(Thời sự Thần học - Số 1, tháng 03/2009)
LTS: Hội đồng Giám mục Việt Nam lấy hai năm 2008 và 2009 để gây ý thức nơi cộng đồng Dân Chúa về tầm quan trọng của việc giáo dục nói chung và giáo dục đức tin nói riêng trong các gia đình Kitô giáo. Hưởng ứng lời kêu gọi hướng tới Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam, xin dịch bản tuyên bố của Hội nghị Á châu về Huấn giáo, hy vọng những người làm công tác giáo dục đức tin thuộc mọi thành phần Dân Chúa sẽ rút ra từ tài liệu này nhiều điều quý giá cho nhiệm vụ thánh thiêng này. Chuyển ngữ: Fx. Trần Kim Ngọc, O.P.
Nguyên tác: Statement of the Pan Asian Conference on Catechisis {Singapore, 23 October 1995}, A Renewed Catechisis for Asia Towards the Year 2000 and Beyond trong cuốn sách của Franz-Josef Eilers, SVD (ed.), For all the peoples of Asia - Federation of Asian Bishops’ Conferences Documents from 1992 to 1996, vol. 2, Manila: Claretian Publications, 1997, pp. 27-35.).
Chúng tôi- đến từ các nước của Á châu gồm Bangladesh, Indonesia, Malaysia, Nepal, Pakistan, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Taiwan, Thái Lan và Hồng Kông- đã được Thiên Chúa Quan Phòng mời gọi cùng nhau tập trung tại Hội nghị Á châu về Huấn giáo diễn ra tại Đại chủng viện thánh Phanxicô Xavie từ ngày 19-23/10/1995 do Học viện Mục vụ Singapore điều phối dưới sự tài trợ của Văn phòng Giáo dục và Tuyên úy Sinh viên thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu (OSC-FABC).
Chúng tôi cố gắng xem xét lại tình hình huấn giáo tại Á châu đối với bối cảnh của các thực tại xã hội và Giáo hội tại Á châu, và chúng tôi trả lời cho những thách đố nảy sinh từ bối cảnh hiện tại. Chúng tôi hy vọng rằng suy tư này cũng sẽ góp phần vào việc duyệt xét lại Bản Hướng dẫn Huấn giáo Tổng quát (General Catechetical Directory).
Một phần khác của tài liệu gồm có những nguyên tắc chỉ đạo cho Ủy ban Huấn giáo thuộc Hội đồng Giám mục hoặc Quốc gia tại Á châu có nhiệm vụ rút ra hoặc kiểm tra lại những chỉ dẫn huấn giáo ở tầm mức quốc gia.
Phần cuối cùng của tài liệu có nhiều dòng kêu gọi hành động nhằm đảm bảo rằng việc canh tân huấn giáo tại Á châu sẽ trở thành hiện thực.
Với việc nỗ lực tiếp tục canh tân trong lãnh vực huấn giáo, chúng tôi hy vọng các vị Giám mục sẽ lãnh đạo với ơn thánh thúc đẩy.
II. Các thực tại Á châu
Chúng ta suy tư về các thực tại Á châu vừa tích cực vừa tiêu cực với đức tin và con tim biết đầy lòng trắc ẩn của Đức Kitô.
A. Các thực tại theo bối cảnh
Trong các dấu chỉ khả quan về sự tăng trưởng tích cực, chúng ta đặc biệt chú ý các điểm sau: sự mở rộng các chế độ toàn trị chậm nhưng tiệm tiến; nhiều phong trào thôn quê cổ võ phẩm giá và những quyền cơ ban của con người, đặc biệt là trong giới phụ nữ và các dân tộc thiểu số; nhiều diễn đàn của các tổ chức phi chính phủ cổ võ việc xóa nạn mù chữ, chăm sóc sức khỏe và công bằng xã hội; khuyến khích Liên Hiệp Quốc và các thực thể quốc tế khác dấn thân vào các công việc như thế; đảm bảo các hệ thống giá trị như gia đình, cuộc sống với trung tâm là nhân vị và cộng đồng.
Tuy nhiên, có một số hiện tượng khác tại Á châu đang gây lo lắng, trong đó có:
1- nền kinh tế phát triển nhanh chóng là điều bây giờ đang được toàn cầu hóa. Cơ cấu nền kinh tế mới này được sinh ra từ hệ tư tưởng sai lầm mang lại những cơ hội lẫn những thách thức cho tầng lớp người nghèo và đặc biệt là cho các cộng đồng bản địa là tầng lớp đang phải chịu sức ép đặt biệt trong cuộc đấu tranh sinh tồn nhân danh sự phát triển kinh tế;
2- sự lan tràn các phương tiện truyền thông tại các quốc gia và trong các gia đình chúng ta phổ biến ngày càng rộng ý thức hệ sai lầm này;
3- hậu quả là các giá trị cao quý trong các nền văn hóa tại Á châu chúng ta đang bị sụp đổ bởi những phi-giá trị đang đi ngược lại với giá trị lấy gia đình làm trung tâm, sự tôn trọng sâu xa đối với các giá trị thiêng liêng, nhân sinh quan truyền thống vốn quý chuộng và hài hòa với thiên nhiên;
4- phẩm giá và tự do của phụ nữ và các trẻ em gái bị xuống cấp và phi nhân bản;
5- giới trẻ bị xáo trộn, nản chí, giận dữ và thậm chí bạo động vì các hệ thống giá trị đầy mâu thuẫn nơi các cộng đoàn của người lớn. Thế nhưng, chính nơi cũng những người trẻ này, chúng ta thấy những người bày tỏ khả năng và sự sẵn sàng hiến thân vì những nguyên nhân xứng đáng;
6- những cuộc khủng hoảng nơi giới lãnh đạo với tình trạng tham nhũng ngày càng lan rộng trong mọi lãnh vực của cuộc sống;
7- người nghèo và những kẻ túng thiếu khắp Á châu đang bị rơi vào tình trạng tụt hậu, không thể theo kịp sự tăng trưởng nhanh chóng, nền văn hóa kỹ thuật cao cổ xúy chủ nghĩa hưởng thụ và chủ nghĩa khoái lạc;
8- nền văn hóa sự chết đang bành trướng như phá thai, giết hại thai nhi gái, thiêu đốt cô dâu, việc mua bán ma túy khắp phố phường và đại dịch AIDS/HIV;
9- môi trường sinh thái xuống cấp và việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên bừa bãi;
10- việc chạy đua vũ trang dưới mặt nạ là vì an ninh quốc gia tiêu thụ không biết bao nhiêu là ngân sách quốc gia, làm tiêu hao nguồn ngân quỹ cần thiết cho y tế-giáo dục và làm tăng các khoản nợ trong tương lai.
B. Các thực tại Giáo hội
Các Giáo hội tại Á châu đang phát triển. Những cộng đoàn đức tin tại nhiều khu vực đang trải nghiệm sự canh tân mạnh mẽ trong Thánh Thần. Giáo dân cho thấy đang rất đói khát tìm kiếm Thiên Chúa và khao khát một nền linh đạo trưởng thành. Trong Giáo hội có con số giáo sĩ ổn định thì có nhu cầu đồng trách nhiệm và tham gia trọn vẹn với nhau. Thế nhưng, chúng ta cũng cần chú ý những điểm dưới đây:
1- ở mọi cấp độ, vì thiếu sự quản trị mục vụ hợp tác nên dẫn đến kết quả là thiếu vắng sự hướng dẫn rõ ràng và chịu trách nhiệm hỗ tương;
2- sự miễn cưỡng hoặc là thiếu sự hợp tác liên tôn và đại kết để đối diện với những vấn đề công lý và tiếp tục theo đuổi sự phát triển toàn diện cho mọi người;
3- khắp Á châu cùng với sự phục hưng tôn giáo thế giới, có sự nổi lên của các phong trào tôn giáo mới thỉnh thoảng mang hình thức chủ nghĩa cơ yếu và chủ nghĩa công xã với một số vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo vô lương tâm sử dụng tôn giáo như phương tiện để giành quyền lực chính trị;
4- việc giáo dục tôn giáo trong các giáo xứ thường mang tính cá nhân và đạo đức. Nỗ lực rất ít để đáp ứng tình hình bất công trong ánh sáng của học thuyết và các nguyên tắc xã hội của Giáo hội;
5- thường có hai cố gắng và cạnh tranh tai hại giữa các Giáo hội Kitô giáo.
C. Các thực tại huấn giáo
Nhờ vào giáo huấn của công đồng Vatican II và hậu công đồng, nên có một cái nhìn mới về huấn giáo. Việc cập nhật kiến thức này dẫn đưa sứ vụ huấn giáo của chúng ta đến việc tìm kiếm cách giải thích các hoàn cảnh đời sống và biện phân sự hiện diện và kế hoạch của Thiên Chúa giữa mỗi cộng đoàn trong ánh sáng của Đức Kitô Ngôi Lời. Tuy nhiên, nơi một số vùng:
1- thiếu chiều kích cộng đoàn trong việc huấn giáo cả trong gia đình lẫn nơi các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ;
2- việc huấn luyện giáo lý viên không thích hợp và không đặt ưu tiên lên hàng đầu;
3- các tài liệu giáo lý căn bản bao gồm những tài liệu đối với phương tiện truyền thông của nhóm lại không đủ;
4- trong thực tế tại các Giáo hội của chúng ta, các điều kiện làm việc đối với giáo lý viên giáo dân, đặc biệt lương và hoàn cảnh của họ, cần phải được đổi mới;
5- thiếu cái nhìn chung và ý nghĩa của sứ vụ dẫn đến kết quả là thiếu sự hợp tác giữa sứ vụ của giáo phận và giáo xứ;
6- thiếu đối thoại với các giáo hội khác, các tôn giáo và văn hóa, và với người nghèo;
7- không quan tâm đến thành phần công nhân di dân, giới mù chữ, những người tàn tật, người già và phụ nữ…;
8- thiếu sự tiếp cận mục vụ cởi mở đối với các hôn nhân gồm nhiều niềm xác tín.
III. Giải đáp
Trong việc biện phân kế hoạch của Chúa đối với chúng ta là những giáo lý viên, chúng ta nhận thức rằng câu giải đáp của chúng ta đối với mỗi một bối cảnh lịch sử cụ thể của đời sống phải được phê bình và có tính sáng tạo. Chúng ta tin rằng Thần Khí của Chúa Phục Sinh đang làm việc bằng những con đường mới mẻ trong các Giáo hội chúng ta, đang ban sức mạnh cho chúng ta để có thể đi những bước vững chắc. Trong bối cảnh của những sức mạnh bất nhân và gây chết chóc đang hoạt động tại hầu hết các nước Á châu, việc huấn giáo của chúng ta phải nhắm đến việc thăng tiến đời sống. Việc huấn giáo phải đánh thức mọi thành phần trong Giáo hội lắng nghe tiếng kêu tuyệt vọng của Thiên Chúa ngay chính giữa dân Ngài, dẫn đưa tất cả mọi người đến lời đáp trả trong đời sống. Điều này không thể thực hiện được trừ phi việc huấn giáo bắt đầu với sự chỗi dậy và giải thích của kinh nghiệm con người trong ánh sáng cuả Đức Kitô Giêsu, Lời của Thiên Chúa hiện diện trong Kinh thánh, Truyền thống, Phụng vụ và chứng tá của Giáo hội. Cần dẫn đưa các tài liệu Kitô giáo tới lời đáp trả đức tin được xác định bởi sự chuyển biến mang tính cá nhân cũng như tập thể đạt đến đỉnh cao bằng đời sống chứng tá truyền giáo.
Các thực tại mà chúng ta phân tích ở trên mời gọi các Giáo hội Á châu mang lại một sự thay đổi mạnh mẽ trong công cuộc huấn giáo. Điều này đòi hỏi sự chuyển biến từ khuôn khổ hướng dẫn và giáo dục tới việc huấn giáo mang tính đào tạo. Một chiến lược như thế dẫn đến một sự thay đổi toàn diện nơi người học giáo lý. Điều này hàm chứa những thay đổi trong phương pháp sư phạm của chúng ta.
Phương pháp sư phạm huấn giáo của chúng ta vì thế sẽ mang ý nghĩa đổi mới:
1- từ việc quá nhấn mạnh nơi lớp học tới việc huấn giáo cho người lớn và trong gia đình;
2- từ việc huấn giáo nặng hình thức và giáo điều tới việc huấn giáo theo kinh nghiệm và theo bối cảnh;
3- từ việc huấn giáo mang tính cá nhân đến việc huấn giáo lấy cộng đoàn làm nền tảng, hướng đến và được dẫn dắt bởi toàn thể cộng đoàn.
A. Hướng đến đức tin trưởng thành và việc huấn giáo trong gia đình
Chúng ta cần xem xét quá trình trưởng thành đức tin mà chúng ta phân biệt trong sách Công vụ Tông đồ, các Tông thư và nhất là kinh nghiệm của Giáo hội trong suốt hơn hai ngàn năm. Ở đây chúng ta thấy rằng sự năng động đức tin bắt đầu từ thời niên thiếu được mô tả như là đức tin chưa có ý thức. Trong gia đình hoặc cộng đoàn Kitô giáo, điều này phát triển thành giai đoạn mẫu mực. Trừ phi, tuy nhiên, và cho đến khi các trẻ em nhỏ và các tân tòng người lớn được giúp đỡ để làm cho đức tin thấm nhập vào đời sống riêng tư của mình, chúng ta không thể mong muốn họ lớn lên thành những giai đoạn trưởng thành tiếp theo sau của một đức tin mang tính cộng đoàn và truyền giáo. Đó thực sự là đức tin công giáo bao gồm toàn bộ công trình tạo dựng. Chúng ta thấy điều này được minh họa trong Tân Ước và trong đời sống các thánh. Việc huấn giáo trong gia đình mang tên gọi riêng của nó không chỉ xuất phát từ nơi gặp gỡ của gia đình. Nó đòi hỏi một đức tin trưởng thành nơi các bậc cha mẹ là những người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc thực hiện giáo dục đức tin trong gia đình.
B. Huấn giáo dựa trên kinh nghiệm
Các thực tại tôn giáo Á châu và các trào lưu tư tưởng được đánh dấu bởi việc tìm kiếm không mỏi mệt cái thiêng nhằm đi sâu vào kinh nghiệm của Thiên Chúa, bằng sự nêu bật ý nghĩa của mầu nhiệm và cái thánh thiêng. Trong môi trường như thế, nhiệm vụ huấn giáo của chúng ta phải dẫn người học giáo lý tới kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa. Việc dạy Kinh thánh phải được rảo qua dân chúng như những ghi chép về kinh nghiệm của một Thiên Chúa, chứ không như những bản văn minh họa hoặc như những tài liệu thuần túy chứng minh học thuyết thần học nào đó. Việc rao giảng về Lời hằng sống của Thiên Chúa phải làm đơn giản hóa kinh nghiệm về Đấng là Abba của Đức Giêsu trong trái tim của con cái Chúa. Lời được công bố là để cho người ta nghe và đáp trả Lời; Lời này hẳn là có “mối giao hảo” với Thiên Chúa Ba ngôi (1 Ga 1,2-3). Các Giám mục Á châu diễn tả như sau: “Như Đức Giêsu chìm sâu vào sự sống và tình thương của Cha, thì cộng đoàn môn đệ cũng phải đắm chìm hoàn toàn vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi” (FABC, 1995). Việc khám phá ra kinh nghiệm Thiên Chúa như là một yếu tố trọn vẹn trong mọi hình thức huấn giáo và cho tất cả mọi nhóm tuổi sẽ chuẩn bị cho các Kitô hữu chúng ta không chỉ để hiểu biết đức tin mà còn- và trên hết- là làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng Á châu. Điều này đòi hỏi phải có nhiều người cổ động trong việc huấn giáo hơn là có đủ số thầy dạy đức tin. Họ cần phải là những người có khả năng chia sẻ kinh nghiệm về Chúa Kitô. Họ không chỉ cần biết nhưng còn phải sống truyền thống cầu nguyện và chiêm niệm của Giáo hội, được trình bày rất rõ trong phần thứ tư của Sách Giáo lý Hội thánh.
C. Huấn giáo theo bối cảnh
Cách thế mới là Giáo hội tại Á châu đòi hỏi phải có mọi chiều kích huấn giáo bao gồm kế hoạch và ưu tiên cho những ưu tư cần được xem xét nguyên tắc rất quan trọng: bối cảnh xác định con đường mục vụ của Giáo hội. Vì thế, chúng ta mới có thể làm cho sứ vụ Lời thích hợp chỉ khi nào chúng ta nắm chắc cách nghiêm túc các thực tại kinh tế xã hội, đa văn hóa và đa tôn giáo của các đất nước chúng ta. Vì lý do này, chu kỳ mục vụ được FABC đề xuất phải được sử dụng trong tất cả mọi cách trình bày về sứ vụ Lời trong đó có việc huấn giáo. Chu kỳ này bao gồm: a) đi sâu vào thực tại, b) phân tích kinh nghiệm này, c) suy tư và biện phân đức tin, và d) lên kế hoạch và hành động mục vụ. Tất cả những bước này cần phải được thực hiện trong tinh thần cầu nguyện và chiêm niệm.
D. Việc giáo huấn nơi cộng đoàn
Việc giáo huấn theo bối cảnh như thế có thể được thực hiện một cách hiệu quả chỉ nơi các giáo xứ cổ võ các cộng đoàn tín hữu nhỏ. Vì thế việc giáo huấn phải trở thành một nỗ lực của cộng đoàn trong, do và cho cộng đoàn. Hơn thế nữa, xem xét đặc tính đa tôn giáo của các nước chúng ta, việc huấn giáo tại Á châu phải trở thành một công cụ cổ võ đối thoại liên tôn, hợp tác và hòa hợp. Việc giáo dục đức tin được canh tân như thế sẽ mang lại hoa quả là các môn đệ Kitô được trang bị giáo lý vững chắc sẽ thành những người cổ võ đối thoại và hội nhập văn hóa. Họ sẽ là những tác nhân và linh hoạt viên của các cộng đồng nhân vị cơ bản tìm cách làm theo ý Chúa trong bối cảnh đời sống của họ.
IV. Những nguyên tắc chỉ đạo cho Bản Hướng dẫn Huấn giáo Quốc gia
Chúng tôi có ý đề cập đến một tập hợp có hệ thống và có tổ chức rõ ràng về những nguyên tắc, chuẩn mực và những nguyên tắc chỉ đạo về cách làm sao để tiến hành với những sinh hoạt khác nhau trong nhiệm vụ huấn giáo tại một quốc gia.
Nội dung của Bản Hướng dẫn Huấn giáo Quốc gia có thể cung cấp cấu trúc sau đây:
Mục 1: Bối cảnh
Bản Hướng dẫn Huấn giáo Quốc gia phải bắt đầu bằng việc xác định những thực tại theo bối cảnh của xã hội, của Giáo hội và nhiệm vụ huấn giáo tại quốc gia.
Mục 2: Quan điểm và sứ vụ
Những mục tiêu chính của việc huấn giáo là việc giáo dục đức tin cho các tín hữu và xây dựng Nước Thiên Chúa.
“Nền văn hóa mới” (RM, 36c) được tạo nên bởi các phương tiện truyền thông đại chúng có ảnh hưởng đến sự mở rộng Vương quốc. Trong hoàn cảnh này, việc huấn giáo phải được coi như là sự tiếp tục quá trình truyền thông được Thiên Chúa khởi xướng cho loài người qua Mạc khải và Nhập thể của Ngài, và theo đuổi phương pháp sư phạm của Đức Kitô, người truyền thông hoàn hảo (CP, 11).
Sứ vụ huấn giáo là phải vượt qua việc chuẩn bị cho các tín hữu lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo và phải trở thành cộng đoàn cơ bản trong bối cảnh của các thực tại Á châu. Cần phải lưu tâm đặc biệt đến giới trẻ và những người lớn, nhắm đến việc huấn luyện các cộng đoàn tông đồ, để đến lượt mình các cộng đoàn tông đồ này sẽ giúp xây dựng những cộng đoàn nhân loại chung, mang đặc tính là công lý, hòa bình và yêu thương – những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa trên trần gian.
Mục III: Các nguồn mạch
Những nguồn mạch cơ bản của việc huấn giáo là: Kinh thánh và Thánh truyền, Giáo huấn của Giáo hội, Phụng vụ và chứng tá Kitô giáo, tất cả được hội nhập một cách thích hợp và được cụ thể hóa trong từng bối cảnh.
Chúng ta cũng cần đề cập đến những giá trị được tìm thấy trong các niềm tin tôn giáo và văn hóa khác tồn tại trong đất nước, và cần đọc đúng các dấu chỉ thời đại như: cổ võ công lý, thăng tiến phụ nữ, bảo vệ nhân quyền và hiểu biết đúng đắn về vai trò của người giáo dân trong Giáo hội.
Mục IV: Các nội dung
Các nội dung cơ bản của Bản Hướng dẫn Huấn giáo Quốc gia phải là: Giáo lý, Cầu nguyện/Thờ phượng, và Luân lý, ví dụ như tính toàn vẹn của đức tin Kitô giáo như được Giáo hội công bố trong Kinh Tin kính, được cử hành trong Cầu nguyện và Phụng vụ và được tín hữu và cộng đoàn làm chứng trong đời sống thường ngày. Bản hướng dẫn phải lấy cảm hứng từ học thuyết mới nhất của Giáo hội và phải mang chiều kích Ba Ngôi và quy Kitô.
Mục V: Phương pháp sư phạm
Tất cả mọi phương pháp sư phạm huấn giáo phải mang đặc trưng: trung thành với Thiên Chúa và ngôi vị con người.
Việc huấn giáo xét như là nhiệm vụ mục vụ thì phải đặt nền tảng trên kinh nghiệm của con người về các thực tại theo bối cảnh, được suy tư dựa trên ánh sáng của Lời Chúa, đưa đến việc dấn thân Kitô giáo.
Trong quá trình này, việc quan tâm thích hợp là phải được nhắm đến các giai đoạn khác nhau trong việc phát triển đức tin và nhân bản của người học giáo lý.
Việc ứng dụng hiệu quả phải được thực hiện bằng các phương tiện truyền thông xã hội truyền thống cũng như hiện đại.
Mục VI: Nhân sự và nguồn lực tổ chức
Nhiệm vụ huấn giáo phải có các cơ quan điều hợp ở các mức độ toàn quốc, địa phận và giáo xứ.
Ở cấp giáo xứ, việc huấn giáo phải tìm thấy khung cảnh thích hợp trong gia đình, các trường học và các cộng đoàn nhỏ trong giáo xứ.
Các bước phải được thực hiện nhằm gây ý thức nơi các tu sĩ và giáo sĩ quan tâm đến nhu cầu và phương tiện cho nhiệm vụ huấn giáo đạt hiệu quả cao nhằm xây dựng Nước Thiên Chúa.
Nhận thức thích hợp phải được trao cho việc huấn giáo xét như là thừa tác vụ sống động của Giáo hội.
Cũng cần có các trung tâm huấn luyện riêng cho các giáo lý viên ở mức quốc gia cũng như khu vực.
Ngoài các giáo lý viên tham gia đầy đủ thời gian và được đào tạo chuyên môn ra, cần khuyến khích càng nhiều người càng tốt tham gia tự nguyện vào nhiệm vụ huấn giáo, không chỉ như là các giáo lý viên mà còn như những người cổ động giới trẻ và hướng dẫn cầu nguyện.
Tất cả những người đã dấn thân vào nhiệm vụ huấn giáo phải được huấn luyện một cách thích hợp để sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội sao cho có hiệu quả.
Hội đồng Giám mục Toàn quốc, khi thi hành những nguyên tắc chỉ đạo của Bản Hướng dẫn Huấn giáo Quốc gia này, cần phải chuẩn bị một cuốn giáo lý cho toàn quốc, đặt nền tảng trên Lời Chúa, có cấu trúc mang chiều kích Ba Ngôi, quy Kitô, đầy đủ, hệ thống, được hội nhập văn hóa có khả năng tạo nên một cộng đoàn công bố và làm cho Vương quốc hiện diện.
Cũng cần khuyến khích và hỗ trợ việc chuẩn bị bởi các chuyên gia về các tài liệu huấn giáo tương ứng đối với những cấp và nhóm tuổi khác nhau.
Việc ấn định tài chính thích hợp phải được thực hiện ở cấp giáo phận và giáo xứ cho các tài liệu huấn giáo và tiền thù lao cho các giáo lý viên tham gia dạy giáo lý toàn phần.
Mỗi giáo xứ cần có trung tâm tài liệu huấn giáo được trang bị thích hợp và sinh hiệu quả cho các giáo lý viên.
V. Kế hoạch hành động
Để cụ thể hóa lời đáp trả của chúng ta cho các thực tại Á châu và hoàn thành ước mơ của mỗi quốc gia đang cần có một bản hướng dẫn huấn giáo toàn quốc cho nước mình, chúng tôi đề nghị một số lối hành động sau đây:
1- Ở cấp độ Hội đồng Quốc gia
Ủy ban Huấn giáo trong thời kỳ ba năm, sẽ (1) hướng dẫn những cuộc nghiên cứu nhằm tiếp cận với hoàn cảnh huấn giáo của đất nước; (2) chuẩn bị Bản Hướng dẫn Huấn giáo Quốc gia và Sách giáo lý địa phương (3) sẽ ấn hành và phổ biến các tài liệu cần thiết cho nhiệm vụ huấn giáo. Trong những nỗ lực này, Ủy ban Quốc gia về Huấn giáo sẽ tìm thấy sự hợp tác của các Ủy ban khác của Hội đồng Giám mục.
2- Ở cấp khu vực
Các điều phối viên của Đông Bắc, Nam và Đông Nam Á của Văn phòng Giáo dục và Tuyên úy Sinh viên thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu sẽ tổ chức chương trình huấn luyện giáo dân, linh mục và các điều phối viên tu sĩ lần lượt tại khu vực của mình. Chương trình này cũng sẽ được thực hiện trong Học viện huấn giáo cho toàn Á châu có thể sẽ được thiết lập hoặc trong các Học viện đã được thiết lập trong khu vực.
3- Ở cấp độ Liên Hội đồng Giám mục Á châu
Những học viện huấn giáo đã tồn tại được yêu cầu đặt ra những chương trình sẽ cung cấp cho các giáo lý viên với sự khôn ngoan bắt nguồn từ Sách Giáo lý Mới của Giáo hội Công giáo (CCC) và vạch ra các phương pháp phù hợp cho việc chia sẻ và sống đức tin giữa các thực tại của bối cảnh Á châu.
Một ủy ban chuyên biệt cho việc Tông đồ Kinh thánh, Phụng vụ và Huấn giáo nên được Liên Hội đồng Giám mục Á châu thành lập như đã được gợi ý tại các diễn đàn khác.
Những cuộc họp mặt các điều phối viên huấn giáo toàn quốc tương tự cần được tổ chức cứ hai hoặc ba năm một lần để chia sẻ và lượng giá kinh nghiệm nhằm cập nhật hóa nhiệm vụ huấn giáo tại Á châu.
VI. Kết luận
Kết thúc Hội nghị Á châu về Huấn giáo, chúng tôi chân thành bày bỏ lòng biết ơn đối với các giáo lý viên của Á châu và đối với tất cả những người đã làm việc trong nhiệm vụ huấn giáo nhằm gìn giữ ánh sáng đức tin đang sống giữa các dân tộc chúng ta và nhằm mang lại cho các dân tộc quà tặng giá trị nhất mà Giáo hội có thể trao ban – “để giáo dục các Kitô hữu vững mạnh và vui mừng cách khiêm nhường trong đức tin của mình” (Jean Paul II, CT).
Khi chấp nhận thách đố công bố Tin Mừng và khi thấy được gốc rễ trong bối cảnh đa văn hóa và tôn giáo Á châu, chúng tôi hướng về Chúa Thánh Thần là Đấng cổ võ việc huấn giáo được đặt nền tảng trên và được hướng dẫn bởi cộng đoàn, và việc huấn giáo này được cắm rễ sâu trong Lời Chúa cho thiên niên kỷ thứ ba. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ làm cho Nước Thiên Chúa tiến xa hơn tại Á châu. Chúng tôi ký thác những nỗ lực, hy vọng và ước mơ cho sự chuyển cầu từ ái của Đức Maria, người nữ Á châu và là Mẹ Đức Giêsu.