mặt trăng. 

Trả lời (cả nhóm): Lôi cổ bà ấy xuống khỏi mặt trăng! 

Trả lời: Đức Maria, con người lên tiếng rằng Thiên Chúa "hạ bệ những ai quyền thế" thì không nên đội triều thiên. 

Trả lời (cả nhóm): Tước vương miện đi! 

Trả lời: Đức Maria, con người lên tiếng rằng Thiên Chúa "để người giàu có trở về tay không" thì không nên đeo nhẫn đầy tay. 

Trả lời (cả nhóm): Lột những chiếc nhẫn ra ngay! 

Trả lời: Đức Maria, con người lên tiếng rằng Thiên Chúa "ban cho kẻ đói nghèo được đầy dư" thì không thể để cho dân chúng phải chịu đói khổ, còn mình thì mặc áo gấm có nạm vàng. 

Trả lời (cả nhóm): Lột ngay áo choàng ra! 

Trả lời (đau đớn): Nhưng thưa cha, điều này là không được rồi. (Giọng bối rối) Chúng... ta, chúng... ta thoát y Đức Mẹ mất. 

Linh mục: Được lắm, nếu các bạn không thích lối trình bày Đức Mẹ trong mẫu ảnh này, vậy các bạn nghĩ Đức Maria của bài ca phải như thế nào? 

Trả lời: Đức Maria của bài ca không nên đứng trên mặt trăng. Người nên ở chốn bụi bặm bẩn thỉu mà chúng ta đang ở đây. 

Trả lời: Đức Maria của bài ca không nên đội triều thiên. Người nên đội chiếc nón cũ như chúng ta đây, để giữ cho ánh nắng mặt trời khỏi làm cho Người bị xỉu. 

Trả lời: Đức Maria của bài ca không nên đeo nhẫn. Người cũng nên có những bày tay xù xì như chúng ta. 

Trả lời (bối rối): Thưa cha, nói như vậy có vẻ gớm quá, nhưng lại cho thấy Đức Maria trông giống như tôi! Chân tôi thì bẩn, nón của tôi thì cũ, tay của tôi thì thô ráp, và áo quần của tôi thì rách bươm. 

Linh mục: Không, tôi không nghĩ nói như thế là ghê gớm. Tôi nghĩ rằng Đức Maria mà tất cả các bạn vừa miêu tả thì giống Đức Maria của Kinh thánh hơn là Đức Maria mà chúng ta nghe nói đến trong nhà thờ và nhìn thấy nơi các ảnh thánh. 

Trả lời: Tôi nghĩ rằng ngài đã cư ngụ trong khu nhà lụp xụp với chúng tôi hơn là ở nơi nhà thờ hoặc ở Dinh Ông Tướng. 

Trả lời: Tôi nghĩ rằng sứ điệp của ngài thì hứa hẹn cho chúng ta hơn là cho các con người đó. Họ cao sang phú quý, còn Đức Mẹ thì nói rằng Thiên Chúa hạ những người quyền thế khỏi ngai vàng và để người giàu có trở về tay không. 

Trả lời: Và chúng ta đang ở đáy “sình lầy” và rất đói khổ, nhưng Đức Mẹ nói với chúng ta rằng Thiên Chúa nâng những người hèn mọn lên và làm cho kẻ nghèo đói được của cải đầy dư. 

Linh mục: Giờ thì chúng ta hãy xét coi, chúng ta phải làm gì để có thể bắt đầu giúp cho Thiên Chúa thực hiện những điều đó? 

K'Bao chuyễn ngữ