Kim Thao
BỮA TIỆC LY - tk 15 của Fra Angelico, O.P. |
Những động lực và nhân tố nào đã đóng góp vào sự thay đổi ấy? Ta có thể kể đến bốn nhân tố sau đây đã ảnh hưởng đến chiều hướng mới của thần học về phụng vụ và bí tích: 1) những khảo cứu lịch sử về phụng vụ; 2) sự tiến triển của Ki-tô học và Giáo Hội học; 3) phong trào đại kết; 4) ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng hiện đại.
1/ Khảo cứu lịch sử về phụng vụ và phụng vụ
Trong những thế kỷ gần đây, nền tảng của thần học Công Giáo về các bí tích là các sắc lệnh của Công Đồng Tren-tô; Kinh Thánh được dùng để duyệt chính các tín điều mà Công Đồng đã ấn định. Tuy nhiên vào đầu thế kỷ này, những cuộc khảo cứu về lịch sử các bí tích cho thấy rằng khái niệm về các bí tích còn thả nổi cho đến thế kỷ 11: vào khoảng năm 1000 và 1050, thần học mới bắt đầu định nghĩa các bí tích như là "dấu chỉ bên ngoài biểu thị và ban ơn thánh", và mãi tới thế kỷ 12 thần học mới xác định con số bảy bí tích.
Việc khảo cứu lịch sử cho thấy thần học về các bí tích không phải là đơn giản: Giáo Hội đã sống thực tại các bí tích ngay từ đầu, nhưng phải mất hơn mười thế kỷ để dần dần ý thức và phát biểu thực tại ấy. Dù sao, do sự khảo cứu lịch sử, vấn nạn đạt ra cho thần học là: làm thế nào mà nói rằng Chúa Giê-su đã thành lập 7 bí tích, khi mà trong hơn mười thế kỷ, thần học chưa xác định con số các bí tích?
2/ Ki-tô học và Giáo Hội học
Câu hỏi vừa nêu lên xem ra đặt thần học vào một ngõ bí; may thay những chiều hướng mới về Ki-tô học và Giáo Hội học đã giúp một tay để giải quyết. Trước khi nói đến các bí tích như dấu chỉ và dụng cụ chuyển ban ơn thánh, cần phải đi lên đến tận căn nguyên các bí tích tức là Đức Ki-tô.
Quyển sách nổi tiếng nhất được viết vào năm 1960 của cha Edward Schillebeeckx mang tựa đề: "Đức Ki-tô là bí tích của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa" (Christus, Sacrament van de Godsontmoeting) đã dọn đường cho thần học của Công Đồng.
Thực vậy, chính nhân tính của Đức Ki-tô là bí tích nguyên khởi: nhân tính của Ngài vừa là dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta, vừa chuyển thông cho chúng ta ơn cứu chuộc của Thiên Chúa, ban cho chúng ta tình thương của Thiên Chúa, hay nói đúng hơn chính Thiên Chúa. Thực vậy, nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Ki-tô là trung gian giữa Thiên Chúa với loài người: ngài mang Thiên Chúa đến với con người, và đồng thời mang con người đến sự hợp nhất với Thiên Chúa. Đức Ki-tô được gọi là bí tích nguyên thủy hay nền tảng, xét vì tất cả các bí tích khác múc lấy ý nghĩa và công hiệu từ Đức Ki-tô, từ thân thế và sứ mạng Cứu Chuộc của Ngài, đặc biệt là từ Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
Liền với Đức Ki-tô, ta có thể coi Giáo Hội cũng như bí tích nền tảng. Tư tưởng này đã là đầu đề của tác phẩm mà cha Otto Semmelroth xuất bản năm 1953 (Kirche als Ursakrament: Giáo Hội như bí tích tiên khởi), và ta có thể đọc thấy 7 lần trong các văn kiện của Công đồng Va-ti-ca-nô II rằng Hội Thánh là một bí tích (Hiến Chế về Phụng Vụ số 5. 26; Hiến Chế về Hội Thánh số 1. 9. 48; Hiến Chế về Hội Thánh giữa thời đại hôm nay số 45; Sắc Lệnh về Truyền Giáo số 5). Giáo Hội được coi như là bí tích xét vì là dấu chỉ bên ngoài của một thực tại cứu độ. Hội Thánh là dấu chỉ của đức Ki-tô, phản ánh sự hiện diện của đức Ki-tô giữa trần gian trải qua các thời đại.
Giáo Hội có nhiệm vụ trao ban ơn cứu độ của đức Ki-tô cho con người với tất cả đời sống của mình, từ lời giảng cho đến các hoạt động bác ái xã hội, và một cách đặc biệt là các hành vi phụng vụ mà ta gọi là bí tích. Vấn đề được đạt ra như sau: sự xác định hành vị nào là bí tích và hành vi khômg phải là bí tích có thuộc quyền của Giáo Hội hay không? Giáo Hội có thể tăng thêm hay giảm số bí tích hay không? Tại sao hôn nhân lại được coi là bí tích còn lời khấn dòng thì không? đó là những vấn đề đang tranh luận ngày nay.
Dù sao đi nữa chúng ta cần ghi nhận rằng khi nói rằng nhân tính của đức Ki-tô là bí tích, hoặc Hội Thánh là bí tích, thời chúng ta hiểu tiếng bí tích theo nghĩa loại suy (analogia). Thế nhưng cũng có người tự hỏi: thế còn khi nói đến 7 bí tích, thì chính tiếng bí tích có phải là loại suy hay không? Có điều chắc chắn là chúng ta không thể nào áp dụng cơ cấu "mô hình" (forma) và "chất thể" (materia) của triết học kinh viện một cách đồng nhất cho hết bảy bí tích được.
3/ Phong trào đại kết
Trong chương trình nghị sự của những cuộc đối thoại đại kết, không thể thiếu vấn đề các bí tích. Chúng ta biết rằng một số những Giáo Hội cải cách, dựa sát vào Kinh Thánh, chỉ chấp nhận có hai bí tích, đó là Rửa Tội và Thánh Thể.
Bước đầu tiên của cuộc đối thoại không phải là con số bí tích, nhưng cần phải xác định bí tích là gì? Việc đối thoại với Giáo Hội cải cách khiến cho thần học Công Giáo để ý đến sự liên hệ mật thiết giữa đức tin và các bí tích, với ảnh hưởng đặc biệt trong việc cải tổ phụng vụ: đó là việc nhấn mạnh đến sự công bố Lời Chúa và việc huấn giáo trong việc cử hành bí tích.
Tưởng cũng nên biết là từ năm 1982, ủy ban Thần Học "Foi et Constitution" của Hội đồng đại Kết các Giáo Hội đã đạt tới sự thỏa thuận thần học về ba bí tích Rửa Tội, Thánh Thể và Tác Vụ (Baptême, Eucharistie, Ministère, gọi tắt là BEM).
Mặt khác, các Giáo Hội Chính Thống cũng có những bí tích như Công Giáo, nhưng họ trách các Giáo Hội Tây Phương rằng Chúa Thánh Thần ra như không có chỗ trong thần học các bí tích. Lời chỉ trích ấy đúng, và ta thấy thần học cũng như các sách nghi thức xuất bản sau Công đồng đã dành chỗ rất lớn cho tác động của Chúa Thánh Thần trong các bí tích. Cũng trong chiều hướng đại kết ấy mà một điểm khác cũng được nêu lên, đó là: thần học về các ơn thánh, và tương quan giữa bí tích và ơn thánh.
4/ Các luồng tư tưởng hiện đại
Một yếu tố khác ảnh hưởng không kém đến thần học về các bí tích là các luồng tư tưởng hiện đại.
* Thần học kinh viện đã định nghĩa bí tích như là một dấu chỉ. Những khoa học nhân bản hiện đại đào sâu hơn ý nghĩa của các dấu chỉ, tín hiệu, biểu tượng. Chẳng hạn thuyết hiện tượng (phénomé-nologie) của Heidegger, sau khi đã phân biệt dấu chỉ (signe) và biểu tượng (symbole) đã nghiên cứu vai trò tác động (fonctionalité) của các biểu tượng: ý nghĩa của các biểu tượng giả thiết một mối tương quan liên bản vị; qua các biểu tượng các chủ thể muốn trao đổi một sứ điệp.
Về phương diện lý thuyết, người ta vẫn còn đang tiếp tục tranh luận về thuyết hiện tượng luận; nhưng có thể thấy phần nào ảnh hưởng của nó trong thực hành mục vụ. Trong việc duyệt lại nghi thức, Giáo Hội đã cố gắng tìm những biểu hiệu gần sát với đời sống cụ thể hơn. Tỉ như trong Thánh Lễ, làm sao để bàn thờ tỏ ra như là bàn tiệc, làm sao để cho những người tham dự Thánh Lễ có cảm tưởng là đi tham dự một buổi hội, với tâm tình thân thiện hòa giải, v.v...
Từ đó nảy ra yêu sách của việc hội nhập văn hóa, với những vấn đề khá nan giải. Tỉ dụ: tại sao ở Á đông không được phép cử hành Thánh Lễ với cơm và nước trà, thay vì bánh rượu? Tuy nhiên cũng cần phải thêm rằng ý tưởng của các biểu tượng rất là hàm hồ: tỉ như nước mắt thường là biểu hiệu của sầu buồn; nhưng cũng có lúc cái khóc biểu lộ tâm hồn cực kỳ sung sướng ! mầu trắng có thể dùng trong tang lễ, nhưng cũng có thể dùng trong dịp vui mừng, xét vì nó cũng là biểu tượng của sự trong sáng. Như vậy ta có thể đoán được công cuộc nghiên cứu về các biểu tượng còn dài.
* Một trào lưu tư tưởng khác cũng ảnh hưởng không kém trong lãnh vực chúng ta đang bàn là thuyết nhân vị (personalisme). Thuyết nhân vị nhấn mạnh đến chiều hướng gặp gỡ, tương giao trong đức tin cũng như đời sống đạo nói chung. Các bí tích không còn phải chỉ là thứ bùa chú để ban ơn thánh, nhưng là cuộc gặp gỡ giữa người tín hữu với đức Ki-tô. Vì thế không lạ chi mà chiều kích Ki-tô và Hội Thánh của các bí tích được nhấn mạnh.
Trong quá khứ, thần học đã nói rằng đức Ki-tô là tác nhân chính của các bí tích; ngày nay người ta còn muốn thêm rằng mỗi bí tích là một cuộc gặp gỡ với một khía cạnh của mầu nhiệm đức Ki-tô, với cái chết và sống lại của Ngài, hoặc nối dài sứ mạng của Ngài trong việc chiến đấu chống tội lỗi, hận thù, bệnh tật; và mang lại tình yêu, hòa giải.
Còn chiều kích Giáo Hội của các bí tích thì đã được Công đồng Va-ti-ca-nô II phác họa trong Hiến Chế về Hội Thánh số 11: bí tích Rửa Tội đưa chúng ta vào làm phần tử của Hội Thánh; bí tích Thêm Sức thúc giục chúng ta tham dự vào sứ mạng chứng tá của Hội Thánh; bí tích Thánh Thể xây dựng sự thông hiệp của Hội Thánh; bí tích Thống Hối làm hòa chúng ta với Hội Thánh, xét vì tội lỗi đã làm thương tổn đến tình thương và sự thánh thiện của Hội Thánh; bí tich Xức Dầu Bệnh Nhân đóng góp vào sự xây dựng nhiệm thể đức Ki-tô nhờ những hy sinh đau khổ; bí tích Truyền Chức nhằm cung cấp những nhân viên phục vụ cộng đồng Hội Thánh; bí tích Hôn Nhân biểu hiệu tình yêu của đức Ki-tô với Giáo Hội, và kiến tạo Giáo Hội gia thất.
* Thần học giải phóng nhấn mạnh đến chiều kích xã hội của các bí tích: tỉ như sự liên hệ giữa bí tích Hòa Giải với việc hòa giải xã hội qua việc thực thi công lý hòa bình. Cũng trong chiều hướng đó, mà thần học luân lý rút ra những hệ luận của các bí tích trong đời sống của người Ki-tô hữu: các bí tích không phải chỉ là dịp để con người lĩnh nhận ơn thánh; nhưng việc lãnh nhận bí tích còn đòi hỏi con người phải diễn ra trong cuộc sống thường nhật những chân lý đức tin gói ghém trong các bí tích. Ta có thể lấy bí tích Thánh Thể làm thí dụ: việc hiệp thông với Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta sống bác ái với những chi thể của Ngài mà chúng ta gặp trên đường đời.