Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

CON NGƯỜI, MỘT HUYỀN NHIỆM

(Thời sự Thần học – Số 11 – Tháng 3.1998, tr. 63-72)

Bình Hoà 

Vào thuở xa xưa ấy, sau khi tạo dựng nên vòm trời, đất, biển, thảo mộc xanh tươi, rau cỏ; sau khi tạo dựng buổi chiều và buổi mai, mặt trời, mặt trăng và các tinh tú trên vòm trời. Bấy giờ, tạo hoá dựng nên cá biển, chim trời, cùng muông thú trên đất khô cạn. Sau hết, Ngài tạo dựng nên con người có nam có nữ, theo hình ảnh Ngài (x. St 1,1-31). Cùng xuất hiện và sinh sống với muôn loài muôn vật, nhưng cặp mắt con người không chỉ dừng lại ở thiên nhiên và mọi vật chung quanh. Có lẽ như Kinh thánh nói, sau khi tìm hiểu và đặt tên cho muôn loài sống quanh mình (St 2,19), con người vẫn chưa hài lòng với những hiểu biết đó; vì hơn hết mọi vật, con người còn có khả năng quay về với chính mình và tự hỏi: “Thế còn ta là ai? – Là con người, đã hẳn thế! Nhưng con người là gì?”

Từ đó tới nay, không biết boa nhiêu thế kỷ đã trôi qua, câu hỏi: con người là gì? vẫn hằng được nhắc đi nhắc lại với muôn hình muôn vẻ. Và cùng với sự xuất hiện của nhiều ngành khoa học khác nhau; con người lần lượt bị phân thành muôn mảnh! Nào là con người xét về bản tính, về lý tính trong triết lý cổ điển; nào là con người với những cơ năng, những tiềm thức, vô thức của khoa tâm sinh lý học; con người với những thành tố, những phản ứng hoá học của khoa vật lý học… và biết bao khía cạnh khác của con người dưới cái nhìn phân tích của bao ngành khoa học khác. Thế nhưng câu hỏi: Con người là gì? vẫn là một vấn nạn cho tri trức con người. Hẳn rằng giải đáp của triết lý cổ điển, của y khoa, của tâm lý học chiều sâu, của vật lý, hoá học đã làm sáng tỏ nhiều khía cạnh nơi con người, đã mổ xẻ nhiều chiều kích nơi con người, nhưng vẫn không thể nào làm thoả đáng được khát vọng truy tìm chính mình của con người. Tình trạng nan giải đó có lẽ còn kéo dài không biết tới bao lâu, nếu như không có một ngày mà Gabriel Marcel thoạt nhiên tỉnh ngộ – trong một cuộc đi dạo qua các đường phố Paris – trước một sự hiển nhiên này là: khi con người tự tra hỏi về chính hữu thể của mình như tra hỏi về bao hữu thể khác, thì chính con người – xét như chủ thể tra hỏi – không còn là vấn đề (problème) như bao vấn đề khác cần được giải quyết, lúc ấy con người đã biến thành huyền nhiệm (mystère; Gabriel Marcel, Foi et Réalité, Ed. Aubier, 1967, préface; gabriel Marcel, Être et Avoir, Ed. Aubier, 1968, p.145-146). Câu nói cơ bản của Marcel ở trên có lẽ đã cho thấy được hết tầm quan trọng của nó khi xác định được thế nào là vấn đề, thế nào là huyền nhiệm. Cũng theo G. Marcel, vấn đề là cái ở ngoài con người, xa lạ với con người dù ở ngay trước mắt con người, vấn đề là một chướng ngại đối với con người. Đang khi đó huyền hiệm lại là cái mà con người phải dấn mình vào, con người không thể có thái độ thờ ơ trước một huyền nhiệm như trước một vấn đề. Theo lối nói của Marcel thì huyền nhiệm là lãnh giới mà sự phân biệt giữa cái trong tôi (en moi) với cái đứng trước tôi (devant moi) là vô nghĩa lý. Vấn đề có thể được giải quyết thoả đáng bằng một kỹ thuật phù hợp, còn huyền nhiệm (xét tự nó) siêu việt trên mọi kỹ thuật. Đó là sự khác biệt nền tảng giữa vấn đề và huyền nhiệm theo G. Marcel. Trong suốt bao thế kỷ, triết lý cổ điển và các ngành khoa học đã coi con người là một vấn đề như bao vấn đề khác cần phải giải quyết, vì thế người ta đã bóp chết con người khi đem con người ra mổ xẻ, phân tích, tạo phản ứng. Người ta không nhận ra được rằng, là huyền nhiệm, con người không thể được giải thích như một bài toán, không thể tìm ra cho con người một đáp số; không một nguyên tắc nào có thể giải quyết cuộc truy tìm con người cách thoả đáng và dứt khoát. Là huyền nhiệm, con người vượt trên mọi tầm tay và mọi hiểu biết. Những kiến thức về con người là như ngón tay chỉ mặt trăng (trong câu chuyện của Đức Phật về giáo lý và chân lý). Ngón tay không phải là mặt trăng, thì con người cũng không là những cơ quan, bộ phận trước mắt người bác sĩ, con người không thuần là những phản xạ của Palov, những chiều sâu vô thức của Freud. Nói tóm lại, con người là một huyền nhiệm và trước tiên, con người là một thực tại toàn diện, toàn bích. Con người là một hữu thể thống nhất. 

1 – Dưới khía cạnh nhân học 

Nếu theo thánh Tôma, linh hồn là mô thể của thân xác thì hồn và xác không bao giờ được quan niệm như hai thực thể, hai tầng cấp, hay hai đối vật (objets) bên trong con người. Con người đơn nhất và toàn bích, là một thực thể duy nhất và là một thực tại hiện hữu duy nhất. Theo quan niệm này, con người thực hữu là toàn vẹn linh hồn và toàn vẹn thân xác: hồn và xác là hai xác định tính (déterminations) cho một hữu thể duy nhất và toàn bích là con người. 

Như vậy con người không là một tổng hợp gồm hai thành phần (parties). Hồn và xác chính là hai nguyên lý siêu hình (chỉ có thể tách biệt về mặt siêu hình học) của con người. Hồn không là phần vô hình (partie invisible) của con người, như thể là một tinh thần bị trói buộc và giam hãm trong thân xác và có một hiện hữu khác với của thân xác. Linh hồn không hiện hữu cho riêng mình, nhưng là mô thể để thân xác thực sự là một thân xác sống (LEIB = corps vivant). Tương tự như thế, con người là thân xác nên thân xác không phải là một thức bù nhìn hay một thứ mannequin che giấu một con người đích thực hiện diện sau nó. Trái lại, tất cả chiều sâu của con người hiện diện nơi thân xác và tồn tại với thân xác. 

Về tương quan xác hồn trong khoa thần học, cần lưu ý hai điểm: 

Trước hết, cần tránh một ngộ nhận: các ý niệm hồn và xác không hoàn toàn đồng nhất với các ý niệm “tinh thần” và “vật chất”, bởi vì hồn và xác là hai nguyên lý của cùng một con người duy nhất về mặt siêu hình (hữu thể). Thân xác không thuần là “vật chất” (matière) nhưng là một “chất thể đã được tinh thần mô thể hoá” (matière informée par l’esprit), và hồn cũng không thuần là tinh thần (esprit), nhưng là “một tinh thần đã mô thể hoá chất thể” (un esprit informant la matière). Vì thế, không thể coi hồn và xác như thể “thuần tinh thần” (pur esprit) hay “thuần vật chất” (pure matière). 

2 – Dưới khía cạnh cứu chuộc (l’aspect Sotériologique) 

Quan điểm về con người của Kinh thánh và Giáo hội nhấn mạnh đến tính chất thống nhất nơi con người, đối lại với lập trường nhị nguyên coi linh hồn (hoặc yếu tố tinh thần) là một thành phần, một lưu xuất từ Thiên Chúa; và coi thân xác (hoặc yếu tố chất thể) như đối kháng lại Thiên Chúa, hoặc là do ma qủy tạo nên. Nhưng nếu niềm tin Kitô giáo một đàng tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng tinh thần lẫn vật chất, và đàng khác nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là tinh thần, thì đồng thời niềm tin đó cũng công nhận Thiên Chúa không thuộc về thế giới này, trái lại Ngài chính là nền tảng siêu việt của thế giới. 

Như vậy, linh hồn khác biệt Thiên Chúa không chỉ vì linh hồn không là một thành phần của Thiên Chúa, không chỉ bởi vì – là mô thể của thân xác – linh hồn không là một tinh thần thuần tuý tách biệt khỏi vật chất, nhưng chính vì Thiên Chúa là nguyên uỷ tuyệt đối và siêu việt của linh hồn. Ở đây thiết tưởng cũng nên nhắc lại giáo huấn của công đồng Latran IV, người ta không thể quan niệm sự giống nhau giữa Thiên Chúa và các tạo vật mà không đồng thời quan niệm rằng sự khác biệt còn lớn hơn gấp bội (quia inter creatorem et creaturam non potest similitudo notari; quin inter eos major sit dissimilitudonatanda; Dz S.806). Tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng dựng nên mọi thực tại, Đấng dựng nên tinh thần và vật chất, còn có nghĩa là việc coi Thiên Chúa là tinh thần chỉ có thể hiểu theo các rất loại suy (analogique), bằng đường lối phủ định và thăng hoa (per viam negationie et emirentiae). Điều này càng đúng khi áp dụng cho tính cách thể xác (corporalité) và tính tinh thần (spiritualité) nơi con người, vì đây không phải là hai thực tại nhưng là hai nguyên lý siêu hình. Vì thế không thể cho rằng linh hồn giống Thiên Chúa hơn thân xác. Thiên Chúa, xét như nguyên uỷ sáng tạo, có tương quan trực tiếp siêu việt và nội tại ngang bằng giữa tính cách thể xác (corporalité) và tính tinh thần (spiritualité) của con người. 

Bởi đó không thể chấp nhận chủ trương lưu xuất của học thuyết Tân Platon, vốn cho rằng càng vượt lên tới những cấp độ cao trong bậc thang các hữu thể thì càng gần Thiên Chúa hơn. Để phi bác quan niệm này, không những chỉ cần dựa vào niềm tin một Thiên Chúa siêu việt, là Đấng sáng tạo mọi loài, nhưng còn dựa trên sự kiện là việc con người được cứu độ thể hiện nơi việc Thiên Chúa bày tỏ ân sủng của Ngài nơi Đức Giêsu Kitô. Điều này cho thấy hai đặc điểm của việc cứu độ. 

Trước tiên, việc cứu độ chính là ân sủng của Thiên Chúa, được thông ban vì tình yêu và ban cách tự do. Việc cứu chuộc không phải là một sự hoàn hảo tiềm ẩn trong con người mà con người tự đạt được cách tự nhiên, nhưng là một ân huệ (un don) tự do Thiên Chúa ban trong thời gian và cách nhưng khôn; cũng chẳng phải là việc con người tự nhiên cố gắng hướng tới sự hoàn thiện về mặt hữu thể hay tinh thần, nhưng là một đáp trả tích cực của con người trước tình bằng hữu và sự thông ban của Thiên Chúa. 

Cứu độ là Ân sủng đã được ban cho nơi Đức Giêsu Kitô là ân sủng đã nhập thể nơi con người Đức Giêsu, và do đó mang lấy dấu ấn của việc Đức Kitô nhập thể. Con Thiên Chúa đã làm người để bày tỏ cho con người tình yêu của Thiên Chúa, để cứu chuộc loài người bằng cách đón nhận trọn vẹn thân phận nhục thể hay chết của con người. Hành vi nhập thể đó cho thấy sự cao quí và giá trị của cuộc sống trần thế trong xác thịt này. Chính nhục thể cũng hàm chứa nơi mình ơn cứu độ bởi vì “chính trong nhục thể” mà Con Thiên Chúa hoàn tất hành vi cứu rỗi. Như vậy, ơn cứu độ Kitô giáo không phải là một ơn cứu độ thuần tuý tinh thần, nhưng là một ơn cứu độ trong thân xác (le salut corporel); sự cứu độ đó không xảy ra “bên trên” hoặc “đàng sau” cuộc sống trong thể xác, nhưng là trong cuộc sống đó, cùng cuộc sống đó và cho cuộc sống đó. Trong viễn tượng của việc cứu độ thân xác có một vai trò rất tích cực. Qua đây ta thấy được mối liên hệ chặt chẽ giữa khoa nhân học và Cứu thế luận trong Kitô giáo và vai trò của lối nhìn thống nhất trong tương quan xác hồn đối với niềm tin Kitô giáo; chẳng hạn đối với tín điều xác loài người sẽ phục sinh ngày sau hết, hay việc Thiên Chúa ban ơn giải thoát qua máu và cái chết của Chúa Giêsu, sự cần thiết của cơ cấu trong Giáo hội… 

Và qua việc phủ nhận chủ trương nhị nguyên, người kitô hữu còn muốn cho thấy: thân xác – hoặc chất thể đã được mô thể hoá (matière informée) – không phải là nguyên nhân đưa tới tội lỗi. Con người vẫn thường nhìn nhận vật chất như một thực tại tăm tối, đối kháng lại Thiên Chúa; người ta coi vật chất là một thừ địch của tinh thần vốn là hình ảnh Thiên Chúa và đại diện cho Ngài trong thế giới này, Kitô giáo không ngừng chống lại những chủ trương sai lạc và dị giáo đó. Trong quan điểm Kitô giáo, chính vật chất, trong bản chất của nó cũng như trong những gì nó hàm chứa, đều phát sinh từ cùng một căn nguyên và đến từ cùng một nguồn gốc như tinh thần. 

3 – Vấn đề thế mạt 

Trước tiên, cần minh xác rằng: xác con người là một hữu thể thống nhất dưới khía cạnh thế mạt không có nghĩa là chỉ xét vấn đề đó dưới quan điểm của các “sự sau” tức sau khi chết hoặc vào thời cùng tận của lịch sử. Nhưng phải hiểu rằng ý niệm thế mạt trong Kitô giáo còn nhằm tới cả các tương quan của người kitô hữu với thế giới và với tương lai của họ. 

a. Sự thống nhất của con người sau khi chết 

Dù rằng Giáo hội phi bác thuyết nhị nguyên vốn cho rằng ơn cứu độ con người hệ tại việc “linh hồn được lên trời”, chứ không phải việc thân xác phục sinh, người ta vẫn có thể có cảm tưởng các lời tuyên bố của quyền giáo huấn bao hàm một quan niệm nhị nguyên nào đó khi Giáo hội tuyên xưng “linh hồn bất tử” và “linh hồn được hưởng kiến Thiên Chúa ngay sau khi con người chết đi.” 

Thiết tưởng nên nhìn lại: nếu Công đồng Latran V xác định linh hồn bất tử, thì chính là để nhấn mạnh tính cách thống nhất và tính cá vị của con người, chống lại chủ thuyết Tân Platon về một linh hồn phổ quát chung cho mọi người, công đồng nhắm tới sự bất tử của cá vị (L’individu)), tức của cả con người chứ không riêng gì sự bất tử tự nhiên của linh hồn. 

Nhiều nhà thần học Tin lành, đặc biệt là O. Cullmann, cho rằng đạo lý về sự bất tử “tự nhiên” của linh hồn xem ra không thể dung hoà – nếu không nói là đối lập tận căn bản – với quan điểm của Kinh thánh, và Kinh thánh coi sự bất tử của con người không như một đặc tính tự nhiên linh hồn vốn có, nhưng như một tác động của ân sủng Chúa, một hành vi thuộc về lịch sử cứu độ và sẽ xảy ra vào lúc cùng tận của thế giới, lúc mà thân xác được phục sinh. 

Thiết tưởng sở dĩ có sự đối chọi giữa bất tử tự nhiên (l’immortalité naturelle) và bất tử do ân sủng (immortalité par grâce) chính do những quan điểm triết lý khác nhau. 

Trong tư tưởng duy vũ trụ (cosmo centique) và duy sự (chosiste), bản tính con người là một yếu tính (essence) trừu tượng và phổ quát, theo nghĩa một bản tính tĩnh và vô thời gian. Do đó, ân sủng khác biệt với tự nhiên vì ân sủng chỉ là cái gì “ngoại tại” được thêm vào cho bản tính tự nhiên. 

Còn trái lại, trong lối tư duy thiên về nhân học (anthropocentique) và lịch sử (historique), bản tính con người không phải là một dữ kiện (donnée) trừu tượng và đã được xếp lại, nhưng là một khả thể (pourvoir être) cụ thể, đang biến dịch và luôn luôn khai mở theo lối nhìn này thì bản tính con người phải trở thành bản chất đích thực của mình trên con đường của lịch sử và của tự do. Vì thế, sự liên hệ giữa bản tính với ân sủng Thiên Chúa ban cách tự do trong thời gian không chỉ hệ tại việc ân sủng được tháp nhập cách ngoại tại vào với bản tính. Các khẳng định tín lý của quyền giáo huấn về sự bất tử tự nhiên của linh hồn cần được nhìn theo quan điểm nhân học và lịch sử đó, chứ không phải trong quan điểm duy sự trên kia. Theo niềm tin Kitô giáo, con người được Thiên Chúa tạo dựng và xếp định để có thể tiếp nhận cuộc sống vĩnh cửu, được thông hiệp và nên bằng hữu của Ngài. Như vậy sự bất tử của linh hồn (hiểu theo của con người cá vị) vừa có tính cách tự nhiên lẫn siêu nhiên. Tuy nhiên, con người không có hai tương lai: một tự nhiên một siêu nhiên, bởi vì việc con người được hiệp thông cùng Thiên Chúa không thể được quan niệm như thuộc về tương lai siêu nhiên của con người. Con người được Thiên Chúa kêu gọi tới hiệp thông chính là con người cụ thể và đang sống trong lịch sử này. Con người chỉ có một tương lai duy nhất mà bản tính con người đang hướng tới trong bước đi lịch sử của mình. 

b. Con người thống nhất xác hồn trong tương quan cùng thế giới và tương lai của lịch sử 

Việc thể xác con người có những yếu tố thuộc về vật chất cho thấy tính cách thụ tạo cũng như những khả thể của con người không nên coi đó cách tiêu cực như thể một hiện hữu còn khiếm khuyết (un manque d’être) theo chủ thuyết Tân Platon, trái lại, vì có thân xác, cho nên con người khai mở trước lịch sử, biết mình là thụ tạo, con người ý thức rằng vũ trụ này không tuyệt đối, vì thế con người không đóng kín lại nơi chính mình, nhưng luôn hướng về một tương lai cao hơn và hướng về một Thiên Chúa siêu việt. 

Hơn nữa, con người là xác hồn về bản tính và bản thể, cho nên tương lai thế mạt của con người không chỉ thuần tinh thần, nhưng còn mang chiều kích thể xác nữa. Tương lai đó bao hàm tất cả con người, và vì thế bao hàm luôn cả chiều kích xã hội của con người đang sống trong vũ trụ. 

Để kết luận, chúng ta có thể tập trung vào chính cái nhìn của con người hiện nay về chính mình trong thần học công giáo. Hai khuôn mặt đã được đưa ra như trụ cột cho hai lập trường vẫn phần nào “cạnh tranh” nhau trong lịch sử Giáo hội. Thánh Augustino với cái nhìn thiên về Platon và thánh Tôma với lập truờng dựa theo lối nhìn nhất thống của Kinh thánh và cách trình bày tương quan nhiều-chiều-kích của con người của tính chất thuyết Aristote. Thành thực mà xét lối nhìn của thánh Augustino dầu sao cũng “hạ giá” thân xác con người, khi quá đề cao “tinh thần”, và do đó đã không nêu bật được sự nhất thống của con người. Điều này đã ảnh hưởng nhiều vào lôi sống đạo của người Kitô hữu nhay cả đến ngày nay, và có lẽ đã một thời đưa tới quan điểm duy linh cực đoan trong việc trình bày ơn cứu độ. Lịch sử Giáo hội đã chứng minh điều đó: đã có thời người Kitô hữu tưởng rằng họ có thể hy sinh, bỏ mặc các giá trị trần thế để chỉ tập trung vào việc cứu độ linh hồn. Ngày nay Giáo hội nhìn nhận vết đen đó trong lịch sử của mình và nỗ lực để tạo một cái nhìn quân bình hơn về tương quan hồn xác nơi con người. Thiện chí đó thể hiện rõ trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng của công đồng Vatican II: “Con người duy nhất với xác và hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc về thế giới vật chất. Vì thế, nhờ con người mà những yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và tự do dâng lời ca tụng Đấng Tạo Hoá. Vậy con người không được khinh miệt đời sống thể xác, nhưng trái lại, con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng, vì thân xác ấy do Chúa tạo dựng và phải được sống lại ngày sau hết. Tuy nhiên, mang thương tích do tội lỗi gây nên, con người cảm nghiệm nơi chính mình những nổi loạn của thân xác. Vậy chính phẩm giá con người đòi hỏi con người ca tụng Thiên Chúa nơi thân xác của mình chứ đừng để thân xác ấy nô lệ cho những xu hướng xấu xa của lòng mình” (14 a). Đường hướng này dù sao cũng chẳng phải là một điều gì mới mẻ trong lịch sử Kitô giáo. Nói khác, đây chính là một quảng diễn của công thức: Anima est forma corporis mà thánh Tôma đã sử dụng cách đây 7 thế kỷ.