Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

THẦN HỌC VỀ SỰ CỨU ĐỘ

Thời sự Thần học – Số 1, tr. 37-42

Kim Thao 

BÀI GIẢNG TRÊN NÚI - TK.15
(Fra Angelico)
Chúng ta biết rằng sở dĩ Đức Ki-tô chiếm địa vị quan trọng trong đời sống đức tin của chúng ta và nói được là của cả lịch sử nhân loại là tại vì chúng ta tuyên xưng Ngài là vị Cứu Thế. Thế nhưng Cứu Thế có nghĩa là gì? Các sách giáo lý thường trình bày việc Cứu Thế theo nghĩa là Ngài cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi, và giao hòa nhân loại với Thiên Chúa.

Đi sâu hơn chút nữa, thần học cổ truyền nói rằng tội lỗi của chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa muôn vàn trùng, đáng phạt án chết đời đời; và Đức Ki-tô Con Thiên Chúa đã chết để đền tội thay cho chúng ta: Duy Ngài mới có thể dâng cho Chúa Cha hy lễ đền tội cân xứng với sự xúc phạm.

Thực vậy, khi phạm tội chúng ta xúc phạm đến Đấng vô cùng; xong khi đền tội thì sức chúng ta lại hữu hạn không thể bù đắp cân xứng được; cần phải có một Đấng vô cùng mới trả nợ cân xứng.

Lối lập luận như vậy đã gặp khá nhiều vấn nạn

Thứ nhất vì nó trình bày Thiên Chúa như một ông quan tòa nghiêm thẳng, chỉ nghĩ đến công lý, báo oán. Thử hỏi hình ảnh ấy có trung thực với sự mạc khải trong Tin Mừng về người Cha nhân lành, bỏ chín mươi chín con chiên ngoan để đi tìm một con chiên lạc hay không ? 

Thứ hai, nó hạ giá chính Đức Giê-su: ra như cuộc đời của Ngài chỉ có giá trị ở cái chết trên thập giá; còn phần trước đó của cuộc đời coi như vô nghĩa. 

Thứ ba, về chính khái niệm của việc cứu độ: phải chăng nó chỉ giới hạn vào việc chuộc tội? Quan niệm về cứu độ như vậy có ảnh hưởng gì đến cuộc sống hiện tại, đến công cuộc thăng tiến nhân loại hay không? 

Đó là những lý do khiến thần học phải xét lại chương bàn về sứ mạng Cứu Thế của Đức Ki-tô (soteriologia). 

1) Để bắt đầu việc nghiên cứu, cần phải đi từ Kinh Thánh, để xem Tân Ước nói gì về sứ mạng của Đức Ki-tô. Ta có thể thấy rằng các từ ngữ dùng rất là phong phú: bên cạnh những từ "cứu vớt, mua lại, chuộc lại, đền tội" còn biết bao từ khác: giải phóng, giải thoát; làm cho nên công chính; trao ban, hiến thân; thanh luyện; tha thứ; hòa giải; hòa bình, bình an; ban sự sống, sự sống đời đời; ban cho làm nghĩa tử; thông dự vào bản tính Thiên Chúa. 

Các giáo phụ vẫn còn tiếp tục đường lối trình bày ấy khi nói đến Đức Ki-tô như là mẫu mực của con người hoàn thiện, như kẻ chiến thắng ma quỷ, và nhất là như kẻ thông ban sự sống Thiên Chúa cho con người. 

- Quan niệm về sự cứu chuộc như là đền bù cho sự công thẳng của Thiên Chúa chỉ xuất hiện với thần học của thánh An-xen-mô, vào lúc khai sinh kinh viện, bắt đầu áp dụng một ý niệm pháp đình vào việc phân tích bản văn Kinh Thánh, đặt nặng vấn đề công lý, thưởng phạt. Từ đó về sau, thần học cứ lặp đi lặp lại tư tưởng ấy, mà không chịu đào sâu thêm các từ khác dùng trong Kinh Thánh, cũng như không xét xem Kinh Thánh dùng các tiếng "hy sinh, chuộc tội" theo nghĩa pháp đình hoặc theo nghĩa khác nữa? 

2) Hơn thế nữa, Kinh Thánh cũng cho ta thấy rằng đức Ki-tô đến trần thế này không phải chỉ để đền tội thay cho chúng ta, để lãnh án phạt tử hình mà chúng ta đáng chịu. Đức Ki-tô chính là mạc khải của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người: Ngài đến để thông chia cho chúng ta tình yêu dồi dào của Ba Ngôi Thiên Chúa, đem tình yêu của Thiên Chúa chiếu rọi vào trong cảnh sống lầm than của con người. 

Hậu nhiên, Đức Ki-tô là Đấng Cứu Thế bằng tất cả cuộc đời của Ngài, chứ không phải chỉ có lúc chết trên thập giá. Thực vậy, Ngài chính là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trao ban cho con người qua hết mọi lời nói và hành động: những khi Ngài đi làm bạn với những người tội lỗi, tiếp xúc với những người bị xã hội ruồng bỏ; những khi Ngài chữa lành các người bệnh tật và quỷ ám. Suốt cuộc đời của Ngài là sự trao ban tình yêu; Ngài là "một người sống cho người khác". 

Chỉ trong bối cảnh ấy mà cái chết của Ngài có ý nghĩa. Giá trị cái chết của Ngài không phải ở chỗ bị giết, bị ám sát, nhưng là ở chỗ biểu lộ tới tột điểm cái lý tưởng mà Ngài đã thực hiện suốt cuộc đời, tức là trao ban mình cho người khác, một cách tình nguyện, tự do. Cái chết của Ngài không phải nhằm để thoả mãn sự công thẳng của Thiên Chúa cho bằng để bộc lộ tình yêu trao ban của Thiên Chúa dành cho loài người. 

Bởi vậy, không thể nào chỉ giới hạn vào quan điểm công lý pháp đình để tìm hiểu sứ mạng của Đức Ki-tô; cần phải đi từ động lực tình yêu, liên đới. Ngài chia sẻ thân phận cùng cực của chúng ta, và đồng thời nâng cao kiếp sống chúng ta từ hàng nô lệ lên hàng con cái Thiên Chúa. Ngài khơi dậy cho chúng ta một sức lực mới, có khả năng để đổi mới cuộc đời. 

3) Dù sao đi nữa, Kinh Thánh mô tả tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại không phải dưới viễn ảnh của luật pháp qua tương quan giữa vua chúa với thần dân. Mối tương quan của Thiên Chúa được biểu lộ qua tiếng "giao ước", hay nói đúng hơn nữa, qua từ ngữ của "tình yêu". 

Tội lỗi của con người không xúc phạm đến sự công thẳng cho bằng đến tình yêu của Ngài, tình yêu bị hất hủi, phản bội. Thế nhưng, thay vì đòi hỏi con người phải đi bước trước để xin tạ lỗi, thì Tân Ước cho ta biết rằng Thiên Chúa, như người mục tử nhân lành hoặc như người cha trong dụ ngôn người con phung phá, đã lên đường để đi tìm người tội lỗi. 

Cái chết của Đức Ki-tô cần được nhìn trong nhãn giới ấy: nó là biểu hiệu của một mối tình bị hất hủi do tội lỗi của con người, và đồng thời là sự bày tỏ tình yêu liên đới qua việc tha thứ và chuyển cầu, chứ không phải xin báo oán. 

Thiên Chúa không ưa thích cái chết của Đức Ki-tô như sự đền bồi danh dự bị xúc phạm! Thiết tưởng đừng nên nói rằng "Chúa nguôi giận vì hy lễ đền tội của Đức Ki-tô", ra như Chúa khắc nghiệt thích trừng phạt, nhưng nên nói rằng: "Trước mặt Thiên Chúa cái chết của Đức Ki-tô có giá trị là bởi vì Ngài đã muốn chấp nhận cái chết như dấu chỉ liên đới với số phận của nhân loại, và để tỏ ra rằng Thiên Chúa yêu thương nhân loại cũng như là yêu thương chính Con Một của mình vậy". 

Khi bàn về giá trị cái chết của Đức Giê-su, một từ ngữ thường được sử dụng là hy lễ (lễ hy sinh: sacrificium). Tuy nhiên chúng ta nên cẩn thận để tránh ngộ nhận. Thường thì người ta quan niệm giá trị của hy lễ ở chỗ sát tế lễ vật: vật bị giết biểu lộ tâm tình đau khổ tan nát của chúng ta trước mặt Thiên Chúa vì đã xúc phạm Ngài. Quan niệm như vậy, ngoài giả thiết một hình ảnh của Thiên Chúa nghiêm thẳng, lại còn làm lệch lạc ý nghĩa của hy lễ. Cần phải nhìn hy lễ dưới viễn ảnh khác, trong tương giao tình yêu. Để tỏ lòng yêu ai, thì chúng ta thường biếu quà cáp; món quà trọng nhất là biếu chính bản thân cho người yêu. Sự sát tế lễ vật nhằm biểu lộ ý muốn dâng hiến trọn vẹn, vô điều kiện, không bao giờ lấy lại nữa. Dù sao, như chúng ta đã biết, trong Tân Ước, hy lễ đẹp lòng Chúa không hệ tại việc sát tế chiên bò lễ vật: Chúa không ưa những quà cáp bên ngoài, nhưng là ước mong con người dâng chính bản thân qua việc chấp nhận vâng nghe lời Ngài. 

4) Vai trò của Đức Ki-tô không chấm dứt với cái chết. Qua sự sống lại, lên trời, ban Thánh Thần, Ngài còn tiếp tục sứ mạng Cứu Thế qua việc chuyển cầu cho chúng ta. Không những Ngài là một mẫu gương cho chúng ta bắt chước, nhưng nhờ sự phục sinh (chiến thắng các lực lượng của tội lỗi) Ngài còn trở nên nguyên nhân cứu thoát cho chúng ta, cứu chúng ta khỏi lo âu, sợ hãi, khỏi tính ích kỷ; trả lại cho chúng ta sức mạnh và tự do, ngõ hầu ta có thể mạnh dạn ra đi lên đường phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. 

5) Cho đến nay, chúng tôi muốn trình bày những cố gắng suy tư nhằm diễn tả lại ý nghĩa của công trình cứu chuộc của Đức Ki-tô, đặc biệt trong việc mạc khải tình yêu của Thiên Chúa (chứ không phải chỉ nhằm thỏa mãn sự công thẳng của Ngài). Chúng ta cũng đã nói qua hậu quả của công cuộc cứu chuộc đối với cuộc sống con người, tỉ như tình liên đới, tự do phục vụ. Chiều kích nhân sinh của sự cứu độ được lưu ý đặc biệt trong thần học giải phóng. 

Thực vậy, khi nói đến "cứu thoát", "cứu tinh", chúng ta đương nhiên nghĩ đến hai tình trạng. Một là tình trạng hiện tại, cảnh tượng bị khốn khổ, tù đày, nô lệ, và vì vậy cần được giải thoát; hai, là tình trạng tương lai, sau khi đã được giải thoát rồi. Thường thì tình trạng đầu trong thần học được diễn tả như là: tội lỗi, nô lệ của ma quỷ; còn tình trạng thứ hai thì được diễn tả như là sống trong tình nghĩa với Thiên Chúa. Tuy nhiên thần học giải phóng cho rằng quan niệm sự cứu độ như vậy đâu có nhằm đến toàn thể con người, bởi vì con người đâu có phải chỉ có linh hồn cần phải lo cho được rỗi ở đời sau; con người còn có thân xác và sống ở đời này nữa chứ. Thế thì ơn cứu độ của Đức Ki-tô có ảnh hưởng chi đến thân phận con người ở đời này, đến lịch sử hiện đại, đến các thể chế luân lý, pháp lý, chính trị, xã hội hay không? 

Có lẽ quý vị đã biết câu trả lời rồi. Duy có điều đáng chúng ta lưu ý, là dần dần người ta ý thức rằng vấn đề chính của con người không phải hệ tại cần được giải phóng khỏi cảnh nghèo đói, bệnh tật, dốt nát, bất công; nhưng chính là khôi phục lại cho con người sự tự do, phẩm giá của mình đã bị chà đạp do những cảnh bất công vừa kể. 

Khi đi vào tận gốc rễ của vấn đề như vậy, ta có thể vựơt qua vấn nạn nói trên đây về sự cứu độ linh hồn hay cứu thể xác, cứu đời này hay cứu đời sau. Thực vậy, khi nhấn mạnh ơn cứu độ vào chỗ khôi phục lại tự do phẩm giá cho con người, người ta sẽ thấy rất cả những hệ luận phong phú của nó, xét vì không những mở cửa cho con người hiệp thông với Thiên Chúa, nhưng còn thúc đẩy con người hành động cách tự do để thăng tiến phẩm giá cho mình và cho đồng loại. 

Một khi đã ý thức về ơn gọi cao quý của con người làm dưỡng tử của Thiên Chúa, thì người tín hữu, theo gương Đức Giê-su, sẽ ra tay đương đầu với những lực lượng nào đè bẹp ơn gọi ấy; và theo gương Đức Giê-su, họ không ngại hiến mình cho tha nhân nữa; họ thâm tín rằng cuộc sống của họ không bị tắt nghẽn với cái chết, nhưng nhờ sự Phục Sinh của Đức Ki-tô, họ được cứu thoát khỏi cái chết, để chia sẻ sự sống với Chúa Ba Ngôi. 

Trong bài này, chúng tôi chú trọng vào ơn cứu chuộc xét trong Ki-tô học. Dĩ nhiên còn cần phải xét đến những hậu quả của ơn cứu chuộc trong những phần khác của thần học nữa, tỉ như: Giáo Hội học, Bí Tích, Ơn Thánh. 

Trên đây là một số vấn đề thần học được nêu lên chung quanh đề tài cứu độ của Đức Ki-tô. Nếu ai có cơ hội tìm hiểu thêm, chúng tôi xin giới thiệu quyển sách của B.SESBOUE, Jésus Christ, l'unique Médiateur. Essai sur la rédemption et le salut. I: Problématique et relecture, Paris 1988. 

Tài liệu: OLEGARIO GONZALEZ DE CARDENAL, La soterio-logia contemporanea, "Salmanticensis" 36 (1989), 267-317.