Thời sự Thần học - Số 1, tr. 15-20
Bình Hoà
Từ thế kỷ 17, nói được là thần học luân lý công giáo mang tính cách "giải nố" (moralis casuistica), nhằm giúp các cha giải tội trả lời cho những vấn nạn (trường hợp) nan giải khi thi hành chức vụ. Các sách luân lý thường ra đời dưới hình thức cẩm nang, thủ bản, với những kết luận khúc chiết na ná như những điều khoản của Bộ Giáo Luật (không thể chối cãi ảnh hưởng nặng nề của giáo luật đối với luân lý).
Những chỉ trích phương pháp thần học luân lý ấy đã nổi lên từ thập niên thứ ba của thế kỷ 20 ở bên đức, và lan sang vùng tiếng Pháp sau thế chiến thứ 2. Một vài tác giả đã viết lại sách giáo khoa, nổi tiếng nhất là cha Bernard Haering, nhưng chưa có âm hưởng sâu rộng.
Phải nói rằng chính Công đồng Va-ti-ca-nô II đã giúp một tay rất lớn trong việc cải tổ thần học luân lý. Thực vậy, tuy Công Đồng không đả động đến vấn đề luân lý nào quan trọng, song đã mở ra nhiều chiều hướng mới cho thần học luân lý, tựa như việc nhấn mạnh đến Thánh Kinh như nền tảng cho mọi khảo cứu thần học, việc lưu ý đến Lời Chúa và Bí Tích như nguồn mạch của đời sống Ki-tô giáo; và nhất là qua hiến chế "Gaudium et Spes", Công Đồng đã mở rộng đến những vấn đề thời đại của gia đình, chính trị, kinh tế, không phải qua những giải đáp tiền chế, nhưng qua việc trình bày những giá trị tích cực mà Đức Tin Ki-tô có thể đóng góp cho gia đình nhân loại.
Sau cùng, trong sắc lệnh về việc đào tạo linh mục "Optatam Totius" số 16, Công đồng ước ao rằng thần học luân lý sẽ được trình bày cách khoa học, được nuôi dưỡng dồi dào bởi Thánh Kinh, và gắng nêu bật cho các tín hữu vẻ cao quý của ơn gọi làm tín hữu Đức Ki-tô cũng như bổn phận làm nảy sinh những hoa trái đức ái để xây dựng xã hội. Nói được đây là những tiêu chuẩn đề ra cho sự canh tân thần học luân lý (THLL) trong những năm gần đây.
1) Nền tảng Kinh Thánh. Dĩ nhiên trước đây Kinh Thánh cũng đã được trích dẫn trong các sách thần học tín lý và luân lý; nhưng chúng thường được trích dẫn vài câu lẻ tẻ để xác quyết cho một kết luận thần học.
Khi nói rằng thần học luân lý cần dựa vào Kinh Thánh có nghĩa là cần phải bắt chước thánh Phao-lô khi trình bày các bổn phận luân lý của các Ki-tô hữu: phần luân lý được coi là hệ luận của việc gắn bó với đời sống mới mà Đức Ki-tô mang lại.
Vì lý do ấy, trước khi đi vào chi tiết cụ thể, các tác giả THLL nhận thấy cần phải tìm ra một chìa khóa nào giải thích tất cả nếp sống của người Ki-tô hữu. Có người thì đặt trên quan niệm "giao ước", hoặc "các phúc thật", hoặc "nước Thiên Chúa", hoặc "theo Chúa Ki-tô".
Dù dưới quan niệm nào đi nữa luân lý Ki-tô giáo cần được lồng trong lịch sử cứu độ, tìm những phương thế để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa giữa lòng lịch sử của Giáo Hội Lữ Hành tiến về cánh chung.
Dưới viễn tượng đó, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tìm thấy trong Kinh Thánh những giải đáp có sẵn; nhưng cần phải biết sử dụng đức tin để đánh giá những thực tại thời đại.
2) Tiêu chuẩn thứ hai của việc canh tân THLL là trình bày cách khoa học, theo những yêu sách của thần học, chứ không phải chỉ gồm một mớ giải đáp các nố. Phải làm sao để các vấn đề được trình bày mạch lạc ăn khớp với nhau, cũng như giữa THLL với thần học tín lý, mục vụ v.v...
Nhằm tìm hệ thống tổng hợp, nhiều tác giả, kể cả Tin Lành, đã trở về với thánh Tô-ma A-qui-nô để tìm hướng đi, xét vì Ngài đã biết tổng hợp đạo lý Thánh Kinh và các Giáo Phụ, cũng như xét vì học thuyết của Ngài đã trở thành nền tảng cho các thiên trước tác về luân lý vào thời đại khám phá Mỹ Châu.
Dĩ nhiên có nhiều cách thức để trình bày những đường hướng chủ yếu của thánh Tô-ma: tỉ như "sự ưu việt của đức ái trên các nhân đức" (Gilleman), sự bắt chước Chúa Ki-tô (Gillon), "Chúa Thánh Linh là luật mới" (Kuehn), cơ cấu nhân bản (Pinkaers) v.v...
3) Ngoài Thánh Kinh và gia sản cổ truyền, phải ghi nhận rằng THLL đã mở cửa rộng cho những trào lưu triết học và khoa học thời đại.
Trong những nền triết học cận đại có ảnh hưởng mạnh đến THLL có lẽ phải kể Kant lên hàng đầu do thách đố mà ông đặt ra: con người chỉ đáng gọi là người khi quyết định cách tự trị theo lý trí.
Vấn nạn được đặt ra cho THLL là làm thế nào duyệt chính một quy chuẩn ngoại giới (tựa như Luật Chúa) mà không làm giảm giá trị của con người? Thực ra vấn nạn này không hoàn toàn mới: trước đây người ta cũng đã đặt vấn đề là phải theo luật bên ngoài hay theo lương tâm khi phải quyết định hành động?
Ngoài thuyết của Kant, chúng ta cũng nên ghi nhận chiều hướng nhân vị (personalisme) cũng ảnh hưởng không nhỏ trong việc canh tân THLL. Chỉ cần xem cách trình bày về hôn nhân trong Hiến chế Gaudium et Spes với các sách thần học trước Công đồng thì sẽ thấy rõ điều ấy: trước đây người ta phân biệt mục tiêu chính của hôn nhân là sinh con đẻ cái, và mục tiêu thứ yếu là tiết dục.
Nhưng dưới viễn ảnh của thuyết nhân vị, Công đồng đã đặt tương giao giữa đôi bạn ở hàng đầu, và con cái là kết quả của mối tình ấy triển nở.
Trong những khoa học nhân bản được THLL để ý hơn cả là khoa tâm lý học và xã hội học, lý do có lẽ cũng dễ hiểu. Ngoài ra, trong chiều hướng chung của Giáo Hội và Thần Học, THLL còn phải đối thoại với các nền văn hóa khác nhau của nhân loại. Khi gặp gỡ với những văn hóa của Á Châu và Phi Châu, chắc chắn THLL sẽ tiếp thu nhiều giá trị mới, tỉ như thái độ chiêm niệm, tinh thần cộng đồng v.v...
Từ những nhận xét tổng quát vừa rồi, chúng ta hãy rảo qua những vài vấn đề đang được xét lại. Chúng ta hãy tạm theo dõi thứ tự mà thánh Tô-ma đã sử dụng, nghĩa là phần luân lý tổng quát; rồi kế đó đến luân lý chuyên biệt.
Trong phần tổng quát, chương về các "hành vi nhân linh" (de actibus humanis) được mở rộng đến việc tìm hiểu tất cả con người, với những phản ứng, thái độ, lựa chọn của nó: chính con người mới là chủ thể của hành vi.
Ở đây ta thấy ảnh hưởng của thuyết nhân vị. - Chương mang tựa đề "Luật" (De lege) thì nay được thay thế bằng "giá trị" hoặc "quy chuẩn", được hướng đến cứu cánh của hành vi và cuộc sống con người. - Hai chương về "lương tâm" và "tội lỗi" đã sử dụng rất nhiều dữ kiện của khoa tâm lý, nói về trách nhiệm và những giới hạn của con người do mặc cảm hay do những phản ứng khác. Đặc biệt là tội lỗi theo THLL phải được xét trong tương quan với Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là mặc cảm tội lỗi nói ở tâm lý.
Còn trong phần chuyên biệt, thì người ta thấy có hai hệ thống cổ truyền để xếp đặt các vấn đề: Dòng Tên và Dòng Chúa Cứu thế thì theo 10 điều răn; còn học phái thánh Tô-ma thì theo các nhân đức. Một số tác giả cận đại muốn tìm ra những hệ thống khác, tỉ như luân lý cho đời sống tư riêng, và luân lý cho đời sống xã hội.
Ngoài chuyện sắp xếp hệ thống, khi đi vào chi tiết ta có thể ghi nhận những đề tài nóng bỏng hiện nay là: giá trị đời sống con người (với những vấn đề phá thai, chết êm dịu); giá trị của phái tính nhìn trong nhãn giới tương giao liên bản vị; giá trị của phẩm giá con người như là giới hạn cho những vấn đề thụ thai nhân tạo; giá trị của hôn nhân với vấn đề chung thủy.
Ngoài việc viết lại những chương cổ truyền trong viễn ảnh canh tân, THLL lại còn phải để ý đến những đề tài mới được đặt ra vào thời đại của chúng ta, tỉ như các kế hoạch chính trị (chủ nghĩa xã hội và tư bản), vấn đề công bằng của những cá nhân, nhóm người, chủng tộc, lục địa bị áp chế bóc lột; cách mạng bằng vũ lực; việc nhìn nhận các quyền lợi con người; sự liên đới và chia sẻ tài nguyên.
Điểm qua một vòng những lãnh vực canh tân của THLL sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, người ta không thể bỏ qua những khó khăn, thậm chí có thể dùng tiếng "khủng hoảng". Ngoài sự căng thẳng giữa một số nhà thần học với Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội (một điều không phải chỉ xảy ra riêng cho THLL nhưng còn cho các bộ môn khác của Thần học) những đường hướng nghiên cứu mới đã đặt ra một số câu hỏi khá phức tạp: - sự đối chiếu với những văn hóa khác nhau trên thế giới, xét về không gian và thời gian, đã khiến người ta tự hỏi xem có nền luân lý gọi là "tự nhiên" có giá trị mọi nơi mọi thời hay không? Cái mà cho đến nay người ta gọi là luân lý tự nhiên phải chăng chỉ là sản phẩm suy tư của các học giả tại Tây phương dưới ảnh hưởng của Ki-tô giáo ?
Vấn nạn này không những là kết quả của sự đối chiếu sử học, nhân chủng học, nhưng thậm chí còn được duyệt chính bởi một vài nhà thần học Tin Lành cho rằng sau khi nguyên tổ phạm tội, bản tính con người đã sa đọa; vì vậy mà không thể xây dựng một nền luân lý dựa trên bản tính tự nhiên của con người nữa. - thậm chí có người còn đi xa hơn khi chủ trương rằng cả Ki-tô giáo cũng không có một nền luân lý riêng biệt; Đức Ki-tô chỉ đề ra vài lý tưởng, nhưng không truyền buộc những nghĩa vụ chặt chẽ. Tân Ước chỉ gồm những lời kêu gọi hãy vươn lên đến sự hoàn thiện, nhưng không chủ ý áp đặt những mệnh lệnh có giá trị bất biến; mỗi người sẽ liệu mà xử sự tùy hoàn cảnh.
Khỏi nói người ta cũng có thể đoán được, từ những lời quả quyết trên, người ta sẽ kết luận thêm rằng không thể nói cái gì tự bản chất là xấu hay tốt cả (actus intrinsece malus), bởi vì tốt xấu thay đổi tùy hoàn cảnh.
Chính vì những vấn nạn ấy mà Đức Gio-an Phao-lô II đã thấy cần phải soạn một văn kiện về TTHLL căn bản (Thông Điệp "Veritatis splendor", được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II công bố ngày 05.10.1993). Nhưng văn kiện ấy khá lâu mới ra đời được, phần nào vì ban chuyên viên khó nhất trí ở vài điểm căn bản, tỉ như ngay cả về đối tượng của THLL: cho đến nay, chúng ta thường quan niệm đối tượng của THLL là vạch ra những nghĩa vụ phải làm.
Tuy nhiên, các học giả thánh Tô-ma đã chất vấn rằng: quan niệm về luân lý của mệnh lệnh nghĩa vụ là sản phẩm của Kant, hay của thần học cổ điển? Thánh Tô-ma quan niệm luân lý theo những phạm trù khác: sự cứu độ, hạnh phúc, sự toàn thiện cơ mà. Chính vì phải xét lại nhiều khi tận căn như vậy, nên ít có tác giả dám soạn toàn bộ giáo khoa về THLL. Mỗi tác giả chỉ dám viết về một vài chương nào đó thôi. Tại các phân khoa thần học ở Rô-ma, hai bộ sách thường được dùng hơn cả, đừng kể cha Haering, là quyển "Chiamata e risposta" (kêu gọi và đáp ứng) của cha Guenthor nguyên tác bằng tiếng Đức, và quyển "Etica cristiana" (Luân lý Công Giáo) nguyên tác bằng tiếng Anh.