Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VỀ CON NGƯỜI

(Thời sự Thần học – Số 11 – Tháng 3.1998, tr. 21-34)

Bình Hòa

Khi trình bày về con người, Kinh thánh không có chủ ý cống hiến cho ta một thiên tâm lý học hay siêu hình học về con người; nhãn giới riêng biệt của Kinh thánh là con người nhìn trong tương quan với Thiên Chúa. Bài này tiếp tục lịch sử của tư tưởng Kitô giáo về con người. 

I. Các giáo phụ 

Trong khi rao giảng truyền Tin mừng cho thế giới, các giáo phụ đã gặp phải văn hóa Hy lạp, với những quan điểm về con người và vũ trụ khác với quan điểm của Kinh thánh. Vũ trụ của văn hóa Hy lạp có tính cách khép kín, theo nghĩa là nó cố gắng tìm ra các lý lẽ giải thích lý do sự hiện hữu của cả vũ trụ lẫn con người trong bản chất nội tại của nó. Trong khung cảnh đó, Thượng đế chỉ là một ý tưởng trừu tượng chứ chẳng có ảnh hưởng gì tới hoạt động của con người hết. Vũ trụ này được điều hành do một cái Lý phổ quát (Logos), và con người cần phải biết khám phá ra cái Lý của vũ trụ, bởi vì con người phản ánh tiểu vũ trụ. Thái độ của các Kitô hữu trong những thế kỷ đầu tiên đối với văn hóa Hy lạp có thể phân thành ba khuynh hướng. 

Một nhóm thiểu số đã tẩy chay văn hóa xem ra vô thần ấy. 

Một khuynh hướng khác đã bị văn hóa ấy đè bẹp, tạo ra lạc giáo gọi là “ngộ đạo” (gnostique): họ chủ trương rằng sự cứu rỗi hệ tại tri thức mà con người có thể cố gắng đạt tới. 

Một khuynh hướng khác chấp nhận đối thoại với nền văn hóa này, với những rủi ro của nó. Tượng trưng của phái này là các giáo phụ ở Alexandria, thí dụ khi họ cố gắng giải thích cái Lý (Logos) của các nhà triết học Hy lạp theo nghĩa là Đức Kitô “Lời” (Logos) tạo dựng và nhập thể mà thánh Gioan nói tới. Thiết tưởng cũng nên biết là khi nói đến tư tưởng Hy lạp vào thời nay thì phải hiểu là khi nói đến tư tưởng Hy lạp vào thời này thì pahỉ hiểu là tư tưởng của Platon, đến nỗi cũng chấp nhận thuyết nhị nguyên của ông, theo đó chỉ có linh hồn mới đáng giá, còn thân xác chỉ là cái tù ngục vật chất hèn hạ mà linh hồn cần phải giải thoát. Dù sao thì do ảnh hưởng của tư tưởng Hy lạp, con người không còn được coi như một toàn bộ duy nhất như trong quan niệm Do thái nữa: con người gồm có hai yếu tố tách biệt, một đàng là hồn thiêng bất tử, và đàng khác là thân xác vật chất. 

Sau đây là những đề tài chính của các giáo phụ bàn về con người. 

1) Con người là hình ảnh của Thiên Chúa 

Có thể coi đây như là chân lý nền tảng của Kitô giáo về con người. Thế nhưng phải hiểu nó như thế nào? Ta nhận thấy có những câu trả lời khác nhau. Các giáo phụ Alexandria cho rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa bởi vì nó có lý trí; hình ảnh đó được in vào trong linh hồn. Thánh Augustinô thì coi là hình ảnh của Thiên Chúa theo nghĩa là phản ánh sự thông hiệp của Ba ngôi Thiên Chúa, nhờ đó những quan năng nội tại: ký ức, trí hiểu và ý chí (hoặc: mens, notitia, amor). Còn Ireneô và Tertulliano thì cho rằng con người là hình ảnh của Thiên Chúa xét vì nó giống với Đức Kitô, hình ảnh của Thiên Chúa, Ngôi Lời làm người. 

Dù sao, các giáo phụ cũng không quên rằng: hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người không còn được nguyên tuyền trong sáng nữa, nhưng nó đã bị rách nát, mờ đục sau khi con người phạm tội. 

2) Con người trong lịch sử cứu rỗi 

Tuy rằng không phải lúc nào giáo phụ cũng duy trì chiều kích lịch sử (xét vì triết học Hy lạp thiên về lý luận bản thể siêu hình hơn là lịch sử tính), nhưng sự thực không thể chối cãi là Kinh thánh đã cho thấy con người không còn giữ được bản chất nguyên tuyền như khi tạo dựng, song nó đã sa ngã và đã được Đức Kitô cứu chuộc. Một cách đại khái, có thể nói rằng hai khuynh hướng khác nhau khi bàn về thần học lịch sử cứu rỗi. 

Khuynh hướng thần học Đông phương chú trọng tới khía cạnh tích cực, theo nghĩa là nhìn con người được thần linh hóa nhờ ơn thánh sủng; 

bên Tây phương, do ảnh hưởng của Augustinô, thì nói tới khía cạnh tiêu cực, nghĩa là tội lỗi với những thương tích gây ra cho tâm lý. Trong cuộc tranh luận với Pêlagiô, nhằm đề cao sự cần thiết của ơn thánh. Augustinô đã trình bày cái nhìn khá đen tối về khả năng tự do của con người, bị xâu xé do các đam mê dục vọng lại còn bị đè nặng bởi tội nguyên tổ nữa. Tuy nhiên Augustinô không dừng lại ở chỗ đó: tình trạng tội lỗi càng đen tối bao nhiêu thì ảnh hưởng của ơn thánh lại càng nổi bật bấy nhiêu; ơn thánh đã tái tạo con người giúp cho con người sống thực nhân tính của mình. 

3) Dĩ nhiên, dù khi có dùng các khái niệm của triết học Hy lạp để tìm hiểu về con người (thí dụ: bản chất, bản thể, quan năng), các giáo phụ luôn luôn trình bày con người như là thụ tạo luôn hướng về Thiên Chúa. Chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm được hạnh phúc, theo như lời thánh Augustinô: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa: trái tim con sẽ mãi bồn chồn boa lâu chưa an nghỉ trong Chúa”. 

II. Kinh viện Trung cổ 

Các giáo phụ nói chung cảm thấy dễ đối thoại với tư tưởng của Platon, vì triết gia này nghiêng về những thực thể thiên giới và cõi trần gian vật chất này chỉ là rác rưởi bất toàn. Thế nhưng vào thời Trung cổ, Âu châu bị quyến rũ bởi một nền triết học mới được du nhập, đó là tư tưởng của Aristote. Triết gia này đề cao giá trị của vũ trụ vật chất, thực tại hữu hình, cũng như đề cao vai trò của cá nhân, của thân xác. Thoạt tiên, xem những tư tưởng đó có tính cách vô thần duy vật, trái ngược với Kitô giáo. Nhưng thánh Tommasô đã nhận thấy những chân lý trong đó, và đã chấp nhận nó để viết ra một thiên khảo luận triết học và thần học về con người. 

Những luận đề chính của triết học về con người có thể tóm lại như sau: 

1. Con người là một hợp thể gồm bởi hồn và xác 

Nhờ có yếu tố tinh thần, mà con người hiện hữu như là một nhân vị duy nhất, có phẩm giá cao quý vì được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng. Linh hồn thiêng liêng bất tử, nhưng kết hợp với thân xác thành một bản thể. Linh hồn hoạt động qua các quan năng, đặc biệt là lý trí và ý chí. Tuy nhiên, những ý tưởng của lý trí không phải do thiên phủ nhưng do sự trừu xuất từ những hình ảnh mà giác quan cung cấp. Nên lưu ý là thánh Tommaso nhấn mạnh tới con người như là một hợp thể gồm cả xác cả hồn. Linh hồn không hiện hữu trước khi có con người (và đây là điểm khác với thuyết của Platon). Linh hồn và xác gắn bó với nhau cho đến nỗi thánh Tommaso nói tới khát vọng tự nhiên của thân xác được sống lại, bởi vì linh hồn sẽ bất toàn khi tách rời khỏi thân xác. – Con người là một chủ thể luân lý, hoạt động có trách nhiệm tự do, biết dùng suy luận để cân nhắc các lý lẽ trước khi hành động, và ý chí để điều khiển các hành vi. Con người hướng về hạnh phúc, tìm cách đạt đến sự thiệ tuyệt đối. 

2. Con người không phải là một tiểu vũ rtụ khép kín 

Sau khi đã bàn tới bản chất của con người, thánh Tommasô đã lồng nó trong tương quan với Thiên Chúa, đáng Tạo thành và Hạnh phúc của con người. Thánh Tommasô biết rằng Kinh thánh đã nói tới con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa; nhưng ngoài thế giá của mặc khải, thánh Tommasô đã cố gắng đi vào trong chính bản tính con người để cho thấy rằng cơ cấu của con người tự nó hướng về Thiên Chúa. Con người mở rộng về Thiên Chúa: “homo capax Dei”, một thành ngữ của thánh Augustinô (De Trinitate, lib XIV, c.8: PL 42,1044) được thánh Tomamasô khai triển (I-II, 113, 10/ Sách Giáo Lý Hội Thánh công giáo dùng làm tựa đề cho chương mở đầu). Con người mở rộng tới Thiên Chúa bởi vì con người luôn khao khát đạt tới chân lý thực tại và sự thiện toàn mỹ. Con người tìm về Thiên Chúa không phải chỉ vì muônd thỏa mãn óc lý luân muốn biết nguồn gốc của vũ trụ, nhưng còn vì muốn được hạnh phúc, sự thiện tuyệt đối (homo capax summi boni: I,93,2,3m; - capax perfecti boni: I.II, 5,1; - capax vitae aeternae: II-II, 25,3 2m). Dựa trên sự phân tích ấy, thánh Tommaso cho rằng giữa lý trí và đức tin không có gì là mâu thuẫn; cũng như giữa bản nhiên (natura) và ân sủng (gratia) không có gì đối chọi. Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh mình, đã muốn thông truyền sự tốt của mình cho con người, và đã mời gọi con người vào chia sẻ hạnh phúc với mình. 

3. Trong bối cảnh của mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, mà thánh Tommaso lồng tất cả những đề tài của lịch sử cứu rỗi. Thiên Chúa đã ban cho nguyên tổ con người tất cả những khả năng cần thiết để có thể đạt tới cứu cánh tối hậu của mình (thông hiệp với Thiên Chúa, qua việc hiểu biết mếm yêu Ngài). Nhờ sống trong sự thông hiệp đó, mà con người duy trì được tất cả các mối liên hệ theo trật tự: lý trí tùng phục Thiên Chúa, các cơ năng hạ đẳng suy phục ý chí, ý chí tùng phục trí, thân thể tùng phục linh hồn. Thế nhưng tội lỗi đã làm xáo trộn tất cả trật tự đó: không những Adong đã mất đi những ơn huệ tình nghĩa với Chúa, nhưng mất cả sự kiểm soát trên các quan năng của mình. Vì thế mà trong tình trạng sa ngã, con người mang nhiều thương tích. Nhưng thánh Tommaso cũng thêm rằng hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người vẫn không bị tiêu diệt con người vẫn còn có khả năng tìm tới chân lý và làm điều thiện nhất là trong Đức Kitô. Thiên Chúa đã chữa trị con người nhờ ân sủng và Thánh Thần, nhờ vậy mà con người được sống trong tương giao thân mật với Thiên Chúa, và được trang bị với các nhân đức để có thể đạt tới cứu cánh tối hậu. 

III. Con người trong các nền triết học cận đại 

Jacques Maritain (Trois Réformateurs: Luther, Descartes, Rousseau, Paris 1961) cho rằng muốn hiểu các quan niệm triết học hiện đại về con người thì cần phải lui về thế kỷ 14, với thuyết duy danh (nominalisme) cảu Guillaume Occam (1295-1350). 

Thuyết duy danh đã dẫn tới thái độ bi quan về tư tưởng cũng như thái độ bi quan về thần học. Tại sao gọi là bi quan về tư tưởng? Tại vì con người không còn nắm chắc thực tại ngoại giới cũng như không còn nắm chắc khả năng của trí tuệ, cho nên chỉ còn biết quay về những gì sờ sờ trước mặt, quay về với chính mình, nghĩa là hướng nội và chủ quan. Tại sao gọi là bi quan về thần học? Tại vì Thiên Chúa cai quản vũ trụ theo ý chí độc đoán chứ không dựa trên trí tuệ sáng suốt, cho nên con người chỉ biết cúi đầu tuân lệnh chứ không thể dùng lý trí của mình để tìm hiểu đường lối của Ngài. Điển hình của hai khuynh hướng đó là Lutêrô và Kant. Ta có thể coi Martin Lutêrô (1483-1456) như tiêu biểu của thuyết bi quan thần học, bởi vì Lutêrô chủ trương rằng con người cần phải sống trong sự tín thác mù quáng nơi Thiên Chúa (fides fiducialis), biết rằng mình luôn là thân phận tội lỗi: sự công chính hóa không làm thay đổi bản tính sa đọa của con người. Lý trí và ý chí chỉ có giá trị khi xử sự các thực tại trần thế; nhưng chúng bất lực khi đụng chạm tới những thực tại thần linh; nói khác đi, con người chỉ tiếp xúc với Thiên Chúa qua đức tin ; chứ lý trí trở thành co tích sự. Còn về phía triết học, thì Emmanuel Kant (1724-1804) cho rằng con người không thể dùng trí tuệ để đạt tới bản thể của vạn vật, lại càng không thể dùng trí tuệ để hướng tới Thiên Chúa. Có thể nói rằng các luồng triết học hiện đại về con người đã chịu ảnh hưởng sâu đậm từ hai khuynh hướng vừa nói, nghĩa là coi con người làm trung tâm của mọi tư duy, nhưng trung tâm ấy đã cắt đứt hết liên hệ với chân lý khách thể ngoài giới cũng như cắt đứt khỏi Thiên Chúa. Thiên Chúa trở nên xa vời: chúng ta chỉ có thể dùng đức tin để đến với Ngài chứ không thể dùng ngoại vật hay lý trí để gặp Ngài. Và có thể nói rằng đây là thảm trạng của tư tưởng hiện đại về con người: xét vì một đàng con người được đặt làm trung tâm hay chóp đỉnh cảu vũ trụ: nhưng đồng thời con người ấy rất cô đơn, vì giam hãm trong cái lồng của chính mình, xét rằng nó không thể thông thường với ngoại giới hay với thượng giới bằng trí tuệ. Thực ra, đã có những người cảm thấy ngột ngạt trong cái chuồng mà triết gia Emmanuel Kant đã đặt ra, và vì thế họ muốn vượt ngục. Chẳng hạn như thuyết duy tâm của Hegel. Đang khi mà Kant cho rằng con người chịu thúc thủ không thể hiểu thấu được bản chất của vạn vật, thì Hegel cãi lại rằng con người đâu có chịu bó tay như vậy. Theo Hegel, van vật cũng như lịch sử là do Ý tưởng tạo ra. Ludwig Feuerbach (1804-1872) tiến thêm một bước nữa, và quả quyết rằng cái Ý tưởng siêu việt của Hegel chính là con người: không phải là Thiên Chúa đã tạo ra con người, nhưng con người đã tạo ra Thiên Chúa. Kart Marx (1818-1883) sẽ bổ túc thêm cho Feuerbach, khi nói rằng vai trò của triết học không phải là giải thích thế giới nhưng là biến đổi thế giới qua các cuộc cách mạng. Do đó thế giới không phải do Thiên Chúa tạo thành nhưng là do con người làm nên; cái thế giới này vẫn chưa hoàn tất nhưng còn cần được nhào nặn từ những cuộc cách mạng xã hội. 

Những điều vừa nói cho thấy rằng những tư tưởng chủ chốt của triết học cận đại về con người không chỉ giới hạn vào phạm vi lý thuyết, nhưng đã lôi kéo theo những hệ luận quan trọng về chính trị xã hội, khi đi từ Kant qua Hegel cho tới Marx. Một hệ luận khác không kém quan trọng là những phân mảnh giữa những kiến thức về con người. Kant đã phủ nhận khả năng của trí tuệ trong việc đạt tới bản chất của vạn vật; do đó mà những kiến thức chỉ giới hạn vào những quan sát hiện tượng bên ngoài, hoặc những cảm nghiệm giác quan, chứ không thể thấu đáo cái lý của vạn vật được. Vì thế không còn có những chân lý hằng cửu, mà chỉ có những định luật quy nạp rút từ quan sát các hiện tượng, các cảm nghiệm: cái gì không thể kiểm chứng bằng thực nghiệm thì không có giá trị. 

IV. Con người trong các khoa học nhân văn 

Bên cạnh ảnh hưởng của Kant về giá trị của tri thức, một tác giả khác đã gây tác dụng không nhỏ tới quan niệm về con người trong tư tưởng cận đại là Descartes (1596-1650). Descartes đã xé lẻ con người ra làm hai phần: hồn một bên, xác một bên” hai bên biệt lập hoàn toàn, không có liên lạc gì với nhau hết: hồn không cần tới thân xác, không cần tới giác quan; những kiến thức của hồn là do thiên phủ. Dĩ nhiên quan niệm như vậy không những đã xé lẻ con người, mà còn mang tới những hậu quả không kém phần tại hại, thí dụ: sự hạ giá thân xác: sự tách biệt ý tưởng và linh hồn khỏi thế giới hữu hình. 

Như thế có thể nói rằng trong tư tưởng Âu châu hiện đại, không còn tìm thấy một hình ảnh nguyên vẹn về con người nữa. Một đàng con người bị cắt đứt khỏi Thiên Chúa; đàng khác con người bị cắt đứt khỏi ngoại giới cũng như bị phân tán trong chính bản thân của mình, khi mà khả năng suy tư của lý trí bị hạ giá, nhường chỗ cho những cảm nghiệm giác quan. Descartes đã tách hồn ra khỏi xác: hồn không cần tới xác. Đối lại, xác cũng chẳng cần tới hồn nữa. Các khoa học quan sát nhân văn hiện đại không cần biết tới hồn là gì; con người là một cái máy có thể quan sát, đo lường, phân tích giống như bao nhiêu vật khác. Hơn thế nữa, cái máy đó có thể điều chỉnh lại, và điều khiển theo các kế hoạch do chính các nhà khoa học đã vạch ra. Ta có thể thấy quan niệm ấy đàng sau các khuynh hướng tâm lý học thực nghiệm quen gọi là “phản xạ học” (reflex). “Vân hành thuyết” (behaviourism), theo đó con người phản ứng lại dựa theo các sự kích thích bên ngoài vì thế ta có thể điều khiển sự phản ứng bằng cách tác dụng trên các kích thích. Lúc đầu những thí nghiệm đã thực hiện trên bình diện phản xạ giác quan, nhưng sau đó nó được mở rộng đến mức độ đại chúng, áp dụng vào cả lãnh vực tác phong, tư tưởng. Các nàh quảng cáo thương mại cũng như các tổ chức tuyên truyền chính trị đều biết sử dụng khí giới đó. Ngoài ngành tâm lý thực nghiệm, ta cũng có thể nhận quan niệm con người như cái máy (động cơ) trong các ngành khoa học nhân văn khác. Thí dụ ngành tâm phân của Freud cho rằng con người luôn chịu ảnh hưởng của những xung lượng thúc đẩy: ta càng kiềm chế nó thì càng gây ra căng thẳng thần kinh; còn nếu biết để cho họ lèo lái thì sẽ thoải mái. Về phía xã hội, theo khuôn mẫu của Emile Durkheim, con người cũng là sản phẩm của xã hội, chịu ảnh hưởng của tập tục xã hội hay của văn hóa: vô phúc cho ai muốn tỏ ra lập dị không chịu đi vào khuôn khổ, bởi vì hắn sẽ bị đào thải hay đè bẹp. 

Phải khách quan ghi nhận rằng những khoa học thực nghiệm về con người đã giúp chúng ta hiểu biết hơn về con người. Sự hiểu biết của khoa học thực nghiệm có tính cách khách quan hơn nhờ phương pháp quan sát, xếp loại, phân tích, kết luận. Nhưng người ta lo ngại rằng những khoa học thực nghiệm về con người sẽ đưa đến chỗ tiêu diệt con người nếu chỉ coi nó như là cái máy không hơn không kém; khi mà đời sống tinh thần, phẩm giá, nhân vị, tự do chỉ là những từ ngữ rỗng tuếch. Tuy nhiên, thay vì la ó phản đối, chúng ta nhận thấy rằng một quan niệm triết học lệch lạc về con người, khởi sự từ Descartes, đã có thể dẫn tới những hậu quả mà có lẽ ông ta không lường được. Đối lại một tư tưởng đứng đắn về con người, nhìn dưới ánh sáng mặc khải, cũng sẽ có những tác dụng không nhỏ đối với hạnh phúc con người, làm sao cho con người nhận ra rằng nó không phải là sản phẩm của vật chất và sẽ trở về với vật chất nhưng nó có khả năng tinh thần vượt lên trên vật chất. Hơn thế nữa, nó đã được Thiên Chúa dựung nên để hưởng đời sống bất diệt. Thiên Chúa không phải là đối thủ của con người, song là hạnh phúc của con người, giúp cho con người tìm thấy phẩm tính cao quý của mình, vượt lên trên cái phù dung. Cũng dưới ánh sáng mặc khải, chúng ta khám phá không những là giá trị của tâm linh và tự do, mà cả giá trị của thân xác, giá trị của phái tính nam nữ, giá trị của tính bằng hữu xã hội. Phải thú thực rằng, trong quá khứ, không thiếu lần thần học đã chịu ảnh hưởng của Kant và của Descartes hơn là trung thành với Kinh thánh, chẳng hạn như khi thần học chỉ chú trọng tới hồn thiêng bất tử và coi thân xác như là tù rạc của linh hồn, hoặc khi không biết đánh giá vũ trụ và lý trí như con đường dẫn tới Thiên Chúa, khi không biết cách hòa hợp triết học, tư tưởng, khoa học với đức tin. 

V. Thần học về con người theo công đồng Vaticano II 

Thoạt tiên xem ra đề tài này có vẻ gượng ép, bởi vì công đồng Vaticano II không có xuất bản văn kiện nào mang tựa đề là “con người” mà chỉ có những văn kiện nói về Mặc khải. Phụng vụ, Giáo hội, v.v… Nhưng sự thực không phải như vậy. Một đàng công đồng không bàn những chuyện vu vơ trên không khí nhưng là những vấn đề của thời đại hôm nay, nói với con người hôm nay: vì thế công đồng rất chú ý tới con người. Đàng khác, công đồng đã dành ra hai văn kiện để nói tới con người. 

1. Hiến chế Hội thánh trong thế giới hôm nay (quen gọi là: “Vui mừng và Hy vọng”) đặt tựa đề cho phần thứ nhất là: “Hội thánh với thiên chức của con người”, và phần còn lại bàn tới vài vấn đề khẩn trương của con người thời đại. 

2. Tuyên ngôn về tự do tín ngưỡng mang tựa đề là Dignitatis humanae (Phẩm giá con người), bởi vì coi nó như một yêu sách của con người thời đại, ý thức rõ rệt hơn về phẩm giá của mình, cách riêng về sự bất khả xâm phạm của lương tâm. Con người thời đại đòi hỏi phải được đông theo sáng kiến của mình thì hành tự do trách nhiệm chứ không bị ai cưỡng bách. 

Ta có thể nói rằng hai văn kiện ấy đã cung cấp cho thần học (thậm chí cho cả thế giới) quan điểm của Kitô giáo về con người, không phải là con người trừu tượng, nhưng là con người bằng xương bằng thịt, sống trong lịch sử, sống giữa xã hội, kiến tạo thế giới bằng sức lao công. Con người ấy kiêu hãnh vì bao nhiêu công trình khoa học ký thuật, nhưng đồng thời luôn bị khắc khoải bởi những câu hỏi sau đây ám ảnh: 

“Con người là cái chi? 
tại vì đâu mà đau khổ, ác ôn, chết chóc 
vẫn tồn tại bất chấp mọi tiến bộ? 
các công việc mà mình làm có giá trị gì hay không? 
số mạng con người sẽ ra sao? 
tại sao con người bị xâu xé trong thâm tâm 
giữa ý muốn làm điều tốt 
và khuynh hướng chiều theo cái xấu? 
chết rồi thì đi đâu?” 

Công đồng Vaticano II muốn trả lời cho những thắc mắc hiện sinh đó, muốn tỏ cho con người biết thân phận của con người vừa thiêng liêng cao quý nhưng cũng mỏng manh yếu ớt. Chúng ta có thể đọc thấy trong phần thứ nhất của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng một sư điệp về con người, bàn về phẩm giá cao quý vì được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, được mời gọi thông hiệp với Ngài và với tha nhân; con người được trao ban những khả năng siêu việt như lý trí, lương tâm, tự do. Phẩm giá của con người có thể được nhìn dưới ba khía cạnh: xét trong tương quan với Thiên Chúa; xét trong các cơ cấu nội tại của con người: xét theo mẫu người lý tưởng nơi Đức Kitô. Chúng ta hãy điểm qua mỗi khía cạnh đó. 

1. Con người trong tương quan với Thiên Chúa 

Chủ ý của Kinh thánh không phải là trình bày một thiên về cổ sử hay tâm lý của con người nhưng tiên vàn là bàn về con người trong lịch sử cứu rỗi. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (số 12-13) cũng bắt đầu nói đến thiên chức của con người từ viễn tượng đó. Mặc khải cho ta biết rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là có khả năng hiểu biết và yêu mến Đấng Tạo Hóa, và được mời kết nghĩa với Ngài. Con người cũng được kêu mời sống kết đoàn với tha nhân, bởi vì ngay từ đầu con người được dựng nên có nam có nữ. Việc quy chiếu về Thiên Chúa tạo nên phẩm giá cao quý nhất của con người, bởi vì con người vượt lên trên các thụ tạo khác. Đàng khác sự quy chiếu về Thiên Chúa cũng giải thích căn do của bao nhiêu khắc khoải dằn vặt trong con tim con người. Thực vậy, những nỗi xâu xé ở nội tâm bắt nguồn từ cuộc giao tranh giữa thiện và ác, giữa sự lựa chọn hướng về Đấng Tạo thành và chống lại Ngài. Tiếc rằng mặc khải cho thấy con người đã bẻ gẫy trật tự liên hệ với Đấng Tạo hóa, từ đó các liên hệ với tha nhân và với vũ trụ cũng bị rối loạn. Sau cùng, chỉ khi quy chiếu về Thiên Chúa thì con người mới thoát nổi khỏi cái khắc khoải nhất đè nặng trên con tim, đó là bí ẩn của số kiếp tương lại: chết rồi đi đâu? Mặc khải Kitô trả lời: con người được mời vào chia sẻ cuộc sống bất diệt với Thiên Chúa, nhờ cuộc chiến thắng cái chết do đức Kitô mang lại (số 18). 

2. Những tài năng cao quý của con người 

a. Trong các số 14-17, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng nói tới phẩm giá của con người xét theo những tài năng cơ cấu của nó. Con người gồm nên bởi hồn và xác; con người cần phải quý trong thân xác của mình vì nó được Chúa tạo dựng nên và sẻ được sống lại vinh quang. Nhưng đặc biệt con người trổi vượt hơn các thụ tạo và động vật khác là vì những tài năng tinh thần: trí tuệ, lương tâm và tự do. Nhờ có trí tuệ con người có thể nhận biết Đấng Tạo thành vạn vật cũng như hiểu biết lý lẽ của vạn vật. Công đồng đã muốn nhấn mạnh rằng con người không phải chỉ nhìn thấy các hiện tượng bên ngoài của vạn vật, nhưng có thể thấu hiểu thực tại sâu xa của chúng. Con người có thể đạt tới sự thực (chân lý) một cách chắc chắn. Dù sao, đừng ai quên rằng giá trị của con người không hệ tại những việc chinh phục khoa học kỹ thuật, nhưng ở chỗ biết khám phá ra chân lý của cuộc đời, biết yêu mến ngưỡng mộ điều thiện mỹ. Nói khác đi, một con người cao quý không phải vì là một nhà bác học thông kim bác cổ cho bằng vì là một “hiền nhân” (thánh nhân). 

b. Bên cạnh trí tuệ, một tài năng khác tạo nên phẩm giá của con người là lương tâm và tự do. Công đồng Vaticano II bàn đến điều này ở Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 16-17 và ở tuyên ngôn về Tự do, Tín ngưỡng, Trí tuệ, lương tâm và tự do thực ra chỉ là những bộ mặt khác nhau của một thực tại duy nhất. Thực vậy, con người tự bản chất muốn tìm tới sự thực (chân lý), và muốn hành động dựa theo sự thực mà mình thâm tín chứ không chịu để cho ngoại lực thúc đẩy. Dưới ánh sáng của mặc khải, ta có thể nói rằng con người được Chúa ban cho ánh sáng để biết cư xử làm sao ngõ hầu đạt tới mục đích tối hậu của đời mình. Thiên Chúa cũng đã bna cho nó khả năng tự do và trách nhiệm để điều khiển cuộc đời của mình: con người không những chỉ là hình ảnh Thiên Chúa khi chế ngự vạn vật nhưng còn là hình ảnh Thiên Chúa khi điều khiển chính các hành vi của mình. Lương tâm phản ánh luật hằng cửu của Chúa hướng vào con tim: hay cũng có thể nói; lương tâm vọng lên tiếng nói của Thiên Chúa từ thâm cung nội tâm con người. Chính vì thế mà lương tâm trở thành bất khả xâm phạm, vì là nơi hội ngộ riêng tư thầm kín giữa con người với Thiên Chúa. 

c. Do đó, tự do là một đặc trưng làm nên phẩm giá con người. Dĩ nhiên, cần phải hiểu “tự do” cho đúng chỗ. Tự do, như vừa nói trên, có nghĩa là hành động theo những sự cân nhắc và thâm tín của mình. Hiểu như vậy sự tự do không những đối nghịch với những cưỡng bách từ bên ngoài, nhưng cũng đối lại với những thúc bách mù quáng của đam mê nữa. Tự do không có nghĩa là phóng túng làm càn; nhưng tự do có nghĩa là hành động có ý thức, cân nhắc lựa chọn dựa theo một giá trị chân chính, giá trị nào đưa ta tới hạnh phúc vĩnh cửu.Vì thế cũng như đối với trí tuệ, tự do cũng cần được đào luyện phát triển: con người càng hành động hòa hợp với những giá trị chân chính thì càng phát triển tự do của mình. Chân lý làm cho con người được tự do là như thế: chân lý giải thoát con người khỏi những ảo ảnh, những đam mê mù quáng. 

3. Con người lý tưởng: đức Kitô. 
Cồng đồng Vaticano II không những bàn tới con người xét như là một nhân vị, nhưng còn bàn tới con người trong tương quan với xã hội (chương II của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng), cũng như trong tương quan với vũ trụ (chương III, bàn về giá trị của lao động). Chúng tôi xin dành những đề tài này nói về Học thuyết xã hội của Giáo hội. Ở đây, chúng tôi muốn vạch ra chiều kích thứ ba khi xét tới phẩm giá của con người, đó là trong tương quan với Đức Kitô. Trong quá khứ, khi giải thích từ ngữ “con người là hình ảnh của Thiên Chúa”, thần học thường chỉ chú trọng tới hình ảnh xét theo chương trình tạo dựng. Thế nhưng, khi đi sâu vào Tân ước và một số giáo phụ, người ta nhận thấy muốn có một ý niệm chính xác về hình ảnh Thiên Chúa, cần phải quy chiếu về Đức Kitô. Ngài là hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa (Cl 1,15). Đây cũng là đường lối của cộng đồng Vaticano II: ở cuối các chương đầu của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, công đồng đặt đức Kitô như khuôn mẫu của con người mới, khuôn mẫu của tình liên đới xã hội, chóp đỉnh của lich sử. Thực vậy, Đức Kitô không những chỉ mặc khải Thiên Chúa cho con người, mà còn mặc khải con người cho con người nữa: đức Kitô đã tỏ cho con người biết thiên chức của mình, và đồng thời qua cuộc sống, Ngài đã tỏ cho ta thấy mẫu gương của một con người, có trí tuệ, ý chí, tự do và tình yêu.