Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

VÂNG PHỤC VÌ NƯỚC TRỜI

Thời sự Thần học – Số 33 – Tháng 9/2003, tr. 6-30

José Cristo Rey García Parades, CMF


I - NỀN TẢNG KINH THÁNH CỦA SỰ VÂNG PHỤC


Sự vâng phục trong bậc tu trì và theo ý nghĩa Tin mừng của chúng ta cần phải được trình bày trong mối tương quan trường cửu với thánh ý của Chúa Cha.

1. Vâng phục là lắng nghe và thực thi thánh ý của Thiên Chúa


1.1. Vâng phục là “mở tai ra”

Để ý một chút, chúng ta nhận thấy, danh từ “obedience” (vâng phục) có nguồn gốc từ tiếng Latinh obœdire (tiếp đầu ngữ nhấn mạnh ob- + động từ audire); cũng như trong tiếng Hy lạp (hyp-akouo)[1] và tiếng Do thái dùng trong Kinh thánh, từ này có nghĩa là chăm chú lắng nghe, là mở tai ra, là chú ý vào thực tiễn. Theo nghĩa tôn giáo, vâng phục là thái độ chăm chú lắng nghe lời Thiên Chúa cho dù thánh ý của Người được diễn tả dưới bất cứ hình thức nào. Vì thế, chúng ta phải tập trung vào sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô, “Đấng được sai đến để thi hành thánh ý Chúa Cha” chính là nền tảng cho sự vâng phục của chúng ta.

1.2. Thánh ý Thiên Chúa

Vậy đâu là thánh ý Thiên Chúa? Thiên Chúa trong Kinh thánh không phải là một tên bạo chúa, mà cũng không phải là một kẻ độc đoán. Mọi sự Người làm hoặc tạo nên đều tốt lành. Thánh ý Thiên Chúa mà sự vâng phục muốn nhắm đến được diễn tả trong tiếng Do thái là ritson, có nghĩa là lòng nhân từ, thiện ý, sự tử tế, lòng tốt… Đối với dân Israel, Thiên Chúa không chỉ là Đấng sáng tạo nên họ, mà Người còn là ân nhân thiêng liêng của họ: Thiên Chúa khoan dung và ân cần với dân tộc của họ; Người đã là như thế và sẽ mãi mãi là như thế (lời hứa). Israel đã không vâng phục Giavê khi họ ngày càng lãng quên lòng nhân hậu vô biên của Người (Xc. Tv 106, 7), khi họ không đáp trả tình yêu mà họ vẫn nhận lãnh từ Thiên Chúa. Người Do thái đạo đức không chỉ vâng phục những giới luật của Thiên Chúa, mà còn khao khát, ca tụng và suy gẫm nữa (Xc. Tv 119), vì luật của Thiên Chúa thì lôi cuốn, đáng ước muốn và là một quà tặng. Dân Israel nói chung là một người con “được tuyển chọn” hoặc là người tôi tớ của Thiên Chúa, chỉ thuộc về một mình Người và thực thi thánh ý Người. Nhưng Israel lại rất cứng đầu, bướng bỉnh và không vâng lời; thực vậy, nhìn từ góc độ dữ liệu Kinh thánh, dường như Israel và những người lãnh đạo họ không bao giờ vâng phục Thiên Chúa. Vì thế “Người tôi tớ Giavê” trong sách Isaia phần II là một hình ảnh ước mong của một giấc mơ chờ đợi đã lâu.

Để chuyển giao thánh ý Thiên Chúa cho loài người, các ngôn sứ đã phải tuân theo sứ mạng của họ, vâng phục Thánh Thần. Ngôn sứ là một người hòa hợp với Thiên Chúa. Họ phải có đôi tai luôn mở rộng và luôn sẵn sàng vâng phục. Khởi điểm của họ không phải là ý riêng, sở thích hay sự quan tâm riêng của họ. “Vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa” (2 Cr 11, 2). Một lời ngôn sứ mà không hoàn toàn tuân theo Thiên Chúa[2] thì nó chẳng khác gì một ảo ảnh, vì thái độ thành thật của ngôn sứ phải là: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Sm 3, 9).

2. Đức Giêsu Kitô, Đấng được sai đến để thi hành thánh ý Chúa Cha


2. 1. “Vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết”

Đức Giêsu đã sống phục tùng thánh ý Chúa Cha ngay từ thời thơ ấu của Người: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49).

Trong những cơn cám dỗ của Chúa Giêsu, Người bị đặt đối diện với giới răn quan trọng nhất, đó là giới răn yêu thương. Cơn cám dỗ thứ hai (trong Tin mừng theo thánh Mátthêu; và là cơn cám dỗ thứ ba trong Tin mừng theo thánh Luca) tập trung vào việc khám phá xem Đức Giêsu có yêu mến Chúa Cha bằng chính mạng sống của Người không, hoặc Người có dám vâng phục Chúa Cha ngay cả khi phải chết, có dám hiến dâng mạng sống của mình cho Chúa Cha không. Ngọn tháp cao đền thờ là nơi người Do thái thường quăng tội nhân xuống, và tội nhân này ngay cả khi đã chết do rơi xuống, cũng vẫn bị giết chết một lần nữa do bị ném đá. Thánh Giacôbê, anh em với Đức Giêsu cũng bị ném xuống từ ngọn tháp của ngôi đền thờ này. Tại nơi đây, đối diện với mối nguy hiểm chết người, như Tin mừng về Nước Trời của Người sau cùng yêu cầu, Đức Giêsu không xin một dấu chỉ, cũng không thử thách Giavê như người Israel đã làm trong một tình huống tương tự khi họ hỏi: “Giavê có ở với chúng ta hay không?” Ngược lại, Đức Giêsu đáp: “Có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4, 7)[3]. Đức Giêsu cho thấy rằng, Người sẵn sàng hiến dâng mạng sống của Người để vâng phục Cha của Người và không xin bất cứ một đặc quyền đặc lợi nào[4].

Đức Giêsu đã chấp nhận việc thực thi sứ mệnh của mình bằng sự phó mặc của một người con, với một tấm lòng quảng đại tràn đầy. Người luôn luôn tìm kiếm thánh ý Chúa Cha. Tất cả những sổ sách ghi chép được truyền lại cho chúng ta cũng đề cập đến sự vâng phục cho đến hơi thở cuối cùng của một người con thảo nơi Người. Toàn bộ những công việc của Đức Giêsu trong Tân ước được diễn tả như là một sự vâng phục: “Nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5, 19).

2.2. Hiệp nhất ý muốn với Chúa Cha

Đức Giêsu không xuất hiện trên thế giới này như là một hữu thể “chui vào hiện hữu”, là người mà có thể phải tự hỏi bản thân về ý nghĩa và mục đích của đời mình. Về mặt nhân tính, Đức Giêsu chính là kết quả của sứ vụ (Xc. Ga 4, 34), là kết quả của một sự ủy thác nơi Chúa Cha (Xc Ga 10, 18; 12, 49), và vì thế, Người là kết quả của sự vâng phục. Chỉ một mình nơi Đức Giêsu, Chúa Cha mới nhận được sự đáp trả vâng phục hoàn trọn (Xc. Dt 10, 5-10). Đức Giêsu không thực hiện một thánh ý nào khác với thánh ý của Chúa Cha. Người không phải là một người hoạt động một cách độc lập. Người luôn luôn sẵn sàng phục vụ Chúa Cha, một sự phục vụ hoàn toàn đồng nghĩa với tình yêu: Chúa Cha đã sinh ra Người do tình yêu và Chúa con cũng chỉ nhắm đến việc đáp trả tình yêu này đối với Chúa Cha như Người đã nhận được từ Chúa Cha. Giữa Chúa Cha và Chúa Con có một mối liên hệ mật thiết mà chúng ta không thể hiểu được, một sự mật thiết làm cho toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu chứa đầy mầu nhiệm. Những lối nói thể hiện điều đó được biểu lộ qua một vài phương diện sau:

Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc (Ga 5, 19-20).

Mối tương quan giữa Chúa Con và Chúa Cha chỉ có thể được định nghĩa bằng thuật ngữ “tình yêu”, và tình yêu này là một tình yêu trải nghiệm, một tình yêu sống động. Hoạt động của Chúa Con làm cho quyền năng của Chúa Cha thể hiện ở trên thế giới này: “Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha” (Ga 5, 22-23). Đức Giêsu cũng chia sẻ quyền lực của Chúa Cha vô bờ bến, ngay cả quyền làm cho người chết sống lại và ban sự sống cho họ (Xc. Ga 5, 21). Khi đến thế gian để thực thi sứ mạng của mình, Đức Giêsu không ngừng kết hợp với Chúa Cha: “Bên cạnh tôi luôn có Đấng đã sai tôi [tức Chúa Cha]” (Ga 8, 16-18).

Tình yêu của Chúa Con cũng không kém phần thánh thiêng hay tuyệt đối hơn tình yêu của Chúa Cha, mặc dù nó mang hình thái của sứ vụ, của sự phục vụ, hay của sự vâng phục. Chúa Con cũng không kém tự do hơn Chúa Cha, mặc dù hình thức tự do của Người cốt tại ở chỗ loại trừ bất cứ ước muốn nào không phải là ước muốn của Chúa Cha. Chúa Con cũng không phân biệt bản thân với sứ vụ của mình; không bao giờ Người xao lãng tình trạng mà Chúa Cha đã đặt Người vào bằng cách coi mình như là một hữu thể tại sự (in se).

Trên Thập giá, Chúa Cha và Chúa Con bị ẩn giấu qua lại lẫn nhau, nhưng trong chính sự ẩn giấu khó hiểu đó, Chúa Cha và Chúa con vẫn tiếp tục yêu thương nhau cho đến cùng bằng một tình yêu không bờ bến. Trên Thập giá, Chúa Con đã thực hiện một hành động yêu thương dưới hình thức phục vụ đúng nghĩa: trên thập giá, Người đã bỏ lại tất cả những gì là chủ quan của Người (Xc. Mt 26, 39; Ga 12, 27; Lc 22, 42); trên Thập giá, Người cũng cho thấy rằng Người đặt thánh ý Chúa Cha lên trên ý riêng của mình: đây là giây phút sau cùng của lời cam kết yêu thương, lời cam kết vâng phục tuyệt đối của Người. Bằng sự vâng phục, Đức Kitô đã cho thế giới thấy quyền năng tuyệt đối của Chúa Cha. Đức Giêsu đã vâng phục quyền năng này đến nỗi thể hiện rõ nét nơi bản thân Người, bằng cách trở thành người đại diện của Chúa Cha trong thế gian nhờ sự tuyệt diệu của quyền năng này. Và Người cũng đã thông chuyển quyền năng này cho Giáo hội (Ga 13, 20).

3. Vâng phục trong Thần Khí

Chúng ta không thể không kể đến cấu trúc Thần Khí trong sự vâng phục của Chúa Giêsu. Với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần chính là người mang lệnh truyền của Chúa Cha; trên hết mọi sự, Thần Khí là Luật mà nơi đó Đức Giêsu đọc ra thánh ý Chúa Cha. Với Đức Giêsu, Thần Khí là một trường hợp thừa tác đặc biệt[5]. Chính Thần Khí đã đưa Người đến sứ vụ của mình. 

Không chỗ nào trong Tân ước nói cho chúng ta biết rằng, con người Giêsu, trong sự chết của Người và trong sự hiệp thông với Chúa Cha, đã “nhiệm suy” từ Thần Khí; trong một cách thế như vậy, cùng với Chúa Cha (như một thứ trưởng thành thiêng liêng), Người có thể cùng quyết định sứ mệnh của mình. Mối hiệp thông này với Chúa Cha trong sự nhiệm suy của Thần Khí được Đức Giêsu “khôi phục lại” sau khi Người đã “thổi Thần Khí vào sứ vụ của Người” nơi sự chết. Khi còn ở trần gian, Thần Khí đã bay lượn trên Đức Giêsu và tỏ rõ thánh ý Chúa Cha cho Người. Với sự thúc đẩy của Thần Khí, Đức Giêsu đã thưa “xin vâng” cho dù vì lời “xin vâng” này, Người có thể bị vào một vương quốc không thiêng thánh, vương quốc của cám dỗ, của sự chết và tội lỗi. Sự vâng phục trong cuộc thương khó là điều có thể chấp nhận được bởi vì Chúa Cha đã thể hiện cụ thể ý định của mình nơi Thần Khí là Người có thể không xuất hiện. Thần Khí đã bảo đảm tính đồng nhất Cha-Con vẹn toàn ngay trong giữa sự ẩn nấp của Chúa Cha. Khi sự vâng phục đối với sứ vụ của Chúa Con đã được thấm nhuần đến tận cùng nhờ Thần Khí, thì chính Thần Khí có thể được thổi trên Giáo hội và thế giới nhờ Thiên Chúa được tôn vinh (Xc. Ga 14, 26; 15, 26).

4. Mẫu gương của Đức Maria, “nữ tỳ của Thiên Chúa”

Để trở nên người phàm, Thiên Chúa muốn có sự ưng thuận của loài người, và Người đã nhận được sự ưng thuận này nơi Đức Maria, Mẹ không chỉ tuyên bố ưng thuận trên môi miệng mà còn thể hiện bằng cả cuộc đời của Mẹ, với tư cách là đại diện của toàn thể nhân loại. Đức Maria là hiện thân của người “tôi tớ Thiên Chúa”, tức là của dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Nơi Đức Maria, Israel vâng phục Thiên Chúa mà không chút dè dặt. Mẹ chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa, tin tưởng vào Lời Người và niềm nở đón nhận ý định nhân hậu của Thiên Chúa.

Cùng với thời gian, Đức Maria ngày càng trưởng thành. Từ cấp độ vô ý thức của một đứa trẻ, Mẹ đã lên đường tìm kiếm gặp gỡ thánh ý Thiên Chúa. Nhưng dù có ý thức hay không ý thức, toàn bộ đời sống của Mẹ không là gì khác hơn ngoài hai tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa. Lời “xin vâng” của sự nhập thể có một vài điều giả định trước rất sâu xa trong cuộc đời Đức Maria. Trong hình ảnh Đức Maria mà thánh sử Luca cung cấp cho chúng ta, điểm nổi bật chính là thái độ sẵn sàng của Mẹ với thánh ý Thiên Chúa. Trong thái độ chờ đợi tuyệt đối của Mẹ, Mẹ đã được Thiên Chúa đáp lời. Khi Lời của Người đến với Mẹ, Mẹ đã niềm nở đón tiếp không chút dè dặt (Lc 1, 38). Nơi Mẹ, Lời đã đem lại một mùa bội thu gấp trăm lần, vì Mẹ là thửa đất tốt, thửa đất màu mỡ[6]. Mẹ đã được Thiên Chúa chúc phúc và ban ơn vì sự tin tưởng và sự vâng phục tuyệt đối vào Lời Chúa (Xc. Lc 1, 42-45). Vì thế, trong Tin mừng thứ ba, Đức Giêsu quả thực chuẩn nhận sự vâng phục trìu mến của Đức Maria khi Người nói: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28).

Lúc khởi đầu nhập thể, Đức Maria đã mang nơi mình tâm thức: lời của Thiên Chúa. Sự nhập thể đã biến đổi trọng tâm hiện hữu của Mẹ. Mẹ là thừa tác viên đầu tiên của Lời mặc lấy xác phàm, tức Đức Giêsu. Mẹ luôn luôn chú ý đến Lời bằng một thái độ lắng nghe và thực hành liên lỉ. Vì thế, Mẹ chính là “nữ tỳ của Thiên Chúa”. Mặc dù bà Elizabeth đã công nhận tước vị của Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”, nhưng Đức Maria thích nhấn mạnh đến thân phận của mình là “tôi tớ của Thiên Chúa” hơn. Nơi Đức Maria, thiên chức làm mẹ phải được hiểu là sự phục vụ; cũng như nơi Đức Giêsu, phận làm con cũng được hiểu theo ý nghĩa tương tự như thế: Người là Chúa Con nhờ trở thành tôi tớ. Đức Maria là người phụ nữ vâng phục tuyệt đối.

II - LỜI KHẤN VÂNG PHỤC CỦA KITÔ HỮU


Lý do hiện hữu của hình thức đời sống tu trì chúng ta chính là để thực thi thánh ý Chúa Cha trong cộng đoàn của mình, nhờ trở nên sự tiếp nối sống động thái độ vâng phục của Đức Giêsu và để cho bản thân chúng ta được thúc đẩy bởi mẫu gương của Đức Maria.

1. Sự vâng phục “Kitô hữu”


Vâng phục không phải là một đặc tính chỉ liên quan đến chúng ta là những người tu sĩ. Vâng phục là một điều kiện nền tảng đối với sự hiện hữu của mỗi người với tư cách là một người Kitô hữu.

1.1. Đức tin của Kitô hữu là vâng phục

Là Kitô hữu có nghĩa là “con cái của sự vâng phục”[7]. Người Kitô hữu vâng phục: Thiên Chúa hơn là vâng phục người phàm (Xc. Cv 5, 29), vâng phục Đức Kitô (Xc. Dt 5, 29), vâng phục chân lý (Xc. 1 Pr 1, 22; Gl 5, 7), vâng phục Tin mừng (Xc. Rm 10, 16), vâng phục giáo huấn và những chuẩn mực đạo lý của các Tông đồ (Xc. Rm 6, 17; 2 Cr 2, 9). Chính đức tin là một sự vâng phục đối với Thiên Chúa hoặc đối với Đức Giêsu[8]. Đức tin của người Kitô hữu là sự vâng theo ân sủng cánh chung, vâng theo sự hoàn trọn các lời hứa; đó là một sự vâng phục trạng thái mới được tác thành nơi Đức Giêsu Kitô. Đức tin yếu kém làm cho một người mất khả năng vâng phục, mất khả năng nắm giữ các giá trị nước trời, mất khả năng lắng nghe Lời và thực thi Lời một cách hợp lý. Chỉ có đức tin vâng phục trong hành động mới có thể dời núi dời non.

2.2. Bước vào sự vâng phục của Đức Kitô

Trên hết mọi sự, thuộc về Giáo hội là thuộc về Đức Kitô. Bước vào Giáo hội là bước vào sự vâng phục của Đức Kitô; sống theo sự vâng phục của Đức Kitô là được trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Trên hết mọi sự, trở thành phần tử của Giáo hội có nghĩa là chấp nhận, là đón tiếp và để cho bản thân quy phục “những gì đã được thực hiện một lần cho tất cả”, là đồng ý với thực tại cánh chung. Trong sự vâng phục đức tin, chúng ta nhận ra căn tính của chính mình. Trên Thập giá, tất cả chúng ta đã được giải thoát khỏi chính mình. Chúng ta hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, Đấng đã cứu chuộc chúng ta bằng chính máu của Người; thuộc về Chúa Cha trong Đức Kitô, để chúng ta không còn thuộc về chính mình nữa, để chúng ta còn nô lệ cho bất cứ “thần” nào khác. Trọng tâm của lời đáp trả nơi người Kitô hữu là sự vâng phục. Việc noi theo Đức Kitô cần phải có tính năng động bên trong và bên ngoài để có thể cất bước theo Thầy đi bất cứ nơi đâu. Sự vâng phục của Chúa Con, Đấng đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, là một chuẩn mực bước theo Đức Kitô. Những người bước theo Đức Kitô lắng nghe và học biết nơi Người tất cả những chuẩn mực cho sứ vụ của mình, và họ phải vâng theo những chuẩn mực này. Thiên Chúa sẽ tiếp tục đòi hỏi tất cả những chuẩn mực này, không phải chỉ là một vài điều trong đó. Cuộc đời của người môn đệ là sự vâng phục. Sự noi theo bên ngoài của họ sẽ được biến đổi thành sự noi theo bên trong nhờ sự vâng phục.

Người Kitô hữu tham dự vào thân phận của Đức Kitô sẽ không còn hướng dẫn bản thân mình nữa. Anh ta từ bỏ quyền tự quyết về chính con người và vận mệnh của mình, thích ứng và hướng dẫn cuộc sống của mình để có thể nhận được từ Đức Kitô và Giáo hội của Người những quy luật cho đời sống mới. Anh ta trở thành một người đầy tớ. Sự đánh mất nhân cách này được thay thế bằng chính hình thức nhân cách cao nhất trong Đức Kitô Giêsu. “Luật duy nhất trong tình trạng mới chính là luật yêu thương, một thứ luật mà trong đó Đức Kitô đã được tự do nhờ sự phục vụ và phục vụ nhờ tự do”[9]. Vì thế, sự vâng phục của đức tin là sự hy sinh quyền tự chủ cá nhân, là sự cam kết với Đức Kitô tự hủy bản tính của chính mình. Dường như tình trạng ân sủng giống với sự chết liên quan đến một tình trạng chỉ được giới hạn trong thế giới này (Xc. Rm 6, 3-4).

2. Lời khấn vâng phục – Đoàn sủng của chúng ta


Về phương diện ngôn sứ, ơn gọi có tính cách đoàn sủng của chúng ta, với tư cách là tu sĩ, làm tăng thêm sự vâng lời đối với thánh ý Chúa Cha, vốn là một phẩm chất riêng nơi mỗi Kitô hữu. Người tu sĩ đích thực được nhận biết qua sự vâng phục của họ.

2.1. Vâng phục Chúa Cha

Chúng ta vừa xem xét nền tảng Kitô học của vấn đề này. Cũng như Đức Giêsu, chúng ta phải ưu tiên cho công việc của Chúa Cha, ưu tiên cho sứ vụ mà chúng ta đã lãnh nhận. Thực thi thánh ý Chúa Cha và là tôi tớ của Người luôn luôn phải là lương thực nuôi dưỡng chúng ta, phải là lý do hiện hữu của chúng ta. Không có sự vâng phục nào mà không có tình yêu đối với Chúa Cha và không có sự quyết tâm mạnh mẽ để nối dài tình yêu mãnh liệt và nhân từ của Người cho thế giới. Chúng ta cũng là “những người con yêu dấu của Chúa Cha”. Nên chúng ta cũng phải cố gắng làm sao tỏ ra xứng đáng với tình yêu của Người, làm vui lòng Người trong mọi sự và cộng tác vào công việc của Người. Và mặc dù việc thực hiện công việc này có thể đồng nghĩa với việc chấp nhận thập giá, bị Chúa Cha bỏ rơi và ngay cả bản thân bị giết chết, nhưng chúng ta không được chùn bước. Chúng ta được mời gọi yêu mến Thiên Chúa với tất cả tâm hồn chúng ta, bằng chính đời sống của chúng ta; tắt một lời, phải vâng phục cho đến chết, ngay cả chết trên thập giá.

2.2. Vâng phục “trong Thần Khí”

Nhưng làm sao một người có thể thấy được rằng việc được biến đổi tới chỗ vâng phục hoàn toàn là điều có thể xảy ra? Làm sao chúng ta có thể hy vọng trở nên những người tiếp nối sự vâng phục tuyệt đối của Đức Giêsu và Mẹ Maria. Công đồng Vaticanô II[10] nói với chúng ta về sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

Sự vâng phục của người Kitô hữu là một “đặc sủng”, là một quà tặng của Chúa Thánh Thần. Bằng chính sức lực của mình, không ai trong chúng ta có thể vâng phục, có thể từ bỏ chính mình để vâng theo thánh ý Chúa Cha, như Đức Giêsu đã làm. Khi tình yêu Chúa Thánh Thần bắt đầu hoạt động trong lòng chúng ta và chúng ta ngoan ngoãn chấp nhận nó, tức là khi chúng ta thực sự để cho tình yêu đó tiếp tục đưa dẫn nhân cách của chúng ta, thì chúng ta bắt đầu dần dần trở nên giống Đức Giêsu và vì thế dần dần vâng phục Chúa Cha như Đức Giêsu. Sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa trong chúng ta đưa dẫn chúng ta vào tình trạng nghịch lý của một sự thụ động trở nên năng động và một sự năng động được thực hiện trong sự thụ động. Chúa Thánh Thần là một sự thụ động lớn nhất bởi vì Người được nhiệm suy từ Chúa Cha và Chúa Con. Đó là kết quả sự hoạt động của hai ngôi vị. Nhưng Người cũng là một sự hoạt động lớn nhất, bởi vì Chúa Cha chỉ sinh ra Chúa Con nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, và Chúa Con chỉ có thể thưa lên “Cha ơi !” và sống với tư cách là Chúa Con nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, và đồng thời cả Chúa Cha và Chúa Con đều thực hiện tình yêu của mình trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần được lãnh nhận tuyệt đối và vì thế, Người là một hình ảnh diễn tả trọn vẹn sự tự sinh thiêng liêng.

2.3. Vâng phục là tưởng tượng

Những ai để cho Chúa Thánh Thần tự ràng buộc mình vào nghịch lý của “sự vâng phục” và “ sự tưởng tượng”[11]: vào nghịch lý của sự vâng phục, bởi vì họ tham dự vào sự ngoan ngoãn đó của Chúa Thánh Thần, Đấng đã để cho bản thân mình sinh ra từ Chúa Cha và chịu để cho bản thân trở thành Thần Khí của sự trao hiến qua lại lẫn nhau nơi Ba Ngôi; vào sự tưởng tượng, bởi vì họ tham dự vào sự tôn vinh tưng bừng hớn hở, vào sự cảm hứng và sự tưởng tượng sáng tạo của tình yêu, là điều liên tục kích thích sự phấn khởi giữa Chúa Cha và Chúa Con. Theo cách đó, người Kitô hữu tìm thấy con đường để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu và làm cho thánh ý Chúa Cha trở nên thức ăn thức uống của mình: họ đi vào con đường vâng phục tuyệt đối. Nhưng đồng thời, chính họ thấy mình bị bất ngờ và được khuyến khích trong sự vâng phục như thế nhờ “sự tưởng tượng của Chúa Thánh Thần”; họ thấy mình bị thu hút vào sự sáng tạo của Chúa Thánh Thần, Đấng canh tân mọi sự, Đấng là sự tự do tuyệt đối. Chúa Thánh Thần giải thoát người Kitô hữu khỏi nhu cầu sáng chế ra mọi thứ từ đầu bằng sự tưởng tượng của riêng mình. Chúa Thánh Thần có khả năng sáng chế hoàn toàn vượt trên tất cả mọi loài thụ tạo; và nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, người Kitô hữu có thể sáng chế ra mọi thứ cần thiết để được “tái sinh”, “được sinh ra từ ơn trên”, để sáng tạo ra một “nhân loại mới”. Vì thế, thông thường người ta nói rằng, không có sự biến chuyển nào quá lớn đến nỗi không thể hy vọng con người vâng theo Thần Khí. Chúa Thánh Thần là sức mạnh vĩ đại nhất, nhờ sức mạnh này, Chúa Cha sáng tạo mọi sự; nhưng đồng thời Chúa Thánh Thần là Đấng dễ bị xúc phạm nhất: Người có thể bị quấy rầy (1Cr 14, 39), bị làm phiền lòng (Xc. Ep 4, 30) và ngay cả bị dập tắt (Xc. 1 Tx 5, 19). Vì thế, Chúa Thánh Thần là nguồn mạch tự do của con người, vì để sáng tạo ra một hữu thể tự do cần phải có “một quyền năng tuyệt đối”, đồng thời Người cũng là Đấng bảo trợ của con người, và vì thế Người là chỗ dễ bị tổn thương của Thiên Chúa, thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn cả Chúa Con. Điều này được Đức Giêsu nhấn mạnh khi Người nói rằng: “mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha” (Mt 12, 31; Xc. Dt 6, 4-6). Nhưng ai chấp nhận sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần thì bước vào sự thống nhất nghịch lý giữa sức mạnh và yếu đuối. Họ tham dự vào sức mạnh mãnh liệt của tình yêu và trong sự yếu đuối của tình yêu. Quả thực, chính điều này cho thấy sự vâng phục trong Chúa Thánh Thần là gì: yếu đuối để quên mình và ngay cả chấp nhận chịu chết, nhưng đồng thời một cách nghịch lý, lại là m sức mạnh vô song có thể làm được mọi sự.

3. Lời khấn vâng phục Kitô hữu

Khi nói về lời khấn khiết tịnh, chúng ta đã thấy rằng, phép lành trọng thể hoặc lời nguyện thánh hiến của phụng vụ trong nghi thức tuyên khấn làm nổi bật lên chiều kích đầy mầu nhiệm của hoạt động Thiên Chúa trên người được tuyên khấn; chúng ta nài xin Chúa Thánh Thần biến đổi người được tuyển chọn nên giống Đức Kitô, phát triển và giúp họ quyết tâm trở nên hoàn thiện. Nghi thức này nhấn mạnh đến tính ưu việt hoạt động của Thiên Chúa. Vì lý do này, nghi thức tuyên khấn chỉ quan trọng vào lúc “chúng ta hiến dâng bản thân” và “ràng buộc bản thân bằng lời khấn” (voto nos adstringimus …).

Qua việc tuyên khấn của lời khấn vâng phục, chúng ta khiêm tốn và biết ơn cố gắng đáp trả ân ban cao cả của sự vâng phục thảo hiếu mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta qua Thần Khí của Người. Những lời khấn của chúng ta không phải là một dấu chỉ của sự độc lập. Nhưng ngược lại, chúng là một lời nguyện xin Thiên Chúa và Giáo hội cứu giúp. Điều này chẳng qua chỉ là vấn đề bổn phận, bởi vì nó thuộc về khả năng trao tặng một cái gì đó tạm gọi là sự đáp trả, tạ ơn Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta được biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, Đấng vì chúng ta đã vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá, và tất cả những công việc chúng ta làm được hiệp nhất trong thánh ý cứu độ của Thiên Chúa.

III - VÂNG PHỤC TỰ NGUYỆN VÀ CÓ BỔN PHẬN


Cộng đoàn tu trì của chúng ta là cộng đoàn truyền giáo. Nếu sứ vụ này cần phải có vâng phục, thì chỉ hợp lý khi cộng đoàn của chúng ta biết định rõ đường hướng dựa trên đức vâng phục. Cần phải nhấn mạnh rằng, sự vâng phục mà ta đề cập không được định nghĩa là sự vâng phục các bề trên. Đúng hơn, nền tảng sự vâng phục là mọi tu sĩ chủ động và tự do trong thừa tác vụ và họ phải thi hành sứ vụ của mình trong sự vâng lời. Đó chính là vâng phục thánh ý Thiên Chúa là Cha.

1. Vâng phục trong sứ mạng truyền giáo


Xét như là mục tiêu chủ yếu, việc vâng phục trong sứ mạng truyền giáo được xem là sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Qua đó, chúng ta thừa nhận rằng lý do hiện diện duy nhất của chúng ta với tư cách là các nhà truyền giáo là để sống như những tôi tớ của Thiên Chúa và làm bất cứ điều gì có thể để thực hiện sứ vụ mà chúng ta đã lãnh nhận.

Làm thế nào để nhận ra ý Chúa? Câu trả lời sẽ là tất cả chúng ta phải cùng kiếm tìm để nhận biết và thi hành ý định của Thiên Chúa. Trong việc tìm kiếm và thi hành thánh ý Thiên Chúa buộc chúng ta phải giúp đỡ anh chị em chúng ta qua lời cầu nguyện, khuyên nhủ và đối thoại huynh đệ. Không ai độc quyền trong việc hiểu biết và thực hiện ý Chúa cả, hơn thế, trong mỗi người và mọi anh em chúng ta, Thiên Chúa bày tỏ những mong muốn của Người, và việc thực hiện những mong muốn này là “công việc của mọi người” trong cộng đoàn. Nghĩa là chúng ta phải thể hiện lý do hiện diện cộng đoàn truyền giáo của chúng ta.

Chúng ta không được chọn sống và hoạt động một cách đơn lẻ. Ơn gọi tu trì nhắm đến mục tiêu là ơn gọi truyền giáo mang tính cộng đoàn. Nếu không có yếu tố “chung” này thì mọi ơn gọi sẽ trở nên vô hiệu. Là những tu sĩ, chúng ta không thể là những nhà truyền giáo hoạt động riêng rẽ. Với tư cách là những người hoạt động riêng rẽ “dựa trên chính cá nhân chúng ta”, chúng ta sẽ không nhận được những ơn huệ cần thiết cho mỗi nhà truyền giáo, đó là nhận biết thánh ý của Đấng sai chúng ta đi. Chỉ “dựa trên cá nhân chúng ta”, chúng ta sẽ không thể nhận ra và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Thánh ý Thiên Chúa trong trường hợp này là “thành viên của cộng đoàn”.

Tới đây chúng ta đã có một trong những điểm nòng cốt về cộng đoàn tu trì, đó là: cùng nhau kiếm tìm và thực thi ý định của Thiên Chúa trong sứ vụ chung của chúng ta.

2. Cùng nhau kiếm tìm thánh ý Thiên Chúa


Để có thể nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa lúc này và bây giờ, “ngay giữa những hoàn cảnh đổi thay của thời đại, địa lý và con người”, tất cả mọi anh em trong cộng đoàn đều cần đến ánh sáng của Thần Khí, Đấng đã được ban cho chúng ta. Nếu chúng ta chia sẻ ánh sáng này cho người khác, chúng ta sẽ có thể càng thăng tiến thêm trong sự hiểu biết. Chẳng ai thánh thiện và sáng suốt đến độ không cần đến sự soi dẫn của người khác. Chẳng có ai quá nghèo nàn hay tội lỗi đến độ không thể cho đi điểm sáng của mình. Chúng ta cần phải làm sống động đức tin của chúng ta trong cộng đoàn anh chị em chúng ta, và tin vào sự tỏ bày ý định nhân hậu của Thiên Chúa bằng những việc sống đức tin này.

Cộng đoàn tu trì của chúng ta thường chỉ thể hiện điều này trong những dịp trọng đại, đặc biệt trong những cuộc họp cấp cao như tổng hội, tỉnh hội hay các cuộc hội họp khác. Kinh nghiệm cho thấy càng tham dự những cuộc hội họp thì sự mạc khải ý nhiệm của Thiên Chúa càng tỏ lộ, và khích lệ chúng ta thi hành những mạc khải đó. Đó là một điều rất khó để có thể xuyên suốt từng vấn đề trong đời sống thường ngày của các cộng đoàn địa phương. Tuy nhiên, cũng trong các cộng đoàn này, cùng nhau tìm ý Chúa là vấn đề sống còn với cộng đoàn. Nó sẽ làm cho cộng đoàn thăng tiến trong đức tin, trong sự sửa lỗi huynh đệ và giáo hoá lẫn nhau.

Vâng phục thánh ý Chúa cần thiết phải thông qua con đường đối thoại cộng đoàn và đời sống huynh đệ. Lời Chúa (logos) được mạc khải cho chúng ta qua những lời (logos) của anh em. Đối thoại cộng đoàn trở nên một giả định sống động để nhận biết và thực hiện sứ vụ từ những đối thoại đó. Đối thoại cộng đoàn không chỉ giới hạn bởi những cuộc trao đổi hay bàn thảo những tư tưởng. Đúng hơn đây là “đối thoại của cuộc sống”. Khi cuộc sống và suy nghĩ của chúng ta được ăn khớp với nhau qua đối thoại, chúng ta dễ dàng hiểu nhau hơn và khám phá ra sự thật, sự thật sẽ liên kết tất cả chúng ta.

3. Cộng đoàn thi hành thánh ý Thiên Chúa


Việc thực thi thánh ý Thiên Chúa gắn kết chúng ta không chỉ như những cá nhân nhưng như một tập thể. Khi cộng đoàn bất trung với Chúa sẽ làm cho chúng ta bị tổn thương y như khi chính chúng ta thất tín với Người. Đời sống khô khan hay bất tín của cộng đoàn thì cũng chính là của ta. Chúng ta là một cộng đoàn với cả những thực tại tích cực hay tiêu cực của nó, trong ân sủng cũng như trong tội lỗi. Bên cạnh những đòi hỏi riêng của lời khấn tuân phục ý Chúa, còn có những yêu cầu của cộng đoàn mà tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm. Vì thế, chúng ta phải khích lệ và sửa đổi cho nhau. Chúng ta phải cầu nguyện cho nhau và giúp nhau nhận ra rằng “người ta được chọn không phải vì muốn hay chạy vạy, nhưng vì được Thiên Chúa thương xót” (Rm 9,16), vì thế chúng ta sẽ thấu hiểu nhau hơn và mang lấy gánh nặng và tội lỗi của nhau. Điều này phù hợp với ơn gọi truyền giáo của chúng ta là cùng nhau thực hiện một công việc nhỏ mọn thì hơn là những việc đại sự nhân danh cá nhân. Tôi tin rằng, sẽ rất phù hợp để trích dẫn ra đây một bản văn đã được lên chương trình trong thư gửi giáo đoàn Côlôxê, bản văn này đáng được làm bản lề hướng dẫn đời sống các cộng đoàn truyền giáo của chúng ta:

Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi. Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.

Ước gì lời Đức Ki tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha (Col 3; 8-9, 12-17).

IV - VAI TRÒ CỦA BỀ TRÊN TRONG CỘNG ĐOÀN


Mặc dù mỗi cộng đoàn tu trì đều ưu tiên vâng phục thánh ý Chúa, nhưng vẫn có một tác vụ hay chức năng riêng, chức năng này mang đặc sủng và tầm quan trọng khác nhau ở một thời đại. Đặc sủng này xác định ý Chúa trên cộng đoàn, đó là tác vụ quyền bính. Tác vụ này không chỉ là những điều bị áp đặt lên cộng đoàn một cách vô điều kiện. Tác vụ đó phát sinh từ bản chất sâu xa của cộng đoàn. Đó là sự thể hiện khát vọng cùng liên kết và phát triển nơi mỗi cộng đoàn. 

1. Tác vụ quyền bính


Tác vụ quyền bính có lý do tồn tại khi cộng đoàn dòng tu được hợp nhất như một cộng đoàn lớn gồm các cộng đoàn nhỏ, như là hiện diện của đoàn sủng được dự phóng cho tương lai, đoàn sủng này nối tiếp quá khứ và truyền thống của cộng đoàn.

1.1. Sứ vụ cảnh giác, nhiệt tình, liên đới

Sứ vụ quyền bính là thực tại trung gian được phép dùng quyền hành do chính các cộng đoàn đề xướng, sứ vụ đó cũng liên kết hiện tại với truyền thống cũng như với những dự phóng cho tương lai. Chúng ta áp dụng thuộc từ “bề trên” đối với anh em hay chị em trong cộng đoàn dòng tu đã lãnh nhận tác vụ quyền bính (lời khấn). Họ có bổn phận xây đắp tình liên đới trong anh em thuộc cộng đoàn địa phương, tỉnh dòng hay toàn dòng trong đời sống và sứ vụ. Đây là sứ vụ cảnh giác hay nhiệt tình. Cảnh giác đòi hỏi cộng đoàn phải trung thành trong chuẩn mực cao nhất, “là môn đệ của Đức Kitô như được phác hoạ trong Tin mừng”, và trung thành với đặc sủng của dòng nữa. Điều này liên quan đến việc dùng tác quyền trong việc sửa lỗi huynh đệ, hay chăm sóc mục vụ cho anh em, và bảo vệ cộng đoàn trước những đe doạ có thể xẩy ra. Sự nhiệt tình bao gồm duy trì và khích lệ “tinh thần” truyền giáo của cộng đoàn trong căn tính của mình, thi hành niềm vui và nhiệt huyết của một đấng bề trên, cũng như duy trì tình liên đới trong anh em.

1.2. Quyền hành của bề trên phát xuất từ đâu? 

Đó là quyền hành do đặc sủng, gắn chặt với đặc sủng của dòng. Đó là thứ quyền bính trong Thánh Thần. Vì vậy, đó không phải là thứ quyền bính tự trị, cũng không phải quyền bính được gắn với đặc sủng mang tính cá nhân của người giữ chức vụ đó. Các bề trên phải thi hành quyền của họ theo những nguyên tắc của hiến pháp. Quyền hành của bề trên được đề cử do chính tổng hội ủy thác cho họ. Điều này được chứng tỏ một cách minh bạch trong cuộc bỏ phiếu của các bề trên cao cấp, hay ở những cấp độ tương ứng của các bề trên cấp tỉnh hay địa phương.

Tác vụ quyền bính được thi hành do nhiều người khác nhau trong dòng. Vậy nên, có một “thực tại khách quan” thể hiện đúng mức tác vụ đó: tác quyền thuộc toàn tu hội hay hội dòng,[12] phải được quản trị một cách trung tín. Vì vậy, bề trên buộc phải sống tình liên đới của dòng - trong mọi vấn đề - và vì vậy phải xác định được giá trị tài sản hiện tại của dòng. Đó là quyền bính do đặc sủng, quyền bính của cả dòng, được thể hiện rõ nơi bề trên. Đây là điều buộc đầu tiên về mặt luân lý đối với những người đã nhận tác vụ: sự liên đới tình thương và sứ vụ thể hiện trong các cộng đoàn của chúng ta, được diễn tả rõ nét nơi các bề trên. Họ không bao giờ được quyên rằng họ là bề trên của cộng đoàn tỉnh dòng hay địa phương nhân danh toàn dòng, và vì vậy tác vụ của họ không được giới hạn trong việc phục vụ anh em hay chị em của cộng đoàn tỉnh dòng hay địa phương, mà cả những anh chị em có liên hệ trong toàn tỉnh dòng nữa.

2. Nguồn lực của quyền bính 


Từ một quan điểm khác, bề trên phải phát huy quyền bính của mình khi Người có một tình yêu nồng nàn đối với Giáo hội, khi Người được đồng nhất với sứ vụ của Giáo hội, và khi họ chọn lựa dứt khoát phục vụ cho người nghèo, đó là một dấu chỉ thời đại. Từ đó, nơi chính mình, họ mang quyền bính của chính dân Thiên Chúa, quyền bính của người nghèo và người tàn tật trên thế giới. Hơn thế, khi quyền bính của Dân Thiên Chúa càng củng cố tác vụ của bề trên thì Người càng được liên kết với Đấng Tân lang của Giáo hội, của Dân Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Một lòng mến tha thiết với Đức Giêsu Kitô, một khát vọng nên một với Người trong mọi sự, sẽ làm cho dấu ấn của Thiên Chúa tỏ hiện nơi vị bề trên, và qua Người, Thiên Chúa sẽ nói và phục vụ: “con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28; 1 Ga 3, 16).

Người giữ chức vụ được đề cử cách pháp lý luôn tồn tại những tác động ngoại lai và quyền bính này hoàn toàn khác với quyền bình luân lý. Có những bề trên, do phẩm chất con người hay do ơn Thánh Thần ban đã có một quyền bính luân lý rồi. Tuy nhiên, quyền luân lý này không phải đòi hỏi đối với tất cả những ai đã lãnh nhận tác vụ trong dòng. Điều thiết yếu để có quyền bính luân lý đó là vị bề trên chấp nhận quyền bính của đặc sủng, của Giáo hội, của người nghèo và của Đức Giêsu tác động nơi Người: để làm người phát ngôn hơn là lời nói, làm người đại diện hơn là người ra quyền hành, để trở thành dấu chỉ hay biểu tượng hơn là thực tại, để được giao phó hơn là bị đòi buộc.

Ở một mức độ nào đó, thì rõ ràng bề trên cũng phải dùng tác vụ quyền bính theo tính chủ quan của mình. Họ sẽ hình thành tác vụ ấy theo đặc sủng của cá nhân mình và theo đòi hỏi của Tin mừng mà Thánh Thần linh hứng cho Người. Chính vì điều này mà các bề trên phải dùng tất cả những ân huệ được ban để phục vụ. Trong việc tìm hiểu ý Chúa trong cộng đoàn, một trách nhiệm đặc biệt của các bề trên là hoà hợp tất cả cộng đoàn: các Người phải nỗ lực quan tâm đến ý định của Chúa Cha và chia sẻ những ý định đó cho anh em. Tuy nhiên, các Người phải tránh những hình thức vụ lợi cho bản thân. Các bề trên phải lấy làm vui mừng khi lắng nghe những ý kiến phản ánh của anh em trong cộng đoàn, và khích lệ anh em đóng góp vào công việc của dòng và của Giáo hội. Thậm chí, trong nhiều cơ hội khác nhau, sứ vụ đòi hỏi các Người làm việc mà không làm tổn hại đến tác quyền của mình, để quan tâm và tỏ rõ những công việc đang được thực hiện.

3. Bảy lời khuyên dành cho bề trên


1) Hãy đón nhận bằng tình thương và niềm hân hoan sứ vụ mà dòng đã mời gọi bạn. Thiên Chúa muốn bạn làm bề trên của anh em, chị em bạn. Hãy đón nhận ý Chúa. Đừng quên rằng Thiên Chúa muốn bạn vâng phục trong hoan lạc.

2) Bạn là tôi tớ của một cộng đoàn các ngôn sứ. Hãy để Lời Chúa luôn được lắng nghe trong cộng đoàn của bạn. Đừng ngăn cản lửa Thần Khí. Hãy sống với nhiệt huyết và sẽ chẳng có gì có thể dập tắt niềm hy vọng vào Chúa và sự tin tưởng của anh chị em.

3) Ma quỷ muốn cướp đi căn tính của bạn. Nó muốn biến bạn thành cái máy làm việc, và biến hội dòng của bạn thành một ngẫu tượng đầy mãnh lực, nó công cụ hoá tất cả, thậm chí cả con người. Cộng đoàn của bạn được mời gọi trở nên dấu chỉ của Nước Trời. Hãy chiến đấu mỗi ngày để cộng đoàn trở nên xứng đáng hơn.

4) Hãy tin tưởng nơi anh chị em. Ngay cả khi họ lừa dối bạn. Hãy cầu nguyện cho họ, vì nó sẽ giúp bạn tiếp tục tin tưởng vào anh chị em. Và sự tin tưởng ấy sẽ biến đổi họ. Chúng ta sẽ xoá đi được những ngờ vực trước một người vô tội cũng như trước một người có tấm lòng chân thành và yêu mến.

5) Công việc phục vụ của bạn đối với anh em, chị em sẽ không bao giờ vô ích. Khi bạn chết đi, lại là lúc cộng đoàn của bạn được sinh ra. Bạn không phải là bề trên cho chính mình nhưng vì cộng đoàn. Tác vụ của bạn không phải là để xây dựng một cộng đoàn theo khuôn khổ và ý riêng của bạn, cũng không phải là công trình của riêng bạn. Tác vụ của bạn chỉ là khí cụ của Chúa để xây dựng một cộng đoàn như ý Người muốn.

6) Khi bạn cảm thấy cô đơn, hãy nghĩ đến Đức Giêsu. Người đã từng trải qua những hoàn cảnh tương tự. Đừng lo lắng, nếu những lúc đó cám dỗ đến với bạn, dụ bạn từ bỏ công việc và buông xuôi tất cả. Đức Giê su đã có những cảm nghiệm tương tự đó rồi. Hãy đi cầu nguyện. Hãy cầu nguyện với Chúa Cha. Người sẽ sai sứ thần đến giúp bạn và bạn sẽ lấy lại được sức mạnh để tiếp tục cuộc hành trình.

7) Và nên nhớ rằng! Bạn tỏ ý muốn từ chức chỉ khi bạn khám phá ra rằng bạn đang cảm thấy bất ổn về mặt tâm lý và chẳng có gì có thể giải quyết được. Ngoài những hoàn cảnh này, hãy đón nhận việc phục vụ một cách khiêm tốn. Hãy luôn luôn mở rộng con tim để Thiên Chúa đi qua đời bạn. Bạn sẽ thay đổi. Bạn sẽ chín chắn. Và cuối cùng bạn sẽ trở nên xứng đáng là môn đệ của Đức Giêsu.

V - HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA SỰ VÂNG PHỤC


1. Biết tự chủ trước Thiên Chúa nhờ lòng mến


Thiên Chúa luôn là mục đích của ơn gọi tu trì. Kẻ được sai đi phải sống phụ thuộc trọn vẹn vào Thiên Chúa, Đấng đã sai họ đi. Một khi người tu sĩ làm chủ con người của mình thì làm chủ được mình nhờ lòng mến Chúa. 

Người tu sĩ không bao giờ rời bỏ môi trường vâng phục của mình đối với Chúa, ngay cả khi họ vâng phục những con người hành động như đấng trung gian ban phát ý định của Người. Hơn nữa, người tu sĩ cần biến sự phục tùng thiết thực của mình đối với các bề trên thành sự phục tùng chính Đức Kitô. Thánh Phêrô đã nói với các Kitô hữu rằng: “vì Chúa anh em hãy tuân phục mọi thể chế do loài ngươi đặt ra: dù là vua hay người nắm quyền tối cao (1Pr 2; 13-14) nhưng Người cũng nói tiếp “Hãy sống như những người tự do, không phải dùng tự do như màn che sự gian ác, nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa” (1Pr 2, 16). Và Người kết luận “Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh em, hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy tôn trọng nhà vua” (1 Pr 2, 17). 

Ở mọi nơi mọi lúc, sức mạnh thúc đẩy chúng ta vâng phục phải là lòng mến. Chỉ có lòng mến mới làm cho sự vâng phục trở nên hoàn hảo và chíng đáng. Chính lòng mến thúc bách và tinh lọc sự vâng phục của ta. Tương quan của chúng ta với các bề trên phải được quyết đoán do lòng mến.

2. Vâng phục trong đối thoại


Vâng phục không đòi từ bỏ dứt khoát lối suy nghĩ riêng, chân lý riêng của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta vâng phục trong bầu khí đối thoại (dialoge-logos), trong sự liên đới tìm kiến chân lý. Vì lý do này, ngay từ đầu người tu sĩ không nên phá đổ mà hơn thế phải bảo vệ những xác quyết do các bề trên đề ra, biết lượng giá sự thật được diễn tả qua những xác quyết đó. Tuy nhiên chân lý phải thực sự phát xuất từ lòng mến, khi người tu sĩ cảm thấy trong lương tâm có điều gì mâu thuân với những gì đã được truyền dạy thì họ phải tự do trình bày vấn đề, sau khi thổ lộ trước sự hiện diện của Chúa. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, họ nên chấp nhận những gì đã được quyết định vào giờ phút cuối cùng.

3. “Phát huy mọi khả năng và sức lực của tu sĩ”


Sự vâng phục của tu sĩ phải trở thành niềm vui, được cam kết và thực hành trong kỷ luật. Một tu sĩ chỉ thi hành những gì họ được giao phó không thôi thì chưa đủ. “Siêng năng” trong sự vâng phục đòi hỏi mỗi tu sĩ phải đóng góp mọi năng lực cá nhân để thi hành nhiệm vụ đã được trao cho họ.

Bất cứ lúc nào người tu sĩ đón nhận sứ vụ, cho dù là phục vụ anh em, phục vụ công việc của Giáo hội, hay phục vụ tha nhân, thì họ phải đặt tất cả tâm trí vào việc đó và cống hiến cho sứ vụ bằng tất cả đặc sủng của mình. “Hãy làm cho tài năng và sức lực của họ trổ sinh hoa trái” là một đòi hỏi cần thiết. Các tu sĩ phải vượt qua những mỏi mệt, thất vọng để tiếp tục “đi đến cùng” cuộc hành trình. Thế nhưng, sự thể hiện này “không thể được” đối với những kẻ chỉ nói xuôi bề ngoài, đó là sự vâng phục giả tạo. Kiểu vâng phục này phá vỡ động lực của các cộng đoàn chúng ta. Thà thẳng thắn tứ chối trách nhiệm hay sứ vụ ngay từ đầu còn hơn là “tỏ vẻ vâng lời bề ngoài như thế”. Tu sĩ còn đang có trách nhiệm mà không dồn hết “năng lực” cho bổn phận ấy thì đó chưa phải là vâng phục.

4. Sẵn sàng cho sứ vụ 


Vâng phục phải được hiểu là luôn sẵn sàng để được sai đi bất cứ nơi đâu trên thế giới. Có hai điều kiện để được sai đi truyền giáo: đó là sự tự do cả về con người và vật chất và sẵn sàng với bất cứ sứ mạng nào mà các bề trên trao phó cho các tu sĩ.

Trong bối cảnh này, hội dòng đúng là một tập thể sẵn sàng cho sứ vụ. Bất cứ lúc nào, nhiệt huyết ra đi của nhà truyền giáo cũng sẵn sàng. Khi quyết định sai đi, các bề trên có thể hy vọng vào sự vâng phục của mỗi thành viên trong hội dòng.

Vâng phục trong sứ vụ sẽ hoàn thiện con người chúng ta. Đây là niềm vui lớn lao và là chân trời bao la của vâng phục tu trì. Đó cũng là cơ cấu, trong đó tác vụ quyền bính trong các hội dòng phải được thiết lập. Các bề trên phải vâng nghe lời mời gọi cấp bách của sứ mạng đã bắt nguồn từ truyền thống, và phải đặt các hội dòng và nhân sự của họ trong trạng thái sẵn sàng đáp ứng ngay những nhu cầu của sứ vụ.
Việt Dũng chuyễn ngữ
---------------------
[1] Tiếp đầu ngữ hyp- chỉ thái độ quy phục một mệnh lệnh, một khuynh hướng quy phục bên trong. 
[2] “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói” (Gr 1, 7) 
[3] L. Espinel, art., “Vâng phục. Nền tảng Thánh Kinh”, trong Từ điển thần học về Đời sống thánh hiến, tr.1176. 
[4] Đây là nguồn gốc sâu xa nhất của lời khấn vâng phục: chứng tỏ rằng một người trở thành “con của Thiên Chúa” là do sẵn sàng hiến dâng mạng sống cho mục đích và thánh ý của Người: “Lời khấn vâng phục nhằm để định hướng toàn bộ sự hiện hữu và đời sống của một người nào đó, tâm hồn của một người nào đó; điều này trong Đnl 6, 5 có nghĩa là sự sống, là nguyên tắc sống, nhưng điều này bao gồm sự thật về cuộc sống của một người, tuổi đời của một người, những tháng ngày trong đời sống của một con người cho đến lúc chết. Trung thành với khuynh hướng này có thể dẫn đến cái chết như cái chết của Đức Giêsu và nhiều Kitô hữu khác. Sự trung thành này, yêu mến Thiên Chúa hơn chính mạng sống của mình là một đòi hỏi của Đức Giêsu, Đấng đã xin tuổi đời dù nó vẫn cứ đến, nhưng trong những trường hợp đặc biệt Người xin toàn bộ đời sống của con người” (Espinel, art, sđd, tr. 1178). 
[5] Xc. H. Ursvon Balthasar, Gli Stati di Vita del Cristiano, Jaca Book, p. 223 
[6] Thật là thú vị khi để ý thấy rằng, văn cảnh cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Mẹ Người trong đời sống công khai (Lc 8, 19-21) là dụ ngôn người đi gieo giống (Lc 8, 5-15). Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu kết luận bằng những lời: “Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả” (Lc 8, 15). Trong một nơi khác, thánh Luca nói về Đức Maria: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi lời ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Ngoài ra, Người còn nói thêm rằng: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả nhưng điều ấy (dietêrei panta ta rhêmata) trong lòng” (Lc 2, 51). 
[7] Tekna hypakoês, 1 Pr 1, 14. 
[8] Phần mở đầu và phần kết thúc trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô nói về “sự vâng phục của đức tin” (Rm 1, 5; 16, 26). Điều này có nghĩa là một sự cam kết, một ý định tham dự. 
[9] H. Urs von Halthasar, sđd, tr. 189. 
[10] Xc. PC 14a. 
[11] Xc. D. Solle, Fantasia e obbedienza, Morcelliana, Brescia 1970. 
[12] Khi chúng ta nói “toàn thể” hay “tất cả”, là chúng ta cũng nói đến hội dòng của cha anh đã để lại cho chúng ta “gia sản thiêng liêng” này.