(Thời sự Thần học – Số 20 – Tháng 6/2000, tr. 7-22)
Kinh thánh vừa che giấu vừa mạc Khải sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa, và được xếp vào hàng các Bí tích. Như Hình Bánh và Hình Rượu che khuất mắt chúng ta sự hiện diện của Ngôi Lời, và cùng lúc, mạc khải cho chúng ta sự hiện diện này, thì Lời Chúa cũng vậy. Do đó, trong bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, còn trong bàn tiệc Lời Chúa, chúng ta đi tìm lương thực bồi dưỡng đời sống tâm linh.
Mở sách Kinh thánh và hãy nhìn thấy duy nhất một mình Chúa Giêsu. Chúa Thánh Linh thúc đẩy chúng ta mở Nhà Tạm Kinh Thánh. “Không nên xem sách Kinh thánh như là một cuốn sách, cho dù là sách thiêng liêng, nhưng phải xem sách Kinh thánh như là một Nhà Tạm, một nơi ưu tiên để gặp gỡ “Bạn Tình Chí Ái”. Chính Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta nỗi niềm đói khát Bánh Lời Chúa. Cũng chính Người ban cho chúng ta trí thông minh để hiểu các bản văn Kinh thánh. Một khi chúng ta làm công việc của mình thì Chúa Thánh Linh sẽ tiếp sức và làm cho chúng ta hưởng nếm Lời Chúa êm dịu dường nào! Thánh Linh làm cho Lời Chúa được sinh sản dồi dào trong chúng ta như ngày xưa nơi lòng Trinh nữ Maria vào ngày Lễ Truyền Tin (xem Is 55,10-11).
Như thế, Đọc Lời Chúa tức là tìm kiếm gương mặt Chúa Kitô, trên đó tỏa sáng vinh quang của Chúa Cha” (2 Cr 4,6). Đọc Lời Chúa là con người đáp lại mạc khải Thiên Chúa. Thiên Chúa mạc khải qua việc sáng tạo: sáng tạo là lời của Ngôi Lời; chiêm ngắm việc sáng tạo là một hình thức của việc đọc Lời Chúa. Người còn mạc khải qua các giao ước và qua các ngôn sứ.
Đọc Lời Chúa là truyền thống cổ xưa nhất của các đan viện Kitô. Đọc Lời Chúa có nguồn gốc trong Do thái giáo và trong các cộng đoàn Kitô tiên khởi.
Đọc Lời Chúa là một gia sản của Giáo hội, thừa hưởng từ hội đường Do thái – do đó việc đọc Lời Chúa không dành riêng cho các đan sĩ – nhưng là gia sản của hết mọi người, với tư cách là những người được rửa tội. Cần tái khám phá chỗ đứng của Lời Chúa trong gia sản của chúng ta.
A. ĐỌC LỜI CHÚA TRONG TRUYỀN THỐNG DO THÁI GIÁO
Trong truyền thống Do thái, cuốn TORAH (nghĩa là các sách thánh và lề luật) chiếm một chỗ đứng chính yếu. Chúa Giêsu tự xưng mình là cuốn TORAH bằng xương bằng thịt: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Lề luật có liên hệ mật thiết với Giao ước. Giao ước Núi Sinai là một giao ước phu thê. Lề luật là một món quà cưới Chúa trao ban cho dân Ngài. Lề luật là phong tục tập quán của Chúa, là cách thức để được nhìn thấy Chúa và tác động của Ngài. Tác động của Chúa là lối diễn tả bản thể của Ngài là Tình Yêu. Thánh vịnh 118 là bản tình ca của lề luật, bởi vì lề luật tỏ lộ tấm lòng của Chúa đối với dân Ngài. Học hỏi và nghiền ngẫm Lề luật là phận sự cao đẹp nhất của mọi người Do thái. Đọc Lời Chúa là đi vào mối liên hệ thân tình với Chúa: “Ước gì sách lề luật luôn ở trên môi miệng con: hãy ngày đêm suy gẫm lề luật, hầu có thể hành động như lề luật dạy” (Gs 1,8).
Thế nhưng suy gẫm là gì đối với một người Do thái? Thưa là suy gẫm với miệng, với lưỡi, với môi, với hơi thở, chứ không phải chỉ với đầu óc mà thôi. Suy gẫm tức là lập đi lập lại, là thầm thĩ đọc lại Lời Chúa. Việc đọc Lời Chúa, trong nguồn gốc Do thái, bao gồm chiều kích xã hội: đọc Lời Chúa nơi hội đường hay trong gia đình. Hơn nữa, một phương thế đơn giản để suy gẫm nơi phòng riêng, là làm theo lược đồ của một buổi cầu nguyện Do thái sau đây :
1. Tán tụng
2. Tung hô
3. Cầu xin
4. Kết thúc
I. Đọc Lời Chúa là Suy Gẫm Lời Chúa
Người Do thái suy gẫm Lời Chúa với 3 cách thức cụ thể:
– Đọc thành lời
– Ghi nhớ vào ký ức
– Nghiền ngẫm (suy đi nghĩ lại)
1. Đọc thành lời
Ngay cả khi đọc riêng một mình, cũng phải đọc Lời Chúa to thành tiếng, phát âm rõ ràng, để chẳng những chỉ có mắt làm việc, nhưng cả miệng và tai cũng làm việc nữa. Đây là việc đọc Lời Chúa to tiếng, để chính mình cũng nghe được.
2. Ghi nhớ vào ký ức
Người Do thái học bằng trí nhớ, thuộc lòng tập thánh vịnh. Khi Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, Người dùng thánh vịnh. Từ muôn thuở, thánh vịnh là do ý Chúa Cha muốn và được Chúa Thánh Linh gợi hứng, nhắm đến việc Nhập Thể của Ngôi Lời. Toàn thể tập thánh vịnh hướng chúng ta về Chúa Kitô.
Những thánh vịnh mà Chúa Giêsu đọc thuộc lòng:
Tác giả thư gửi người Do thái đặt vào môi miệng Ngôi Lời nhập thể, câu nói của thánh vịnh 40: “Cha không muốn lễ vật, cũng không muốn hiến vật, nhưng Cha đã tác thành cho con một thân xác” (Dt 10,5). Một lời khác của thánh vịnh 30: “Lạy Cha, Con phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Thánh vịnh 21: Chúa Giêsu đọc thánh vịnh này khi bị treo trên thánh giá, Mẹ Chúa Giêsu và môn đệ dấu ái tiếp tục cầu nguyện thánh vịnh này cho đến cùng. Câu cuối: “Đó là điều Chúa đã làm” có liên hệ với thánh vịnh 117. Chúa Giêsu cất tiếng đọc thánh vịnh 21 để làm lớn mạnh niềm hy vọng Phục Sinh nơi Giáo hội Ngài.
3. Nghiền ngẫm (suy đi nghĩ lại)
Nghiền ngẫm hay nhai lại là một tác động của thân xác: nhai lại một thức ăn đã được đưa vào dạ dày rồi. Ví dụ như con bò nhai lại thức ăn nó đã đưa vào bụng hồi sáng, để ăn lại lần thứ hai.
Lời Chúa một khi được đọc lên và được ghi vào ký ức thì sẽ được bảo tồn trong trí nhớ. Đan sĩ có thể gợi Lời Chúa từ trí nhớ để hưởng nếm lại hương vị của Lời Chúa mà đan sĩ đã từng hưởng nếm. Gợi lại trí nhớ để hưởng nếm Thiên Chúa ngọt dịu dường nào: là nhai lại, là nghiền ngẫm.
Ba yếu tố trên đây của việc “suy gẫm” có thể diễn tả bằng động từ:
- Nói: đọc to tiếng
- Nghĩ: ghi vào ký ức
- Nhớ lại: nghiền ngẫm
Đó là ba giai đoạn cần thiết của cùng một sinh hoạt suy gẫm.
Hơn nữa, nơi hội đường, Lời Chúa được tuyên đọc trong bầu khí lễ nhạc vui tươi. Tập tục hội đường được dùng nhắm mục đích làm hưởng nếm Lời Chúa nơi Giáo hội. Bầu khí lễ lạc vui tươi; dân chúng thi nhau chạm đến ống ghi lề luật; một sức mạnh phát ra từ TORAH để chữa lành.
Đọc Lời Chúa nơi hội đường được tiếp nối trong đời sống thường ngày nhờ việc nghiền ngẫm (NGHĨ) những gì đã nghe (NÓI). Người Do thái có khả năng lắng nghe, (NGHE) giúp nối kết tấm lòng, thể xác và trí tuệ, đó là điều thống nhất mọi khả năng tinh thần. Đọc Lời Chúa góp phần thống nhất toàn hữu thể và khả năng của chúng ta.
Đối với các đan sĩ Qumrân, đọc Lời Chúa là phương pháp chuẩn bị con đường đi vào sa mạc (Is 43). Họ chuyên chăm đọc lề luật và yêu mến lề luật. Các đan sĩ phải thức dậy trong đêm để nghiền ngẫm Lề luật (Kn 6,12-15; Kh 3,20).
II. Ba đức tính cần cho việc Đọc Lời Chúa
Trong truyền thống Do thái, có ba điều buộc gắn liền với việc đọc Lời Chúa:
– Kiên trì
– Khổ chế
– Khiêm tốn
1. Kiên trì
Đây là đức tính quan trọng hàng đầu. Việc biết luôn giữ đúng một giờ giấc nhất định, dù ngắn ngủi, thì việc đọc Lời Chúa chắc chắn sẽ đem lại nhiều kết quả. Hơn nữa, không thể đọc Lời Chúa bất cứ giờ nào và bất cứ chỗ nào.
2. Khổ chế
Thật lòng gạt bỏ một bên tất cả các bận tâm khác, để dành trọn thời giờ cho Chúa. Giờ giấc của cộng đoàn được phân chia với chủ ý đó.
3. Khiêm tốn bên trong
“Con ngợi khen Cha vì đã che giấu những điều ấy với kẻ khôn ngoan và người thông thái, nhưng đã mạc khải cho người bé mọn”… (Mt 11,25)
Đọc Lời Chúa được dành riêng cho những kẻ bé mọn. Sự khiêm tốn tạo nên khoảng trống cần thiết để Lời Chúa gây tiếng vang trong chúng ta.
III. Những lợi ích của việc đọc Lời Chúa theo truyền thống Do thái giáo
a. Việc đọc Lời Chúa trở thành thơm ngon như sữa đối với trẻ sơ sinh (1Pr 2,2). Chính Lời Chúa nuôi dưỡng đời sống tâm linh cho những tâm hồn biết “hưởng nếm”.
b. Lời Chúa thanh luyện con người. Lời Chúa là lửa có sức thanh luyện, giống như bạc nơi lò đúc: “Chúng con được trong sạch nhờ ở những lời thầy giảng dạy” (Ga 15,3). Lời Chúa tẩy rửa, thanh luyện chúng ta. Lời Chúa cho phép tu sửa lại hình ảnh Thiên Chúa nơi chúng ta. Khuôn mặt đích thực của chúng ta chính là khuôn mặt của Chúa Kitô.
c. Lời Chúa làm tăng trưởng và hoạt động cách kín đáo. Chúng ta cảm nhận được sự phong phú vô cùng và nhiệm mầu của Lời Chúa. Khi Thiên Chúa phán bảo thì cùng lúc Ngài cũng tự trao ban. Lời Chúa được tiếp nhận trong đức tin sẽ sinh hoa trái.
Châm ngôn
– Hãy biến Torah thành công việc thường ngày của con.
– Nơi nào học biết nhiều về Torah, nơi đó rất sinh động.
– Kẻ nào tậu được nhiều lời của Torah thì cũng chiếm được cuộc sống vĩnh cửu.
B. TRUYỀN THỐNG KITÔ CỦA VIỆC ĐỌC LỜI CHÚA
Trong thời Giáo hội tiên khởi, các tín hữu tiếp tục truyền thống đã nhận lãnh từ trường dạy Do thái.
Chính Chúa Giêsu đã khởi đầu việc đọc Lời Chúa cho các môn đệ của Ngài: Nơi trình thuật hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13), Chúa giải thích cho họ hiểu Kinh thánh, nghĩa là Ngài dạy cho hai môn đệ, xuyên qua bản văn Kinh thánh, biết “đọc thấy tận bên trong”, biết khám phá ra ý nghĩa sâu xa của Kinh thánh để nhận biết khuôn mặt của Ngài. Điều mà Chúa Giêsu làm nơi bàn ăn: “Ngài cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ”, cũng chính là điều mà Ngài làm trước đó với hai vị trên đường đi. “Thế là mắt họ mở ra”. Một khi Chúa Giêsu biến đi, thì Ngài để lại cho họ Kinh thánh và bánh ăn. Việc hiểu Kinh thánh giúp hai môn đệ nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi Môsê, các tiên tri và các Thánh vịnh. Giáo hội tiên khởi đã sống trong hơi thở của buổi khai mào mầu nhiệm Phục sinh này.
I. Lời Chúa được viết ra là để nghe chứ không phải để đọc
Đối với Thánh Cypriano, thì từ ngữ La tinh “Lectio Divina” ám chỉ cuốn Kinh thánh: “Anh em hãy luôn có sách Kinh thánh trong tay”. Học biết Đọc Lời Chúa tức là học biết Phúc âm.
Thời xưa, người đọc được xem là người phát ngôn của tác giả. Những người đọc trong các buổi phụng vụ là những người “đọc chính Lời Chúa”, họ là những trợ lý của Thiên Chúa.
Khi Lời Chúa được tuyên đọc trong cộng đoàn phụng vụ, thì Chúa Kitô hiện diện thật sự nơi đó. Ngay cả khi chúng ta đọc Lời Chúa riêng một mình, thì cũng có sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô Phục Sinh nữa.
Thánh Cypriano dành một chỗ đứng quan trọng cho việc đọc Lời Chúa. Vào thời các thánh Giáo Phụ, việc đọc Lời Chúa diễn ra trong bầu khí vô cùng trang trọng. Lời Chúa trao ban cùng thông truyền Thiên Chúa và dạy chúng ta biết những sự thuộc về Ngài. Danh từ “Lectio Divina” được dịch ra “Đọc Lời Chúa”, phải được hiểu trong ý nghĩa sống động, nghĩa là, Lời đến từ Thiên Chúa và trao ban Thiên Chúa.
Lời Chúa trở thành sức mạnh khi được viết ra, nhưng Lời Chúa trở nên sống động khi được tuyên đọc, được công bố. Từ ngữ loài người là những chất thể mang Lời Chúa.
Chúng ta có thể so sánh với Bí tích Thánh Thể: Bánh và Rượu là những chất thể, nhưng phần cốt yếu chính là Mình Máu Chúa Kitô. Lời Chúa được viết ra là để nghe chứ không phải để đọc. Nếu chúng ta viết ra Lời Chúa, chính là để chúng ta có thể nghe được Lời Chúa, mà trước hết, Lời Chúa là một sứ điệp. Đọc Lời Chúa riêng một mình cho chúng ta cảm tưởng như là chúng ta đọc Lời Chúa trong một cuốn sách khác. Đọc Lời Chúa là một Bí tích; không nên lẫn lộn với việc đọc sách thiêng liêng. Khi đối diện với Lời Chúa, không nên đặt mình trong địa vị của một nngười đọc, nhưng là một người nghe. Khi chúng ta lắng nghe, thì tâm lòng chúng ta được mở rộng hơn để tiếp nhận Lời Chúa, tiếp nhận chính Thiên Chúa.
Kết quả đầu tiên của Lời Chúa chính là:
* Ơn thống hối: “Nghe những lời đó, ai nấy đều hết sức cảm động” (Cv 2,37)
* Thái độ sẵn sàng: “Họ hỏi Phêrô và các Tông đồ: Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?”.
* Ơn hoán cải đời sống.
II. Đọc Lời Chúa và đời sống thiêng liêng trong truyền thống Kitô giáo
1. Philoxène de Mabbourg qua đời năm 450 là người sống đồng thời với thánh Biển Đức. Ngài là đan sĩ, sau làm Giám mục. Philoxène trình bày cho chúng ta quy luật khi đọc Phúc âm:
* đặt tầm quan trọng nơi thị giác,
* với sự đóng góp của toàn thân thể.
Như thế, Đọc Lời Chúa bao trọn mọi chiều kích của con người:
– Khi “đọc” (lectio), mắt nhìn bản văn và tai nghe Lời Chúa
– Khi “suy gẫm” (meditatio), trí thông minh được tận dụng
– Khi “cầu nguyện” (oratio), tinh thần bày tỏ cùng Thiên Chúa
– Khi “chiêm ngắm” (contemplatio), Thiên Chúa bày tỏ cùng linh hồn.
Việc đọc Lời Chúa thống nhất toàn hữu thể con người, bởi vì toàn thể hữu thể con người đều góp phần vào việc đọc Lời Chúa. Các năng lực cảm nghiệm và tri thức đều được dùng trong lãnh vực thiêng liêng để được Thiên Chúa Ba Ngôi chiếm giữ.
2. Một số vị Thánh tiêu biểu trong việc “hưởng nếm Lời Chúa”
a. Theo thánh Antôn, việc suy gẫm riêng chuẩn bị cho việc tham dự phụng vụ và được kéo dài trong cô tịch. Thánh Antôn, sống vào năm 320, là một mẫu mực cho cuộc sống đan tu. Ngài là Thánh Phụ của các đan sĩ Đông phương. Thánh nhân suy gẫm Lời Chúa để chuẩn bị tham dự phụng vụ. Một ngày, khi đi đến nhà thờ, thánh nhân suy gẫm đoạn sách Tông đồ Công vụ kể lại chuyện các tông đồ từ bỏ tất cả để bước theo Chúa Kitô. Khi Thánh nhân bước vào cộng đoàn thánh, đúng lúc đang đọc đoạn Phúc âm nói về người thanh niên giàu có. Ngài nghe câu Chúa phán: “Nếu con muốn nên trọn lành, hãy bán tất cả và theo ta”. Thánh Antôn tiếp nhận lời này, như Lời Chúa Giêsu đặc biệt phán riêng cho Ngài. Sau buổi phụng vụ, thánh nhân liền thi hành từng chữ của lệnh truyền: hãy bán tất cả. Sau đó thánh nhân rút lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện, thể theo lời khuyên của Thánh Phaolô là phải cầu nguyện không ngừng.
b. Thánh Bênađô. Thánh Bênađô “trú ngu” nơi Kinh thánh: Ngài cử động trong Kinh thánh, sống trong Kinh thánh; Ngài sống vì Kinh thánh và muốn cho người khác cũng sống Kinh thánh. Thánh nhân là người của Kinh thánh tuyệt hảo.
c. Thánh Guillaume de Saint - Thierry. Thánh Guillaume khuyên nên đọc Kinh thánh có quy củ theo giờ giấc nhất nhất định. Ngài đề nghị nhớ thuộc lòng một đoạn Kinh thánh, và chú ý cách riêng đến một số đoạn Kinh thánh để làm cho linh hồn quen thuộc với những đoạn Kinh thánh này. Thánh Guillaume không thể hàn huyên đề tài nào khác ngoài đề tài Kinh thánh. Giấc ngủ của ngài như được ru bằng Kinh thánh.
d.Thánh Goswin. Đối với Thánh Goswin thì Lời Chúa là phương thuốc chữa trị nỗi buồn. Lời Chúa đúng thật là một phép trị liệu hữu hiệu. (chữa bệnh bằng Lời Chúa).
e. Thánh nữ Gertrude. Chính Chúa Giêsu dạy Thánh nữ Gertrude cách thức đọc Lời Chúa :
* Đọc: “Đọc trình thuật cuộc khổ nạn”.
* Suy xét: “Khảo sát với trọn lòng yêu mến”. Điều Chúa dạy Thánh nữ phải tìm kiếm trong Lời Ngài chính là tình yêu.
* Viết: “Hãy viết Lời Ta”. Điều gì được viết ra thì được ghi vào trí nhớ và vào con tim. Khi việc đọc Lời Chúa trở nên khô khan thì cách đơn giản nhất là chép lại bản văn.
* Giữ lại: “Hãy giữ lại Lời Ta”. Lc 2,19: “Phần Maria, Bà ghi nhớ tất cả những biến cố đó và suy gẫm trong lòng”.
* Lập lại: “Hãy thuờng xuyên lập lại trong con những Lời Ta nói”. Giống như ru Lời Chúa trong lòng.
g. Marie de L’Incarnation. Marie kết nối động tác ngây ngất của Ngôi Lời vào nội tâm Ba Ngôi Thiên Chúa: ra khỏi chính mình để gặp gỡ người khác. Kinh nguyện Kitô là một đà tiến đến người khác: đó là cuộc sống của Ngôi Lời trong vòng tay Chúa Thánh Linh. Chỉ có một người cầu nguyện: đó là Chúa Kitô trong Chúa Thánh Linh.
Nơi Marie sống hôn ước với Ngôi Lời qua việc sống Lời Chúa, bà đến với Ngôi Lời.
Nơi Marie, việc hiểu biết Lời Chúa phát xuất từ ba nguồn gốc – ba nơi gặp gỡ với Ngôi Lời qua Lời Ngài:
* Phụng vụ Thánh
* Bài giảng
* Đọc riêng Lời Chúa
Lời Chúa tác động và tăng thêm đức tin, đức cậy và đức ái. Nơi Marie, hiểu biết đi đôi với tình yêu. Hiểu biết Kinh thánh phát sinh tình yêu. Lời Chúa là Bí tích của những tác động thầm kín Chúa thực hiện nơi Marie. Lời Chúa gây năng động: Chúa hành động qua lời nói. Lời Chúa dẫn đến việc chiêm niệm được diễn tả bằng lời. Lời Chúa thông truyền cho Marie đặc sủng của sự thần bí: Lời mà Marie sẽ biết giải thích nhằm mục đích đưa người khác đến kinh nghiệm về Thiên Chúa.
“Khi nghe lời Kinh thánh, dường như tôi có cảm tưởng: quả tim tôi trở thành một cái bình, và Lời Chúa như chất lỏng đổ vào bình. Không phải là trí tưởng tượng bịa đặt ra, nhưng là sức mạnh của Thần Linh Chúa nơi Lời này, qua dòng thác ơn thánh, gây nên hiệu quả đó trong tâm hồn tôi. Một khi linh hồn nhận dồi dào sự sung mãn này, nó liền thổ lộ ra với Thiên Chúa trong cầu nguyện; và đôi lúc, tôi phải dùng lời nói để diễn tả ra bên ngoài, bởi vì tự bản chất tôi, tôi không thể nào chứa nổi sự phong phú này: đó là điều tôi từng làm với Chúa với trọn nhiệt tâm, và với những người trong nhà chúng tôi”.
Marie de L’Incarnation nhận được hồng ân thần bí từ Kinh thánh; bà là người tiếp nối các Giáo Phụ.
h. Theo Jean Monbaer, từ thế kỷ 16, việc Đọc Lời Chúa bắt đầu được hệ thống hóa.Một tiến trình đọc Lời Chúa bao gồm các yếu tố sau :
* Certa (nhất định): thời giờ và nơi chốn nhất định.
* Attenta (chú ý): không đọc nhanh, cũng không đọc hời hợt, nhưng vừa đọc vừa chú ý đến chiều sâu của bản văn.
* Devota (sốt sắng): chen lẫn với tâm tình dâng lên Chúa, nghĩa là linh hồn nói chuyện tâm tình với Chúa: l’oratio (cầu nguyện).
* Sonora (âm giọng): đọc thành lời. Chúng ta tiếp cận Lời Chúa như sứ điệp chứ không như bản văn.
* Modesta (khiêm tốn): đọc ít nhưng nghiền ngẫm thật kỹ những gì đã đọc.
C. ĐỌC LỜI CHÚA
Phần này trình bày những yếu tố liên quan đến việc Đọc Lời Chúa:
I. Đọc gì ? Đọc khi nào? Đọc ở đâu ?
1. Đọc gì? Khuyên nên theo sách bài đọc Phụng vụ và đọc bản văn (Phúc âm) do Giáo hội chọn cho chúng ta ngày hôm đó… Hoặc là đọc sách Kinh thánh theo thứ tự từ đầu đến cuối (chẳng hạn vào dịp tĩnh tâm).
Việc tuân theo bản văn của sách bài đọc Phụng vụ giúp chúng ta có được sự liên tục trong việc đọc Lời Chúa và tránh rơi vào khuynh hướng chủ quan, chỉ muốn chọn đọc bản văn ưa thích, hoặc nghĩ là mình cần đến. Tự đặt mình giữa lòng Giáo hội sẽ tránh cho chúng ta nguy cơ của khuynh hướng chủ quan.
Đôi khi một bản văn Phụng vụ có thể là rất khô khan, tuy nhiên với đức tin, chúng ta biết rằng Ngôi Lời thông truyền và chiếu tỏa trên chúng ta một cách kín đáo. Đây là lúc đánh thuốc mê: chúng ta chỉ có nhiệm vụ nằm yên trên bàn mổ.
2. Đọc Lời Chúa khi nào?
Điều quan trọng là phải cần mẫn, kiên trì. Phải tận hiến thời gian tốt đẹp nhất cho việc đọc Lời Chúa. Có những khoảng thời gian dễ tìm thấy sự thinh lặng hơn những lúc khác. Chẳng hạn như : ban đêm, sáng sớm, chiều tối… Enzo nói: “xếp đặt thời khóa biểu tùy ý con, điều quan trọng là phải luôn luôn trung thành tuân giữ thời giờ đã định này. Không nên đi cầu nguyện với Chúa, chỉ khi nào con thấy có một khoảng trống rảnh rỗi giữa những công việc thường ngày của con”. Ngày chúa nhật là ngày tuyệt hảo nhất (lý tưởng nhất) cho việc đọc Lời Chúa .
Điều quan trọng là phải cần mẫn, kiên trì. Phải tận hiến thời gian tốt đẹp nhất cho việc đọc Lời Chúa. Có những khoảng thời gian dễ tìm thấy sự thinh lặng hơn những lúc khác. Chẳng hạn như : ban đêm, sáng sớm, chiều tối… Enzo nói: “xếp đặt thời khóa biểu tùy ý con, điều quan trọng là phải luôn luôn trung thành tuân giữ thời giờ đã định này. Không nên đi cầu nguyện với Chúa, chỉ khi nào con thấy có một khoảng trống rảnh rỗi giữa những công việc thường ngày của con”. Ngày chúa nhật là ngày tuyệt hảo nhất (lý tưởng nhất) cho việc đọc Lời Chúa .
Cần phải có nhiều can đảm và táo bạo để có thể tổ chức đời sống riêng tư của chúng ta. Về việc đọc Lời Chúa thì các Giáo phụ nói là, phải dành ra thời gian ít nhất một giờ đồng hồ.
3. Đọc Lời Chúa nơi nào?
Phòng riêng là nơi chốn kết hợp thân mật với Ngôi Lời. Phòng riêng là nơi Thánh, là đền thờ trơ trụi… Khi cầu nguyện, cần biết nhìn nhận sự yếu đuối của mình và dùng những phương tiện nhỏ có thể giúp chúng ta, như một bức ảnh (icône), một cây Thánh giá, một ngọn nến thắp sáng. Căn phòng riêng là nơi chốn ưu tiên để hưởng nếm sự hiện diện của Chúa. Căn phòng riêng còn được xem như sa mạc, nơi Chúa nói chuyện với tâm hồn. Lời Chúa là bánh nuôi sống chúng ta trong sa mạc khô cằn. Trong sa mạc này, thường có thể có hai chước cám dỗ: một là trốn tránh, hai là chất đầy khoảng trống sa mạc. Ngoài ra còn có nguy cơ bám víu làm hư hại sa mạc của căn phòng riêng chúng ta. Do đó cần biết ở lâu trong sa mạc, một mình trong thinh lặng, với cuốn Kinh thánh và tự đặt mình dưới cái nhìn của Chúa Kitô.
II. Đọc Lời Chúa như thế nào?
Trình tự của việc đọc Lời Chúa:
Trình tự của việc đọc Lời Chúa:
– Đọc (lectio)
– Suy gẫm (meditatio)
– Cầu nguyện (oratio)
– Chiêm ngắm (contemplatio)
Tuy nhiên, cần thêm một vài yếu tố phụ nữa. Cha Lacordaire nói: “Hãy quỳ gối và hôn kính sách Kinh thánh với lòng yêu mến, trước và sau khi đọc Lời Chúa”.
Hãy kêu cầu Chúa Thánh Linh, anh chị em sẽ nhận được ánh sáng. Luôn luôn bắt đầu buổi đọc Lời Chúa với lời kêu khẩn Chúa Thánh Linh, xin Ngài đến để biến đổi việc đọc Lời Chúa thành một hiệp thông với Ngôi Lời.
1. LECTIO
Đọc to tiếng bản văn Kinh thánh, không phải một lần, nhưng nhiều lần. Đọc chậm rãi, kính cẩn với trọn con người của chúng ta, khiến chúng ta đi vào mối hiệp thông với Thiên Chúa. Đọc Lời Chúa trước tiên là lắng nghe Lời Chúa, nên nhớ rằng, Lời Chúa là để nghe chứ không phải để đọc. “Ước gì việc đọc Lời Chúa của con trở thành lắng nghe và việc lắng nghe trở thành tuân phục”. Phải tước bỏ mọi thành kiến để lắng nghe, thế nào cho bản văn Kinh thánh có thể nói với chúng ta cách khách quan, chứ không phải nói với chúng ta điều chúng ta muốn nó nói. Lời Chúa luôn sống động và thời sự, lời nói với tôi ngày hôm nay đây: “Hôm nay, chúng ta đừng đóng kín cửa lòng”. Hãy đi đọc Lời Chúa với con tim mới mẻ. Hãy để cho Chúa được hoàn toàn tự do làm theo ý Chúa muốn. Thánh Jérôme nói: “Hãy căng buồm cho Chúa Thánh Linh mà không biết sẽ cập đến bến bờ nào”.
2. MEDITATIO
Việc suy gẫm Lời Chúa phải hướng đến tình yêu: hiểu biết để yêu mến. “Suy gẫm tức là tìm kiếm vị ngọt của Kinh thánh, chứ không phải tìm kiếm khoa học”. Tìm kiếm Chúa Kitô trong chữ viết của bản văn được linh ứng, để khám phá ra Tình Yêu Thiên Chúa, hưởng nếm tình yêu này và kết hiệp với Chúa.
Khám phá con tim Chúa trong Lời Chúa: đó là điểm lạ lùng nhất trong mọi lời được linh ứng, chính là lúc mở rộng con tim chúng ta, con tim do Chúa làm, để Ngài chạm đến và biến đổi nó.
Lấy ví dụ suy gẫm trong lúc đi dạo. Suy gẫm như thế cho phép chúng ta được dừng lại lâu hơn nơi một chữ, một câu nào đó. Đọc đi rồi đọc lại những đoạn văn làm cho chúng ta chú ý, làm như là chúng ta ru ngủ nó để nó thấm nhập vào trí nhớ của con tim. Thánh Ambrosio viết: “Mỗi khi tôi đọc Kinh thánh, thì Chúa dạo chơi với tôi trong thiên đàng”.
Issac thành Ninivê dạy chúng ta rằng: “Khi suy gẫm, Lời Chúa trở thành một hương vị ngọt ngào trong miệng, khiến chúng ta có thể lập đi lập lại ngàn vạn lần mà không cảm thấy nhàm chán”. Chúng ta cứ dừng lại nơi một đoạn văn Kinh thánh và không đọc thêm một đoạn nào khác. Chúng ta không cần làm gì khác ngoài việc suy đi gẫm lại đoạn văn đó, đào sâu nó, bằng cách nói thầm thì mãi một lời một câu thôi. Làm như thế tức là để cho Lời Chúa nói riêng với tôi, hay nói đúng hơn, là chính Chúa nói với tôi, và Lời Chúa nói với tôi, tra vấn những điều mà hôm qua, cũng một lời này, đã không nói cũng không tra vấn tôi.
Nghiền ngẫm Lời Chúa trong lòng con: tức là kéo dài việc suy gẫm Lời Chúa. Tác động suy đi gẫm lại có hiệu quả làm cho hoàn hảo việc thấm nhuần Lời Chúa và lưu giữ nơi trí nhớ của tâm hồn, trước sự hiện diện của Ngôi Lời. Việc suy đi gẫm lại này cũng có thể làm suốt ngày, chứ không phải chỉ làm trong lúc đọc Lời Chúa mà thôi.
Đặt chung nhiều bản văn Kinh thánh lại với nhau: Nên trải dài sứ điệp của một đoạn văn sang nhiều đoạn văn khác, có liên hệ với sứ điệp của bản văn Phụng vụ ngày hôm đó, bởi vì chính Lời Chúa giải thích cho Lời Chúa. Chúng ta có thể đọc những đoạn văn tương tự và xem các điểm chú thích. Nhưng luôn giữ tâm trí trong bầu khí cầu nguyện và thờ lạy, bởi vì buổi đọc Lời Chúa không phải là buổi học hỏi Lời Chúa.
3. ORATIO
Bản văn Kinh thánh biến thành kinh nguyện nơi chúng ta, như một tia lửa làm bùng cháy ánh sáng trong tâm hồn. Thánh Bênađô viết: “Nếu tôi cảm thấy tâm trí tôi mở rộng cho việc hiểu biết Kinh thánh; hay có những lời lẽ khôn ngoan tuôn trào dồi dào tự đáy lòng tôi; hoặc một luồng sáng rực rỡ tỏ lộ cho tôi những mầu nhiệm; hoặc trời cao mở rộng cung lòng để tuôn đổ trên tôi dồi dào ơn mưa móc của việc suy gẫm, thì tôi chắc chắn rằng, Đức Lang Quân tôi đã đến”.
Việc suy gẫm khơi nguồn nơi chúng ta lòng ao ước. Lời Chúa xuống trong lòng tôi, rồi từ lòng tôi phát đi và trở về với Chúa dưới hình thức lời cầu nguyện. “Khi con đọc, chính là Chúa nói với con; khi con cầu nguyện, là con nói chuyện với Chúa”. Hai hành động song đôi của việc Nhập Thể (Chúa Kitô đến với chúng ta, rồi trở về cùng Thiên Chúa) hoàn tất cách rõ ràng minh bạch nơi việc đọc Lời Chúa. Trước tiên Lời Chúa đến với chúng ta và chúng ta tiếp nhận Lời Chúa, rồi Lời Chúa trở thành sự sống và ánh sáng cho chúng ta – đó là việc đọc và suy gẫm Lời Chúa – rồi chỉ sau đó, chúng ta mới được Lời Chúa hướng dẫn đến với Chúa Cha – đó là việc cầu nguyện. Từ đó, trong khi đọc và sau khi đọc Lời Chúa, nó trở thành buổi tán tụng ngợi khen Chúa: linh hồn chấp thuận ơn nhận từ Lời Chúa và tỏ lộ tâm tình ngưỡng mộ: đó là lời đáp của linh hồn. “Ngôn ngữ của Ngôi Lời là tuôn đổ ơn lành, còn lời đáp của linh hồn là lòng ngưỡng mộ chen lẫn với tâm tình tạ ơn”.
Lời kinh cám tạ, cầu xin; lời kinh của người nghèo biết chắc sẽ được lắng nghe, nhậm lời. Tin rằng Chúa có thể thực hiện nơi chúng ta vẻ đẹp mà Ngài chỉ cho chúng ta thấy. Người ta có thể nói gì về lời nguyện – chiêm ngắm – ở cuối buổi đọc Lời Chúa, nếu không phải là: lời cầu nguyện giống như bụi gai nóng trong đám lửa cháy sáng ?
4. CONTEMPLATIO
Đây là lúc Thiên Chúa tỏ tình với chúng ta: ân huệ phát xuất từ tình yêu và cho chúng ta được hưởng nếm hương vị ngọt ngào của Chúa. Linh hồn chìm ngập trong Chúa. “Không ai có thể nhìn chúng ta, cũng không còn xúc động của lời cầu nguyện; trước mặt chúng ta chỉ còn có khuôn mặt của Chúa Kitô và trong ánh sáng của Chúa, chúng ta chiêm ngưỡng ánh sáng của Thiên Chúa Cha. Thân xác chúng ta đó, nhưng chúng ta không cảm thấy sức nặng của nó; chúng ta không nhận thấy, nhưng quả thật chúng ta đã được biến đổi nên giống hình ảnh Đấng chúng ta chiêm ngưỡng, mỗi lúc một sáng láng hơn (2 Cr 3,18). Khuôn mặt không che giấu, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa Kitô và trở nên một với Ngài” (Enzo).
Đọc Lời Chúa đặt tôi trước sự hiện diện của Lời như trước tấm gương soi. Càng đặt mình trước Lời Chúa, con người càng phản chiếu Lời Chúa giống như trước tấm gương soi. Phơi mình trước các tia sáng rực rỡ của Lời Chúa sẽ làm cho tôi sạm nắng và tiêu hủy tất cả những gì xấu xa trong tôi.
Không có chiêm nghiệm nếu không có Kinh thánh. Chính Kinh thánh cho chúng ta được bảo tồn đời sống kết hợp với Thiên Chúa. Thánh Bênađô nói: “Nếu anh em tuân giữ Lời Chúa, chắc chắn anh em sẽ được Lời Chúa gìn giữ. Và con Thiên Chúa sẽ đến với anh em cùng với Cha Ngài”.
Điều quan trọng là kết thúc buổi đọc Lời Chúa bằng lời nguyện cảm tạ và ngợi khen.
KẾT THÚC: SÁNG DANH CHÚA CHA, CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN
“Anh em đang ở vườn Kinh thánh, ngày đêm anh em chăm lo suy gẫm Luật Chúa. Sách anh em đọc cũng nhiều bằng số lượng vườn tược anh em rảo qua và tư tưởng anh em kín múc nơi sách vở cũng sẽ sinh nhiều hoa trái như hoa trái trong vườn anh em chăm sóc. Phúc cho ai biết để riêng trái cũ và mới, lời của các tiên tri, của các Phúc âm gia, các tông đồ, làm thế nào để trong mỗi người trong anh em được ứng dụng lời của hiền thê nói với lang quân mình rằng: “Hỡi bạn tình dấu ái của em, em đã giữ riêng cho anh mọi hoa trái cũ và mới của em”. Vậy thì anh em hãy thăm dò Kinh thánh. Anh em có lý để tin rằng Kinh thánh tích chứa sự sống, bởi vì anh em chỉ tìm kiếm nơi Kinh thánh những gì Kinh thánh làm chứng về Chúa Kitô. Ôi phúc thay những ai biết đào sâu chứng từ về Chúa Kitô và thật lòng tìm kiếm chứng tá ấy! Lạy Chúa, những chứng từ về Chúa thật tuyệt diệu: do đó hồn con cố gắng đi sâu vào các chứng từ này. Cần phải đào sâu các chứng từ, không phải chỉ để diễn tả ý nghĩa mầu nhiệm, nhưng còn để rút ra những bài học luân lý. Chính vì thế, anh em là những người đang rảo quanh khu vườn Kinh thánh, anh em đừng đi qua cách vội vã, cách hững hờ, nhưng hãy đào sâu từng chữ để rút ra được ý nghĩa thật của nó. Hãy bắt chước con ong, biết cần mẫn rút tỉa từng nhụy hoa chất liệu để làm nên mật. Chúa Giêsu phán: “Tinh thần ta êm dịu hơn mật ong và gia sản ta thơm ngon hơn áng mật”. Một khi được hưởng nếm hương vị ngọt ngào của bánh manna khuất ẩn, anh em sẽ yêu thích lập lại lời của vua Đavít: “Lời Chúa thật êm ái nơi môi con ! Lời Chúa nơi miệng con thật ngọt ngào hơn cả áng mật” (Guerric d’Igny)