(Thời sự Thần học - Số 1, tháng 03/2009)
Lm. Đỗ trung Thành O.P
1. Đôi nét về bữa cơm của người Việt Nam
Không phải vô lý mà người Việt Nam khi nói đến “bữa ăn” thì vẫn quen gọi là “bữa cơm”. Do vậy, một bữa ăn của người Việt Nam ngoài những thức ăn khác thì không thể thiếu cơm, và trong hầu hết các bữa ăn thì có lẽ chỉ có cơm là không thay đổi.
Bữa cơm ngoài lúa gạo và lương thực chủ yếu còn có rau quả là thực phẩm dùng chung với cơm. Bữa cơm truyền thống của người Việt Nam gồm có: cơm + canh rau + dưa (cà), … nên có câu “cơm canh rau muống với cà dầm tương” là một bữa ăn đơn giản mà tiêu biểu nhất của cư dân nông nghiệp nước ta[1].
Các món ăn của người Việt Nam chuộng thực vật, nên cách ăn dùng bằng đũa và bát (chén), vì nhiều loại thức ăn bằng thực vật phải dùng đũa để gắp.
Nói về “Đôi đũa”, với người Việt Nam, đôi đũa quen thuộc từ khi biết ăn miếng cơm đầu tiên, cho đến khi ra đi, nằm nghỉ trong quan tài, vẫn có đôi đũa với bát cơm trứng tiễn biệt. Đôi đũa đã trở thành vật dụng hàng ngày, thành người bạn suốt đời bất kể đó là ai, giàu sang hay nghèo nàn, ông tiến sĩ hay anh làm thuê gánh mướn, … nó quen thuộc như lũy tre làng, như ngôi đình, như cây đa, như cái chiếu ta nằm, như ngọn đèn liu riu những đem mưa gió.
Đôi đũa thực ra chỉ là hai cái que đơn giản. Nhưng khi đã gọi là đũa thì nó lại không đơn giản chút nào. Nhất là ngày nay, thời đại công nghiệp, đã có loại đũa tre, đũa gỗ sản xuất bằng máy, vừa tiện, vừa sạch, dễ dàng gắp thức ăn, không cong, không vênh như câu tục ngữ: “Vợ dại không hại bằng đũa vênh”. Bữa cơm là niềm vui cho cả nhà, nếu mọi người chú ý đến những chi tiết chỉ là nhỏ nhặt, trong đó đôi đũa có vai trò quan trọng suốt từ đầu bữa đến cuối bữa. Nhìn một người cầm đũa có thể đoán được người ấy sinh trưởng trong một gia đình như thế nào, có trình độ văn hóa, giáo dục ra sao, … Như vậy, đôi đũa cũng có tiếng nói riêng của nó trong đời sống gia đình người Việt Nam.
Nói về “Chiếc mâm”, người Việt Nam những năm trước đây, mỗi lần ăn cơm thường ngồi trên sập, trên ghế ngựa, trên phản, trên giường, có khi ngay đầu hè, trên nền nhà hoặc trải chiếu ra sân, cả nhà (có khi cả chủ lẫn khách) ngồi quay quần quanh mâm cơm. Vì vậy cái mâm trở thành vật thiết yếu, tuổi của nó có thể tính hàng trăm năm.
Mới đầu có lẽ là cái mâm gỗ để mộc, sau mới sơn son, thời gian đã vẽ lên mình nó những vết loang lở, nó già đi, nó như con người mẻ chiếc răng, bạc cả tấm áo, … nó vẫn gắn bó với con người, những con người lam lũ ruộng đồng trong xóm làng vất vả nghèo khó[2].
Cái mâm đồng dần xuất hiện thay cho mâm gỗ, nhà bình dân thì mâm trơn, nhà sang mới có mâm cao ba chân, ba chiếc đầu rồng hoặc đầu hổ, ba cái lưng con cóc, … hoặc ba chiếc chân quì, … chiếc mâm đồng tỏ ra sang trọng, lịch sự hơn.
Ngày nay, chiếc mâm nhôm đã thay thế nhiều cho chiếc mâm đồng, những chiếc mâm có chân trở nên hiếm hoi. Trong việc cưới hỏi, chiếc mâm phủ vải đỏ được nhà trai bưng lễ ăn hỏi sang nhà gái là không thể thiếu. Ở nông thôn, nhiều gia đình còn có thói quen cũ, dùng chiếc chiếu mòn phai làm chiếu ăn cơm, đặt cái mâm vào giữa.
Không phải ngẫu nhiên, người cha hoặc người mẹ giục con: “Dọn mâm ra đi con” hoặc “Xong rồi, bưng mâm đi con…” khi bắt đầu hay kết thúc bữa ăn trong cách gọi. Lý do gì mâm mang hình tròn như mặt trăng, mặt trời, như chiếc nia nhỏ, như vành nón, nhiều cách giải thích nhưng có lẽ trước hết vì tròn thì mới hợp lý, gắn kết tất cả mọi người ngồi quanh nó.
Những đôi đũa được so đều đặn, đặt trên thành mâm, tỏa đều xung quanh như mâm cho ta mường tượng hình ảnh mặt trống đồng với những đôi đũa biến thành những tia mặt trời tỏa ấm, còn bát đĩa là những hoa văn, hình vẽ, không những sẽ no lòng mà còn đẹp mắt…
Như vậy, bữa cơm không chỉ đơn là ăn cho no, cho khỏi đói, mà còn vươn đến một tiêu chí vừa nghệ thuật chế biến món ăn và phong cách thưởng nếm thức ăn ngon miệng, vừa đạt tới đỉnh cao của những giá trị văn hoá trong đời sống gia đình, thể hiện một nếp sống văn hóa cổ truyền đầy ắp tính triết lý sâu xa.
2. Nguyên lý tổng hợp và nguyên lý âm dương trong “bữa cơm” Việt Nam.
- Điều đầu tiên chúng ta có thể thấy rõ rằng, cách ăn uống của người Việt Nam mang tính tổng hợp. Ngay từ khâu chế biến các món ăn đã có sự pha chế tổng hợp như: rau này với rau khác, rau xanh với các loại rau gia vị, rau quả với cá, tôm hoặc thịt gia súc với nhau. Chẳng hạn, món rau sống và nước chấm là các món đơn giản nhất, cũng được tạo nên từ nhiều thứ nguyên liệu khác nhau. Những món ăn tổng hợp này có tác dụng bổ sung cho nhau tạo nên món ăn đủ chất dinh dưỡng như: đạm, béo, tinh bột, nước, muối khoáng, … và hương vị thơm ngon đủ màu sắc: xanh, đỏ, đen, trắng, vàng, … gây cho ta cảm giác ngon miệng khi ăn, đẹp mắt khi nhìn, thơm mũi khi ngửi, bùi tai khi nghe, …[3]
- Thứ hai, trong cách uống của người Việt, chúng ta cũng thấy xuất hiện một sự kết hợp hài hoà nguyên lý âm dương trong đó, một sự kế hợp mang tính khoa học làm tăng thêm giá trị về mặt sức khoẻ trong thức ăn của bữa cơm Việt Nam.
Từ ngàn xưa, người Việt rất coi trọng việc ăn uống. Ăn uống có liên quan chặt chẽ với triết lý âm dương ngũ hành, sự hài hòa âm dương của các món ăn – sự cân bằng âm dương trong cơ thể con người, và sự cân bằng âm dương giữa con người với môi trường tự nhiên. Thức ăn được phân biệt theo năm mức âm – dương, tương ứng với ngũ hành: Hàn (lạnh, âm nhiều là thủy), Nhiệt (nóng, dương nhiều là hỏa), Ôn (ấm, dương ít là mộc), Bình (mát, âm ít là kim), Trung tính (vừa phải, âm dương điều hòa là thổ). Năm mức độ lạnh, mát, bình, ấm và nóng cũng là cảm giác của con người khi tiếp xúc với thức ăn. Khi phân loại thức ăn đồ uống theo nguyên lý hàn, nhiệt, nhiều khi ta thấy rằng cùng một đối tượng thực phẩm nhưng lại có những mức độ phân loại hàn, nhiệt khác nhau tuỳ theo từng bộ phận của đối tượng thực phẩm đó, chẳng hạn, thịt heo (lợn) mọi thứ bộ phận thuộc món Bình; trừ tim heo thì lại Lương, và mật heo thì lại Hàn.
Với quan niệm cân bằng âm dương, nên trong các bữa cơm của Việt Nam nhất thiết không thể thiếu món cơm và món canh. Ở đây, món cơm được nấu từ gạo, được quan niệm là tinh hoa của đất, còn món canh rau xanh được quan niệm là tinh hoa của nước. Đất là hành thổ và nước là hành thủy – là cái trung tâm và khởi đầu của thuyết ngũ hành.
Do điều chỉnh bữa ăn theo quy luật âm – dương bù trừ và chuyển hóa lẫn nhau trong bữa cơm, mà người ta chế biến ra những món ăn có sự cân bằng âm dương, hình thành nên tập quán biết dùng các loại rau, gia vị để điều hòa âm – dương, hay thủy – hỏa của các món ăn với nhau. Ví dụ như ớt thuộc loại nhiệt (dương) cho vào các món ăn thủy sản (cá, tôm, cua, …) là những món ăn vừa hàn lại vừa bình (âm – trung tính), vừa tanh; hoặc gừng và rau răm thuộc loại nhiệt (dương) ăn kèm với trứng vịt lộn thuộc loại hàn (âm).
Phân biệt thức ăn hàn và nhiệt là một khía cạnh khoa học của nghệ thuật văn hóa ẩm thực. Để bảo vệ sức khỏe, phòng và chữa bệnh nên dùng các thức ăn có tính hàn hoặc nhiệt. Trong đông y, nếu người có “máu hàn” thì dùng thức ăn nhiệt và ngược lại người có “máu nhiệt” thì dùng thức ăn hàn. Theo phương pháp đối lập nhau như vậy thì mới không nguy hại đến sức khỏe. Người có máu hàn thường da mát, nhợt, sợ lạnh, lưỡi trắng, ..người có máu nhiệt thường cảm thấy nóng háo, sợ lửa, lưỡi có màu vàng.
“Hàn giả nhiệt chi, nhiệt giả hàn chi.
Hàn ngộ hàn tắc tử, nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng”.
Hàn và nhiệt là hai trạng thái đối lập nhau, thể hiện tính đối kháng và mất cân bằng âm dương. Thức ăn hàn có tính lạnh để trị trạng thái nóng nhiệt. Ngược lại, thức ăn nhiệt có tính nóng để trị trạng thái hàn. Người ta sử dụng tính đối lập hàn – nhiệt trong thức ăn để điều hòa trạng thái hàn, nhiệt trong cơ thể, tức là lập lại trạng thái cân bằng âm dương để chữa khỏi bệnh[4].
Ngoài ra, các món ăn có vị mặn, chua, đắng thường có xu hướng hàn – lương; còn khi có vị cay, ngọt, chát thường có xu hướng ôn – nhiệt. Các món ăn có màu đỏ, vàng thường có xu hướng ôn – nhiệt. Các thức ăn có màu trắng xu hướng bình. Các thức ăn có màu tươi sáng chuyển thành đậm sẫm thì có tính hàn – lương giảm, tính ôn – nhiệt tăng, khả năng thanh nhiệt (kháng oxy hóa) giảm. Chẳng hạn nước chè xanh mới pha có màu tươi sáng thì lương, khả năng thanh nhiệt cao, nhưng đun kỹ hoặc để lâu bị oxy hóa biến thành màu vàng sẫm thì xu hướng ôn – nhiệt tăng, khả năng thanh nhiệt sẽ giảm. Căn cứ và màu, mùi, vị và sự thay đổ trong chế biến thức ăn, ở một chừng mực nhất định, có thể ước đoán được khả năng thanh nhiệt (kháng oxy hóa) của chúng.
Tính hàn, nhiệt của thức ăn có liên quan đến calo năng lượng, nhưng không đơn thuần là calo mà chủ yếu là với tính dược lý của chúng, chẳng hạn với một lượng như nhau của mỡ heo, hạt tiêu, gừng khô thì mỡ cho một lượng calo rất lớn so với hạt tiêu, gừng khô, nhưng mỡ heo thì lương mà hạt tiêu, gừng khô thì nhiệt.
Như vậy, nói đến “bữa cơm”, ngoài việc chế biến sao cho ngon, cách ăn như thế nào là sành điệu, và định mức hàn nhiệt của món ăn ra sao, cân bằng âm dương như thế nào mà còn phải nói đến các món ăn trị bệnh như thế nào, có nghĩa là ăn không những cho no, cho ngon mà còn để phòng bệnh tật nữa.
3. Góp phần xây dựng và củng cố đời sống gia đình
- Mô hình quy tụ và nối kết các thành viên trong gia đình.
Hầu hết các gia đình Việt Nam đều có truyền thống tốt đẹp là cùng ăn cơm chung. Trong mỗi bữa cơm gia đình, mọi người ngồi quây quần quanh một mâm cơm, từ ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt cùng ăn cơm với nhau. Thói quen tốt lành này đã có từ lâu trong các gia đình Việt Nam. Tính cộng đồng gia đình, họ hàng, xóm làng của văn hoá ẩm thực Việt Nam được thể hiện qua mâm cơm tròn đặt giữa chiếu chữ nhật, bát tương, bát nước mắm, đĩa muối tiêu, chanh, ớt, chấm chung.
Trong mỗi gia đình, bữa cơm là lúc cả nhà có mặt ngồi quây quần quanh mâm cơm, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện, mẹ hỏi con, cháu hỏi bà ríu rít; không khí ấm cúng của bữa cơm gia đình góp phần không nhỏ vào việc củng cố sự bền vững của tế bào xã hội. Bữa cơm gia đình quan trọng không ở chỗ nhiều món ăn ngon mà là ở không khí đầm ấm, tuy có khi chỉ là bát canh rau muống luộc, chút dưa tương, không thịt, không cá, những đầy đủ mọi thành viên rong gia đình…
Ăn cơm không phải chỉ lấy cho no, lấy đủ, mà còn là cái “thú”, niềm vui và hạnh phúc của một gia đình. Nó trở thành một nét văn hoá ẩm thực có giá trị cao đẹp của đời sống gia đình Việt Nam.
Ngay cả những bữa cơm ngày giỗ, ngày tết chẳng phải bày ra chỉ để ăn lấy no, mà để tưởng nhớ những người đã khuất, để gia đình xum họp, tề tựu trong cảnh hạnh phúc, ấm cúng chan hoà niềm vui, đem lại giá trị tinh thần đầy tính nhân văn tốt đẹp.
Một bữa cơm không phải chỉ ở số lượng bao nhiêu món ăn được bày ra, nhiều hay ít ở mỗi thứ mà cái quan trọng là ở chỗ hội ngộ của các thành viên trong gia đình, ôn lại chuyện ngày xưa, hay một sự kiện đáng nhớ, qua đó nối kết các thành viên trong gia đình với nhau, với chuyện của hôm nay, nhất là chuyển tải cho nhau các thông tin trong gia đình, chia sẽ niềm vui nỗi buồn cho nhau … Bữa cơm đó được gọi là ngon chính là ở giá trị bầu khí của tinh thần đoàn tụ.
- Mô hình Giáo dục nhân cách đạo đức.
Nghi thức trước tiên chúng ta cần bàn đến không gì khác hơn là hai tiếng “mời cơm”. Khi ngồi vào trong mâm cơm, trước khi bưng bát, cầm đũa, việc mời mọc trong gia đình là điều không thể thiếu, người ít tuổi mời những người nhiều tuổi hơn “mời ba, mẹ, anh, chị dùng cơm”, tuỳ theo tuổi tác của người ngồi cùng mâm mà thứ tự mời trước sau, lần lượt từ người nhỏ nhất (sẽ được bố mẹ nhắc nhở) phải mời ông bà, cha mẹ, chú bác (nếu có)… ăn cơm. Sau khi mời xong mới cầm chén đũa của mình lên ăn.
Vốn xuất phát từ những cư dân nông nghiệp sống trong những công xã nông thôn, nên người Việt Nam đã sống chung từ gia đình nhỏ đến dòng họ (gia đình lớn) ra đến cộng đồng làng xã. Cho nên nhu cầu ăn chung với những chiếc chiếu manh trải đất mỗi khi có dịp là điều không thể không có. Vì vậy, vị trí và tư thế ngồi dùng cơm cũng được lưu ý rất cẩn trọng. Mọi người ngồi ăn xếp chân vòng tròn xung quanh, người nào cũng có bát đũa riêng. Các món ăn là chung của mọi người, đũa dùng để gắp những món ăn thái thành miếng nhỏ. Người có tuổi thường ngồi chỗ trong với mâm cơm có thể nói là được chăm chút cẩn thận nhất với các món ăn được bày biện trang trọng và đẹp mắt.
Ngày nay nơi các thành thị, thành phố, với nếp sống phần nào có vẻ Tây hóa. Hầu hết, các gia đình không còn dùng mâm ăn trên giường, hoặc trải chiếu ngồi dưới đất nữa, có lẽ vì nó không còn hợp với những nếp thẳng tắp của chiếc quần tây hẹp ống, không thoải mái trong khi dùng bữa và phần nào làm mất ngon. Thế nhưng, cách thức chuẩn bị và dọn bữa ăn vẫn được quan tâm thật chu đáo, đồng thời vị trí các chỗ ngồi của các thành viên trong gia đình cũng được lưu ý: vị trí quan trọng nhất vẫn là những bậc đáng kính …
Do mọi người trong bữa cơm điều có mối liên quan chặt chẽ với nhau, đồng thời có người lớn, kẻ nhỏ, nên trong mâm cơm mọi người luôn giữ ý tứ cách nói năng, ý tứ khi ngồi và ăn uống cho đúng mực. Thế mới thấy ông bà ta đã để lại câu răn đời thật chí lý “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Cái ăn là cần, cách thức ăn là quan trọng, điều đó quá rõ ràng không ai phản bác, nhưng quan trọng hơn qua đó thể hiện tính nhân văn và phẩm chất trong nết ăn uống của người Việt Nam. Mỗi khi vào mâm cơm ai cũng phải biết trông trước nhìn sau, ăn bao nhiêu thì vừa. Câu nói dân gian về cách ăn: “Ăn hết bị đòn, ăn còn mất vợ”…, bắt buộc người ngồi trong mân cơm phải để ý cách thức ăn hơn là miếng ăn. Đó là cả một giá trị văn hoá vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính giáo dục nhân cách đạo đức trong bữa cơm của người Việt Nam.
4. Thực Trạng bữa cơm gia đình Việt Nam ngày hôm nay.
Ngày nay, các gia đình Việt Nam đã dần đi vào “đô thị hoá”, họ đang phải đối diện với cuộc sống của một “nền kinh tế thị trường”, con người gắn liền với những công việc quá bề bận, kèm theo đó là những bữa cơm công sở, những việc làm tăng ca (tại các thành phố, khu công nghiệp…), làm cho bữa cơm gia đình không thể đông đủ. Cha mẹ con cái ít có thời giờ gặp gỡ nhau. Có khi cha mẹ ở nhà thì con cái đi học, đi làm, còn lúc con cái ở nhà thì ba mẹ đi làm, đi buôn bán chưa về. Do đó, bữa cơm gia đình đang dần bị phá vỡ và mai một dần dần. Thế hệ trẻ ngày nay trong một số gia đình không còn biết đến bữa cơm gia đình là như thế nào nữa, cơm nước được nấu sẵn, ai đói thì cứ việc tự lấy mà ăn, ai có công việc phải đi sớm thì ăn trước, ai không có việc gì thì cứ từ từ ăn sau… tình trạng này làm cho các thông tin trong gia đình không được chuyển tải cho nhau, sự gắn kết trong gia đình giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo, mọi sự chia sẻ hầu như không còn? Và theo các nhà xã hội học, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm đổ vỡ hạnh phúc nhiều gia đình.
Các gia đình ngày nay có sự mất cân đối trong việc thực hiện các chức năng, có sự nhận thức không đúng về các giá trị, chuẩn mực đạo đức của gia đình trong giai đoạn chuyển đổi của xã hội hiện nay, đề cao qua mức lợi ích vật chất, thả lỏng việc giáo dục con cái, hoặc nuông chiều quá đáng. Vì vậy, việc tổ chức và quy tụ các thành viên gia đình để thực hiện một bữa cơm chung là điều rất cần thiết.
Tuy nhiên, không phải tất cả các gia đình Việt Nam điều rơi vào tình trạng này, cũng còn khá nhiều gia đình vẫn duy trì được truyền thống ăn cơm chung rất tốt đẹp. Nhưng tiếc rằng, bữa cơm gia đình ngày nay không còn đầm ấm, không còn “no nê tình người” như ngày xưa nữa. Vì, mặc dù ăn cơm chung, nhưng nhiều người phải ăn vội vàng, ăn tranh thủ, mỗi người đều có những bận rộn riêng làm cho sinh hoạt gia đình bị thụ động, không còn thoải mái và đánh mất bầu khí trò chuyện thân tình với nhau. Bữa cơm bị quy ghép vào một cái gì đó như là sự cố gắng duy trì một tập tục lâu đời… của gia đình.
Gia đình Việt Nam đang chuyển từ truyền thống sang gia đình hiện đại và đang chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan[5]. Gia đình hai thế hệ dần xuất hiện và thay thế cho gia đình ba thế hệ có từ trước tới nay. Điều này làm cho các bữa cơm gia đình đang ngày càng trở nên tẻ nhạt, thiếu đi sự quan tâm chăm sóc cho nhau, không những về mặt vật chất mà cả về tinh thần, và về sự đầm ấm trong gia đình.
Thực trạng gia đình Việt Nam ngày nay đang đặt ra quá nhiều thách thức đối với chúng ta trong sự nỗ lực xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ mà vẫn hạnh phúc. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường như hiện nay, nhiều gia đình làm ăn có kết quả, rất say mê làm giàu. Vì vậy bữa cơm gia đình dễ dàng bị lơ là là điều khó tránh khỏi; bên cạnh đó, sự mất cân bằng tình cảm trong gia đình cũng bị coi nhẹ. Từ đó nảy sinh ra nhiều mặt tiêu cực trong đời sống gia đình: có sự xuống cấp đạo đức do đề cao sức mạnh của đòng tiền, đặt quyền lợi cá nhân lên trên mọi đạo lý trong quan hệ giữa các thành viên gia đình, họ hàng, thân tộc…
Do đó, chúng ta cần củng cố, bảo vệ và phát huy nhận thức đúng đắn về những giá trị và tầm quan trọng của bữa cơm gia đình Việt Nam. Đó là nơi làm cho mọi thành viên trong gia đình gắn kết với nhau và hiểu nhau nhiều hơn. Bữa cơm chung chính là một trong những mô hình xum họp thiết yếu, và là mô hình giáo dục nhân cách đạo đức thiết thực của một gia đình bền vững và hạnh phúc. Tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội (ở Copenhagen)[6], vấn đề gia đình đã được nêu lên một cách đậm nét, nhiều vị nguyên thủ quốc gia đề cập đến vai trò của gia đình, và cho rằng, sự lỏng lẻo gia đình là nguyên nhân của những tệ nạn xã hội.
Nhận thức được các giá trị và tầm quan trọng của bữa cơm chung trong gia đình, chúng ta cần nỗ lực duy trì truyền thống tốt đẹp đó. Mặc dù, không phải không có đủ các thành viên trong gia đình thì không thể ăn cơm được, nhưng nó sẽ là một sự khiếm khuyết, một sự hụt hẫng cho con cháu sau này.
Bữa cơm gia đình cầm được thế hệ đương đại sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến, phát huy tinh hoa và giữ gìn truyền thống. Giữ được bữa cơm gia đình là chúng ta giữ được gia đình. Vì cho đến ngày nay, gia đình đối với chúng ta vẫn là một thiết chế xã hội bền vững, mặc dù lịch sử đất nước trải qua những biến thiên to lớn, những cuộc chiến tranh kéo dài, liên tục, những đảo lộn về chế độ chính trị, nhà nước, những cuộc di dân trong nước và ra nước ngoài. Gia đình vẫn là nhân tố tích cực thúc đẩy phát triển của xã hội Việt Nam, thông qua việc thực hiện các chức năng hết sức quan trọng của nó.
[1] NGUYỄN QUANG LÊ, Văn hóa Ẩm thực trong lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb VHTT, Hà Nội 2003, trang 20.
[2] BĂNG SƠN, Chiếc mâm, Xuân Huy sưu tầm, Văn hoá ẩm thực và món ăn Việt Nam, Nxb Trẻ - 2000, trang133.
[3] NGUYỄN QUANG LÊ, Văn hóa Ẩm thực trong lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb VHTT, Hà Nội 2003, trang 22.
[4] TRẦN ĐÌNH NGHIÊM (chủ biên), Phác Thảo Chân Dung Văn Hóa Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, trang 326.
[5] LÊ THI (chủ biên), Gia đình Việt Nam ngày nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1999, tr. 24.
[6] LÊ THI (chủ biên), Gia đình Việt Nam ngày nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1999, tr. 13.