Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Giới thiệu: THẦN HỌC VỀ CON NGƯỜI

Tsth__ 

Nếu vị linh mục nào trở lại các chủng viện hay phân khoa thần học sau khi mãn trường cách đây trên 20 năm thì sẽ thấy trong chương trình học có một số môn mà trước đây họ chưa nghe nói tới. Môn “anthropologia” là một trong số những bộ môn đó. 
Không dễ gì mà dịch vụ từ ngữ “anthropologia” này. Nhiều từ điển Pháp- Việt hoặc Anh-Việt đã dịch là nhân loại học hay nhân chủng học. Theo nguyên ngữ hy lạp, thì “anthropologia” (anthropos / logos) có nghĩa là môn học về con người (luận bàn về con người). Sở dĩ ở Việt Nam có người dịch là nhân chủng học là vì họ giới hạn vào khoa học thực nghiệm về các chủng tộc (các nền văn hóa, các khối ngôn ngữ): còn khi dịch là nhân loại học thì các tác giả chú trọng đến vấn đề về nguồn gốc của loài người (loài người từ đâu đến? loài người khác loài khỉ như thế nào?). Thực ra, tiếng “anthropologia” bao quát hơn, nó bao gồm tất cả những bộ môn học về con người, từ chủng tộc, ngôn ngữ, cho tới tâm lý, xã hội. Triết lý và thần học thì nhắm trả lời câu hỏi: con người là gì?

Dĩ nhiên có rất nhiều cách để trả lời cho câu hỏi “con người là gì?”. Một nhà sinh học có thể trả lời rằng con người là một khối tế bào, bắp thịt, cơ thể (mà ta gọi là đầu mình tay chân, cùng với tim gan óc não và ruột, v.v…). Một nhà hóa học có thể trả lời con người là một tổng hợp bởi những khoáng chất (một ít sắt, vôi, than…), pha lẫn với nước. Các triết gia thì có người định nghĩa con người là cây sậy biết suy tưởng, hoặc là con vật có lý trí. Thế còn thần học định nghĩa con người như thế nào? 

Trước khi trả lời câu hỏi ấy, thiết tưởng nên lưu ý tới sự chuyển hướng của thần học trong những năm gần đây. Trước đây, người ta cho rằng đối tượng của thần học là Thiên Chúa (théologia: luận về Thiên Chúa). Nhưng do ảnh hưởng của Karl Rahner, một số tác giả đã muốn chuyển hướng; theo họ đối tượng của thần học là con người. Lý do là vì khi mạc khải, Thiên Chúa không nói cho ta biết về bản chất của Ngài cho bằng tỏ cho ta biết kế hoạch của Ngài về con người: nguồn gốc con người, bản tính con người, định mạng của con người. Vì vậy trọng tâm của thần học là con người, chứ không phải là Thiên Chúa. 

- Dĩ nhiên chủ trương như vậy đã gây ra rất nhiều tranh luận giữa các nhà thần học. Tuy nhiên, một sự kiện không thể chối cãi là sự chú trọng tới con người trong các tác phẩm thần học cận đại. Có thể nói là công đồng Vaticano II đã dành trọn hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” để trình bày về con người dưới ánh sáng mặc khải Kitô giáo. Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng “con người là lộ trình của Giáo hội” . Việc chú ý tới con người nhằm trả lời cho những thách đố của thời đại hôm nay, do những triết thuyết cũng như những tôn giáo đặt ra. Thực vậy, khi bàn về nguồn gốc của các tôn giáo hoàn cầu, công đồng Vaticano II đã nhận thấy rằng vấn đề tôn giáo được dặt lên khi con người băn khoăn về nguồn gốc và định mạng của chính mình: con người từ đâu tới? chết rồi đi đâu? Ta có thể thấy một thí dụ điển hình từ Phật giáo. Những băn khoăn được đặt ra cho đức Thích Ca chính là những vấn đề hiện sinh của con người: tại sao con người phải khổ? tại sao lại mang tật bệnh, già yếu, chết? Ngoài các tôn giáo cổ truyền, các nền tư tưởng cận đại của Âu Mỹ cũng đặt con người làm chủ đề cho những suy tư của họ; tiếc rằng những suy tư ấy không phải lúc nào cũng đưa lại những giải đáp thỏa đáng, nếu chưa nói là lôi theo những hậu quả tai hại. Ta hãy lấy thuyết tiến hóa làm thí dụ: khi nói rằng loài người bởi loài khỉ mà ra thì có lẽ có người sẽ tủi hổ bởi vì mình không phải là con rồng cháu tiên mà chỉ là con cháu của khỉ đột đười ươi; nhưng bên cạnh cái mặc cảm tự ti đó, lại còn có những hậu quả trầm trọng hơn nhiều. Chính vì nhân danh thuyết tiến hóa như vậy, cho nên các nhà nhân chủng Đức quốc xã đã biện minh cho thuyết diệt chủng, vì phù hợp với định luật thiên nhiên: các chủng tộc kém văn minh cần phải nhường chỗ cho các chủng tộc tiên tiến; và dĩ nhiên chính sách thực dân cũng là một hệ luận chính đáng của thuyết tiến hóa. 

- Một áp dụng khác của thuyết tiến hóa có thể nhận thấy trong ngành phân tâm: theo đó, con người hành động do bản năng thúc đẩy, chứ chẳng có tự do gì: con người bị “thú tính” chi phối nhiều hơn là do “nhân tính”. 

- Dù dưới nhiều hình thức khác nhau, tư tưởng cận đại của Âu châu đã đặt con người làm trọng tâm của các suy tư của họ; con người tự lập tự quyết, chủ thể của văn hóa và lịch sử. Các vấn đề về con người cần phải được chính con người giải đáp, chứ không được chạy đi hỏi ông trời. theo họ, tôn giáo làm cho con người tha hóa, vong thân. 

Chính từ những thách đố đó mà thần học hiện đại đã chứ trọng đến con ngườim, tìm ra những câu trả lời cho những băn khoăn của con người. Đó là lý do vì sao công đồng Vaticano II đã soạn thảo Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, nói về con người, sau khi đã soạn những hiến chế về Mặc khải, về Hội thánh. Một tư tưởng then chốt của học thuyết Kitô giáo về con người là: việc nhìn nhận Thiên Chúa không làm hạ giá con người; ngược lại chính khi quy hướng về Thiên Chúa mà con người khám phá ra phẩm giá của mình, lý do vì Kinh thnáh cho biết con người là hình ảnh của Thiên Chúa. 

Từ sau công đồng Vaticano II, nhất là với đức Gioan Phao-lô II, đề tài “phẩm giá con người” trở thành một đối tượng cho các cuộc đối thoại với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các tôn giáo. Chính vì muốn bênh vực phẩm giá con người mà Giáo hội ra trước diễn đàn quốc tế để tranh đấu cho những quyền lợi của con người; cũng chính vì dựa trên chân lý về con người, mà Giáo hội đã sửa soạn ra học thuyết xã hội. Học thuyết xã hội không nhằm đề cao một chủ nghĩa kinh tế hay chính trị nào, không nhằm đề cao một đảng phái hay chính sách nào; nhưng muốn trình bày những yêu sách của con người sống trong xã hội, và từ đó phê phán những điều kiện trái ngược với các yêu sách đó. 
“Nói đến con người tức là nói đến mỗi người, bởi vì mỗi người được bao hàm trong mầu nhiệm cứu độ và đức Kitô được liên kết với mỗi người vĩnh viễn qua mầu nhiệm này. Con người như được Thiên Chúa chọn lựa, như được Thiên Chúa kêu gọi, tiền định cho ân sủng và vinh quang… Đó là con người cụ thể nhất, hiện thực nhất, được gắn liền với Đức Giêsu Kitô, với tất cả mầu nhiệm trọn vẹn của mình. Đó là mầu nhiệm của mỗi người từ lúc được thụ thai trong lòng mẹ… Con người có một lịch sử riêng của cuộc sống mình và nhất là có một lịch sử riêng của linh hồn mình. Là một hữu thể độc nhất vô nhị, nhưng không vì thế con người đóng khung trong chính mình; trái lại nó là một hữu thể có xã hội tính, nghĩa là sống với, liên hệ với, cộng tác với, đối thoại với, thông hiệp với người khác; từ lúc mới được tạo thành đến hơi thở cuối cùng, hiện hữu của con người là một hiện hữu liên đới. Cô đơn là một trong những thử thách nhất của con người” (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp đấng Cứu Chuộc Con người, số 14)