Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

THÁNH TÔ-MA A-QUI-NÔ CON NGƯỜI VÀ TÁC PHẨM

Thời sự Thần học - Số 3 - Tháng 2.1995, tr 9-20

_tsth_


SƠ LƯỢC TIỂU SỬ


Tô-ma A-qui-nô chào đời vào mùa xuân năm 1225 tại Rocca-secca gần A-qui-nô (một thị trấn ở miền Nam nước Ý). Tô-ma là con trai thứ ba của một gia đình vị vọng : Bá Tước Landolfo và Bà Theodora. 

Năm 1230, Tô-ma được song thân gửi vào Đan Viện của các cha Dòng Biển Đức tại Cassino để thụ huấn; song thân của Tô-ma cũng hy vọng anh sẽ trở thành Bề Trên của Đan Viện này, và việc đó sẽ làm cho ảnh hưởng của thân phụ anh rộng thêm ra. Nhưng đến năm 1235 Tô-ma phải rời Đan Viện, vì có sự tranh chấp giữa thần quyền và thế quyền, trong đó có sự tham dự của các vị lãnh đạo thành A-qui-nô.

Năm 1239, Tô-ma bắt đầu theo học tại phân khoa nghệ thuật Đại học Neapoli, và năm 1244 Tô-ma tốt nghiệp, lúc đó anh vừa tròn 19 tuổi. Cũng chính thời gian này Tô-ma khám phá ra ơn gọi tu trì và xin gia nhập Dòng Thuyết Giáo. 

Quyết định của Tô-ma làm cho cả gia đình sửng sốt, vì lúc bấy giờ Dòng Anh Em Thuyết Giáo và Dòng Anh Em Hèn Mọn là hai Dòng vừa mới thành lập, và lại là Dòng Hành Khất, trong khi gia đình của Tô-ma lại là gia thế vọng tộc !... Mẹ Anh (vì thân phụ của Anh vừa qua đời trước đó không lâu) và các anh em của Anh tìm mọi cách cản trở ý định đó, mà họ cho là điên rồ, kể cả dùng "kế mỹ nhân". Nhưng mưu toan thất bại ! Lúc đó Tô-ma đang là một tập sinh. 

Sau cơn "bão tố", Tô-ma trở lại Neapoli, và liền được gửi sang Paris thụ giáo với Thầy An-bê-tô - một giáo sư danh tiếng thời bấy giờ - tại tu viện Saint Jacques. 

Trong trường, Tô-ma rất ít nói, nên được bạn bè tặng cho biệt danh là "con bò câm xứ Si-li-xi-a"! 

Năm 1248, Tô-ma theo thầy An-bê-tô về Cologne dạy học, song song đó Anh tiếp tục nghiên cứu. Cũng tại đây Tô-ma lãnh tác vụ linh mục và dần dà trở nên nổi tiếng về sự thông thái và thánh thiện. Giáo quyền muốn dành cho Tô-ma nhiều chức tước và đặc ân, nhưng Tô-ma đã từ chối tất cả, Anh chỉ muốn làm một tu sĩ bình thường không danh vọng, chức tước. 

Năm 1252, Tô-ma trở lại Paris dạy thần học tại tu viện Saint Jacques và đạt tiếp những văn bằng khác ở đại học Paris. 

Năm 1256 Tô-ma trở thành giáo sư chính thức của đại học này. 

Năm 1259, Tô-ma được gọi về Ý dạy học tại Anagni (1259-261), Orvieto (1261-1265), Roma (1265-1267), Viterbo (1267-1268). 

Đầu năm 1269, Tô-ma lại trở về giảng dạy tại đại học Paris. Từ mùa Phục Sinh 1272 đến cuối năm 1273, Tô-ma dạy học tại Roma và Neapoli. Trong thời gian làm giáo sư, Tô-ma đã đọc nhiều tác phẩm thuộc đủ các môn và đã sáng tác nhiều tác phẩm triết học và thần học rất có giá trị. 

Năm 1274, Tô-ma được mời tham sự Công Đồng Chung Lyon II. Rất tiếc ngài đã qua đời ngày 07.03.1274 tại Đan Viện Xi-tô Fossa Nuova, trên đường tới dự công đồng. 

Năm 1323, Đức Gio-an XXII suy tôn Tô-ma lên hàng hiển thánh. 

Hơn hai thế kỷ sau, Đức Pi-ô V lại tuyên phong ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh vì nền đạo lý uyên thâm vững chắc của ngài, và Giáo Hội cũng nhận học thuyết của ngài là của mình. 

CÁC TÁC PHẨM CỦA THÁNH TÔ-MA


Để hiểu rõ lý do sáng tác của Thánh nhân chúng ta không thể bỏ qua những yếu tố tạo nên những tác phẩm ấy. 

I. HOÀN CẢNH SÁNG TÁC


Nhiều người vẫn cho rằng Tô-ma giỏi ở chỗ : ngồi tại nhà mà nghĩ ra lắm chuyện để viết, mà lại viết nhiều đến nỗi tập hợp thành nhiều bộ sách, bàn về đủ mọi vấn đề từ A đến Z. 

Thực ra không phải như vậy ! Tổ chức học viện thời Trung Cổ không như bây giờ. Thời đó sinh viên nắm toàn bộ quyền điều hành các trường đại học, họ tự tổ chức trường ốc, thuê giáo sư. Hằng tuần họ tổ chức những buổi tranh luận về đủ mọi vấn đề. Chính nhờ không khí học hỏi sôi nổi ấy, nên khi gặp phải các vấn nạn được nêu ra, Tô-ma về nhà suy nghĩ và tìm giải đáp cho từng vấn đề. Phần lớn những tác phẩm của Tô-ma được ra đời vào thời kỳ này, chúng thuộc loại "trong và bên lề đại học". 

1. Tác phẩm đầu tay của ngài là "In X libros Ethicorum", một tập "cours" ghi lại những bài giảng của giáo sư An-bê-tô (lúc này Tô-ma đang còn là sinh viên ở Cologne), kèm theo những nhận xét cá nhân nhiều khi đối nghịch với tư tưởng của Thầy. Có vẻ như chưa thỏa mãn, vài năm sau Tô-ma lại soạn một tác phẩm biệt lập "De ente et de essentia" để trình bày chủ trương triết học của mình. 

2. Cuộc đời biên soạn của Tô-ma chỉ chính thức khi ngài đã là linh mục (khoảng năm 1251) và làm phụ khảo ở phân khoa Thần học tại Paris. Ở đây, vị tân phụ khảo phải : 

a) "Trình diện" bằng một diễn văn. Ngài chú giải đoạn văn Ba-rúc 4,1 Bài chú giải này còn lưu lại đến ngày nay. 

b) Theo chương trình, vị phụ khảo tập sự phải qua hai năm chú giải Thánh Kinh, thực ra ở đây chỉ là rảo qua toàn bộ Thánh Kinh với vài lời giải thích từ ngữ kèm theo. Còn việc giải thích thực sự chỉ dành cho những giáo sư : giải đáp các thắc mắc, trình bày ý kiến.v.v... 

c) Sau hai năm chú giải Thánh Kinh, phụ khảo phải qua hai năm chú giải bốn cuốn "Sententia" của Petrus Lombardus, một loại sách giáo khoa thần học lúc bấy giờ. Giảng văn của Tô-ma còn lưu lại dưới nhan đề "Scriptum in IV libros sententiarum magistri Petri Lombardi". 

d) Mãn bốn năm tập sự, Tô-ma có thể được bổ nhiệm làm giáo sư chính thức như các bạn đồng môn ? - Chưa được ! Vì đại học Paris bấy giờ đang sôi động vì cuộc tranh chấp giữa các giáo sư. 

3. Sau nhiều khó khăn, Tô-ma được Đức Alexandre IV can thiệp để được bổ nhiệm làm giáo sư chính thức. 

a) Một lần nữa vị tân giáo sư phải trình bày một diễn văn tựu chức. Tô-ma chọn câu Thánh Kinh làm đề tài : "Salvum me fac, Domine, quoniam defecit sanctus, quoniam diminutae sunt veritates a filiis hominum - Xin cứu nguy, lạy Chúa. Vì chẳng còn thấy ai đạo hạnh, giữa loài người, không một kẻ tín trung" (Tv. 11,2). 

b) Công việc của một giáo sư đại học có thể gồm như sau : 

* Diễn giảng (legere) hằng ngày. Nhưng khác với thời phụ khảo, giáo sư chỉ chọn vài sách (chứ không rảo tất cả) để chú giải, bình chú, đào sâu. 

* Tranh luận (disputare) có hai loại : 

Thông thường : Mỗi giáo sư thường tổ chức đôi ba lần một năm. Một giáo sư nêu một đề tài và điều khiển cuộc tranh luận, các giáo sư khác, các phụ khảo và sinh viên đóng góp bằng cách gợi lên vấn nạn. Vị phụ khảo của giáo sư chủ động có bổn phận giải đáp. Nếu vị phụ khảo "bí lù" thì vị giáo sư chủ động mới ra tay can thiệp. Hôm sau trở lại lớp, vị giáo sư chủ động mới xếp đặt lại đề tài theo hệ thống, và như thế các sinh viên có thể có cái nhìn chính xác về các vấn đề : tư tưởng của Thầy, các vấn nạn, các giải đáp... 

* Quodlibet (tạp lục, nếu có thể nói). Nhưng phải tài cao học rộng mới dám đảm nhận hình thức tranh luận này. Mỗi năm hai lần vào dịp Giáng Sinh và Phục Sinh, mỗi phân khoa tổ chức một cuộc tranh luận "de quodlibet ad voluntatem cujuslibet". Ai cũng có thể nêu vấn nạn, và bất cứ về vấn đề gì cũng được. Tô-ma là một trong số ít các giáo sư đại học Paris thời ấy dám "liều mình" xướng xuất và đương đầu với lối trắc nghiệm phiêu lưu ấy ! 

Chính do những bài giảng và những cuộc tranh luận, mà ngày nay chúng ta có : 
  • Những cuốn chú giải : Thánh Kinh, Boetius, Petrus Lombardus. 
  • Questiones disputatae và Questiones quodlibetales, trong công trình sáng tác của Tô-ma. 


II. SỰ DU NHẬP TƯ TƯỞNG CỦA ARISTOTE VÀO TÂY PHƯƠNG


Yếu tố thứ hai ảnh hưởng tới việc biên soạn của Tô-ma là việc du nhập các tác phẩm của Aristote vào Tây Phương. Các sử gia quen nói đến ba đợt du nhập tư tưởng của Aristote vào thế giới văn minh Ki-tô giáo với những phản ứng liên hệ trong giới thần học. 

1. Lần thứ nhất : nhờ Boetius (+525) làm môi giới, Tây Phương có dịp đọc các tác phẩm luận lý của Aristote : Logica vetus (Categorias, Perihermenias). Aristote thời kỳ này được tiếp nhận như ông thầy văn phạm : phân tích các ý niệm và các mệnh đề. Và ngay lập tức, các nhà chú giải Thánh Kinh vội áp dụng ngay vào môn học của mình : tìm hiểu Thánh Kinh bằng cách học hỏi ý nghĩa các từ ngữ. 

2. Lần thứ hai : vào khoảng thế kỷ XII (khoảng những năm 1120-1160) Tây Phương gặp gỡ với Aristote : Logica nova (Analytica priora et posteriora, Topiques, Sophistici elenchi). Lúc này, Aristote được biết đến như là ông thầy lý luận : cách dùng tam đoạn luận và chứng minh. Khoa chú giải Thánh Kinh ở thời kỳ này áp dụng lối biện chứng: vấn nạn và giải đáp. Các đoạn văn xem ra mâu thuẫn trong Sách Thánh và các Giáo Phụ được đem ra mổ xẻ và sắp xếp cho có hệ thống. Những tác phẩm thần học (theo đúng nghĩa của ngày nay) đầu tiên ra chào đời. Vì cho đến lúc đó các nhà thần học chỉ làm nhiệm vụ của những nhà chú giải Thánh Kinh ngày nay, nghĩa là trình bày các vấn đề dựa theo thứ tự lịch sử cứu độ của Thánh Kinh. Từ giờ trở đi người ta sẽ trình bày các vấn đề theo một lối khác : các vấn đề được sắp xếp theo các thứ tự luận lý. 

3. Tây Phương chỉ biết toàn bộ những tác phẩm của Aristote vào thế kỷ XIII-XIV qua trung gian các triết gia Ả-rập (với bản dịch đôi khi bị bóp méo trong những vấn đề quan trọng) theo ngả Tây Ban Nha. Bấy giờ người ta thấy Aristote có một tư tưởng biệt lập về siêu hình, tâm lý, luận lý. Một vũ trụ quan và nhân sinh quan mới ! Cho mãi đến lúc này, các triết gia chỉ mải miết chiêm ngưỡng thế giới của các ý tưởng. Giờ đây, triết học Aristote mở cho họ thấy một vũ trụ cụ thể, một con người biết lý luận, những điều kiện cần thiết để khai sinh khoa học thực nghiệm (An-bê-tô là một trong những nhà tiên phong áp dụng vào sinh vật học). Nhưng với triết học này, đức tin xem ra có vẻ bị đe dọa, vì thế giới của Aristote có thể giải thích tự nó không cần nại đến các thần linh. Con người lý luận của Aristote khó lòng chấp nhận những chân lý tiên thiên mà chưa chứng minh. Các nhà thần học báo động ! Nhưng khai trừ Aristote sao được ? Vì những giá trị các tác phẩm của ông đã thu hút gần hết các trí thức thời bấy giờ. Họ đã chán ngán các tư tưởng viễn vông rồi. 

Tô-ma đã mạnh dạn đứng ra dung hòa hai thế giới có vẻ độc lập với nhau : một thế giới của đức tin Ki-tô giáo và một thế giới tự nhiên của Aristote. Đây là một dự án táo bạo giữa biết bao nghi kỵ. 

Đó là lý do tất cả bộ sách của Tô-ma chú giải Aristote, nhưng ở đây Tô-ma không dùng nó vào việc dạy học. 

III. CÁC TÁC PHẨM CỦA THÁNH TÔ-MA (mục lục đại cương) 


A) Các bộ "chú giải" 

1. Thánh Kinh : 

   a) Cựu Ước: Thánh Vịnh, Diễm ca, I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ai ca, Gióp 
   b) Tân Ước : Tin Mừng Mát-thêu, Gio-an, các thư Thánh Phao-lô. 

Ngoài ra Tô-ma còn sưu tầm các tư tưởng của các Giáo Phụ về Tin Mừng thành một "xà tích vàng" (catena aurea). 

2. Dionysius: (một thế giá ở thời Trung Cổ vì được coi như đệ tử của Thánh Phao-lô): Tô-ma chú giải De divinis nominibus (1261), ngoài tập thủ bản ghi lại giảng văn An-bê-tô dạy ở Paris và Cologne (1247-1248). 

3. Boetius : Tô-ma chú giải De Hebdomadibus và De Trinitate của Boetius lúc đó đang được dùng làm sách giáo khoa đại học. 

4. Petrus Lombardus : Tô-ma đã chú giải 04 cuốn "Sententia" khi còn làm phụ khảo ở Paris. Mười năm sau ngài muốn sửa lại, nhưng vì không thỏa mãn với cách xếp đặt của Lombardus, nên ngài viết Summa Theologiae. 

5. Aristote : Bộ chú giải này không dùng cho việc dạy học, mặc dù đôi ba tác phẩm của Aristote bắt đầu được dùng làm giáo khoa toàn thư. Người ta quen nói Tô-ma rửa tội cho học thuyết Aristote theo nghĩa là bổ khuyết những thiếu sót và dung hòa những đòi hỏi giữa đức tin và lý trí. Nhưng gần đây người ta còn để ý đến việc Tô-ma trình bày học thuyết chính thống của Aristote chứ không qua các bản dịch và chú giải của các triết gia thuộc trường phái Ả-rập (thực ra Thánh Tô-ma không thông thạo tiếng Hy-lạp, ngài đã nhờ một người anh em cùng Dòng là Guillermo de Moerbeke dịch từ nguyên ngữ). Đàng khác, nhiều chỗ Tô-ma còn cắt nghĩa bản văn của Aristote theo "ý ngay lành" : "lẽ ra tác giả muốn nói như thế này...". Những tác phẩm của Aristote mà Tô-ma đã chú giải gồm : 
  • In Perihermenias (đến II,2) 
  • In Posteriores Analyticorum 
  • In VII libros de caelo et mundo (đến III,8) 
  • In II libros de Generatione et corruptione (đến I,17) 
  • In IV libros Meteorum (đến II,10) 
  • In III libros de Anima 
  • In librum de Sensu et Sensato 
  • In librum de Memoria et reminiscentia 
  • In X libros Ethicorum 
  • In libros Politicorum (đến III,6) 
  • In Librum de causis [1]
B) Văn thể 

Ở trên, chúng ta đã biết qua về nguồn gốc của các thể văn này, nó bắt nguồn từ các cuộc tranh luận công khai ở đại học. Tất nhiên, khi soạn thành sách, không khí sôi động của các cuộc tranh luận đã "nguội". Vì vậy, vấn đề chỉ còn : 

1. Đặt vấn đề (quaestio) Utrum... ? 
2. Nghi vấn (Dubitatio, objectio): các lý lẽ thuận nghịch ? 
3. Phân định (Responsio, determinatio) tư tưởng của tác giả và giải đáp hay dung hợp các lý lẽ thuận nghịch : 
   
a) Tranh luận theo đề tài : Quaestio disputatae. Thu lại trong 7 đề tài bao gồm 510 cuộc tranh luận : (trong những năm đầu dạy học, Tô-ma tổ chức mỗi tuần hai cuộc tranh luận) 
  • De Veritate (253)
  • De Potentia (839) 
  • De Malo (101) 
  • De Spiritualibus creaturis (11) 
  • De Anima (21) 
  • De virtutibus (36) 
  • De unione Verbi incarnati (5) 
   b) Tranh biện tạp lục : Disputationes de quolibet được tổ chức khi Tô-ma làm giáo sư ở Paris, gom lại thành XII tập. 

C) Bộ SUMMA 

SUMMA : Tổng lược, đại cương. Một cuốn cẩm nang của một khoa học, dành cho các sinh viên. Theo linh mục Chenu, mục đích của Summa là : 
  • Trình bày vắn tắt minh bạch toàn thể một môn học nào đó. 
  • Áp dụng phương pháp tổng hợp trong cách xếp đặt các đề tài. 
  • Mục tiêu sư phạm dành cho sinh viên. 
Xin lưu ý là Summa chỉ được soạn thảo bên lề đại học chứ không trực tiếp dùng vào việc dạy học thời ấy. Tác giả tự do xếp đặt các vấn đế theo sở thích riêng mà không bị ràng buộc theo một chương trình nào cả. Văn thể Summa mang đậm dấu vết của thời đại tác giả đang sống : những lý lẽ bênh chống, những ý kiến phân định, những giải đáp, các vấn đề được đem ra tranh luận... Trong tác phẩm này người ta thấy rõ tài trí của tác giả từ cách xếp đặt, trình bày vấn đề đến cách chọn tài liệu và cách phân chia, giải đáp các vấn nạn... 

Hai bộ Summa của Tô-ma : 

1/ Summa contra gentiles (Liber de veritate catholicae fidei contra errores infidelium) : Tác phẩm chia làm 4 cuốn có thể tóm tắt như sau : 

   a) Những chân lý tự nhiên (3 cuốn đầu) gồm : Thiên Chúa, sáng tạo, đời sống luân lý. 
   b) Những chân lý mạc khải (cuốn 4) gồm : Thiên Chúa Ba Ngôi, Nhập Thể, các Bí Tích. 

2/ Summa Theologiae : Dành cho các sinh viên mới bước vào ngưỡng cửa thần học, tác phẩm này chia làm ba phần : 

   a) Thiên Chúa tự tại : 
  • Bản tính (quaestio 2-13), hoạt động nội tại (q.14-26), đời sống nội tại (q.27-43) 
  • Thiên Chúa, nguyên nhân các tạo vật : Sự tạo dựng nói chung (q.44-49), và cách riêng các Thiên Thần (q.50-64), vũ trụ vật chất (q.65-74), loài người (q.75-102). 
   b) Con người hướng về Thiên Chúa, gồm hai cuốn : 
  • Cuốn I : Thiên Chúa, cứu cánh con người (q.1-6), con người hướng về Thiên Chúa bằng các hành vi (q.7-48), tập quán (q.48-49), và được hỗ trợ bởi lề luật và ơn thánh (q.90-114). 
  • Cuốn II : Xét riêng các nhân đức (q.1-170) và các nếp sống (q.171-189).    
   c) Công trình cứu chuộc :

   Thiên Chúa Nhập Thể (q.1-26), Cứu Chuộc (q.27-59), áp dụng công nghiệp trong các Bí Tích (q.60-96). Nhưng đến Bí Tích Hòa Giải, tác giả ngừng bút, ai hỏi ngài cũng đều trả lời : Không thể nữa (Non Possum). Và còn hơn nữa, ngài toan đốt tất cả các sách ngài đã viết ra vì ngài thấy nó chỉ là rơm rác so với những gì ngài được Chúa cho thấy trong cơn ngất trí vào ngày lễ Thánh Ni-cô-la, 06.12.1273. 

   d) Các tiểu luận : 

   Một ngăn trong tủ sách của Tô-ma được ngài dành cho : Opuscula. Loại này không thể xếp nó vào trong một văn thể nào nhất định vì đề tài rất phong phú, hoàn cảnh sáng tác của nó rất dị biệt. Trong số đó có các tác phẩm đáng kể như : 

    i) Về Tín lý và thần học : 
  • De Articulis fidei et ecclesiae sacramentis. Viết theo yêu cầu của ĐC Leonardo de Conti, Tổng Giám mục Palermo, tóm lược các chân lý đức tin và các Bí Tích. 
  • Compendium theologiae. Cũng là toát yếu giáo lý Công Giáo nhưng xếp xoay quanh ba nhân đức Tin, Cậy, Mến. Tác phẩm này dang dở khi bắt đầu đức Cậy. 
  • Contra errores graecorum. Là bản tường trình của Tô-ma lên Đức Thánh Cha Ur-ba-nô IV sau khi duyệt cuốn "Libellus de fide sanctae Trinitatis" do Nicolas de Durazzo thu thập ý kiến Đông Phương về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. 
  • De rationibus fidei contra saracenos, graecos et armenos. Cuốn này do Đức Tổng Giám mục Antioquia, Christiano Elias O.P nhờ Tô-ma giải đáp một số thắc mắc về thần học do các người Saraceno, Hy-lạp và Armente nêu lên. 
  • Declaratio 108 dubiorum ex commentario fratris Petri de Tarentasia in sententias. Trong đó Tô-ma trả lời cho Bề Trên Tổng Quyền Joannes de Vercelli,OP hỏi ý kiến Tô-ma về một vài mệnh đề sai lạc trong bản "Sententiae" (do một kẻ vô danh tố cáo) được Pierre de Tarentasia soạn thảo. 
  • De forma absolutionis, và De articulis 42, trả lời cho Bề Trên Tổng Quyền Joannes khi ngài thỉnh ý Tô-ma. 
  • Các tập : De sortibus; De occultis operationibus naturae; De Judiciis astrorum, trả lời cho các vấn nạn về định mệnh, tinh tú... là những đề tài thần học sôi nổi thời ấy. 
  • De emptione et venditione. Trả lời bốn vấn nạn lương tâm do Jacques de Viterbo nêu lên. 
  • Expositio super primam et secundam Decretalem. Diễn giải hiến chế Công Đồng La-tran IV theo lời yêu cầu của Tổng Phó Tế Todi. 
  • Ba tác phẩm về đời tu : Contra impugnantes Dei cultum et religionem; De perfectione vitae spiritualis; Contra pestiferam doctrinam retrahentium a religione, viết trong bầu không khí căng thẳng giữa các giáo sĩ và tu sĩ. 
    ii) Triết học và khoa học : 
  • De ente et essentia : siêu hình học thủ yếu, viết trong thời gian đầu làm giáo sư. 
  • De aeternitate mundi contra murmurantes : Bênh vực Aristote đáp lại các lời chỉ trích của Joan Peckham ở đại học Paris. 
  • De Unitate intellectus contra Averroistas : mang dấu vết của những cuộc chống đối do thuyết Aristote tạo nên. 
  • De motu cordis, de mixtione elementorum. 
    iii) Chính trị : 
  • De regno ad regem (hay "De regimine principum) : về việc trị quốc, viết cho Hugo II, Vua Chypre. 
  • De regimine judaeorum : Gửi nữ quận công Maguerite, công chúa của vua Thánh Louis, về cách đối xử đối với người Do Thái. 
    iv) Đạo đức : 
   
    Thời đó, người ta chưa có máy ghi âm để ghi lại những lời khuyên lơn an ủi của ngài. Nhưng chúng ta còn lại rất nhiều bài giảng của ngài, đặc biệt trong mùa vọng và mùa chay, vài cuộc đàm đạo về kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Tin Kính. Thánh Nhân cũng còn là tác giả một số kinh nguyện đặc biệt về Phép Mình Thánh: Pange Lingua, sacris solemnis, verbum supernum, Adoro te, Ca tiếp liên : Lauda Sion, các kinh dọn mình trước và sau rước lễ... 

KẾT

Chúng tôi chỉ đóng góp một cố gắng nho nhỏ gọi là, mang tính cách "ôn lại lịch sử" hơn là khảo cứu mang tính khoa học. 

Đúng hơn, đây chỉ là một cuộc tìm về với con người đích thực và hoàn cảnh ra đời các tác phẩm của Tô-ma. Một con người thiết tha với cuộc đời, với những băn khoăn trăn trở của xã hội, của Giáo hội đang kiếm cho mình một hướng đi chắc chắn để tìm về chân lý. Tô-ma đã xung phong làm "người mở đường". Dù có biết bao nhiêu nghi kỵ, tỵ hiềm, mặc kệ, vì ngài thấy cơn khát của con người thời đại, ngài không vẽ ra những lý thuyết "xa rời thực tế", những lý thuyết "salon". Nhưng ngài lặn hụp trong những thao thức của con người, chia sẻ mối lo âu với họ và sẵn sàng tìm cách trả lời cho từng vấn đề... 

Tìm về với nguồn cội, chúng ta không phải chỉ để "bơm" ngài lên, nhưng là để nhìn nhận những giá trị tích cực mà ngài đã để lại cho Dòng Thuyết Giáo, cho Giáo hội. 

Tìm về với nguồn cội, chúng ta không chỉ an tâm và chăm chú "tụng" lại "nguyên xi" học thuyết của ngài và lấy thế làm đắc ý vì đã theo sát với truyền thống... 

Ngày nay, chúng ta thường nói cần phải đối thoại. Thánh Tô-ma khi xưa cũng đã đối thoại, ngài xem xét cẩn thận từng học thuyết, đón nhận tất cả những ý kiến đó và trình bày lại theo ý kiến của mình một cách sáng sủa, rõ ràng. Vâng, ngài đón nhận tất cả và không hề lên án hay phản đối bất cứ một học thuyết nào dù rằng nó là của ai. 

Nếu muốn đối thoại cách chân thành, chúng ta không thể không học nơi Thánh Sư Tô-ma gương sáng này. 


Sách tham khảo

  • M.D.Chenu,OP, Introduction à l'étude de St.Thomas d'Aquin, Librairie Philisophique J.Vrin, Paris - Instptut d'études Médiévales, Montréal, 1950. 
  • Modern Library College Editions, Introduction to St.Thomas Aquinas, The Modern Library, New York, 1948 
  • A.Cresson, St.Thomas d'Aquin, Presses Universitaires de France, Paris, 1947. 
  • J.P.Torrell,OP, Initiation à St.Thomas d'Aquin, Éd.Universitaires Fribourg Suisse, Éd. du Cerf, Paris, 1993 
[1] Người ta cho rằng tắc phẩm này là của Aristote