Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

NHỮNG VẤN ĐỀ KI-TÔ HỌC HIỆN ĐẠI

Thời sự Thần học – Số 1, tr. 32-37

Kim Thao

Đức Giêsu truyền cho
con gái ông Giai-rô sống lại, 1828
Trong những thập niên hậu bán thế kỷ 20, Đức Ki-tô không còn chỉ là đề tài của các bài giảng hay văn phẩm của Ki-tô giáo; nhưng còn được một số tác giả thuộc các tôn giáo khác (Do Thái, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo), và các học giả mác-xít để ý đến. Trong phạm vi của thời sự thần học, chúng tôi chỉ giới hạn vào những khuynh hướng thần học Công Giáo mà thôi. Dĩ nhiên, các nhà thần học không thể bỏ qua việc trình bày chân dung Đức Ki-tô cho thế giới hiện đại, đặc biệt khi đối thoại với các tôn giáo khác.

Liền sau khi bế mạc Công đồng Va-ti-ca-nô II, các nhà thần học đã xuất bản những tác phẩm về Giáo Hội soạn theo nhãn giới mà Công Đồng đã trình bày. Nhưng vào thập niên 70, sự chú ý bắt đầu hướng sang Đức Ki-tô. Sự chuyển hướng ấy xem ra tự nhiên, xét vì Giáo Hội không phải là một thực thể tự lập: lý do hiện hữu của Giáo Hội là truyền giảng Tin Mừng của Đức Ki-tô. Tuy nhiên còn có nhiều nhân tố khác đưa đến việc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Ki-tô học. 

Như có lần chúng tôi đã trình bày, thần học trước đây phân phối tất cả các đề tài trong tương quan của Thiên Chúa. Thế nhưng, một chiều hướng mới đã bắt đầu từ Công đồng Va-ti-ca-nô II, dựa trên lịch sử cứu độ, đã muốn đặt đức Ki-tô làm trung tâm điểm: tất cả các đề tài đều được xếp đặt xung quanh Đức Ki-tô. Thiên về Thượng Đế học không còn dựa vào những nền tảng triết lý của Aristote, nhưng là dựa trên sự mạc khải của Đức Ki-tô, tức Thiên Chúa Ba Ngôi. Đời sống luân lý là đời sống theo gương Đức Ki-tô vâng phục Chúa Cha, phát triển ơn sủng lãnh nhận từ Thánh Thần do Đức Ki-tô ban v.v...

Thần học chuyển trung tâm từ Thiên Chúa (théocentrique) qua Đức Ki-tô (christocentrique). Thần học cần dựa vào Kinh Thánh hơn là vào siêu hình học; và dựa vào Kinh Thánh không chỉ có nghĩa là trích dẫn Kinh Thánh nhiều hơn, nhưng còn có nghĩa là phải xét tới bối cảnh của lịch sử cứu độ. 

Trong chiều hướng tổng quát ấy, có hai môn phải đề cập một cách đặc biệt về Đức Ki-tô: thứ nhất là Thần học căn bản (théologia fundamentalis) hay thần học mặc khải (De revelatione); thứ hai là Ki-tô học (Christologia). 

Trong phần thần học căn bản, người ta thường để ý đến việc nghiên cứu Đức Ki-tô như là đấng mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa qua lời nói, việc làm. Còn trong phần Ki-tô học, thuộc tín lý, người ta đào sâu thêm mầu nhiệm bản thể của đức Ki-tô (tức là mầu nhiệm nhập thể), và công cuộc cứu chuộc của Ngài. 

Đành rằng có thể mỗi tác giả có thể phân phối đề tài cách khác nhau, nhưng tựu trung những chủ đề chính yếu của Ki-tô học hiện đại có thể tóm lại trong bốn điểm sau đây: 

1) Lịch sử của Đức Giê-su Ki-tô; 
2) Sự liên tục giữa Đức Giê-su lịch sử và Đức Ki-tô của đức tin; 
3) Vai trò cứu thế phổ quát của Đức Ki-tô; 
4) Tầm quan trọng của Đức Ki-tô trong lịch sử. 

1) Điểm thứ nhất về lịch sử của đức Giê-su, nhằm trả lời cho những vấn nạn coi đức Giê-su như một nhân vật huyền thoại. Nói chung công tác này không khó là mấy, xét vì không ai có thể chối cãi rằng ông Giê-su đã xuất hiện trong thế giới loài người. 

2) Điểm thứ hai: sự liên tục giữa Đức Giê-su lịch sử và Đức Ki-tô của đức tin. Vấn đề này gây tranh luận từ thế kỷ 18, khi Reimarus cho rằng Giê-su chỉ là một tay xách động xã hội bị thất bại; sau khi y chết rồi, các môn đệ mới tạo ra một huyền thoại cho y là vị Cứu Thế, gọi là Đức Ki-tô. Vấn nạn đã là một động lực thách đố để các nhà khảo cứu Kinh Thánh tìm hiểu trong các Tin Mừng, phần nào thuộc về lịch sử của Đức Giê-su Na-da-rét, và phần nào là do sự giải thích của cộng đồng Ki-tô hữu sau ngày Phục sinh. 

Thực sự có rất nhiều giả thuyết về sự cấu tạo của hai giai đoạn đó, cũng như tầm quan trọng của nó, chẳng hạn có người, như phái tự do hồi thế kỷ 19, thì cho rằng Đức Ki-tô của đức tin hoàn toàn do Giáo Hội bịa ra. 

Để phản ứng lại, Karl Barth và Rudolph Bultmann cho rằng sự tìm hiểu Đức Giê-su lịch sử không ăn thua gì đến đức tin cả: vấn đề quan trọng là nhìn nhận Đức Ki-tô là Đấng Cứu Chuộc để được cứu độ. 

Lập trường của Giáo Hội Công Giáo là có sự liên tục giữa Đức Giê-su lịch sử và Đức Ki-tô của đức tin: cả hai khía cạnh đều quan trọng cho đức tin: Đức Ki-tô phục sinh chính là Đức Giê-su đã bị đóng đinh và chết trên thập giá. Nối dài vấn đề của sự liên tục giữa hai khía cạnh là vấn đề của bản thể Đức Ki-tô, thường được trình bày trong mầu nhiệm Nhập thể. Đến đây, người ta thường chia các tác giả thành hai khyunh hướng: một khuynh hướng đi từ dưới lên trên, nghĩa là đi từ Đức Giê-su, đi từ khuôn mặt con người của Ngài để tiến lên sự hiểu biết Đức Ki-tô; còn khuynh hướng kia thì đi từ trên xuống, nghĩa là từ Ngôi Lời hằng hữu nhập thể trong nhân vật Giê-su. 

Con đường từ dưới đi lên chính là con đường mà các thánh tông đồ đã đi: lúc đầu họ quen biết một người tên là Giê-su, và dần dần họ khám phá ra chân tướng của Ngài tức là Đức Ki-tô. 

- Một câu hỏi nữa cũng thường được gợi lên liên can đến lãnh vực này: Đức Giê-su có ý thức rằng mình là Thiên Chúa hay không? Câu hỏi này được gợi lên khi mà ngày nay người ta muốn gặp thấy con người Giê-su bằng xương thịt, đang khi mà thần học trước đây giải quyết vấn đề một cách trừu tượng qua ý niệm "ngôi vị" (persona). 

3) Điểm thứ ba liên can đến nền tảng của vai trò cứu chuộc của Đức Ki-tô: dựa vào đâu mà quả quyết rằng Ngài là vị Cứu Chuộc của toàn thể nhân loại? Vấn nạn này trở nên sôi bỏng hơn trong khi gặp gỡ các tôn giáo khác, như tại bên Ấn độ. Theo họ, đấng Tối Cao đâu có thể giới hạn ơn cứu độ vào một vị trung gian lịch sử như vậy? Thiên Chúa đã và còn đang sai đến nhân gian này nhiều vị cứu tinh chứ, và Đức Ki-tô chỉ là một trong những vị ấy mà thôi. Thần học Công Giáo phải giải thích vì sao mà Đức Ki-tô lại là Đấng Cứu Thế, cứu chuộc cho tất cả nhân loại thuộc mọi nơi mọi thời. Thần học cổ truyền dùng đến quan niệm "chết thay" "đền tội thay", nhưng đã đến lúc phải đi tìm những lối giải thích khác. 

Tưởng nên biết là dựa theo thánh Tô-ma A-qui-nô, công cuộc cứu thuộc của đức Ki-tô không phải chỉ giới hạn vào cái chết trên thập giá, song bao gồm tất cả các lời nói việc làm, điều mà Tô-ma gọi là "acta et passa" hoặc "mầu nhiệm cuộc đời Đức Ki-tô" (mysteria vitae Christi). Dù sao, cao điểm của công trình cứu chuộc không phải là cái chết của Đức Ki-tô nhưng là sự Phục Sinh. 

4) Điểm thứ tư đi sâu hơn về ý nghĩa của công trình cứu chuộc của đức Ki-tô. Tước hiệu Đấng Cứu Thế có nghĩa lý gì cho thời đại hôm nay? Sự cứu chuộc có nghĩa là giải thoát khỏi tội lỗi, hay bao hàm cả sự giải phóng khỏi những cảnh nô lệ của nghèo đói, bất công? 

Tùy cách thức nghiên cứu để trả lời cho những vấn nạn ấy mà chúng ta có những Ki-tô học khác nhau. Thực ra người ta ghi nhận ngay từ trong Tân Ước đã có những lối trình bày khác nhau về Đức Ki-tô rồi, tỉ như giữa Tin Mừng thánh Mác-cô và Tin Mừng thánh Gio-an, hoặc giữa thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Rô-ma và thư gửi Co-lô-xê. 

Nếu chính Kinh Thánh đã có những lối trình bày khác nhau về Đức Ki-tô, thì có lạ chi khi chúng ta thấy nhiều Ki-tô học khác nhau ở các nhà thần học hiện đại, chịu ảnh hưởng bởi những nền văn hóa khác nhau, hoặc mang những ưu tư khác nhau khi muốn đối thoại với lớp độc giả mà mình nhằm đến. Chẳng hạn về chân tướng của Đức Ki-tô, người ta nhận thấy có những kiểu trình bày hấp dẫn hơn khi nhấn mạnh đến khía cạnh con người: Đức Giê-su là tiêu biểu của con người tự do bất khuất, không chịu ràng buộc bởi thành kiến tục lệ, nhạy cảm với những thành phần sống bên lề xã hội. 

Mỗi nền Ki-tô học giả thiết một bức chân tướng riêng mà tác giả muốn mặc cho Đức Ki-tô, hay nói theo từ ngữ chuyên môn, một nguyên lý giải thích (principium hermeneuticum). Ngoài những tước hiệu cổ truyền của đức tin, tựa như Con Thiên Chúa, người ta còn thêm những tước hiệu khác nữa: tỉ như nhà giải phóng, tiêu biểu của nhân loại mới, ... 

Bởi vậy, tuy không thiếu những tác giả muốn trình bày lại Ki-tô học với những từ ngữ cổ truyền lồng trong bối cảnh của Thánh Kinh và Thánh Truyền (tựa như Balthasar, Bouyer, Galot) chúng ta thấy có những tác giả khác muốn viết lại Ki-tô học trong khung cảnh văn hóa của thời đại ngày nay. 

- Teilhard de Chardin muốn cho Đức Ki-tô có tầm mức vũ trụ (cosmica): vũ trụ này mang một tiềm năng tiến hóa tinh thần lên đến con người, và Đức Ki-tô đã đến gặp gỡ con người qua mầu nhiệm Nhập Thể. Nhờ sự Phục Sinh, Đức Ki-tô đưa nhân loại và vũ trụ tiến đến chỗ hoàn tất ở tất điểm Omega. 

- Ý nghĩa của Đức Ki-tô đối với lịch sử nhân loại thì được các nhà thần học Đức chú trọng đặc biệt (tựa như Walter Kasper, và cách riêng thông điệp Redemptor Hominis của đức Gio-an Phao-lô II), ra như để đáp lại các thách đố về vũ trụ quan của Hegel và Marx. 

- Mối băn khoăn để đem Đức Ki-tô vào văn hóa thời đại đã làm nảy sinh ra bao nhiêu dự án khác nữa. Karl Rahner có lẽ chú trọng đến điều kiện con người Âu Châu đã đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống của mình, những thao thức trước giới hạn của cuộc đời, trước cái chết. Các thần học gia Phi Châu và Á Châu thì muốn trình bày Ngài theo những từ ngữ quan niệm của văn hóa cổ truyền. 

- Sau cùng khi bàn về tính cách hiện đại của Đức Ki-tô, chúng ta không thể làm ngơ đến những phong trào thần học giải phóng bên Nam Mỹ. Đức Ki-tô là mẫu gương của một người dấn thân vào thân phận lịch sử con người, chia sẻ kiếp sống của những người bị bóc lột lầm than, để công bố Tin Mừng giải phóng cho họ. Ngài kêu gọi họ hoán cải, thoát ly khỏi những thần tượng phản nghịch với Nước Trời (tham vọng quyền hành, kiêu căng, bạo ngược v.v...) và quay về phục vụ Thiên Chúa của sự sống, đấng muốn cho con người cư xử với nhau như anh em. Cái chết của Đức Giê-su là biểu hiệu của thái độ phục vụ của Ngài: phục vụ Nước Trời, phục vụ nước sự sống và tự do. Ngài bị các lực lượng phản Nước Trời hãm hại; nhưng Ngài đón nhận cái chết cách tự do sáng suốt, với niềm thâm tín rằng qua sự hy sinh của mình, Chúa Cha có thể thực hiện cuộc giải phóng toàn diện con người, và bày tỏ tình thương vô biên dành cho con người. Sự phục sinh chính là sự Chúa Cha phê nhận con đường của Đức Giê-su. Các Ki-tô hữu được kêu gọi theo Ngài trên đường ấy. 

Tóm lại trong khi Ki-tô-học cổ truyền nặng về khía cạnh siêu hình bản thể (metaphysica, ontologica), Ki-tô học hiện đại chú ý hơn đến vai trò cứu chuộc của đức Ki-tô: câu hỏi không phải chỉ là: đức Ki-tô là ai?, song là: Đức Ki-tô là gì đối với tôi (Christus pro me, pro nobis)? Ngài có ý nghĩa gì với tôi, với xã hội hôm nay, với cuộc sống và định mạng con người ở Á Châu, Phi Châu, Âu Châu v.v...? Nếu chúng ta muốn cho đức tin của chúng ta nơi Đức Ki-tô có tính cách sống động, chúng ta không thể ngừng đặt lên những câu hỏi ấy. Và bao lâu còn hỏi và còn cố gắng giải đáp, thì bấy lâu sẽ còn có những Ki-tô học mới.