Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

MỤC VỤ HUẤN GIÁO

Thời sự Thần học - Số 14 - Tháng 12.1998, tr. 43-48

Tấn Cường


Trước hết, cần nói qua đôi lời về danh từ “Huấn giáo”. Nếu chúng tôi không lầm thì ở Việt Nam, tiếng “huấn giáo” mới ra đời trong khoảng 20 năm nay. Trước đây người ta nói tới việc “dạy giáo lý”, “dạy bổn”, “dạy sách phần”. Nguyên ngữ các tiếng Âu châu là “catechesis”, là một danh từ hy lạp, gốc bởi động từ katêkhêin, tự nó có nghĩa là: làm vang lên; nhưng dần dần dùng theo nghĩa là: dạy dỗ, giảng huấn, tường thuật. Theo nghĩa chuyên môn, thì catechesis nằm trong những hoạt động loan truyền Lời Chúa của Hội thánh, gồm ba giai đoạn sau đây: 

1) evangelisatio: công bố tin mừng, cho những người ngoài Kitô giáo, nhằm mời gọi họ đón nhận đức tin và lĩnh bí tích rửa tội; 

2) catechesis: đào sâu thêm đức tin đã lãnh nhận; 

3) homelia: giảng trong các cuộc cử hành bí tích, đặc biệt là Thánh lễ, dành cho các tín hữu. 

Vào hồi nguyên thủy, catechesis dành cho các dự tòng và tân tòng. (Người dự tòng đựơc gọi là “catechumenos”, có nghĩa là người đang theo khóa catechesis, đang được huấn giáo để lãnh bí tích rửa tội. Công cuộc huấn giáo vẫn còn kéo dài một thời gian sau khi lĩnh bí tích, dưới hình thức của mistagogia). 

Vào thời Trung cổ, tại Âu châu, hầu như dân số toàn tòng Kitô giáo, nên chế độ dự tòng không còn nữa. Do đó tiếng catechesis được dùng để ám chỉ việc huấn giáo dành cho các thiếu nhi chuẩn bị rước lễ vỡ lòng hay thêm sức. Thế nhưng, từ những thế kỷ gần đây, quan điểm đó đã thay đổi vì hai lý do. Một đàng, công cuộc truyền giáo sang các lục địa khác đã làm sống lại chế độ các dự tòng, những người lớn cần học đạo trước khi lĩnh bí tích rửa tội. Đàng khác, chính tại Âu Mỹ nghĩa là những nơi mang tiếng là “đạo dòng”, rất nhiều người hoặc là chẳng còn giữ đạo nữa, hoặc là giữ đạo theo tục lệ nhưng không biết đạo lý chi cả; vì vậy vấn đề huấn giáo được đặt ra không những cho các thiếu nhi chuẩn bị dọn mình rước lễ lần đầu hay thêm sức, nhưng là cho cả những người lớn. Mục tiêu của công cuộc huấn giáo là giúp cho cá nhân cũng như cộng đồng tín hữu được trưởng thành trong đức tin, nhờ việc học hỏi giáo lý đặt trọng tâm nơi mầu nhiệm của đức Kitô. Tại nhiều nơi, các Hội đồng Giám mục đã xuất bản những sách giáo lý ở nhiều cấp khác nhau, trong đó gồm cả sách giáo lý cho người lớn nữa. Dĩ nhiên việc soạn sách giáo lý cũng như việc dạy giáo lý phải để ý đến những nguyên tắc sư phạm nếu muốn thu đạt được kết quả mong muốn. Trong phần này, chúng tôi không muốn đi sâu vào vấn đề phương pháp sư phạm, nhưng chỉ nói đến phương pháp xét dưới khía cạnh thần học. 

Thực vậy, không ai chối cãi được rằng việc huấn giáo đã tiến triển rất nhiều trong thế kỷ 20 này, nhờ việc áp dụng các phương pháp sư phạm trong việc dạy giáo lý; tuy nhiên sự đóng góp không nhỏ vào việc canh tân công tác dạy giáo lý bắt nguồn từ các văn kiện của công đồng Vaticano II. Thực vậy trong vấn đề dạy giáo lý, chúng ta có thể phân biệt hai khía cạnh: một là dạy, đây là khía cạnh sư phạm; hai là giáo lý, đây là khía cạnh nội dung. Vaticano II đã ảnh hưởng như thế nào tới nội dung của giáo lý? 

Dĩ nhiên Vaticano II không có thay đổi nội dung của giáo lý công giáo; nhưng công đồng, cách riêng trong Hiến chế về Mạc khải, đã cho thấy ba chiều kích của đạo lý Kitô giáo: thứ nhất, đạo lý ấy dựa trên Lời Chúa; thứ hai đạo lý ấy đưa đến đức tin; và thứ ba, đạo lý ấy được truyền thông bởi Hội thánh và trong Hội thánh. Ta hãy rảo qua từng điểm một. 

1) Đạo lý dựa trên Lời Chúa. 

Thoạt tiên, điều này xem ra quá hiển nhiên, nhưng thực tế nó đã làm đảo lộn cả một não trạng. Trước đây thần học cũng như giáo lý ra như chỉ dừng lại ở chỗ học hỏi các tín điều mà Hội thánh đã tuyên bố, và thỉnh thoảng trưng thêm ít câu Kinh thánh để trang trí. Công đồng muốn cho thần học và giáo lý trở về nguồn, nghĩa là dựa trên chính Sách thánh, dựa trên Lời Chúa được ghi lại trong Sách thánh và truyền thông trong Giáo hội. Thêm vào đó, nói rằng cần phải đặt đạo lý dựa trên Lời Chúa cũng có nghĩa là cần phải trình bày các chân lý mạc khải hướng về một trung tâm, tức là đức Kitô. Điều đó giả thiết rằng các chân lý được sắp xếp theo thứ tự của lịch sử cứu rỗi, chứ không không phải dựa trên thứ tự luận lý. 

2) Đạo lý đưa đến đức tin. 

Khi nói rằng trung tâm đạo lý là đức Kitô, mặc nhiên chúng ta đã khẳng định rằng đạo lý Kitô giáo không phải là một mớ những chân lý trừu tượng, nhưng là một nhân vật sống động, tức là chính đức Kitô. Nói khác đi, tin vào đức Kitô không phải chỉ là học biết, chấp nhận những giáo điều về đức Kitô, nhưng còn là gặp gỡ Ngài, chia sẻ cuộc sống với Ngài, gắn bó với Ngài. Hiểu như vậy, việc dạy giáo lý không thể dừng lại ở chỗ dạy và học thuộc lòng một mớ giáo điều, nhưng phải làm sao để người thụ giáo cảm nghiệm đức Kitô. Một hệ luận khác nữa là việc dạy các kiến thức thì tới lúc nào đó có thể nói được là tạm đủ; chứ việc cảm nghiệm thì không bao giờ cùng: đời sống thân mật với đức Kitô buộc phải tăng trưởng luôn mãi. 

3) Đạo lý được thông truyền do Giáo hội và trong Giáo hội. 

Điều này có nghĩa là toàn thể Giáo hội phải tham gia vào công cuộc thông truyền đạo lý. Việc dạy giáo lý không phải là công tác dành riêng cho các linh mục. Tất cả các tín hữu cần phải làm chứng tá cho đức tin của mình, và thông truyền nó cho người lân cận. Các cha mẹ mang trọng trách này cách riêng đối với con cái của mình: họ là những người tiên khởi truyền thụ đạo lý công giáo cho con em. Thêm vào đó, nói rằng đạo lý được truyền thông trong Giáo hội có nghĩa là không thể giới hạn việc trình bày Kitô giáo vào việc dạy dỗ đạo lý mà thôi. Xét vì trung tâm của đạo lý là đức Kitô, một nhân vật sống động, và việc dạy đạo lý nhằm đưa tới sự gặp gõ với Ngài, nên chi việc dạy giáo lý cũng phải có tính cách sống động, theo nghĩa là không phải chỉ truyền thông một mớ giáo điều, nhưng nó còn kèm theo tất cả chứng tá đức tin sống động của toàn thể Hội thánh, đặc biệt qua việc cử hành phụng vụ và thực hành các nhân đức. 

Không ai chối cãi được rằng công đồng Vaticano II đã làm thay đổi cả một kế hoạch huấn giáo trong Hội thánh. Một bằng chứng rõ rệt là sự gia tăng con số các giáo-lý viên, thuộc đủ mọi thành phần Dân Chúa, chủng sinh, tu sĩ nam nữ, các bậc cha mẹ, các giáo viên, thậm chí các học sinh cũng tình nguyện đi dạy giáo lý cho các bạn đồng lớp với mình. Các sách giáo lý mới cũng ra đời dựa theo những đường hướng mà công đồng đã vạch, chú trọng nhiều tới Lịch sử cứu rỗi, tới việc đọc Kinh thánh. 

Tiếc thay, bên cạnh những thành tích rạng rỡ ấy, không thiếu những lỗ hổng đen tối tóm lại trong hai điểm chính sau đây: 

1) Nhấn mạnh đến chiều kích thứ nhất, đạo lý Kitô giáo dựa trên Lời Chúa, nhiều nơi chỉ dùng Sách thánh như căn bản dạy Giáo lý. Nói khác đi, họ quét sạch 20 thế kỷ của lịch sử Giáo hội, chẳng muốn biết gì đến những tiến triển về đạo lý và đời sống Kitô giáo. Người ta có thể thấy nguy cơ của việc áp dụng cách cực đoan nguyên tắc của Tin lành “Sola Scriptura”, chỉ có Kinh thánh mà thôi. 

2) Nhấn mạnh đến chiều kích thứ hai, đạo lý phải dẫn đưa đến đức tin, nhiều người chủ trương rằng trong việc dạy giáo lý, sự truyền thông đạo lý không quan trọng; điều quan trọng là cảm nghiệm gặp gỡ đức Kitô. Do đó, việc dạy giáo lý tựu trung nhằm giúp cho người tín hữu biết đọc các biến cổ lịch sử của cuộc đời, phân tích các cảm nghiệm dưới ánh sáng của Lời Chúa. 

Không ai phủ nhận những giá trị của việc sử dụng Kinh thánh và việc phân tích cảm nghiệm trong đời sống đạo. Thế nhưng, trên thực tế, những phương pháp dạy giáo lý chỉ giới hạn vào hai tiêu chuẩn ấy dần dần đưa đến chỗ gạt bỏ các kiến thức tôn giáo trong việc dạy đạo, với những hậu quả khá trầm trọng, tức là sự u mê về giáo lý, thậm chí có người không biết đến con số bảy bí tích nữa. 

Trong khóa họp Thượng hội đồng Giám mục thế giới năm 1977 về vấn đề huấn giáo, một số Giám mục đã lên tiếng báo động về phương pháp dạy giáo lý dựa trên cảm nghiệm, với hai nguy cơ chính sau đây: 

- thứ nhất, lấy lý do là tránh cách nhồi sọ, họ không còn chú ý đến việc dạy các chân lý nữa, nhưng để cho các học sinh tự ý tìm kiếm; với hậu quả là nhiều học sinh mù tịt về đạo lý. 

- Nguy cơ thứ hai, phương pháp chú trọng đến phân tích cảm nghiệm dần dần đảo lộn chính đạo lý Kitô giáo: theo đó căn bản của Kitô giáo là Lời Chúa soi sáng đời sống của con người, hơn là nói về Chúa; nói khác đi, Kitô giáo rút gọn thành một nhân sinh quan. 

Những lời báo động ấy dần dần đưa tới việc yêu cầu Tòa thánh đứng ra soạn thảo một tài liệu căn bản, trong đó tóm lại những chân lý nền tảng cốt yếu của Kitô giáo, dựa trên Kinh thánh. Tài liệu căn bản này không những sẽ được dùng làm căn bản cho các sách giáo lý ở các địa phương, mà còn cần phải được học thuộc lòng, để tránh cảnh mù tịt đạo lý mà cả một thế hệ Kitô hữu đang lâm vào. 

Tám năm sau, nhân dịp khóa họp ngoại thường của Thượng hội đồng Giám mục thế giới kỷ niệm 20 năm bế mạc công đồng Vaticano II, lời yêu cầu ấy trở nên cấp bách hơn, trước sự lung lạc đạo lý trong lãnh vực thần học cũng như trong lãnh vực huấn giáo: cần có một tài liệu quy chiếu, làm mốc không những cho việc soạn thảo các sách giáo lý địa phương, nhưng kể cả trong công cuộc hội nhập Kitô giáo vào các nền văn hóa: qua các ngôn ngữ khác nhau của các nền văn hóa, tất cả Giáo hội cần duy trì nội dung đức tin đồng nhất. 

Bibliographia Marcello Semeraro, Con la Chiesa nel mondo. Il laico nella storia, nella teologia, nel magistero, Vivere in, Roma 1991. Eloy Bueno de la Fuente, Redescrubrimento de los laicos o de la Iglesia?, in: “Rev. Esp. de Teología” 1988, 214-249; 1989, 69-99; 1991, 475-500. P. Couglan, Laici responsabili. Chiamati ad una comunione missionaria, Roma 1990 (commento della “Christifideles laici").