Thời sự Thần học - Số 14 - Tháng 12.1998, tr. 7-22
Bình Hòa
I. MỤC VỤ LÀ GÌ?
Tiếng “mục vụ” , dịch từ “pastoralis” (pastoral), trở nên thịnh hành trong ngôn ngữ Giáo hội kể từ thập niên 60, nhất là với đức Gioan 23 khi ngài muốn cho công đồng Vaticano II mang tính cách mục vụ. Thường thường, người ta hiểu mục vụ theo nghĩa là “cụ thể, thực tiễn”; đối lại với “lý thuyết, nguyên tắc trừu tượng”. Thế nhưng, nếu muốn đặt vấn đề cho chính xác hơn, thì câu hỏi đầu tiên gợi lên trong óc là: có thể nói tới thần học mục vụ không? có thể nói tới nguyên tắc về hoạt động mục vụ không? hay nói khác đi: mục vụ có cần nguyên tắc gì không, có cần lý thuyết gì không? Những câu hỏi này lại càng trở nên cấp bách hơn nữa vì tại nhiều nơi, người ta dùng chiêu bài mục vụ để gạt bỏ hết những gì mà họ gọi là giáo điều, nguyên tắc. Theo họ, mục vụ đồng nghĩa với sáng tạo, kinh nghiệm; nếu muốn nói tới nguyên tắc hoạt động mục vụ, thì cùng lắm chỉ cần nại đến nguyên tắc duy nhất là Chúa Thánh Thần, Ngài thổi đâu tùy ý, Ngài nhóm lên lửa nhiệt thành cũng như sáng kiến cho các cán bộ mục vụ.
Bởi vậy, để tránh tính cách mơ hồ và hàm hồ của tiếng mục vụ, chúng ta cần xác định ý nghĩa của từ ngữ đó, dựa theo sự giải thích của các vị Giáo hoàng kể từ đức Gioan 23.
Trong diễn văn khai mạc công đồng, đức Gioan 23 đã giải thích chiều hướng mục vụ mà Ngài muốn cho công đồng theo đuổi. Theo Ngài, công đồng sẽ không lặp lại các đạo lý cổ truyền, cũng như sẽ không tuyên bố thêm tín điều mới. Công đồng sẽ chú trọng vào việc trình bày đạo lý cổ truyền với ngôn ngữ hợp với tâm thức của thời đại. Mặt khác, một từ khác cũng thường được lặp đi lặp lại trên các cửa miệng là “aggiornamento” (cập-nhật-hóa). Sự cập-nhật-hóa không chỉ giới hạn vào ngôn ngữ trình bày đạo lý, nhưng còn áp dụng cho toàn thể đời sống giáo hội, từ phụng vụ, cho đến kỷ luật, các cơ chế của Giáo hội.
Thế nhưng khi soạn thảo các văn kiện của công đồng, thì các Nghị phụ hiểu tiếng mục vụ mỗi người một cách. Một nhóm thì hiểu nó như là ngôn ngữ diễn tả đạo lý hợp với tâm thức thời đại. Đối lại, một nhóm khác thì hiểu mục vụ (pastoralis) là phận sự của Giám mục, người mục tử (tức là chủ chăn, pastor bonus), và nhiệm vụ chính yếu là trình bày chân lý tinh tuyền, chứ không uốn nắn theo thị hiếu của người nghe. Việc rao giảng chân lý, cho dù là rao giảng trên sa mạc đi nữa, chính là một công tác mục vụ rồi. Chính vì có hai quan niệm khác nhau về mục vụ như vậy, nên có những lược đồ bị một bên chê là “thiếu tính cách mục vụ” thì được bên kia bênh là chính xác; và đối lại những lược đồ được khen là mục vụ thì lại bị bên kia bác là mông lung mơ hồ. Hai khuynh hướng có dịp đương đầu với nhau khi bàn cãi về lược đồ của văn kiện “Vui mừng và Hy vọng”. Lược đồ này ra đời vì một số nghị phụ cho rằng theo ước muốn của đức Gioan 23, công đồng phải lắng nghe những vấn đề của thời đại, và trả lời cho họ theo ngôn ngữ thích hợp với thời đại. Thế nhưng, nhóm kia hỏi lại: nếu trình bày đạo lý theo những đòi hỏi nhất thời, thì đạo lý ấy cũng sẽ có tính chất nhất thời hay không? Sau cùng hai bên đi tới một thỏa hiệp, bằng cách chia văn kiện làm hai phần: phần thứ nhất gồm những nguyên tắc bền vững, còn phần thứ hai thì dành cho những áp dụng vào vấn đề thời đại. - Đó là chưa kể những thỏa hiệp khác về phương pháp trình bày (quy nạp hay diễn dịch), cũng như về chính tựa đề “Sứ điệp, tuyên ngôn, hiến chế mục vụ”.
Tóm lại, trong công đồng, các nghị phụ chia làm hai nhóm khi bàn về tính cách mục vụ của Vaticano II:
a/ một số thì hiểu theo nghĩa là đáp ứng với thời đại;
b/ một số thì hiểu là chức vụ của người mục tử.
Dù sao, ngày nay khi đọc lại các văn kiện của công đồng, ta thấy cả sự hiện diện của hai chiều kích đó: một đàng công đồng muốn đưa Giáo hội vào những hoàn cảnh lịch sử của thời đại, không những chỉ trong việc trình bày đạo lý, nhưng còn liên can đến tất cả sinh hoạt của Giáo hội, từ phụng vụ cho tới các hình thức hoạt động tông đồ: Giáo hội mang Tin mừng cho con người của thời đại, vì vậy cần phải biết những dấu chỉ của thời đại. Đây là một công tác chung của toàn thể Dân Chúa. Chính trong bối cảnh ấy, công đồng đã trình bày lại hình ảnh của Giám mục và linh mục. Họ phải noi gương Chúa Giêsu, vị mục tử nhân hậu, lo lắng đến đời sống của đoàn chiên; họ phục vụ săn sóc đoàn chiên qua công tác rao giảng, thánh hóa và cai quản.
Hai chiều hướng đó được đức Phaolo 6 quảng diễn khi giải thích các văn kiện của công đồng cũng như khi vạch ra những đường hướng áp dụng công đồng. Một đàng, ngài đã đẩy mạnh việc canh tân Giáo hội sau công đồng, canh tân (cập-nhật-hóa) nhưng vẫn duy trì sự liên tục với truyền thống. Ngài cũng kêu gọi cảnh giác trước những dấu chỉ của thời đại: cần phải biết nhận định những giá trị của thời đại nhưng cũng phải biết vạch lên những sai lệch của nó. Một cách tương tự như vậy, Đức Phaolo 6 muốn cho Giáo hội để ý đến những nền văn hóa khác nhau trên thế giới, với những giá trị lẫn những lệch lạc. Sự rao giảng Tin mừng không thể làm ngơ các nền văn hóa, nghĩa là lề lối suy tư, hoạt động, sinh sống của các dân tộc. - Đàng khác, nhiều lần Ngài mô tả “công tác mục vụ” như là bổn phận riêng của các Giám mục và linh mục, những mục tử trong Giáo hội, bao gồm việc rao giảng chân lý (kể cả khiển trách những lầm lạc) cũng như việc thánh hóa và cai quản. Tinh thần mục vụ có nghĩa là lòng bác ái, tận tụy phục vụ đoàn chiên mà các mục tử cần phải nuôi dưỡng theo gương đức Kitô, mục tử nhân lành. Cả hai chiều hướng đều giả thiết một nền tảng đạo lý, tức là chính Phúc âm, đối tượng của công cuộc rao giảng. Phúc âm phải được loan báo cách nguyên tuyền, toàn vẹn, không được bóp méo; nhưng đồng thời Phúc âm cần được rao truyền với ngôn ngữ mà người thời đại có thể lĩnh hội được. Để được như vậy, người rao truyền Phúc âm cần hiểu biết thời đại, những khắc khoải của thời đại cần được Phúc âm soi sáng.
Từ hai chiều kích đó, ta có thể hiểu thần học mục vụ theo hai nghĩa:
1) Thứ nhất, tất cả thần học đều phải có tính cách mục vụ, nghĩa là cần nhắm tới việc chuyển thông Tin mừng cho thời đại, tìm cách diễn đạt sứ điệp mạc khải qua ngôn ngữ của các nền văn hóa khác nhau. Đây là một yêu sách nằm trong sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Dưới khía cạnh này, thần học một đàng phải đào rễ sâu vào truyền thống đức tin, đàng khác phải biết nhạy cảm với những dấu chỉ của thời đại, tâm thức của con người thời đại chịu ảnh hưởng của những chủ thuyết, lối sống, tôn giáo khác nhau. Nói một cách nôm na, bàn đến tính cách mục vụ của thần học có nghĩa là tìm cách để “đem đạo vào đời, và đem đời về với đạo”. Dĩ nhiên, khi đi vào cụ thể, ta phải hiểu tiếng “đời” theo từng môi trường cụ thể: không những là những ngôn ngữ, dân tộc khác nhau, mà thậm chí ở trong cùng một lãnh thổ, lại còn phải để ý đến những lớp tuổi khác nhau (lớp trẻ có ngôn ngữ khác với lớp già), những cảnh sống khác nhau (ví dụ như những người sống tại bệnh viện, nhà tù thì có tâm thức khác người lành mạnh tự do), những điều kiện giáo dục nghề nghiệp (ví dụ như sinh viên, giáo chức, công nhân). Khỏi nói ai cũng biết chủ thể của việc đem Tin mừng vào xã hội thời đại là toàn thể Dân Chúa, chứ không riêng gì các nhà thần học hoặc các linh mục.
2) Nghĩa thứ hai, thần học mục vụ là một ngành riêng để giúp các mục tử thực thi chức vụ của mình. Thời Trung cổ, nó được gọi là “cura animarum” (săn sóc các linh hồn), tựu trung vào ba bổn phận là: ban hành bí tích, dạy dỗ và hướng dẫn cộng đồng. Từ thế kỷ 19, ba nhiệm vụ ấy được trình bày theo ba chức phận của đức Kitô: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Xét vì trước đây, chương trình huấn luyện môn thần học (tín lý và luân lý) nặng tính chất lý thuyết và nguyên tắc, nên cần được bổ túc bởi những khoa có tính cách thực tiễn. Vì thế, không lạ gì mà tại nhiều nơi bên Đức, nó được gọi là “thần học thực tiễn” hay ứng dụng: Praktische Theologie, Théologie pratique. Từ đó, tương ứng với ba chức vụ là ba ngành sau đây:
a/ chức vụ ngôn sứ: giảng thuyết và huấn giáo;
b/ chức vụ thánh hóa: cử hành phụng vụ và bí tích;
c/ chức vụ vương giả: điều khiển cộng đồng, cách riêng bãng giáo luật.
Thế nhưng, với công đồng Vaticano II, ta biết rằng các tín hữu đều tham dự vào ba chức vụ của đức Kitô, tuy theo một cấp độ khác biệt với các giáo sĩ; vì vậy mà tất cả đều các mời gọi tham dự vào các công tác mục vụ của Giáo hội. Nói cách khác, các công tác mục vụ không còn được quan niệm như là những công việc dành riêng của các giám mục và linh mục, nhưng là những công việc diễn tả lòng ưu ái của đức Kitô mục tử nhân lành, đối với nhân loại. Chủ thể của hoạt động mục vụ là toàn thể Giáo hội. Môi trường của hoạt động mục vụ là toàn thể nhân loại.
Một cách cụ thể hơn, các bộ môn chính của Thần học Mục Vụ gồm ba ngành chính sau đây, tương ứng với sự thực thi ba sứ vụ: loan báo (martyria), phụng tự (leitourgia) và phục vụ (diakonia) hoặc thông hiệp (koinonia).
1) Nhằm huấn luyện việc thực thi sứ vụ loan báo, có các môn: Giảng thuyết (Homiletica); huấn giáo (catechetica); truyền giáo (missiologia).
2) Trong việc huấn luyện việc thực thi sứ mạng thánh hóa, ta có thể kể ngành phụng vụ (liturgia), cũng như tu đức học (spiritualitas).
3) Nhằm tới công tác phục vụ và xây dựng cộng đoàn, ta có thể kể rất nhiều bộ môn:
a/ Dưới khía cạnh phục vụ bác ái, cán bộ mục vụ cần học hỏi về các lớp người khác nhau cần được để ý (ví dụ như người nghèo, người bệnh, người tàn tật, nghiện ngập, bị tù, thất nghiệp, tị nạn, v.v...
b/ Dưới khía cạnh xây dựng cộng đoàn, cần học biết những cơ sở của tổ chức Giáo hội (ví dụ như giáo phận, giáo xứ, hội đoàn) cũng như những cơ sở dịch vụ (trường học, nhà xuất bản, cơ quan truyền thông), kế đó phải lưu ý đến các thành phần khác nhau của cộng đoàn, tiên vàn là các gia đình, với những lớp tuổi khác nhau; rồi đến các môi trường nghề nghiệp, kinh tế, chính trị, v.v... Trong lãnh vực này, các khoa học nhân văn giữ vai trò rất quan trọng, ví dụ như: sư-phạm, tâm-lý-học mục vụ, xã hội-học mục vụ, y khoa mục vụ, truyền thông xã hội, v.v...
II. LỊCH SỬ THẦN HỌC MỤC VỤ VÀ NHỮNG CHUYỂN HƯỚNG CHÍNH YẾU
Có nhiều những biến chuyển của thần học mục vụ từ công đồng Vaticano II tới nay, với vài đặc trưng như là: từ chỗ coi việc mục vụ như phạm vi chuyên hữu dành cho các mục tử (Giám mục và linh mục) tới chỗ mở rộng ra tới toàn thể hoạt động của Giáo hội; từ chỗ coi mục vụ như chuyện biến báo thực dụng tới chỗ áp dụng những phương pháp khoa học để tạo thành một bộ môn có hệ thống; sau cùng, từ chỗ coi mục vụ như một ngành của thần học tới chỗ hướng toàn thể các nghiên cứu thần học vào mục tiêu mục vụ. Những sự chuyển hướng vừa nói đã giả thiết một sự thay đổi về quan điểm “mục vụ” dựa theo một cái nhìn mới về Giáo hội.
Ngày nay, từ ngữ mục vụ đã đi vào ngôn ngữ thường nhật của Giáo hội, khiến chúng ta có cảm giác là mục vụ gắn liền với bản chất của Giáo hội. Tuy nhiên, cảm giác đó chỉ đúng có một phần. Thực vậy, tuy xét về thực chất thì phải nói rằng ngay từ khi mới sinh ra, Giáo hội đã mang tính chất mục vụ rồi; thế nhưng nếu xét về mặt tư duy, thì cái ý thức về mục vụ mới trở thành sống động vào thế kỷ 20 này. Nếu ai hỏi các linh mục Việt Nam chịu chức trước năm 1950 xem họ có bao giờ nghe nói đến từ ngữ “mục vụ” không, thì chắc 95 phần trăm sẽ trả lời rằng không! Cũng vì lý do đó mà vào thập niên 50, tiếng “pastoralis” được dịch ra tiếng Việt là chăn chiên, giáo mục, và phải chờ tới công đồng Vaticano II thì mới được thống nhất là “mục vụ”. Xin đừng ai vội trách móc việc đào tạo các linh mục tại Việt nam là lạc hậu! Như vừa nói, thực chất mục vụ của các hoạt động của Giáo hội thì đã có từ xưa, nhưng việc suy tư về thực chất đó thì mới có gần đây.
1. Những bước đầu
Trong số 14 bức thư của thánh Phaolô, các thư gửi cho môn đệ Timôthêô và Titô được đặt tên là “thư mục vụ”; nhưng nhãn hiệu này mới được gắn vào từ thế kỷ 18. Gọi là thư “mục vụ” bởi vì bàn về những bổn phận của người “mục tử”. Trải qua lịch sử của Giáo hội, những tác phẩm viết về tư cách của người mục tử hoặc những kim chỉ nam về việc coi sóc các linh hồn (cura animarum) không thiếu. Chỉ cần kê ra vài tác phẩm tiêu biểu: Regula pastoralis (Quy luật của người mục tử) của thánh Grêgôriô cả (540-604) vào thời các giáo phụ; sang thời Trung cổ, hàng loạt những quyển Manualia curatorum (Cẩm nang cho việc coi sóc các linh hồn) đã ra đời vào thế kỷ 13; từ sau công đồng Trento, các giám mục thi nhau viết những Directorium (Kim chỉ nam) dành cho các cha sở. Tuy nhiên, những tác phẩm đó nhắm tới việc nhắn nhủ các vị mục tử (Giám mục và linh mục) về những bổn phận của mình (nhìn dưới khía cạnh tu đức, luân lý, giáo luật) hơn là cung cấp cho họ những chỉ dẫn thực hành. Người ta giả thiết rằng “trăm hay không bằng tay quen": cứ đi ra giúp xứ một thời gian thì rồi dần dần sẽ quen việc. Nói cách khác, công tác mục vụ dựa vào tài năng biến báo chứ không cần phải dạy trong chủng viện làm gì.
Tiếc rằng thực tế không xảy ra như người ta tưởng. Nhiều linh mục chỉ học cách làm các phép bí tích sao cho thành hiệu, chứ không được huấn luyện về việc giảng thuyết; vì thế các bài giảng vừa dài vừa dai vừa dở; còn nói chi tới việc quản trị tài sản hay điều khiển cộng đồng? Từ việc nhận thức những lỗ hổng đó, cho nên mới nảy ra ngành thần học mục vụ.
Các sử gia cho rằng thần học mục vụ mới trở thành một môn học trong các chủng viện từ cuối thế kỷ thứ 18, khởi đầu từ cuộc cải tổ học trình trong các trường thuộc lãnh thổ Đức-Áo dưới thời Nữ hoàng Maria Teresa (năm 1774). Người chủ xướng chương trình này là viện phụ Stephan Rautenstrausch, dòng Biển Đức (1734-1785). Trong dự án đầu tiên đề ra năm 1774, tác giả đã muốn chuyển hướng tất cả các bộ môn thần học từ phương pháp lý luận trừu tượng kinh viện sang chiều hướng thực tiễn hơn. Mục tiêu của các chủng viện là đào tạo các linh mục làm việc hữu hiệu, tương tự như những nhân viên hành chánh của Quốc gia. [Nên biết là vào thời đó, thần học Tin lành cũng được chuyển hướng sang chiều kích thực tiễn do ảnh hưởng của Friedrich Schleiermacher (1768-1834): thần học phải nhằm tới việc xây dựng Giáo hội]. Trước sự chống đối của hàng giáo phẩm vì thấy các môn tín lý bị hạ giá, trong dự án thứ hai (năm 1778), cha Rautenstrausch chỉ đề nghị một dự án khiêm tốn hơn: thần học mục vụ chỉ là một ngành phụ thuộc của thần học, giúp cho các linh mục tương lai trở thành những mục tử tốt. Nội dung của thần học mục vụ gồm có 3 mục chính: giáo huấn - bí tích - quản trị.
- Trong phần giáo huấn, các chủng sinh sẽ được dạy về cách giảng thuyết và dạy giáo lý cho các tầng lớp.
- Trong phần bí tích, chủng sinh sẽ được huấn luyện cách riêng về việc giải tội, xức dầu kẻ liệt và hôn phối.
- Trong phần quản trị, chủng sinh sẽ được huấn luyện về vai trò của mục tử trong việc xây dựng cộng đoàn.
Dự án của cha Raustentrausch còn để lại ảnh hưởng lâu dài trong các chương trình huấn luyện linh mục. Các sách giáo khoa về thần học mục vụ đều được chia thành ba phần chính:
- giảng dạy (giảng lễ, huấn giáo, truyền giáo);
- phụng vụ và bí tích;
- cai quản.
Với thời gian, ba phần của mục vụ được diễn tả thành ba chức vụ: giảng dạy, thánh hóa, cai quản. Tuy nhiên, một vấn nạn đã được đặt ra ngay từ đầu là: nó có phải là một bộ môn thần học hay không, hay chỉ là những hướng dẫn thực tiễn trong việc coi xứ? Trên thực tế, tuy rằng các chủng viện và phân khoa thần học không thấy khó khăn gì trong việc dành thêm một vài giờ để dạy các môn mục vụ, nhưng ít nơi đặt tên cho nó là “thần học mục vụ” (theologia pastoralis) mà chỉ gọi là “đào tạo mục vụ” (instructio pastoralis). Chính nhờ việc tìm hiểu nền tảng thần học của hoạt động mục vụ mà ta thấy một quan điểm mới về mục vụ ra đời trong thế kỷ 20.
2. Những suy tư về nền tảng thần học của hoạt động Mục vụ
Từ khi ra đời, khoa mục vụ nhằm bổ túc cho các chủng sinh vài kiến thức thực tiễn trong hoạt động giáo xứ. Công tác mục vụ được đồng hóa với những hoạt động của linh mục nhằm thể hiện sứ mạng mục tử. Sang thế kỷ 20, đặc biệt là từ sau thế chiến thứ hai, đã có vài tác giả đặt lại toàn bộ vấn đề mục vụ, xét về chủ thể cũng như địa bàn và phương pháp mục vụ.
a. Những tác giả đi tiên phong của Thần học mục vụ muốn tạo cho nó thành một bộ môn có nền tảng và hệ thống. Họ quan niệm rằng mục vụ không phải chỉ là một mớ những thủ thuật truyền thụ từ kinh nghiệm, nhưng cần phải được tổ chức có khoa học. Công việc đầu tiên là phải đi tìm một nền tảng thần học cho khoa mục vụ. Trước đây, J.M. Sailer (Pastoraltheologie Munich, 1788) đã muốn tìm nền tảng nơi đức Kitô, mục tử nhân lành, khuôn mẫu cho các vị mục tử trong Giáo hội (linh mục phải là alter Christus). Vào giữa thế kỷ 19, A. Graf đề nghị nên đặt Giáo hội làm trung tâm: mục vụ nhằm xây dựng Giáo hội.
b. Thực ra, những ý tưởng đó có tính cách khai phóng, nhưng chưa gây được tiếng vang đáng kể cho sự tiến triển của thần học mục vụ. Phải chờ đến hậu bán thế kỷ 20, môn học này mới được chuyển mình. Một chặng hướng mới được dánh dấu với ba tác phẩm xuất bản tại Pháp: Henri Godin - Y. Daniel La France, pays de mission, (Lyon 1943), Fernand Boulard Problèmes missionaires de la France rurale (Paris 1945), Georges Michonneau, Paroisse, communauté missionaire (Paris 1945). Nói chung, các tác giả cho thấy rằng tình hình xã hội đã thay đổi rất nhiều so với xã hội thời Trung cổ. Không thể nào giới hạn hoạt động mục vụ vào các việc dạy giáo lý hay ban bí tích nữa, đang khi mà dân chúng càng ngày càng sống xa nhà thờ! Cần phải thay đổi địa bàn từ chỗ kinh kệ lễ lạy sang hoạt động truyền giáo. Bàn về phương pháp mục vụ, các tác giả nhấn mạnh tới tầm mức xã hội của việc mục vụ. Nói tới tầm mức xã hội có nghĩa là hoạt động mục vụ phải lưu ý tới khung cảnh xã hội (milieu): việc mục vụ ở thôn quê thì khác với việc mục vụ ở thành thị; môi trường nông dân thì khác môi trường của thợ thuyền. Mặt khác, tầm mức xã hội cũng có nghĩa là việc mục vụ đòi hỏi sự động viên của cả một tập thể, chứ không phải chỉ khoán cho các cá nhân lẻ tẻ. Từ những nhận xét vừa rồi, các tác giả đã đề xướng lên một phương pháp hoạt động, đó là Mục vụ chung nhau (pastorale d'ensemble). Từ ngữ này muốn bộc lộ sự cần thiết phải phối hợp các lực lượng để hoạt động cho có hiệu quả (điều này giả thiết phải lên chương trình, kế hoạch). Ngoài ra, từ ngữ mục vụ chung nhau cũng muốn nêu bật rằng chủ thể của hoạt động mục vụ không phải là các vị chủ chăn mà thôi nhưng là toàn thể Giáo hội. Dĩ nhiên, điều này giả thiết một sự thay đổi trong quan niệm về Giáo hội: Giáo hội không phải chỉ gồm có hàng phẩm trật nhưng bao gồm toàn thể các tín hữu; một cách tương tự, Giáo hội không phải chỉ hiểu về Giáo hội toàn cầu nhưng còn hiểu về Giáo hội tại địa phương, giáo phận, giáo xứ. Những tư tưởng vừa rồi sẽ được chín mùi nhờ công đồng Vaticano II.
III. PHƯƠNG PHÁP CỦA THẦN HỌC MỤC VỤ
Khi bàn về thần học mục vụ (= THMV), cần phải phân biệt hai lãnh vực: giáo khoa và hành động.
1) Trong lãnh vực giáo khoa, vấn đề được đặt ra là: phải dạy môn THMV như thế nào, đặc biệt là trong các chủng viện? Khỏi nói ai cũng đoán được, môn THMV trong các chủng viện hướng đến việc đào tạo các vị mục tử tương lai. Mối nguy cơ của nó là chỉ coi các linh mục mới thực là tác viên mục vụ; chừng nào cần thì mới kêu gọi các giáo dân đến cộng tác. Chương trình đào tạo chủng sinh (Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis) do Bộ Giáo dục công giáo ban hành năm 1970 đã liệt kê những môn sau đây trong học trình THMV: huấn giáo, giảng thuyết, cử hành các bí tích, linh hướng, quản trị giáo xứ, đối thoại với người ngoài công giáo và vô tín ngưỡng.
2) Trong lãnh vực hành động, THMV muốn trình bày một học thuyết về hoạt động của Giáo hội nhằm chu toàn sứ mạng của mình giữa lòng lịch sử nhân loại. Tông huấn Pastores dabo vobis (25/3/1992) số 57 đã quan niệm THMV như là “Sự suy tư có tính cách khoa học về việc kiến tạo Giáo hội hàng ngày giữa dòng lịch sử, nhờ sức mạnh Thánh linh; suy tư về Giáo hội như là nhiệm tích phổ quát của ơn cứu độ, nghĩa là như dấu hiệu và dụng cụ của ơn cứu rỗi của đức Kitô bằng Lời Chúa, các Bí tích và phụng sự Bác ái. Như vậy, mục vụ không phải chỉ là một nghệ thuật hoặc một mớ những lời khuyến dụ, kinh nghiệm, phương pháp. mục vụ có một chức năng thần học của nó, bởi vì nó lãnh nhận từ đức tin những nguyên tắc và tiêu chuẩn cho hoạt động mục vụ của Giáo hội trong lịch sử ... Trong số những nguyên tắc và tiêu chuẩn vừa nói, cần phải nêu bật sự nhận định Phúc âm về hoàn cảnh xã hội văn hóa cũng như hoàn cảnh Giáo hội tại nơi thi hành việc mục vụ”. Phải thành thực thú nhận rằng đã có nhiều quan điểm về bản chất THMV bắt nguồn từ những quan điểm khác nhau về bản chất Giáo hội cũng như về sứ mạng của Giáo hội giữa trần thế. Đó là chưa kể đến ý nghĩa mà mỗi người mang trong đầu chung quanh từ ngữ “Mục Vụ”. Có người giới hạn các hoạt động mục vụ vào việc thi hành chức vụ mục tử của linh mục, có người mở rộng đến toàn thể hoạt động của Giáo hội. Có người đánh giá một hoạt động là “Mục Vụ” khi nó nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của nhân dân; do đó giáo xứ nào vắng khách thì cha xứ đáng trách là thiếu tinh thần mục vụ, cho dù vị linh mục đó đã tận lực làm việc đến hụt hơi chăng nữa!
Dưới đây xin đề nghị một số phương pháp trong việc suy tư về hoạt động mục vụ, để cho thấy những khó khăn được đặt ra khi kiến tạo học lý về THMV.
1. Những phương pháp hoạt động Mục vụ :
Có ba phương pháp được đề nghị trong các tác phẩm về THMV.
a. Phương pháp ứng dụng
Phương pháp này được trình bày trong nhiều sách THMV ra đời vào thập niên 60 của thế kỷ 20. THMV được coi như một ngành ứng dụng của thần học suy lý, đặc biệt là Giáo hội học. THMV tìm ra những phương thế để áp dụng những nguyên tắc của tín lý và luân lý. Thí dụ như một nguyên tắc của tín lý (luân lý và giáo luật) là “các tín hữu có bổn phận phải tham dự Thánh lễ ngày chủ nhật”; nhiệm vụ của THMV là tìm ra những đường lối nào để khuyến khích các giáo dân đi lễ, tổ chức thánh lễ thế nào cho linh động. Nếu cần, THMV có thể nhờ tới các môn xã hội học, truyền thông xã hội, v.v...
Phương pháp này bị chỉ trích là đã biến THMV thành một kỹ thuật ứng dụng của thần học và giáo luật. Theo kiểu này, thì THMV sẽ không bao giờ đạt được một quy chế khoa học, bởi vì nó chỉ gồm một mớ những biện pháp thực tiễn nhất thời, chứ không họp thành một bộ môn có hệ thống. Việc thiếu suy tư về đường lối hành động sẽ đưa tới chỗ thiếu mất một thuyết-lý tổng quát về đường lối hoạt động của Giáo hội, một thuyết lý có khả năng đề ra một sách lược hành động cũng như để cải tổ các đường lối tư duy và sinh hoạt hiện tại.
b. Phương pháp “xem - xét - làm”
Cha đẻ của phương pháp này là đức Hồng y Cardijn, sáng lập viên phong trào Thanh lao công. Từ đó đến nay, nó đã được hoàn chỉnh dần dần. Phương pháp này gồm 3 giai đoạn:
- Xem. Đây không phải chỉ là quan sát thực nghiệm, nhưng là phân tích và đánh giá hoàn cảnh hiện tại (những “dấu chỉ thời đại"). Đối tượng của nó là cuộc sống cá nhân, cộng đoàn hay xã hội hiện tại.
- Xét. Đối chiếu hoàn cảnh với Lời Chúa.
- Làm. Tìm ra một đường lối để hành động.
Trong giai đoạn 1 và 3, cần phải sử dụng các khoa học nhân văn xã hội, để phân tích thời cuộc cũng như để tìm ra một đường lối cụ thể để hành động. Dĩ nhiên, việc sử dụng các khoa học xã hội vào đời sống Giáo hội không phải lúc nào cũng đơn giản. Mặt khác, tuy rằng không thiếu những văn kiện Giáo hội đã được soạn ra theo phương pháp này (tựa như hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” của công đồng Vaticano II, thông điệp “Sollicitudo rei socialis” của đức Gioan Phaolô 2, hoặc là các văn kiện của Hội nghị các Giám mục châu Mỹ latinh họp tại Medellin và Puebla) nhưng không dễ gì để áp dụng nó. Sự khó khăn đã gặp phải ngay từ giai đoạn 1, khi chọn lựa những hiện tượng nào để mà “xem": làm thế nào để định lượng rằng đó là một “dấu chỉ thời đại”? lấy gì làm tiêu chuẩn để chọn lựa một hiện tượng để quan sát? Đây là vấn nạn đã được nêu lên cho các tác giả thần học giải phóng khi họ lựa chọn hiện tượng nghèo đói làm tiêu chuẩn khảo sát, cùng với những lý thuyết để giải thích hiện tựơng đó.
c. Phương pháp của cha Mario Midali.
Cha Midali (một linh mục dòng Don Bosco, giáo sự đại học Salesianum, Roma) đã bổ khuyết cho phương pháp “Xem - xét - nhìn”, áp dụng cách riêng vào việc soạn thảo các kế hoạch mục vụ. Khi thảo một kế hoạch cụ thể, bao giờ cũng cần phải tìm câu trả lời cho những vấn nạn sau đây: tại sao, để làm gì (lý do và cứu cánh)? muốn đạt tới cái gì (mục tiêu)? thực hiện tại đâu (môi trường, hoàn cảnh)? nhắm tới ai? cách thức thực hiện thế nào? nhân lực gồm có ai? bằng phương tiện gì? chừng nào thực hiện và kéo dài bao lâu? làm sao định lượng được hiệu quả?
Tiến trình soạn thảo một kế hoạch gồm có ba chặng:
- phân tích hoàn cảnh (analisi valutativa della situazione; fase kairologica);
- dự án (progettazione);
- kế hoạch (programmazione; strategia).
Trong mỗi một chặng, cần phải sử dụng cả phương pháp thực nghiệm lẫn những tiêu chuẩn phê bình (khác với phương pháp xem - xét - làm, đặt nặng thực nghiệm ở chặng đầu và chặng cuối, và phê bình ở chặng giữa).
- Chặng thứ nhất là phân tích hoàn cảnh hiện tại, để mà hiểu rõ môi trường hoạt động, tình trạng hoạt động trong hiện tại, cũng như đối chiếu với những tiêu chuẩn đức tin để xem có những gì phù hợp hoặc trái nghịch với Tin mừng.
- Chặng thứ hai là dự án. Điều này giả thiết là hoạt động hiện tại còn nhiếu thiếu sót, cần phải cải thiện. Vì thế cần phải nêu ra những mục tiêu muốn nhắm tới, và sẽ được thực hiện dài hạn và ngắn hạn. Dự án này cần diễn tả ra từng điểm cụ thể, và được hết thảy các nhân viên đồng tình tham gia.
- Chặng thứ ba là kế hoạch. Các mục tiêu cụ thể cần được diễn tả ra thành hành động và phân phối các công tác cho từng người tùy theo năng khiếu. Những công tác này sẽ được ấn định trong ngắn hạn và dài hạn, dành tới những giới nào, ở đâu. Kế hoạch cũng phải dự trù những dịp kiểm thảo lượng định để kiểm điểm hiệu năng.
Phương pháp này vừa muốn dung hòa lý thuyết với thực hành (nặng về lý thuyết trong chặng đầu), vừa muốn diễn tả sự hợp tác của con người với chương trình của Chúa (phối hợp giữa quan sát, phân tích, thi hành với ánh sáng của Lời Chúa). Phương pháp này muốn biểu lộ tính cách cộng đoàn của hoạt động mục vụ, khi việc họp bàn và hoạch định được diễn ra với sự tham gia của cả cộng đoàn. Phương pháp này cũng muốn vạch ra tính cách cụ thể của hoạt động mục vụ, lưu ý tới hoàn cảnh nhân văn, địa lý, lịch sử, đồng thời biết thích ứng với những tình thế mới.
Dù sao ta có thể nhận thấy rằng tác giả hiểu mục vụ theo nghĩa là một hoạt động nhằm thực hiện một sứ mạng của Giáo hội. Hoạt động này không thể phó thác cho sự biến báo tùy cơ, nhưng cần phải được tổ chức hợp lý.
2. Những khó khăn để tìm ra một phương pháp Thần học Mục vụ
Ở đây không muốn nói tới những khó khăn gặp phải trong khi làm việc mục vụ: điều đó quá rõ rồi! Nhưng chỉ nêu lên những vấn nạn được đặt ra trong việc đề nghị một phương pháp cho THMV.
Một trong những khó khăn lớn nhất là việc dung hòa giữa những tiêu chuẩn thần học với những tiêu chuẩn của khoa học thực nghiệm. Làm sao để THMV khỏi mất căn cước của mình vì bị đồng hóa với các khoa học xã hội? Để hiểu rõ hơn vấn nạn này, chúng ta hãy đi từ một thí dụ nho nhỏ. Ai ai cũng đồng ý mục tiêu của các hoạt động Giáo hội là giúp cho người ta nên thánh. Tuy nhiên, trong các tu viện, người ta sợ để cho các ông thánh làm bề trên, vì e rằng ông ta sẽ áp đặt một kỷ luật khắt khe không ai chịu nổi. Khi phải chọn một ứng viên làm Giám mục, người ta cũng tránh các ông thánh bởi vì các ông thánh quá thiêng liêng đâu biết chi chuyện quản trị tài sản. Như vậy, câu hỏi được đặt ra là: cần phải ủy thác công tác mục vụ cho một người đạo đức hay cho một người có biệt tài tháo vát, tổ chức? việc điều khiển Giáo hội phải theo những nguyên tắc của thần học tu đức hay là những nguyên tắc của quản trị kinh doanh? Từ một nhận xét nhỏ nhoi như vậy, chúng ta có thể mở rộng ra đến vấn đề phương pháp áp dụng trong việc soạn thảo và thực hành mục vụ. Chúng ta cần dựa trên các nguyên tắc của thần học tu đức hay là trên các nguyên tắc của quản trị xí nghiệp? Hiệu năng của các hoạt động mục vụ được đo lường qua sự tham dự đông đảo của các tín hữu, sự đóng góp tài chánh dồi dào, hay là qua đời sống nội tâm của họ? Thế nào là ơn thánh Chúa? thế nào là dự phòng tính toán của con người?
Thiết tưởng đó là những khó khăn chính yếu của việc xây dựng THMV, làm sao dung hòa những yếu tố thần linh với những yếu tố nhân loại của Giáo hội? làm sao THMV biết thu nhận các dữ kiện của tâm lý học, xã hội học, nhưng không hoàn toàn bị đồng hóa với những khoa đó? Làm sao THMV tạo ra cho mình được những tiêu chuẩn phán đoán và hoạt động chuyên biệt, dung hòa những yếu tố đức tin, sự tận tụy bác ái Kitô giáo với những yếu tố hiệu năng của khoa học thực nghiệm?
Thư tịch
Sergio Lanza, Introduzione alla Teologia Pastorale, Queriniana, Brescia 1989. Mario Midali, Teologia pastorale o pratica, 2a ed., Las Roma 1991. Bruno Seveso - Luciano Pacomio (ed.) Enciclopedia di Pastorale. I: Fondamenti, Piemme, Casale Monferrato 1992. Julio A. Ramos Guerreira, Teologia Pastoral, BAC Madrid 1995.