Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

TU ĐỨC HỌC LÀ GÌ ?

Thời sự Thần học – Số 4, Tháng 4/1996, tr. 7-17

Bình Hoà


Xem ra danh từ của tiếng Việt đã khá rõ nghĩa : tu-đức học là môn học về sự tu đức, tu thân tích đức, tập các nhân đức để nên trọn lành. Tại Việt Nam, cách đây hai ba mươi năm về trước, đã thấy xuất hiện nhiều sách với những tựa đề như : "tu-đức-học", "sách dẫn đường trọn lành", "thánh hóa giáo khoa", "đường nên thánh". Những quyển sách ấy phần nhiều được biên soạn dựa trên thủ bản khá phổ thông bằng tiếng Pháp "Théologie ascétique et mystique" của cha Tanquerey. Nhưng ngày nay, tựa đề của các sách viết về tu đức đã thay đổi, tựa như: Théologie de la vie chrétienne, Théologie de la perfection chrétienne, và nhất là Théologie de la vie spirituelle, hoặc vắn tắt hơn : Spiritualité. Có gì khác biệt giữa các danh từ đó ? Sự thay đổi tựa đề chỉ nhằm tìm từ ngữ hấp dẫn hơn, hay vì muốn cho sát với nội dung hơn ? Trong bài này, chúng ta sẽ xét tới vấn đề tư ngữ, và sau đó là những tranh luận về phương pháp.

I. Các từ ngữ : ascétique, mystique, spiritualité

Ascetique. Nguyên gốc từ tiếng hy lạp "Askesis", bởi động từ "askein", có nghĩa là thực tập, thao luyện, áp dụng vào việc thể dục cũng như đức dục. Nhưng dần dần nó được dùng để chỉ những cố gắng tập luyện để tiến trên đường đạo đức. Nói chung chương trình ấy bao gồm kỷ luật để chế ngự thân xác và cầu nguyện, dựa trên vài phương pháp nào đó. Từ đó nảy ra tiếng "exercices spirituels", mà tiếng Việt dịch là linh thao (hoặc "tập dụng thần công"). Thường nói tới linh thao người ta nghĩ đến việc tĩnh tâm theo phương pháp của thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la. Nhưng truyền thống Ki-tô giáo hiểu tiếng linh thao rộng hơn : nó bao gồm tất cả việc thực lập thiêng liêng, từ những việc hãm mình ép xác, trừ khử các nết xấu, cho tới việc tập tành nhân đức cũng như việc cầu nguyện. Tất cả đều ví được như những sự thao luyện tập tành, hợp tác với ơn Chúa, để đào nặn con người thiêng liêng. - Trên nguyên tắc, tất cả con đường thiêng liêng đều gọi được là "ascesis". Tuy nhiên, một số các tác giả người Pháp đã giới hạn "ascesis" vào những giai đoạn sơ cấp và trung cấp của đường tiến đức; còn giai đoạn cao cấp thì gọi là "mystique", tiếng Việt thường dịch là "thần bí" (hay đôi khi cũng gọi là : huyền bí, bí nhiệm). 

Mystique: Nguyên ngữ Hy lạp "mystikos", một tĩnh từ gắn liền với danh từ "mysterion", tức là cái gì giấu kín, chỉ hé mở cho những người đã khai tâm khai trí (initiare). Thường thường những điều bí mật đó không phải thuộc lãnh vực tự nhiên hay bí mật quân sự, nhưng thuộc lãnh vực tôn giáo. Kinh thánh Ki-tô giáo đã dùng tiếng mysterion để gọi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại, trước đây giấu kín, nhưng nay được tỏ lộ qua Đức Ki-tô. Sang thời các giáo phụ, thì tiếng "mysterion" không những ám chỉ kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa, mà còn được áp dụng để gọi các nghi thức nhờ đó con người được khai tâm để cảm nghiệm, thông dự vào mầu nhiệm ấy. Nói khác đi, mysterion chính là các nhiệm tích, đặc biệt là Rửa Tội và Thánh Thể, nhờ đó con người không những được học biết về Thiên Chúa mà còn được cảm nghiệm đời sống thần linh nữa. Mysterion hy lạp được dịch ra sacramentum trong tiếng la-tinh (tiếng Việt : bí tích, nhiệm tích). Cho đến đây, ta có thể nói là tất cả các Ki-tô hữu đều sống đời mystique, xét vì tất cả đều tham dự vào các nhiệm tích, tham dự vào đời sống thần linh, và được mời gọi đào sâu thêm sự hiểu biết về mầu nhiệm của Đức Ki-tô, như thánh Phao-lô đã ước nguyện trong thư gửi các tín hữu Ê-phê-xô 3,14-21. 

Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ 4, một tác giả vô danh, dưới bí hiệu Denis l'Aréopagite, đã xuất bản một quyển sách tựa đề "Theologia mystica", trong đó ông ta nói đến một sự hiểu biết về Thiên Chúa không phải do sự học hỏi, nhưng do ơn thánh dành cho những người đạt tới đỉnh cao cấp của đường trọn lành. Dần dần, thần học Trung cổ và cận đại đã chịu ảnh hưởng của ông ta, và giới hạn tiếng "mystique" vào một cảm nghiệm về Thiên Chúa mà chỉ một số ít người đạt tới. Vì thế không lạ gì mà các tác giả đã phân chia đường trọn lành thành hai phần "ascétique" cho giai đoạn đầu, và "mystique" cho giai đoạn cấp cao. Một tiêu chuẩn nữa được xử dụng trong sự phân biệt là vai trò chủ động : trong giai đoạn ascétique, chủ động là chính con người, cố gắng tập tành nhân đức, khử trừ nết xấu, tập cách suy gẫm cầu nguyện. Còn ở giai đoạn mystique, thì chủ động là Thánh Linh, dìu dắt con người qua các cuộc thanh luyện thụ động và đưa tới chiêm niệm. Tuy phương pháp trình bày ấy nói được là đã đâm rễ vào thần học, nhưng vào thập niên 50 của thế kỷ này, nó đã bị chỉ trích, ít là vì hai lý do sau đây. Thứ nhất, vì tiếng "mystique" đã bị hiểu lệch lạc, do lỗi của Denis l'Areopagite, hạn chế sự hiểu biết và cảm nghiệm về Thiên Chúa vào một thiểu số, đang khi mà trong Tân •ớc, tiếng mystique có nghĩa khác, và là một ơn gọi của tất cả các Ki-tô hữu. Nói cách khác, theo cách trình bày cổ truyền, nếu chủ trương rằng chỉ có một thiểu số các Ki-tô hữu đạt tới trình độ thần bí, thời mặc nhiên người ta cũng kết luận rằng chỉ có rất ít người được gọi nên thánh. Đại đa số các tín hữu chỉ có thể an phận với nếp sống tầm thường ăn ngay ở lành là đủ. Lý do thứ hai để chỉ trích là vì trong quá khứ, không thiếu người đồng hóa thần học thần bí (théologie mystique) với những hiện tượng thần bí (phénomène mystique), tựa như : xuất thần, tiên tri, nói tiếng lạ, được in dấu thánh, v.v... Họ quên rằng các hiện tượng ấy rất là tùy thuộc, bởi vì cốt yếu của đời sống thần bí là sự kết hiệp với Chúa, sự ngoan ngoãn để cho Thánh Thần tác dụng qua bảy hồng ân. 

Chính vì những vấn nạn như vậy mà dần dần người ta bỏ từ ngữ "théologie ascétique et mystique", và thay thế bởi những từ ngữ khác diễn tả chính xác hơn nội dung của nó, tỉ như : thần học về đời sống Ki-tô hữu (théologie de la vie chrétienne), thần học về sự trọn lành (théologie de la perfection), về đời nội tâm (vie intérieure), đời sống tinh thần hay thiêng liêng (vie spirituelle, spiritualité). Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã có dịp đọc tờ báo "La Vie Spirituelle", và pho đại từ điển "Dictionnaire de Spiritualité". 

Spiritualité: Ở Việt ngữ, nó có thể dịch là "thiêng liêng, hay tâm linh, linh đạo, thần linh, duy linh, tinh thần, v.v...". Thực ra ngay chính tiếng Spiritualité trong Pháp ngữ cũng mang rất nhiều nghĩa. Nói cách tổng quát, thì "spiritualité" (một danh từ trừu tượng) là tính chất có liên hệ tới "spirituel". Thế nhưng spirituel có nghĩa là gì ? 

1) Trước hết, Spirituel có nghĩa là "thiêng liêng, linh thiêng", đối lại với matériel (vật chất, chất thể). Theo nghĩa này, vie spirituelle có thể hiểu về cuộc sống của các hữu thể tâm linh, dù đó là linh hồn con người, hay thiên thần ma quỷ, cũng như chính Thiên Chúa. Theo nghĩa này thì tâm lý học cũng là khoa nghiên cứu về vie spirituelle. 

2) Kế đó, spirituel được áp dụng vào một nghĩa hạn chế hơn, vào đời sống đạo đức của một người nào đó, nhờ tu tâm dưỡng tánh, nhờ những việc tụng niệm lễ bái. Con người đó có lẽ không phải là nhà bác học uyên thâm, hay nhân vật lỗi lạc có tài kinh bang tế thế, cho bằng một người có phần nội tâm phong phú, người có đức độ, người có giao cảm với thế giới thần linh. Theo nghĩa này, ta có thể nói rằng mục tiêu của các tôn giáo là phát triển chiều kích tâm linh của con người, giúp cho con người biết vươn lên trên thế giới vật chất để tìm về gặp gỡ với các thực tại thần linh. 

3) Theo một nghĩa chuyên môn hơn, giới hạn vào Ki-tô giáo, thì trong Tân •ớc, tiếng spirituel (nguyên ngữ Hy lạp : pneumatikos) được thánh Phao-lô dùng để nói đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống người Ki-tô hữu. Nói khác đi, vie spirituelle chính là bản chất của cuộc đời của người Ki-tô hữu, tức là sống theo Thánh Thần. Tuy nhiên, ngoài việc dùng tiếng "spiritualis" như tĩnh từ, thì từ thế kỷ thứ 13, người ta còn gặp thấy các danh từ "spiritualitas", nhất là trong tiếng Pháp: "espiritualité, espiritalité, spiritalité", và sau cùng "spiritualité", dùng để nói tới mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa, đặc biệt qua sự cầu nguyện, các bí tích, việc thực hành các nhân đức và các ơn của Chúa Thánh Thần. Théologie spirituelle là ngành học về mối tương giao ấy. Danh từ này có lợi điểm không những là đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống người Ki-tô hữu, đồng thời vượt lên sự phân chia "ascétique / mystique" trước đây. 

4) Tuy nhiên, có một số tác giả muốn giới hạn hơn nữa tiếng "spiritualité", thu hẹp vào những học thuyết tu đức của các trường phái. Theo họ, trong khi mà vie spirituelle có thể áp dụng cho toàn thể đời sống của các Ki-tô hữu, spiritualité dành cho những học thuyết hay kinh nghiệm cụ thể đã được thực hành trong lịch sử các thánh hoặc các học phái. Có lẽ theo nghĩa này mà tại Việt Nam có người dịch là "linh đạo", và có thể nói tới "linh đạo" của các giáo dân, của các tu sĩ, của các linh mục, của dòng Biển đức, của Dòng Đa Minh, dòng Phan-xi-cô, dòng Tên, của thánh Phan-xi-cô đờ Xan, v.v...

II. Những tranh luận về phương pháp thần học tu đức. 

Có thể tóm lại thành hai câu hỏi sau đây : 
  1. Tu đức học là một ngành riêng biệt hay là một bộ môn của thần học ? 
  2. Có một hay nhiều nền tu đức học ? 
A. Câu hỏi thứ nhất có tính cách hơi kỹ thuật, bàn về phương pháp nghiên cứu và dạy khoa tu đức học trong các phân khoa thần học hay chủng viện. 

Có hai chủ trương khác nhau : 

1) Những người chủ trương rằng tu đức học là một bộ môn riêng biệt thì coi môn học này áp dụng phương pháp riêng biệt, nghĩa là đường lối thực nghiệm, nghiên cứu đường lối nên thánh dựa theo kinh nghiệm sống của các thánh nhân; đang khi mà thần học áp dụng đường lối diễn dịch, bàn về những lý thuyết rút từ Kinh Thánh và Huấn Quyền của Giáo Hội. 

2) Đối lại, những người chủ trương tu đức học là một ngành của thần học thì lập luận rằng : một khoa học bàn về đời sống thánh thiện không thể chỉ dựa vào những kinh nghiệm bản thân, nhưng cần phải dựa trên nền tảng khách quan phổ quát. Cách riêng khoa học về sự nên thánh của người Ki-tô hữu (hoặc về đời sống thiêng liêng của người Ki-tô hữu) không thể nào làm ngơ với Kinh Thánh và đạo lý đức tin về tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Sở dĩ trong quá khứ đã có sự tách rời tu đức học ra một khoa riêng biệt là tại vì phương pháp thần học kinh viện vào những thế kỷ gần đây đã chú trọng vào đường lối suy luận diễn dịch, nhiều khi cắt đứt khỏi chính nguồn Thánh Kinh nữa, đang khi mà lẽ ra Thàn học phải áp dụng vừa phương pháp diễn dịch vừa phương pháp lịch sử. Thêm vào đó, trong những thế kỷ gần đây, thần học luân lý giới hạn vào việc chú giải 10 điều răn, nhằm cho các linh mục biết cách giải tội. Vì thế mà phần tu đức đã được tách ra khỏi thần học luân lý; đang khi mà thánh Tô-ma A-qui-nô trong bộ Tổng Luận Thần Học, bàn đến các nhân đức và hồng ân Chúa Thánh Thần trong phần luân lý, sát với phần tín lý. Ngày nay, sau khi Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã nhắc nhở tất cả các tín hữu về ơn gọi và nghĩa vụ nên thánh, thần học luân lý không thể chỉ dừng ở chỗ dạy các tín hữu tránh tội kẻo sa hỏa ngục, nhưng còn phải gắng sống theo Thánh Thần nữa. Do đó mà thần học luân lý cần phải bao gồm những phần mà cho đến nay đã nhường cho tu đức học.- Có thể nói đây là khuynh hướng hiện nay của tu đức học : nó là một ngành của thần học, dựa trên những nguyên tắc của thần học về mạc khải, sự cứu chuộc, ơn thánh, v.v... Dĩ nhiên, thần học có những ngành chuyên biệt, và thần học tu đức (théologie spirituelle) là một trong những ngành ấy. Những nguyên tắc thần học nền tảng của tu-đưc-học có thể kể ra như sau : 

1) Đối với Ki-tô giáo, con đường dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa là Đức Ki-tô. Nói khác đi, con đường nên trọn lành và kết hiệp với Thiên Chúa phải dựa trên gương mẫu cuộc đời cũng như trên công trình cứu chuộc của Đức Ki-tô. Thực vậy, Đức Ki-tô không những chỉ dạy cho chúng ta biết về Thiên Chúa, nhưng chính Ngài là Thiên Chúa đến với chúng ta, bày tỏ cho chúng ta biết tình yêu thương mà Ngài dành cho chúng ta. Mặt khác, Đức Ki-tô, khi chia sẻ cuộc sống con người với chúng ta, thì cũng đã để lại cho chúng ta khuôn mẫu cư xử của người tôi trung và con thảo của Thiên Chúa. Điều này giả thiết rằng tu đức học phải đặt nền tảng trên Kinh Thánh, luôn để trước mắt hình ảnh của Đức Ki-tô trong lịch sử cứu độ, mầu nhiệm nhập thể, thập giá và Phục sinh. 

2) Qua Đức Ki-tô, chúng ta biết được kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho con người và cho thế giới. Con người được gọi vào chia sẻ hạnh phúc với Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây không những là tiêu đích mà chúng ta hy vọng đạt tới ở thế giới mai hậu, nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm phần nào ngay từ bây giờ qua đời sống ân sủng và bác ái, cách riêng nhờ sự cầu nguyện và lãnh nhận bí tích. Việc thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi cũng phản ánh qua đời sống thông hiệp mà chúng ta muốn họa lại trong tương quan với tha nhân, dù là giữa cộng đồng Hội thánh, hay với những anh chị em mà ta gặp trên đường đời. Mặt khác, ta cũng biết rằng thế giới vật chất này cũng sẽ được canh tân và cứu độ : thái độ của người Ki-tô hữu đối với nó không phải là khinh chê hay nhờm ghét, nhưng dấn thân để biến đổi nó nên tốt hơn. 

3) Nói rằng Thiên Chúa kêu mời con người đến hiệp nhất với Ngài thì cũng như nói rằng Thiên Chúa kêu mời hết mọi người nên thánh. Thực vậy, sự nên thánh hệ tại việc tiến lại gần Thiên Chúa, nên giống Ngài hơn nhờ sự cải tiến về đường luân lý và đạo đức. Bí quyết của việc nên trọn lành và kết hiệp với Thiên Chúa hệ tại tình yêu. Hậu nhiên, đường nên trọn lành đòi hỏi một đàng là loại trừ những gì đối nghịch với tình yêu, và đàng khác là vun trồng những hành vi nào khả dĩ giúp cho tình yêu phát triển. Những hành vi này không những chỉ giới hạn trong lãnh vực đạo đức thờ phượng, nhưng còn tỏ ra trong hết mọi sinh hoạt của đời sống thường nhật, từ việc ăn uống ngủ nghỉ, cho tới những công tác nghề nghiệp phục vụ xã hội. 

4) Trong cuộc đối thoại tình yêu giữa con người với Thiên Chúa, có hai nguyên ủy chính : một đàng là chính Thiên Chúa, tác động qua ơn thánh, soi sáng thúc giục ta; đàng kia là sự cố gắng của chúng ta nhằm cộng tác với ơn Chúa. Nhờ sự hợp tác và đối thoại ấy mà đức ái có thể tăng tiến mãi. 

Bên cạnh những nguyên tắc thần học vừa nói, khoa tu đức học sẽ khai triển và bổ túc nội dung của mình dựa vào kinh nghiệm thu thập từ tiểu sử của các thánh. Một trong những điểm mà ta có thể học được từ kinh nghiệm của các vị (tỉ dụ qua nhật ký, tự thuật hay các tác phẩm khác) đó là những giai đoạn, những chặng đường tiến đức. Đành rằng Chúa Thánh Thần dẫn đưa mỗi người một cách độc đáo, nhưng khi đối chiếu đời sống của các thánh ta có thể khám phá ra một vài điểm giống nhau. Từ đó học thuyết đã trình bày ba giai đoạn chính hoặc là ba lứa tuổi thiêng liêng : thanh tẩy, soi sáng và kết hiệp (via purificativa, illuminativa, unitiva). 

B. Câu hỏi thứ hai : có một hay nhiều tu đức học? 

Xét vì khoa tu-đức học vừa dựa vào những nguyên tắc của thần học vừa dựa trên kinh nghiệm sống của các Ki-tô hữu, người ta đã đặt câu hỏi : có một hay nhiều tu đức học ? Có phải ai ai muốn nên thánh cũng đều phải đi qua một con đường như nhau hay không? Câu trả lời vắn tắt có thể phát biểu như sau : đưòng nên thánh xét về tận điểm là Thiên Chúa Ba Ngôi và xét về phương tiện là thương yêu thì chỉ có một; nhưng những cách thức diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa và thực thi bác ái thì có nhiều. Nói khác đi, đời sống Ki-tô hữu (vita christiana) hay đời sống thiêng liêng (vita spiritualis) thì có một, nhưng linh đạo (spiritualitas) thì có nhiều. Thần học và lịch sử các linh đạo dùng những tiêu chuẩn khác nhau để nghiên cứu các linh đạo ấy: 

- Tiêu chuẩn lịch sử : theo từng thời kỳ trong lịch sử Giáo Hội, như linh đạo thời Giáo Hội sơ khai, thời giáo phụ, thời trung cổ, thời cận đại, v.v... 

- Tiêu chuẩn địa lý, theo từng dân tộc hay từng vùng : linh đạo Đông phương hay Tây phương; của @, Pháp, Tây ban nha, Đức, v.v... 

- Tiêu chuẩn đạo lý, chú trọng về một chân lý nào riêng biệt, như Ba Ngôi, Đức Ki-tô, Chúa Thánh Thần, Đức Ma-ri-a v.v... 

- Tiêu chuẩn tu đức thực hành, đề cao một nhân đức nào hay một phương thế nào đó, như đức ái, khiêm nhường, khó nghèo, hoặc phụng vụ bí tích, v.v... 

- Tiêu chuẩn tâm lý, nhấn mạnh vào một quan năng nào của đời sống tâm linh con người, như : lý trí, suy luận, chiêm ngắm, tình cảm, hành động, v.v... 

- Tiêu chuẩn học thuyết, tức là những hệ thống học lý tổng hợp những yếu tố vừa nói, từ đó phát sinh những trường phái khác nhau, nổi tiếng hơn cả là trường phái của các Dòng tu lớn trong Giáo Hội: linh đạo Biển Đức, Đa Minh, Phan-xi-cô, Cát Minh, I-nha-xi-ô, Sa-lê-si-a-nô, v.v... 

- Tiêu chuẩn hoàn cảnh sống : giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, hôn nhân; hoặc nghề nghiệp : sĩ nông công thương, v.v...

Có thể nói rằng việc nhìn nhận sự hiện hữu của nhiều linh đạo (cách riêng dựa trên bậc sống) là một bước tiến thần học từ Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Trước đây, nhiều người quan niệm rằng muốn nên thánh thì phải đi tu; hay ít ra người ta viết sách tu đức học chỉ nhắm cho giới nhà tu, hay là dựa theo những phương thế áp dụng trong các tu viện. Vì thế mà đa số các giáo dân mang mặc cảm là mình bị xếp vào các tín hữu hạng nhì. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã muốn sửa đổi lại tâm trạng đó, nhấn mạnh rằng hết mọi người đều được gọi và có bổn phận nên thánh. Việc nên thánh hệ tại việc thực hành đức ái trong ơn gọi và hoàn cảnh sống của từng người. Nếu người tu sĩ nên thánh qua việc khấn giữ trinh khiết để nói lên tình yêu tuyệt đối dành riêng cho Đức Ki-tô, thì người có đôi bạn nên thánh qua đời sống hôn nhân diễn tả tình yêu chung thủy của Đức Ki-tô đối với Giáo Hội đến nỗi hy sinh mạng sống cho người yêu. Tiếc rằng, những sách tu đức viết cho các tu sĩ thì nhiều, còn những sách dành cho các giáo dân vẫn còn rất hiếm. 

Nhằm trình bày tính cách đa diện của tu đức học Ki-tô giáo, chúng tôi sẽ trình bày các linh đạo dựa theo tiêu chuẩn lịch sử và bậc sống. Khi trình bày lịch sử linh đạo từ Tân •ớc cho tới Công Đồng Va-ti-ca-nô II, chúng ta sẽ có dịp ghi nhận những nét chính của các trường phái linh đạo của các dòng tu lớn. Còn về linh đạo dựa theo bậc sống, chúng ta sẽ bàn tới : giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.