Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

THÁNH TÔMA AQUINÔ – GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI (Phần 1)


LTS: Chuẩn bị mừng Mừng Lễ Thánh Tôma Aquinô, 28/01, – Bổn Mạng Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, Thời sự Thần học đăng loạt bài về Thánh Tôma của các số 3 năm vừa qua.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI giáo huấn về chủ đề "Con người và tư tưởng thánh Tôma Aquinô" vào 3 buổi tiếp kiến chung thứ Tư hằng tuần tại quảng trường Thánh Phêrô:

Thời sự Thần học, Số 55 – tháng 01/2012, tr. 7-31.

Phần 1 : Thứ Tư, ngày 01.06.2010
Phần 2 : Thứ Tư, ngày 06.06.2010
Phần 3 : Thứ Tư, ngày 23.06.2010
---------------------

Giuse Nguyễn Hữu Nghị, OP. chuyển ngữ

Thứ Tư, ngày 02.06.2010

Anh chị em thân mến,

Sau những bài giáo huấn về tác vụ linh mục và sau những chuyến công du, hôm nay tôi muốn quay trở lại với đề tài chính, đó là chiêm ngắm một số nhà tư tưởng vĩ đại thời Trung Cổ. Mới đây, chúng ta đã nhìn ngắm khuôn mặt vĩ đại của thánh Bônaventura, tu sĩ dòng Phanxicô, và hôm nay tôi sẽ trình bày về một nhà tư tưởng mà Giáo hội gọi là vị Tiến sĩ chung (Doctor communis). Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp Đức Tin và Lý Trí, đã viết rằng : “thánh Tôma đã luôn được Giáo hội giới thiệu cách chính đáng là bậc tôn sư về tư tưởng, và là khuôn mẫu của một phong thái đúng đắn trong công tác suy tư thần học” (số 43). Bởi vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà trong số các văn sĩ của Giáo hội được nêu danh trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, thánh Tôma được trích dẫn nhiều hơn tất cả các vị khác, không dưới 61 lần, chỉ sau thánh Âu Tinh. Ngài còn được gọi là vị Tiến Sĩ Thiên Thần (Doctor angelicus), vì nhờ các nhân đức mà ngài có, đặc biệt là sự uyên bác tuyệt vời trong tư tưởng cùng với sự trong sáng của cuộc đời ngài.

Tôma chào đời khoảng năm 1224 – 1225 tại lâu đài của gia đình, một gia đình quý tộc giầu có tại vùng Roccassecca, gần Aquinô, cạnh đan viện danh tiếng Mont Cassin. Chính tại Đan viện này, Tôma được thân phụ gửi tới để được học hỏi những yếu tố sơ khởi trên con đường học vấn của ngài. Ít năm sau đó, Tôma tới Napoli, thủ phủ vương quốc Sicile; tại đây vua Frédéric II đã lành lập một trường đại học danh tiếng. Tại trường đại học này, tư tưởng của triết gia Hy-lạp, Aristote, được giảng dạy mà không bị áp đặt những giới hạn như ở các trường đại học khác. Chàng sinh viên Tôma trẻ tuổi được dẫn vào trong thế giới tư tưởng của triết gia Aristote, và ngay lập tức, Tôma hiểu ra được giá trị vĩ đại của triết gia này. Nhưng đặc biệt, ơn gọi Đa Minh cũng đã nảy nở trong chính thời gian này. Quả thực, Tôma đã bị thuyết phục bởi lý tưởng của dòng tu do thánh Đa Minh sáng lập trước đó không lâu. Tuy nhiên, khi Tôma lãnh tu phục Dòng Đa Minh, thì mọi người trong gia đình ngài phản đối chọn lựa của ngài; vì thế ngài buộc phải rời khỏi tu viện và trở về với gia đình trong một thời gian.

Vào năm 1245, khi đã trưởng thành, ngài tiếp tục cuộc hành trình đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Ngài được gửi tới Paris để nghiên cứu thần học dưới sự hướng dẫn của một vị thánh khác, Anbetô Cả, vị thánh mà gần đây tôi đã có dịp nói tới. Anbetô và Tôma đã mau chóng gắn kết với nhau bằng một tình thân hữu thâm sâu và chân thành. Các ngài đã học tập để biết cách đánh giá và yêu thương nhau, đến nỗi mà sau này, khi được bề trên sai đi để thành lập Viện thần học (studium) tại Cologne, thánh Anbetô đã muốn người học trò của mình cũng đi cùng. Đây chính là thời điểm mà Tôma lại một lần nữa có cơ hội được tiếp xúc với các tác phẩm của Aristote, và các nhà chú giải Ả-rập về triết gia này, khi thánh Anbetô trình bày và giải thích.

Vào giai đoạn này, nền văn hóa của thế giới La-tinh bị ảnh hưởng sâu xa do cuộc gặp gỡ với các tác phẩm của Aristote, vốn còn chưa được biết đến trong một thời gian dài trước đó. Các tác phẩm này chính là những tác phẩm bàn về bản chất của nhận thức, về các khoa học tự nhiên, về siêu hình học, về linh hồn và đạo đức, vốn rất phong phú về thông tin và trực giác. Các tác phẩm này cho thấy những giá trị lớn lao và mang tính thuyết phục cao. Vấn đề quan trọng được đề cập trong đó là một nhãn quan toàn diện về thế giới, được khai triển không có Đức Kitô và trước Đức Kitô (without and before Christ), thông qua nẻo đường lý trí thuần túy. Chính nhãn quan toàn thể này buộc lý trí phải nhìn nhận nó như một “nhãn quan” đích thực : do chính yếu tố này mà đã tạo nên sự cuốn hút đến lạ thường những người trẻ đến chiêm ngắm và nhận thực nền triết học này. Rất nhiều người nhiệt tình đón nhận, thậm chí nhiệt tình đến nỗi quên cả phê bình, công trình đồ sộ này của nền trí thức thượng cổ, vốn được xem như có khả năng đổi mới cách có lợi hơn cho nền văn hóa La-tinh, đồng thời mở ra những chân trời hoàn toàn mới mẻ. Tuy nhiên, cũng có những người lại e ngại rằng nền tư tưởng ngoại giáo của Aristote sẽ đối chọi với đức tin Kitô giáo, nên đã khước từ nghiên cứu nền tư tưởng này. Hai nền văn hóa hội ngộ : nền văn hóa tiền Kitô giáo của Aristote, với tính hợp lý triệt để của nó, và nền văn hóa Kitô giáo cổ điển. Ngoài ra, một số trung tâm có thái độ từ khước Aristote, cũng bởi lý do việc trình bày về triết gia này lại được thực hiện bởi chính các nhà chú giải Ả-rập, như Avicenne và Averroès. Quả thực, chính các nhà chú giải này là những người đã truyền bá hệ thống triết học Aristote vào thế giới La-tinh. Chẳng hạn các nhà chú giải đã giảng dạy rằng con người không thể thủ đắc một lý trí cá vị, nhưng chỉ có một lý trí phổ quát và duy nhất, bản thể tinh thần chung cho tất cả, và hoạt động trong tất cả với tính cách là “duy nhất”. Hệ quả là làm mất đi tính cách ngôi vị của con người. Một điểm khác cũng gây tranh cãi không ngừng, đó là thế giới này cũng vĩnh cửu như chính Thiên Chúa. Từ đó chúng ta có thể hiểu được những cuộc tranh luận bất tận đã nổi lên dữ dội, trong giới đại học cũng như trong Giáo hội. Nền triết học Aristote đã được phổ biến thậm chí ngay cả trong giới bình dân.

Tôma Aquinô, khi bước theo trường phái của thánh Anbetô Cả, đã thực hiện một công việc có tầm quan trọng căn bản đối với lịch sử triết học và thần học, thậm chí tôi dám nói là cho cả lịch sử văn hóa nữa : Ngài đã nghiên cứu thấu đáo đến cùng Aristote, và cả những nhà chú giải về triết gia này, khi được cung cấp những bản dịch mới bằng La ngữ từ những bản văn gốc Hy ngữ. Như thế, ngài không còn chỉ dựa vào những nhà chú giải A-rập nữa, nhưng đã có thể đọc theo cách thế của riêng mình, những bản văn gốc và bình giải phần lớn các tác phẩm của Aristote. Ngài phân biệt trong đó, giữa những gì là xác thực với những gì còn đang trong vòng hoài nghi, hoặc thậm chí phải bác bỏ hoàn toàn. Đồng thời sử dụng cách phong phú và chính xác tư tưởng của Aristote, trong việc quảng diễn các bản văn thần học mà ngài soạn thảo. Sau cùng, Tôma đã chứng minh được rằng giữa đức tin Kitô giáo và lý trí, luôn có một sự hài hòa rất tự nhiên. Đây chính là công trình vĩ đại của thánh nhân, bởi lẽ, vào thời điểm của các cuộc xung đột giữa hai nền văn hóa, thời điểm mà xem ra đức tin đang phải đầu hàng trước lý trí, ngài đã cho thấy rằng đức tin và lý trí có thể song hành tay trong tay; và rằng những điều tỏ cho thấy như thể là lý trí không tài nào tương hợp được với đức tin, thì đấy lại không phải là lý trí. Còn những gì xem ra như thể là đức tin thì đấy không phải là đức tin, nếu đức tin đối lập lại với một lý tính đích thực. Như vậy, Tôma đã hình thành nên được một tổng hợp mới mẻ, đã khuôn đúc nên một nền văn hóa cho những thế kỷ sau.

Do những khả năng trí thức tuyệt vời, Tôma được gọi về Paris đảm nhận ghế của anh em Đa Minh với tư cách là giáo sư thần học. Cũng chính tại đây, ngài bắt đầu công việc soạn thảo, công việc mà thánh nhân thực hiện cho đến khi qua đời, và đã tạo nên một điều thật kỳ diệu : ngài chú giải Thánh kinh, bởi lẽ một giáo sư thần học tiên vàn phải là một nhà chú giải Thánh kinh; bình giải các bản văn của Aristote,; viết những tác phẩm đồ sộ mang tính hệ thống, trong số đó, Tổng luận Thần học là tác phẩm tuyệt hảo nhất; những khảo luận và những bài giảng về những chủ đề khác nhau. Trong việc soạn thảo các bản văn, ngài được nhiều thư ký giúp đỡ, trong đó phải kể đến Réginal de Piperno, người rất tận trung theo ngài và cũng là người mà Tôma gắn bó bằng một tình bằng hữu rất chân thành và huynh đệ, mang đậm dấu ấn của sự tín nhiệm và tin tưởng lớn lao. Đây chính là đặc tính của các vị thánh : các ngài vun đắp cho tình bằng hữu, bởi lẽ tình bằng hữu là một trong những biểu hiện cao quý nhất của trái tim con người, và nó có một điều gì đó mang tính thần linh, như chính thánh nhân đã giải thích điều này qua một vấn nạn trong Tổng luận Thần học : “Đức ái chính yếu là tình bạn hữu của con người đối với Thiên Chúa, và với tất cả mọi hữu thể thuộc về Ngài” (IIa, q. 23, a. 1).

Tôma không lưu trú lâu và cũng chẳng thường xuyên ở Paris, năm 1259, ngài tham dự Tổng hội của anh em Đa Minh tại Valencia, tại Tổng hội này, ngài là thành viên của Ủy ban soạn thảo chương trình học vấn của Dòng. Sau đó, từ 1261 đến 1265, ngài sống tại Orvieto. Đức giáo hoàng Urbanô IV, người rất quý mến và đánh giá cao về Tôma, đã ủy thác cho ngài việc soạn thảo các bản văn phụng vụ cho lễ kính Mình Thánh Chúa (corpus Domini), được thiết lập sau phép lạ Thánh Thể xảy ra tại Bolsena. Tôma có một tâm hồn vô cùng nhạy cảm với Thánh Thể. Các bản thánh thi trác tuyệt mà phụng vụ Giáo hội dùng để cử hành mầu nhiệm về sự hiện diện đích thực của Mình và Máu Chúa trong Thánh Thể, được quy gán cho đức tin và sự minh triết thần học của ngài. Từ năm 1265-1268, Tôma sống tại Rôma, có lẽ tại đây ngài điều hành một Học Viện, nhà học dành cho việc học của Dòng, và cũng chính tại đây, ngài bắt đầu viết bộ Tổng Luận Thần Học (xc. Jean-Pierre Torell, Tôma Aquinô : Con người và thần học gia, Casale Monferrato, 1994, tr. 118 – 184).

Năm 1269, Tôma được gọi trở lại Paris để giảng dạy chương trình thần học. Các sinh viên rất hứng thú với những bài giảng của ngài. Một trong các cựu sinh viên của ngài đã cho biết rằng, có quá nhiều sinh viên đến tham dự các khóa học của thánh nhân, đến nỗi hầu như không một phòng học nào có đủ chỗ cho sinh viên tham dự. Cũng chính sinh viên này, trong một ghi nhận cá nhân, đã thêm rằng “việc lắng nghe Tôma giảng dạy giúp tôi cảm nghiệm được một niềm hạnh phúc sâu thẳm.” Việc bình giải Aristote của Tôma dẫu không được tất cả mọi người đón nhận, nhưng ngay cả những đối thủ của ngài trong lãnh vực hàn lâm, như Goderoi de Fontaines chẳng hạn, cũng phải nhìn nhận rằng học thuyết của tu sĩ Tôma trổi vượt hơn những học thuyết khác do sự hữu ích và giá trị của chúng, đồng thời giúp điều chỉnh các học thuyết của các vị tiến sĩ khác. Bề trên đã bổ nhiệm Tôma đến Napoli một lần nữa, có lẽ vừa để tránh cho ngài khỏi những cuộc tranh luận gay gắt đang tiếp diễn, vừa có thể phục vụ vua Charles I, người đang có chương trình cải tổ những vấn đề nghiên cứu tại các trường đại học.

Ngoài công tác nghiên cứu và giảng dạy, Tôma còn chuyên cần giảng thuyết cho dân chúng nữa, và dân chúng cũng sẵn lòng đến nghe ngài giảng. Tôi muốn nói rằng đây thực sự là một ân huệ lớn lao khi mà các thần học gia có khả năng nói với các tín hữu một cách đơn giản và nhiệt thành. Hơn nữa, chính tác vụ giảng thuyết cũng giúp các thần học gia có được nhãn quan thực tế lành mạnh về mục vụ, cũng như làm phong phú công cuộc nghiên cứu của họ bằng những thúc đẩy sống động.

Những tháng cuối cùng của cuộc đời dương thế của Tôma vẫn luôn được bao quanh bởi một bầu khí đặc biệt, tôi có thể nói đây là một bầu khí thật huyền nhiệm. Tháng 12.1273, ngài cho gọi Réginal, người bạn và cũng là thư ký của ngài, để thông tin cho biết là ngài quyết định ngưng mọi công việc viết lách. Bởi lẽ, một mạc khải siêu nhiên đến với ngài khi một lần đang cử hành thánh lễ, và ngài hiểu được rằng tất cả những gì ngài đã viết cho đến thời điểm đó chỉ là “một đống rơm rác” mà thôi. Chính tình tiết huyền nhiệm này giúp chúng ta không những nhận ra sự khiêm nhường của bản thân ngài, mà còn nghiệm ra một thực tế rằng tất cả những điều chúng ta thành công trong suy tư cũng như diễn đạt về đức tin, dù có cao siêu và tinh ròng đến mấy đi nữa, thì cũng vẫn bị siêu vượt cách vô biên vô tận bởi chính sự cao trọng và vẻ đẹp của Thiên Chúa, điều sẽ chỉ được mạc khải trọn vẹn cho chúng ta trên Thiên Quốc.

Vài tháng sau đó, khi mà càng ngày càng chìm đắm trong sự chiêm niệm sâu xa, Tôma đã tạ thế khi đang trên đường tới Lyon để tham dự Công đồng Đại kết, do đức giáo hoàng Grégoire X triệu tập. Ngài qua đời tại đan viện Xít-tô Fossanova, sau khi đã lãnh của ăn đàng với những tâm tình thành kính sâu xa.

Cuộc đời và giáo huấn của thánh nhân có thể được đúc kết trong một đoạn văn được kể lại trong bản tiểu sử xưa về ngài. Lần kia như thường lệ, khi thánh nhân đang cầu nguyện trước tượng chịu nạn vào lúc sáng sớm tại nhà nguyện thánh Nicôla – Napôli, thì Domenico da Caserta, người phụ trách phòng thánh, nghe thấy một cuộc đối thoại. Tôma đang lo lắng hỏi xem liệu những điều ngài đã viết về các mầu nhiệm đức tin Kitô giáo có được xác thực hay không. Và Đấng chịu đóng đinh trả lời : “Con đã nói rất tuyệt về Ta, Tôma. Con muốn ta thưởng gì cho con ?” Câu trả lời thánh nhân đáp lại cũng là câu trả lời mà mỗi chúng ta, những bạn hữu và môn đệ Đức Giêsu, luôn mong muốn nói với Người : “Lạy Chúa ! chẳng điều gì khác ngoài Chúa.”

Đọc tiếp Phần 2