Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

NỮ THẦN HỌC

Thời sự Thần học – Số 1, tr. 64-69

Kim Thao


Chúng tôi bịa ra từ ngữ "nữ thần học" để dịch tiếng "feminist theology". Lẽ ra có thể dịch là "thần học nữ giới" cũng được, nhưng nói như vậy thì e rằng các tác giả không bằng lòng. Thực vậy, thần học nữ giới (hay phụ nữ) có thể hiểu là thần học về đàn bà nhưng do các ông viết ra. Còn nói là "nữ thần học" thì phải hiểu là do các nữ thần học gia viết ra, không những về chính các phụ nữ, mà còn về Thiên Chúa và các đề tài thần học khác nữa. Vì vậy sau khi đã xét qua những đường hướng của các ngành thần học tín lý, chúng tôi muốn dừng lại ở "nữ thần học" (NTH) trước khi bước qua các ngành của thần học luân lý.

LỊCH SỬ


Th. Catarina Xiêna,
Tiến sĩ Hội thánh
Nguồn gốc của nữ thần học bắt nguồn non một thế kỷ nay, khi một nhóm phụ nữ Tin Lành người Hoa Kỳ họp nhau dưới sự điều khiển của Elizabeth Cady Stanton để nghiên cứu những đoạn Kinh Thánh nói về phụ nữ. Kết quả của những cuộc học hỏi ấy là tác phẩm mang tên Woman's Bible (Thánh Kinh của phụ nữ), vào những năm 1895-98. 

Về phía Công Giáo thì cần ghi nhận sự thành lập "Liên minh Quốc tế Jeanne d'Arc" bên Anh quốc, nhằm cổ võ sự bình quyền nam nữ. Nhằm nêu bật tôn chỉ của mình, họ dùng khẩu hiệu sau đây: "Hãy cầu xin Chúa, Bà sẽ nhậm lời", để nói lên rằng nơi Chúa không có sự phân biệt nam nữ tính hay ông bà gì hết. 

NTH thực sự phát triển từ thập niên 60 của thế kỷ 20, với những phong trào đòi cho phụ nữ cũng được làm mục sư hay linh mục, cũng như đồng thời với những phong trào thần học giải phóng. Từ ngữ NTH (Feminist theology) ra đời tại Hoa Kỳ năm 1971-72.

Như đã nói ở đầu: tuy trước đây đã có những tác phẩm thần học về phụ nữ, nhưng thường là cho các ông (thường là độc thân nữa) viết; bây giờ đến lượt các bà khởi sự cuộc suy tư thần học bắt đầu từ kinh nghiệm bị áp chế, và tranh đấu cho công cuộc giải phóng phụ nữ. 

Cho đến nay, người ta nhận thấy có ba khuynh hướng chính của NTH: 

1) Khuynh hướng thứ nhất chiếm đa số, tạm gọi là ôn hòa, theo nghĩa là họ thực hiện công cuộc suy tư thần học trong khuôn khổ của Thánh Kinh và Thánh Truyền như chúng tôi sẽ trình bày dưới đây. 

2) Khuynh hướng thứ hai thì chủ trương rằng cần phải vượt lên trên Kinh Thánh, xét vì Kinh Thánh ra đời trong một xã hội phụ-hệ, trọng nam khinh nữ. Kinh Thánh đã ràng buộc Thiên Chúa vào nhưng lối diễn tả của nam giới. 

Tiêu biểu cho nhóm này là tựa đề của quyển sách do Mary Daly xuất bản năm 1973: "Beyond God the Father" (Vượt lên Chúa là Cha). Theo tác giả, xét vì Thiên Chúa thuộc nam giới, cho nên nam giới cũng đòi làm Chúa. Cần phải tìm danh xưng nào tránh sự bá quyền của một phái như vậy, tựa như "Chúa là Lời" (trong Anh ngữ, "verb" vừa hiểu được là "lời" vừa hiểu được là "động từ" theo văn phạm, với tính cách năng động của nó, đối lại với "danh từ" ở thái tĩnh). Daly chủ trương cần vượt qua những từ ngữ dùng trong Kinh Thánh, cũng như vượt lên chính Giáo Hội, nặng về cơ cấu quyền bính áp chế, mồ chôn phụ nữ. Thay vào đó, tác giả đề nghị họp một liên đoàn phụ nữ ("sorority", thay vì "fraternity"), lên đường thực hiện cuộc giải phóng, tìm sự hòa hợp với vũ trụ, với Thiên Chúa, Lời năng động, nguồn sinh lực. 

3) Khuynh hướng thứ ba chủ trương rằng cũng như xã hội mẫu hệ ra đời trước xã hội phụ hệ, thì tôn giáo cổ điển nhất của con người dành việc thờ kính nữ thần trước khi tiến tới nam thần. Do đó, từ nay NTH phải xúc tiến việc trở về tôn giáo nữ thần (Goddess Religion). Chúng ta có thể kể đến Carol Christ, Naomi Goldenberg bên Hoa Kỳ, và Heide Goettner-Abendroth, Ursula Krattinger, Elda Sorge bên Âu châu. 

ĐƯỜNG HƯỚNG SUY TƯ


Khuynh hướng thứ nhất đáng để ý hơn cả. Chúng ta hãy lượt qua những điểm suy tư của họ: về Thánh Kinh, Thánh Truyền cũng như những chủ đề thần học. 

I. Kinh Thánh 


NTH nhận thấy rằng cho đến này sự đàn áp phụ nữ được duyệt chính từ những đoạn Kinh Thánh, tỉ như những chương 2-3 của sách sáng thế trình bày E-và được rút từ xương sườn của A-đam, E-và xúi A-đam phạm tội; E-và bị phạt phải phục tùng chồng, v.v...; những điều ấy được thánh Phao-lô lặp lại trong các thư 1Cr 11,1-16; 14,34-35; Ep 5,21-33; 1Tm 2, 9-15. 

Bởi vậy công cuộc giải phóng phụ nữ phải bắt đầu bằng việc xét lại những đoạn Kinh Thánh ấy. Và để đạt tới mục tiêu ấy, cần phải tạo ra một thuyết giải thích mới, phân biệt đâu là văn bản (text), đâu là sứ điệp (message). Văn bản lệ thuộc vào tâm thức của thời đại, nhưng sứ điệp thì không bị lệ thuộc vào văn hóa cụ thể, thậm chí nó còn lật ngược tâm trạng cổ hủ thời đại nữa. 

đại khái đó là điều mà Elizabeth Schuesser Fiorenza muốn nói trong tác phẩm nổi tiếng xuất bản năm 1983 "In memory of her" ("mỗi lần nhớ đến bà", những lời Chúa Giê-su khen người phụ nữ đã đổ dàu thơm xức chân Ngài). 

Thực vậy, không ai chối cãi được là Kinh Thánh đã ra đời trong khung cảnh xã hội phụ hệ, trong đó có cả Phao-lô. Nhưng điều đó chỉ ảnh hưởng tới văn bản chứ không tới sứ điệp. Sứ điệp của Tân Ước là sự bình đẳng giữa nam nữ. 

Trong cộng đồng Ki-tô tiên khởi, ta thấy các phụ nữ cũng được gọi làm môn đệ của Chúa, cũng tham gia vào công cuộc truyền giáo. đức Ki-tô đã mang lại một cuộc cách mạng xã hội, bởi vì theo như Phao-lô viết trong thư Galata 3,28: "từ nay không còn phân biệt Do thái hay Hy lạp nữa, nô lệ hay tự do, nam hay nữ nữa: anh chị em chỉ là một trong đức Ki-tô". 

Schluesser Fiorenza viết: Thực ra, đây không phải là câu nói của chính Phao-lô, nhưng là lời tuyên xưng của các tín hữu tiên khởi khi lĩnh bí tích rửa tội (đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta, và xóa bỏ hết mọi đặc ân và thống trị). 

Cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi quả đã thực hiện một cách mạng giữa xã hội cổ truyền Do thái và Hy lạp thời đó. Thế nhưng sứ điệp của Tin Mừng vẫn chưa thoát được văn bản cổ truyền; vì thế không lạ chi một đàng Phao-lô quả quyết sự bình đẳng nam nữ, đàng khác thì đòi hỏi người nữ phải tùng phục người nam, hoặc giữ một chỗ thinh lặng trong cộng đoàn. 

Tuy vậy, không thể nói rằng Kinh Thánh bị bóp nghẹt bởi tâm thức phụ hệ: nếu chịu khó đọc kỹ, ta vẫn nhận thấy rằng Tin Mừng thánh Mác-cô chấp nhận cho nữ giới cũng được theo làm môn đệ của đức Ki-tô (trái với tục lệ Do thái thời đó), hoặc Tin Mừng thánh Gio-an đặt tình yêu và sự phục vụ làm nguyên lý tổ chức Giáo Hội, chứ không phải chức vị như trong xã hội cổ truyền. 

Khuynh hướng giải thích Kinh Thánh theo chiều hướng phụ hệ trở thành độc tôn từ thế kỷ thứ 4. NTH cần phải làm sáng tỏ những nhân tố đã bóp méo sứ điệp mạc khải qua giòng lịch sử; làm sao để trả lại tính chất cách mạng của sứ điệp đức Ki-tô. 

II. Thánh Truyền


Cũng trong chiều hướng ấy, nhiều tác giả đã viết lại những trào lưu tư tưởng nào đã ảnh hưởng đến sự đàn áp phụ nữ trong suốt lịch sử Ki-tô giáo, tựa như thuyết của Platon, Aristote, những khung cảnh xã hội thượng và trung cổ. 

Thuyết Platon thiên về biểu tượng và phân biệt, vì thế nên không lạ chi nữ giới là biểu tượng của thể xác, tội lỗi, yếu ớt; còn nam giới biểu tượng của tinh anh, trong sáng. Aristote coi đàn bà như "đàn ông thiếu hụt" (mas occasionatus). 

Những tư tưởng ấy đã ảnh hưởng rất nhiều đến thần học trong quá khứ. Thêm vào đó, trong các ngôn ngữ Âu tây, tiếng "người" (homme, man) vừa chỉ chủng loại con người, vừa chỉ đàn ông; vì thế không lạ gì đàn bà bị coi là kém chất người! 

Trong khi mà Marx phân tích lịch sử dưới cái nhìn đấu tranh giai cấp, thì NTH đọc lại lịch sử dưới lăng kính của sự kỳ thị phái tính. Bởi vậy, tiến trình giải phóng con người phải đi đến chỗ xóa bỏ sự phân biệt ấy. 

III. Thần học

Chúng ta rảo qua vài đề tài chính của công cuộc suy tư NTH: Thiên Chúa, Ki-tô học, Thánh Mẫu học, Giáo Hội học, Luân Lý học

1) Thiên Chúa. Như trên đã nói, có những khuynh hướng chủ trương bãi bỏ danh xưng Chúa là Cha; hoặc chủ trương khôi phục lại tôn giáo nữ thần. Nhóm ôn hòa thuộc khuynh hướng thứ nhất muốn vạch ra những tính chất nữ của Thiên Chúa, như sự "Khôn ngoan" (Sapientia, Sagesse, giống cái), hay "Thần Linh", (trong tiếng Do thái: Ruah, thuộc giống cái, nhưng trở nên giống đực trong tiếng Hy Lạp Pneuma, tiếng La Tinh Spiritus, Esprit). 

Tuy nhiên, khi xét lại danh xưng Thiên Chúa là Cha (11 lần trong Cựu Ước và 170 lần trong Tân Ước), tiếng Cha không đồng hóa với "paterfamilias" độc đoán nắm quyền sinh tử, như trong xã hội La-Mã. Tiếng Cha của Tân Ước gợi lên mối tương quan với đức Giê-su Cứu Thế, Người đã đến trần gian để loan báo sự giải phóng hết mọi hình thức kỳ thị, xét vì tất cả mọi người đều là con của một cha trên trời. Do đó, việc gọi Thiên Chúa là Cha không đưa tới sự kỳ thị nữ giới, nhưng ngược lại, nó nói lên tính cách bình đẳng tự do trong Nước Trời. 

2) Ki-tô học. Không ai có thể chối cãi được đức Giê-su là người nam. Tuy nhiên một đàng NTH cho thấy Ngài đã sống nam tính rất gương mẫu, cư xử với phụ nữ cách kính trọng. đàng khác đức Ki-tô là ngôn sứ mang đến sứ điệp giải phóng cho con người, giải phóng khỏi những hà hiếp. 

Dù sao, đức Ki-tô là đấng Cứu thế, nơi gặp gỡ của Thiên Chúa với con người xét như là con người. đức Ki-tô là Trung gian xét như là con người, chứ không phải xét như là người nam giới. 

3) Thánh Mẫu học. Những tác giả cực đoan nhất đã tẩy chay đức Ma-ri-a, vì xưa nay đã bị dùng để như hình ảnh của người nữ phục tùng, chịu đựng, thay vì vùng lên tranh đấu tự do. 

Nhưng gần đây NHT đã xét lại lập trường của họ. Không thiếu người muốn coi đức Ma-ri-a như hiện thân của khuôn mặt phụ nữ của Thiên Chúa. Nhưng có người phản đối, xét vì như vậy là rơi vào cạm bẫy cũ của khuôn mẫu phụ hệ, coi Thiên Chúa như là người nam, đang khi mà NTH đã chủ trương là Thiên Chúa vượt lên trên khung cảnh phụ hệ cơ mà. 

Chính vì vậy, cần phải trình bày đức Ma-ri-a dưới viễn ảnh khác, như một phụ nữ cởi mở với tác động của Thánh Thần, biểu lộ qua thánh ca Magnificat, tuyên dương Thiên Chúa đã đấng giải phóng người nghèo, người bị áp bức; Ma-ri-a là một phụ nữ chú ý đến nhu cầu của tha nhân, chia sẻ những lo âu khác khoải của họ. 

4) Giáo Hội học. đây có lẽ là điểm gai góc nhất, xét vì phải bàn đến vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội. Tiếc rằng người ta chú trọng đến vấn đề truyền chức linh mục, và quên đi những khía cạnh khác. 

5) Luân Lý học. NHT nhấn mạnh đến một khía cạnh của tội, đó là nó làm méo mó bang giao nhân bản. Vì vậy sự hoán cải phải được coi như là việc chỉnh hướng lại mối bang giao, đặc biệt trong tương quan nam nữ, hướng đến sự thông hiệp. Tương quan nam nữ không phải dựa trên sự "phục tùng", hay "bổ túc"; song là "hỗ tương trong khác biệt".