Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

THẦN HỌC VỀ GIÁO DÂN

Thời sự Thần học - Số 14 - Tháng 12.1998, tr. 44-49

Việt Nam


Để có thể thi hành công tác mục vụ huấn giáo tốt nhất, điều tiên quyết cần phải hiểu là “căn cước người giáo dân”.

A. GIÁO DÂN, NGƯỜI LÀ AI? 


I. Từ ngữ 


Không riêng gì trong Việt ngữ mà ngay cả trong các ngôn ngữ Âu châu, danh từ “giáo dân” mang ý nghĩa khá mông lung. Thường thường từ “giáo dân” được dùng đối lại với từ “giáo sĩ” (tựa như “dân” đối lại với “quan"). Tuy nhiên, có sử gia cho rằng theo nguyên gốc thì “giáo dân” đối lại với “lương dân” chứ không phải là đối lại “giáo sĩ”. Sự đối chọi do triều đình đặt ra: giáo dân là bọn người theo tả đạo cần phải được giáo hóa; còn lương dân là những người ăn ở lương thiện. Dù nguồn gốc lịch sử của từ “giáo dân” thế nào đi nữa, trong ngôn ngữ thường ngày ta còn thấy nó được dùng như đồng nghĩa với những danh từ: “giáo hữu, tín hữu, bổn đạo, đạo hữu”.

1) Trong các ngôn ngữ Âu châu, “giáo dân” được gọi là: laic (Pháp), lay (Anh), laico (Italia); tất cả đều bắt nguồn bởi laicus trong tiếng latinh. Thực ra thì nguyên ngữ của từ “laicus” phải tìm trong tiếng hy lạp laikos: nó là một thuộc-từ phát sinh bởi danh từ laós, có nghĩa là “dân”. Kinh thánh đã dùng tiếng “dân” theo một nghĩa chuyên môn dành riêng cho Israel. Israel là “dân của Chúa” (laós tou Theou), nghĩa là dân được Chúa chọn làm sở hữu, đối lại với “người ngoại”, những kẻ không thuộc về dân riêng. Tân ước chuyển sang cho Giáo hội những đặc tính của Dân Chúa (Giáo hội là Dân Chúa theo giao ước mới). Tóm lại, theo Kinh thánh, “laicos” ám chỉ tất cả các phần tử của Dân Chúa. Chính vì dựa trên nguyên ngữ như vậy nên có người khẳng định rằng Giáo hoàng hay Giám mục chẳng qua cũng là “giáo dân” (laikos) bởi vì tất cả đều là thành phần của Dân Chúa (plebs sancta). Phải nhận rằng lý luận này có phần đúng của nó; tuy nhiên chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau khi phân tích nguôn gốc của danh từ “giáo sĩ”. 

2) Trong các ngôn ngữ Âu châu, hàng giáo sĩ được gọi là clergé (Pháp), clergy (Anh), chierico (Italia): tất cả đều dịch bởi tiếng latinh clericus, nguyên gốc bởi tiếng hy lạp kleros có nghĩa là “gia nghiệp”. Trong Cựu ước, danh từ này được dành cho chi tộc tư tế Lêvi bởi vì họ không có phần đất đai nào làm gia nghiệp: gia nghiệp của họ là chính Thiên Chúa (Tv 16,5-6). Trong Tân ước, nó được áp dụng cho toàn dân Thiên Chúa tuy với ý nghĩa đảo ngược: không phải là họ đã chọn Chúa làm gia nghiệp cho bằng chính Chúa đã chọn họ làm gia nghiệp, khi kêu gọi họ vào thông dự hạnh phúc Nước trời. Tất cả đoàn chiên của đức Kitô được gọi là “clerus” trong 1Pr 3,5. 

Tóm lại, trong Tân ước, “laicus” và “clerus” ám chỉ tất cả các phần tử của Hội thánh, Dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Thế thì vì đâu mà có sự phân biệt ra hai lớp “giáo dân” và “giáo sĩ”?. Chúng ta hãy tìm hiểu lịch sử của sự phân biệt. 

II. Sự phân biệt “giáo dân” và “giáo sĩ” 


Xét theo nguyên ngữ Tân ước, thì tất cả các Kitô hữu đều là “laicus” và “clericus”. Sự hạn chế danh từ “laicus” vào các tín hữu không có chức thánh xuất hiện vào thế kỷ thứ 3 với Tertullianô (+220) ("Itaque alius hodie episcopus, cras alius; hodie diaconus, qui cras lector; hodie presbyter, qui cras laicus; nam et laicis sacerdotalia munera iniungunt” Liber de praescriptionibus adversus haereticos 41: PL 2,69). Cũng vào thế kỷ thứ ba, từ “clerus” (clericus, clericatus) được dành riêng cho những nhân viên phục vụ Giáo hội. Người ta tán giải nguyên ngữ hy lạp theo nghĩa là: các giáo sĩ là những người được Chúa chọn (thánh Augustinô), hoặc là những người đã chọn Chúa làm gia nghiệp (thánh Hiêrônimô: “si enim kleros graece, sors latine appellatur, propterea vocantur clerici, vel quia de sorte sunt Domini, vel quia ipse Dominus sors, id est, pars clericorum est” Epist. LII ad Nepotianum 5: PL 22,531). 

Vì đâu mà xảy ra sự thu hẹp ý nghĩa của các danh từ như vậy? Các sử gia thường quy trách cho một nguyên nhân lịch sử. Khi Kitô giáo trở thành quốc giáo trong Đế quốc Rôma, Giáo hội đã chấp nhận các thể chế hành chánh của đế quốc: các giám mục và giáo sĩ được đồng hóa với cơ quan hành chánh; phần còn lại là nhân dân. Như vậy nguồn gốc của sự phân biệt dựa theo điều kiện xã hội hơn là dựa theo căn bản thần học. Dần dần người ta muốn tìm những luận cứ thần học để biện minh cho thực tại xã hội. Sự tách rời ra hai hàng ngũ lại càng sâu rộng hơn vào thời những cuộc tranh luận tín lý: duy các Giám mục mới có trình độ học thức để lên tiếng trình bày đạo lý chính thống của Giáo hội; còn các giáo dân dốt nát đâu có biết gì mà nói! 

Trải qua dòng lịch sử, hàng ngũ giáo sĩ có khi được nới rộng có khi được thu hẹp. Thí dụ như trong bộ giáo luật 1917, việc gia nhập hàng giáo sĩ được kể từ lúc được cắt tóc; hàng giáo sĩ bao gồm 4 chức nhỏ và 3 chức lớn. Còn theo bộ giáo luật hiện hành, việc gia nhập hàng giáo sĩ được kể từ lúc lãnh bí tích phó tế; hàng giáo sĩ gồm ba đẳng: giám mục, linh mục, phó tế. Dù cho hàng giáo sĩ được nới rộng ra hoặc thu hẹp lại đi nữa, danh từ “giáo dân” được hiểu cách tiêu cực, nghĩa là: các tín hữu không có chức thánh. Việc định nghĩa cách tiêu cực về lý thuyết cũng mang theo những hậu quả tiêu cực trong thực tế. Trong Giáo hội, các giáo sĩ không những giữ vai trò lãnh đạo mà còn bao cấp tất cả các hoạt động. Các giáo dân giữ vai trò thụ động: họ nhận lãnh sự dạy dỗ, các bí tích, các chỉ thị từ hàng giáo sĩ. Các giáo dân không có chỗ đứng trong Giáo hội; địa bàn hoạt động của họ là thế gian, ở ngoài đời, ở ngoài Giáo hội. 

Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn kể từ khi xuất hiện một hàng ngũ thứ ba trong Giáo hội, đó là các tu sĩ. Họ không giữ chức vụ cai quản trong Giáo hội, nhưng mà họ bao thầu ơn gọi nên thánh. Các tu sĩ tạo nên hàng ngũ của bậc trọn lành. Ra như các tu sĩ dành cho mình độc quyền nên thánh, với hậu quả là các giáo dân được miễn làm thánh, cách riêng bởi vì các giáo dân đã không thể giữ mình thanh tịnh được cho nên buộc lòng phải lập gia đình. 

III. Những chặng đầu của thần học về giáo dân 


Đành rằng các giáo dân hiện hữu ngay từ lúc Giáo hội ra đời, và trải qua các thế kỷ không thiếu các sách vở viết cho các giáo dân, dù vậy không phải là điêu ngoa khi khẳng định rằng thần học về giáo dân mới xuất hiện vào thế kỷ 20. Điều này không có gì là khó hiểu: bởi vì bao lâu các giáo dân chỉ giữ vai trò thụ động trong Giáo hội thì đâu cần phải dài dòng bàn về họ làm chi! Mặt khác khi mà thần học về Giáo hội còn thiếu sót (chú trọng tới khía cạnh hộ giáo, pháp lý nhiều hơn là khía cạnh nhiệm tích) thì thần học về giáo dân cũng bị ảnh hưởng lây. 

Thực ra thì trong lãnh vực tu đức, những cửa ngỏ cho phép các giáo dân được nên thánh đã được mở ra từ thời Trung cổ, với các hiệp hội đạo đức (đặc biệt là các hội Dòng Ba), và nhất là kể từ khi thánh Phanxicô de Sales viết tác phẩm Introduction à la vie dévote (Dẫn nhập vào đời sống đạo đức) năm 1609. Tác giả quả quyết rằng các lính tráng thợ thuyền cũng đều làm thánh được cả (Đoạn văn được đọc trong Giờ kinh sách ngày 24/1 và số 65 của tông huấn Christifideles laici). 

Từ đầu thế kỷ 20, các đức Giáo hoàng (Piô X, Bêneđicto XI, Piô XI) đã bắt đầu kêu gọi các giáo dân tham gia vào hoạt động tông đồ, dưới hình thức “công giáo tiến hành” (Actio Catholica). Mục đích của các phong trào tông đồ giáo dân là đem các giá trị Phúc âm vào các sinh hoạt chính trị, kinh tế, xã hội. Vào thập niên 20-30, ta thấy xuất hiện đảng Nhân Dân bên Italia (nguồn gốc của các đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo), các phong trào Thanh lao công bên Bỉ, Thanh sinh công bên Pháp. Trong lãnh vực tư duy, tác phẩm Jalons pour une théologie du laicat của cha Yves Congar (1953) đánh dấu một chặng khởi điểm cho thần học về giáo dân. Thay vì dừng lại ở các vấn đề giáo luật chung quanh mối liên hệ giữa hàng giáo phẩm với giáo dân, cha Congar đi ngược lên nguyên ủy của Giáo hội, tức là sứ mạng mà Giáo hội đã nhận lãnh từ đức Kitô trong Chúa Thánh thần. Ngoài sự tiến triển về Giáo hội học, một nhân tố khác nữa là những suy tư thần học về các giá trị trần thế (tựa như lao động, hôn nhân, gia đình...), tức là những môi trường sinh sống và hoạt động của giáo dân. 

Những năm liền trước khi khai mạc công đồng Vaticano II đã được đánh dấu bởi Đại hội quốc tế tông đồ giáo dân lần thứ hai (1957), cũng như những tác phẩm suy tư thần học của E. Schillebeeckx (1949), R. Spiazzi (La missione dei laici, 1951), G. Philips (Le rôle du laicat dans l'Eglise, 1954), K. Rahner (L'aspostolato dei laici, 1954), H. Urs von Balthasar. 

B. GIÁO DÂN THEO CÔNG ĐỒNG VATICANO II 


Chúng ta đã thấy là từ sau thế chiến thứ hai, kèm theo sự phát triển của các phong trào tông đồ giáo dân là sự xuất bản những tác phẩm suy tư thần học về vai trò của các giáo dân trong Giáo hội. Đó là những bước dọn đường cho công đồng Vaticano II. 16 văn kiện của công đồng đều đề cập xa gần đến các giáo dân. Cách riêng một sắc lệnh được dành để bàn về hoạt động tông đồ của giáo dân Apostolicam Actuositatem. Tuy nhiên, vì muốn nghiên cứu “căn cước” của giáo dân, chúng ta cùng xem lại các số 30-31 của Hiến chế tín lý về Hội thánh. 

I. Giáo dân trong Giáo hội 


1. Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” mở đầu với chương I trình bày mầu nhiệm Hội thánh trong chương trình cứu rỗi. Chương II, với tựa đề Dân Thiên Chúa, bàn đến phẩm giá và ơn gọi của tất cả các phần tử của Hội thánh. Chương III bàn về phẩm trật được đặt làm mục tử Dân Chúa, cách riêng bằng việc cung cấp cho đoàn chiên những phương tiện cứu rỗi (lời Chúa, bí tích). Chương IV mang tựa đề là “Các giáo dân”. Ở đầu chương này, số 30 nhắc nhở các mục tử rằng Chúa Kitô không muốn cho các ngài độc quyền nắm giữ sứ mạng cứu rỗi nhân loại của Giáo hội. Các giáo dân cũng góp phần vào sứ mạng đó. Vai trò của các mục tử là phối hợp các tác vụ và đặc sủng khác biệt, sao cho tất cả đều cộng tác vào việc chung. Bản văn Ephêsô 4,15-16 được trích dẫn để cho thấy rằng Giáo hội là một thân thể gồm bởi nhiều bộ phận liên kết chặt chẽ với nhau; mỗi phần tử đã nhận lãnh năng lực từ đức Kitô, và mỗi phần tử đều có vai trò tích cực trong việc xây dựng thân thể. Chúng ta nhận thấy rằng khi bàn về sự thông dự vào chức tư tế của đức Kitô (ở số 10) hiến chế về Hội thánh quan tâm tới sự khác biệt giữa các tín hữu và các linh mục; nhưng bây giờ, khi nói tới sứ mạng thì ra như công đồng nhấn mạnh tới sự hợp tác giữa giáo dân và các mục tử (xc. số 32; 37). 

2. Số 31 của hiến chế cung cấp một khái niệm thần học về giáo dân, trình bày phẩm giá và ơn gọi của họ trong Giáo hội. Có hai điểm đáng lưu ý như sau. 

a. Xét về mặt từ ngữ, công đồng muốn phân biệt hai danh từ “tín hữu, kitô hữu” (fidelis, christifidelis) và “giáo dân” (laicus). Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, nhiều lần hai danh từ đó được dùng như đồng nghĩa với nhau, đối lại với “giáo sĩ” (hàng giáo phẩm). Nhưng điều đó không đúng. Từ “tín hữu” có ý nghĩa rất rộng, bao hàm hết mọi phần tử của Giáo hội, những người được sát nhập vào thân thể của đức Kitô nhờ bí tích Rửa tội. Như vậy, các giám mục, linh mục, tu sĩ cũng là tín hữu. 

b. Các “giáo dân” là một hàng ngũ tín hữu, khác với hàng ngũ giáo sĩ và tu sĩ. Trước đây, giáo dân được coi như là “lính trơn”, nghĩa là họ không phải là giáo sĩ cũng chẳng phải là tu sĩ; các giáo dân là những người không có ơn kêu gọi và chẳng làm được tích sự gì hết! Công đồng muốn thay đổi não trạng đó, và cho thấy rằng họ cũng có một ơn gọi riêng. Ơn gọi của các giáo dân là đi tìm Nước Chúa qua việc quản lý các thực tại trần thế và quy hướng chúng theo chương trình của Thiên Chúa. Môi trường sống đạo của các giáo dân là trần thế. Nhằm nêu bật sứ mạng riêng của các giáo dân, bản văn đối chiếu với sứ mạng của các giáo sĩ và của các tu sĩ. Cả ba hàng ngũ cùng hợp tác với nhau để thi hành một sứ mạng chung của Giáo hội, tùy theo ơn gọi riêng của từng hàng ngũ. Hàng giáo sĩ chuyên về các hoạt động thuộc chức thánh. Hàng tu sĩ làm dấu chỉ của thế giới mai hậu. Riêng các giáo dân thì được kêu gọi mang Phúc âm vào các thực tại trần thế. Chúng ta hãy đọc lại bản văn của công đồng: 

Giáo dân là tín hữu không thuộc những kẻ lĩnh chức thánh và những kẻ thuộc hàng tu sĩ; qua bí tích rửa tội họ được tháp nhập vào thân thể của đức Kitô và gia nhập Dân Chúa, tham gia theo cách thức của mình vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của đức Kitô. Họ thi hành sứ mạng của toàn dân Kitô trong Giáo hội và giữa trần thế theo nhiệm vụ riêng của mình. Tính cách cá biệt của các giáo dân là trần thế (...) Ơn gọi đặc biệt của họ là tìm cầu Nước Chúa qua việc dấn thân vào công việc trần thế, và điều hành chúng theo ý định của Thiên Chúa. Họ sống giữa đời, dấn thân vào các công việc thế sự, trong những điều kiện thường nhật của đời sống xã hội và gia đình, tức là môi trường sinh sống của họ. Họ được kêu gọi tại đó, ngõ hầu sống theo tinh thần Phúc âm họ đóng góp vào việc thánh hóa thế gian, như men trong bột, qua việc chu toàn bổn phận của mình. Do đó, nhờ chứng tá của cuộc sống rạng rỡ bởi đức tin, đức cậy, đức mến, họ tỏ bày Đức Kitô cho tha nhân. 

Nên biết là đôi khi từ ngữ thần học không trùng hợp với từ ngữ giáo luật. Mặc dầu bộ giáo luật nhìn nhận có ba hàng ngũ (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) nhưng mà lắm lần tiếng “giáo dân” bao gồm tất cả những ai không có chức thánh (do đó, tất cả các nữ tu và tu huynh đều là giáo dân). Còn theo thần học, các tu sĩ họp thành một hàng ngũ khác với các giáo dân. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi bàn tới các Tu hội đời: vừa tu (ra khỏi đời) lại vừa ở trong đời. 

II. Trần thế là gì? 


Công đồng đã coi “trần thế” như là đặc trưng của sứ mạng và ơn gọi của các giáo dân (Laici indoles saecularis propria et peculiaris est). Chúng ta nên đào sâu vào khái niệm này để khám phá ra nội dung thần học phong phú của nó. 

Như đã nói trên, trước đây người ta thường hình dung giáo dân như là người không có ơn kêu gọi (ai có ơn kêu gọi thì đi tu sống trong nhà Chúa; ai không có ơn kêu gọi thì đành sống ngoài đời, ở giữa thế gian). Thêm vào đó, nói đến “thế gian” là nói đến tội lỗi xấu xa, dưới sự thống trị của ma quỷ. Người tín hữu phải canh phòng chống lại thế gian, xác thịt, ma quỷ. Trong bối cảnh đen tối như vậy, thật khó mà nói đến ơn gọi sống trong thế gian! 

Tuy nhiên, khi đọc lại các bản văn Kinh thánh (đặc biệt là các tác phẩm của thánh Gioan tông đồ), chúng ta nhận thấy rằng tiếng “thế gian” (trần thế) mang nhiều ý nghĩa khá hàm hồ. Đành rằng có những đoạn văn đồng hóa thế gian với tội lỗi (lực lượng chống lại Thiên Chúa, thí dụ: Ga 1,10-11; 8,21.23.34.44); nhưng cũng có những đoạn văn cho thấy rằng thế gian này đã được Thiên Chúa yêu thương đến nỗi đã trao ban Con Một của mình (Ga 3,16). Mặt khác, thế gian này chẳng phải là do bàn tay Thiên Chúa tạo dựng đó sao (Ga 1,3)? Tính chất hàm hồ của thế gian đưa tới thái độ của người Kitô hữu đối với nó, được diễn tả như là “được sai vào thế gian, sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (Ga 15,11.16-18). 

Dù sao đi nữa, toàn thể Giáo hội được sai đi rao giảng Tin mừng cho thế gian. Thế gian này trở nên môi trường sinh sống và hoạt động của Giáo hội. Đặt trong bối cảnh đó, chúng ta mới hiểu được sứ mạng của các giáo dân. Các giáo dân sống trong thế gian không phải tại vì họ không được kêu gọi đi tu vào nhà Chúa. Việc sống trong thế gian trở thành một ơn gọi riêng của họ: họ cố gắng diễn đạt Phúc âm ra cuộc sống gia đình, nghề nghiệp, các mối giao lưu xã hội: Laicorum est, ex vocatione propria, res temporales gerendo et secundum Deum ordinando, regnum Dei quaerere. (Xc. hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” số 38; 43). Đó là một cách thức để chu toàn sứ mạng mà đức Kitô ủy thác cho Giáo hội. Như vậy thế gian (trần thế) không còn chỉ là môi trường sinh kế (giống như bao nhiêu con người khác) mà thôi, song nó đã được biến thành môi trường sống đạo và hành đạo của người tín hữu giáo dân. Họ cũng sống, cũng ăn, cũng làm, cũng nghỉ, cũng chơi như bao nhiêu người khác; tuy nhiên họ thực hiện tất cả các hoạt động đó theo đường hướng của Đấng Tạo hóa mà đức Kitô đã tỏ cho ta biết. Các giáo dân có ơn gọi là nhân-đạo-hóa và Phúc-âm-hóa các thực tại trần thế: đó là cách thức riêng mà họ phục vụ Nước trời. Họ thi hành nghề nghiệp vừa với khả năng chuyên môn vừa với tâm tình bác ái phục vụ. Dĩ nhiên đó cũng là đường lối để họ nên thánh. Đường lối nên thánh và hoạt động của các giáo dân được mô tả ở các số 34-36, dựa theo cách thức thông dự vào ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của đức Kitô. 

III. Những vấn nạn 


Khi chú giải số 31 của hiến chế về Hội thánh, các tác giả đã tranh luận xem công đồng Vaticano II chỉ gợi lên một ý niệm thần học về giáo dân, làm tiền đề cho những hệ luận về hoạt động tông đồ của họ, hay là công đồng thực sự đã muốn đưa ra một định nghĩa chặt chẽ? Vấn nạn nảy lên chung quanh việc xác định lãnh vực “trần thế” dành cho các giáo dân. Sứ mạng mang Tin mừng cho trần thế thuộc về toàn thể Giáo hội chứ đâu phải riêng gì của hàng giáo dân? Giáo hội sống ở trong trần thế chứ đâu phải sống ngoài trần thế? Thêm vào đó, làm thế nào xác định được phạm vi của hoạt động trần thế? Dĩ nhiên, các hoạt động chính trị thì phải dành riêng cho các giáo dân, chứ các linh mục và tu sĩ không nên pha mình vào. Thế còn lãnh vực giáo dục y tế thì sao: có phải là lãnh vực trần thế hay không? Cả các giáo dân lẫn tu sĩ đều đi dạy học; thế thì còn chi là lãnh vực dành riêng cho các giáo dân? Ngược lại, một giáo dân làm ông từ nhà thờ thì còn ở trong lãnh vực trần thế nữa không, hay là đã xen vào lãnh vực tôn giáo? Cuộc tranh luận trở thành sôi nổi khi bàn về các phần tử của các tu hội đời. Do việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm, họ thuộc về hàng ngũ tận hiến, tách ra khỏi đời; nhưng mà đồng thời họ lại xen vào đời và tham gia vào tất cả các sinh hoạt trần thế (kể cả chính trị, kinh doanh thương mại). Thế thì đâu là biên cương của hàng ngũ tận hiến và hàng ngũ giáo dân? 

Có lẽ một phần tại những vấn nạn thần học đó mà đức Gioan Phaolô 2 đã muốn dành khóa họp Thượng hội đồng Giám mục năm 1987 để xác định cương vị của các giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới.
________________

Video phát trên youtube của Vatican Feb 24, 2009

"Vocation and mission of the laity in the Church and society. Twenty years since Christifideles Laici: balance and perspectives". This is the theme of a series of conferences promoted by the Pontifical Gregorian University and sponsored by the Pontifical Council for the Laity. The first encounter on February 28th will be particularly dedicated to the "Ecclesiology of Vatican II and Christifideles Laici", with an introduction by Cardinal Stanisław Ryłko, president of the Vatican dicastery for the laity."To be Christian lay people, it must often be reminded, is a true and specific vocation. It is a calling. It is also a mission--be it in the Church, within our Christian communities, be it above all in t ...