Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

MỘT MẪU LECTIO DIVINA: KHẢI HUYỀN 10, 7-10

(Thời sự Thần học – Số 20 – Tháng 6/2000, tr. 64-70)

Cuộc chiến cánh chung thứ hai (Kh 20,7-10)

  • 7- Hết một ngàn năm ấy, Satan sẽ được thả ra khỏi ngục. 
  • 8- Nó sẽ ra đi mê hoặc các nước ở khắp bốn phương thiên hạ là Gốc và Magốc, và tập hợp chúng lại để giao chiến; số chúng nhiều như cát biển. 
  • 9- Chúng tiến lên lan tràn khắp mặt đất, bao vây doanh trại dân thánh và Thành đô được Thiên Chúa yêu chuộng. Nhưng có lửa từ trời rơi xuống thiêu hủy chúng. 
  • 10- Ma quỷ, tên mê hoặc chúng, bị quăng vào hồ lửa và diêm sinh, ở đó có Con Thú và tên ngôn sứ giả; và chúng sẽ bị làm khổ ngày đêm đời đời kiếp kiếp._______
I. LECTIO

1 – Từ ngữ

Kh 20,7-10 thuộc về sách Khải huyền, tác phẩm cuối cùng trong bộ Tân ước. Khải huyền hay những thị kiến lạ thường có liên quan đến những điều không được nhìn thấy, không được nghe thấy một cách bình thường. Sách Khải huyền trình thuật lại cùng những biến cố, nhiều lần khác nhau, với những giải thích khác nhau. Đoạn văn chúng ta nói ở đây mạc khải các mầu nhiệm có liên quan đến thế giới của Thiên Chúa trong tương lai. Đoạn này nói đến các ác thần vào thời kỳ cuối của ngàn năm, nhưng được phân tích bởi nhiều cách khác nhau. Từ ngữ được lưu tâm đến trong đoạn này là: Satan, lửa và thành đô Thiên Chúa.

A – Satan: Đó là một chủ thể. Vào cuối ngàn năm, Satan được thả ra khỏi ngục và nó lại hoành hành khắp nơi. Từ ngữ Satan có gốc từ tiếng “Satanas”, Hy lạp, nghĩa là tên đối nghịch, thủ lãnh của các thần khí xấu. Satan như con người hay là tên đối nghịch thâm căn cố đế với Thiên Chúa và đức Kitô. Từ đó, từ ngữ Satan thường được dùng để nói về thủ lãnh tội ác trên trái đất, người nắm giữ những tội lỗi to lớn nhất. Theo nghĩa này, hết một ngàn năm ấy, Satan đã bị buộc vào một hố thẳm, rồi được thả ra, và được phép để hủy diệt thế giới vào thời gian cuối cùng này.

B – Lửa: Lửa phát xuất từ tiếng Hy lạp Geena, nghĩa là địa ngục hay là lửa địa ngục. Nó cũng có nghĩa là Gehenna (của lửa), thung lũng Hinnon miền nam Giêrusalem, nơi đầu tiên được dùng để vứt các xác chết và các thú vật bị thiêu hủy. Cùng với nghĩa trên, nó còn có nghĩa nói về lời ngôn sứ trong tương lai. Đó cũng là nơi ở dành cho Satan, nơi hố lửa giam giữ Satan, nó cũng liên quan đến các dấu chỉ cánh chung hay phán xét, là những dấu chỉ rất thường có trong sách Khải huyền.

C – Thành đô: Thành đô của Thiên Chúa là nơi Thiên Chúa yêu chuộng, nơi Lời của Người được mạc khải. Nhà của Thiên Chúa ở trên trời, nơi thành đô. Từ ngữ Trời phát xuất từ tiếng Hy lạp Ouranios nghĩa là thuộc về trời hoặc ở hay đến từ trời. Như thế, trời là một khoảng không gian, một nơi chốn. Từ ngữ này cho chúng ta thấy rằng trời không chỉ là một hiện tượng tự nhiên, không thể giải thích được, nhưng còn là một quan niệm thần học. Trong Khải huyền 20,7-10, từ ngữ thành đô hay trời là một từ ngữ rất quan trọng, bởi vì Thiên Chúa ngự ở trên trời, đồng thời quan sát toàn thế giới của Người.

Ba từ ngữ trên giúp chúng ta hiểu đoạn văn này hơn. Chúng cho chúng ta thấy tác giả đang cố gắng trình bày cho chúng ta đề tài “Cuộc cánh chung thứ hai”.

2 – Cú pháp (xc.Dàn bài của sách Khải huyền)

Sách Khải huyền, mạc khải những bí mật về trời và đất trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Từ ngữ Khải huyền phát xuất từ tiếng La tinh Apocalipsis nghĩa là mạc khải hay vén mở những gì trước kia bị giấu ẩn. Đó là một thể văn đa phức, cho thấy nhiều cách giải thích khác nhau cho cùng các biến cố. Nó mang lại sứ điệp của trời cao, nói về vương quốc của Thiên Chúa trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó cũng là lời ngôn sứ, như là các sứ điệp gởi cho bảy giáo đoàn. Đó cũng là thể văn thư tín, như là cách thức mở đầu thư tín thời bấy giờ. Đàng khác, nó cũng là một vở kịch, đặc biệt theo lối bi kịch Hy lạp, bởi vì nó gây nên nỗi sợ hãi. Nó nhấn mạnh đến những nguy hiểm của thế giới này, trong khi phác hoạ nỗi khủng khiếp của thế giới sắp tới, vì con người không trung thành với Thiên Chúa. Đoạn văn này cũng mang lại niềm hy vọng cho các kitô hữu bị bách hại dưới thời Rôma, đồng thời tác giả cũng cố gắng phục hồi đức tin của họ. Trong sách Khải huyền, việc lặp đi lặp lại các con số là một vấn đề. Sách Khải huyền được viết với ngôn ngữ biểu tượng, do đó không dễ để giải thích. Cấu trúc của sách Khải huyền khác hẳn các sách khác trong bộ Kinh thánh.

3 – Văn mạch và ngữ cảnh

Không giống các sách khác trong bộ Kinh thánh, sách Khải huyền vẫn còn tiếp tục trong tương lai. Đoạn văn Khải huyền chúng ta đang nói ở đây có liên quan đến kế hoạch của Thiên Chúa trong tương lai. Đó là kế hoạch cứu độ toàn nhân loại. Sách Khải huyền giải quyết những hậu quả của kế hoạch này. Ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa đó là khôi phục đức tin cho những người đã đánh mất đức tin, mang lại niềm hy vọng tương lai cho những người bị bách hại, đồng thời cũng cho thấy những ai phân biệt đối xử với người khác sẽ bị phạt. Đề tài của kế hoạch Thiên Chúa là hiện tại. Đoạn văn này đặc biệt thích hợp để nói về thế giới tương lai của Thiên Chúa. Các lời ngôn sứ khác nhau được giải thích khác nhau. Sách Khải huyền cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa, ngay cả khi Satan đã được thả ra vào cuối ngàn năm ấy. Trong sách Khải huyền, con số 1000 được dùng để biểu trưng cho sự hoàn trọn, đầy đủ. Từ đó, cuối ngàn năm có nghĩa là cuối thời gian hay là thế giới của Thiên Chúa được hoàn trọn, viên mãn. Bởi vì Thiên Chúa sẽ sống và bảo vệ thế giới này mãi mãi, do đó Người sẽ luôn chiến thắng ác thần. Sách Khải huyền mang lại niềm hy vọng về thế giới Thiên Chúa trong tương lai, theo như kế hoạch Người đã dự liệu. Kế hoạch cứu độ và thương xót đó được thể hiện suốt bộ Kinh thánh và đến sách Khải huyền thì vẫn còn tiếp tục trong tương lai.

4 – Lịch sử tính

Ai là tác giả của sách Khải huyền, điều này hiện nay vẫn còn đang trong vòng tranh luận. Đa số cho là Gioan, một tôi tớ của Thiên Chúa, đã viết, nhưng chính xác là Gioan nào thì không ai biết. Mặc dù một số người cho đó là Gioan tông đồ, nhưng có lẽ tốt nhất là nói đơn giản: Gioan là một vị ngôn sứ Kitô giáo vào thời đầu, một vị ngôn sứ chẳng ai biết.

Sách Khải huyền xem như được viết vào khoảng năm 95, 96 sau Chúa giáng sinh, tức là vào cuối thời hoàng đế Domitia. Cũng như tác giả, niên đại của sách không được xác định hoàn toàn chính xác. Có ba mục tiêu kép của sách Khải huyền, trước hết đó là để hoàn tất đề tài lời ngôn sứ hiện có trong các lời ngôn sứ của Cựu ước. Thứ hai, khi viết điều này, Gioan muốn giúp những người đang bị người La mã bách hại vững tin là cuối cùng thì đức Giêsu Kitô sẽ chiến thắng trên tất cả. Điều này có liên hệ đến quần chúng lúc bấy giờ và cho thấy rằng họ cũng sẽ chiến thắng tội ác. Thứ ba, sách Khải huyền thách đố niềm tin của những người trở lại với đức Kitô và thẩm phán xét xử thần ác hay Satan. Sách Khải huyền mạc khải tương lai và bộc lộ cho thấy các mầu nhiệm Thiên Chúa đối với thế giới tương lai của Người.

II. MEDITATIO 

Cũng như các sách khác trong bộ Kinh Thánh, sách Khải huyền được viết với một mục tiêu, một lý do và có một số giá trị nào đó. Các giá trị trong sách Khải huyền có liên hệ nhiều với vương quốc của Thiên Chúa trong tương lai. Như một giá trị có thể thay đổi tùy từng người, giá trị của sách Khải huyền cũng thế: Đối với tác giả, đó là một giá trị hiển nhiên, nhưng vào thời này thì lại khác. Hơn nữa, sách Khải huyền được phân tích theo nhiều cách khác nhau, nên các cách giải thích khác nhau sẽ mang lại các giá trị khác nhau.

1 – Các giá trị: Giá trị quan trọng và hiển nhiên nhất trong sách Khải huyền là ý tưởng Thiên Chúa chiến thắng ác thần, trong tương lai đến tận hàng ngàn năm. Khi tội ác làm thế giới hư hỏng, vì Satan đã bị thả ra, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt tội ác để giữ thế giới này luôn tốt đẹp. Tác giả viết điều này để củng cố niềm tin của những người đang bị người La mã bách hại. Sứ điệp của ông rõ ràng là: cuối cùng thì Thiên Chúa sẽ chiến thắng sự ác.

Một giá trị khác, đó là Thiên Chúa không tán thành sự băng hoại và tội lỗi nơi thế giới của Người. Khi Satan được thả ra khỏi ngục để làm thế giới hư hỏng, Thiên Chúa sẽ giáng lửa từ trời xuống để nuốt chửng chúng và giữ cho thế giới của Người không bị lây nhiễm tội lỗi. Người sẽ quẳng ác thần vào trong hồ lửa với những người tội lỗi khác, nơi đó nó sẽ bị dằn vặt, day dứt mãi mãi. Việc Thiên Chúa kết án tội lỗi cho thấy kế hoạch thực sự của Người là cứu vớt tất cả mọi người.

Giá trị cuối cùng trong sách Khải huyền là niềm tin. Thiên Chúa sẽ luôn chiến thắng sự ác, nên con người phải đặt niềm tin nơi Thiên Chúa và tin rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất kế hoạch của Người trên trái đất. Khi thanh lọc tội lỗi, Thiên Chúa đang làm cho thế giới của Người bớt thối nát, và tiếp tục kế hoạch cứu độ cho mọi người. Với niềm tin vào Thiên Chúa, con người được bảo vệ khỏi tội lỗi và được chiến thắng ác thần.

2 – Thế giới quan: Vì Thiên Chúa luôn chiến thắng ác thần, nên Người được xem như người bảo vệ, một chiến binh lật đổ thần dữ. Thiên Chúa đích thực là Đấng bảo vệ nhân loại, cứu độ nhân loại khỏi tội lỗi và hướng họ đến ơn cứu độ. Không dễ gì để thu hẹp vai trò vị Thiên Chúa, Đấng bảo vệ, vào trong một vài hình ảnh. Tuy nhiên, cũng có thể gọi Người là Đấng bảo vệ nhân loại, vị Thiên Chúa, người Cha đáng tin tưởng, Đấng giải phóng khỏi tội lỗi. 

3 – Các nhân đức: Tin vào Thiên Chúa là nhân đức cao nhất trong tất cả các nhân đức nơi thế giới của Thiên Chúa, điều quan trọng nhất là niềm tin vào Thiên Chúa để được Người cứu độ. Một nhân đức khác, đó là loại trừ tội lỗi. Từ đầu tới cuối, Thiên Chúa sẽ luôn luôn chiến thắng sự ác. Bản văn này cũng nói cho chúng ta về hình phạt mà những người tội lỗi phải chịu trong thế giới của Thiên Chúa. Nghĩa là, họ sẽ mãi mãi bị dằn vặt bởi các mãnh thú và các ngôn sứ giả. Các mãnh thú ở đây là biểu trưng cho những người bách hại các kitô hữu, đế quốc La mã. Mặc dù chúng ta tội lỗi, nhưng với niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ được cứu với điều kiện là sống một đời sống đạo hạnh.

III. ORATIO

1 -Lạy Chúa, qua Lời của Ngài, Ngài cho chúng con nhận ra rằng, Ngài luôn luôn bảo vệ chở che thế giới chúng con, giải thoát chúng con khỏi tội lỗi. Kế hoạch cứu độ của Ngài đối với nhân loại cho chúng con thấy Ngài luôn là Đấng bảo vệ và cứu độ. Ngài chỉ cho chúng con cách sống để thoát khỏi sự phân biệt đối xử và bách hại của người khác. Chúng con biết rằng Ngài sẽ chiến thắng sự ác, cứu độ chúng con khỏi tội lỗi, bảo vệ chúng con luôn mãi. Nhân danh Ngài, chúng con cầu xin Ngài trợ giúp. Amen.

2 – Đoạn văn sách Khải huyền này nhấn mạnh đến các giá trị và các quan điểm tạo ra niềm hy vọng về một thế giới của Thiên Chúa trong tương lai. Các giá trị này đã làm thay đổi quan niệm của tôi về hình ảnh của Thiên Chúa và vương quốc của Người. Đoạn văn này cũng cho tôi nhiều cách nhìn mới mẻ về vị Thiên Chúa cứu thoát và bảo vệ chúng ta. Nó cũng mang lại cho tôi niềm hy vọng là một ngày kia thế giới của chúng ta sẽ được giải thoát khỏi sự ác và băng hoại. Hiểu được bản văn như thế, tôi nhìn nhận Thiên Chúa là vị Thiên Chúa tuyệt đối, toàn năng, Đấng chiến thắng tội lỗi và ban tặng ơn cứu độ cho tất cả con cái Người. Vì đoạn văn này cũng đã từng mang lại niềm hy vọng và củng cố đức tin cho những người kitô hữu bị bách hại dưới thời La mã, nó cũng củng cố đức tin của tôi vào Thiên Chúa, hiện nay và trong tương lai. Sách Khải huyền thật là có ý nghĩa đối với niềm tin Kitô giáo, vì chính những suy tư và những giá trị ẩn giấu của nó. Những giá trị này nổi bật trước cảnh tiêu cực của tội lỗi và cho thấy kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đối với các con cái của Người. Đoạn văn này được đặt ở gần cuối sách, cho thấy rằng chính Thiên Chúa sẽ chiến thắng ác thần khi thế giới của Người được viên mãn vào cuối ngàn năm. Sứ điệp hy vọng vẫn còn có giá trị cho chúng ta là những người đang sống trong thế giới hôm nay, đầy những bách hại và phân biệt đối xử. Bản văn cho thấy rằng những người bị bách hại luôn giữ niềm tin và hy vọng, vì cuối cùng, Thiên Chúa sẽ phạt người tội lỗi và chiến thắng sự ác. Nó cũng cho thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa đã bảo vệ vương quốc của Người. Sách Khải huyền đã làm nhiệm vụ củng cố và khích lệ niềm tin Kitô giáo. Hiện nay, sứ điệp này vẫn rõ ràng đối với tôi, sau khi tôi đã hiểu trọn vẹn bản văn. Tôi tin rằng sự thiện sẽ chiến thắng sự ác và rồi cuối cùng, tội lỗi sẽ không có chỗ đứng trong vương quốc của Thiên Chúa. Lời Chúa mang lại cho tôi niềm hy vọng cho tương lai của tôi. Nó nhắc nhở tôi luôn tin tưởng và tín thác vào Thiên Chúa, tôi sẽ được phần thưởng trên thiên quốc. Như thế, Lời Chúa đã được mạc khải cho tôi qua đoạn văn này, tôi sẽ mãi tin rằng Thiên Chúa sẽ chiến thắng sự ác.

IV. CONTEMPLATIO

Sau khi đã hiểu rõ bản văn, cùng với việc nhìn nhận sự thiên sẽ chiến thắng sự ác, và Thiên Chúa là “tất cả trong mọi sự” vào thời sau cùng, tôi ngợi khen Chúa, Đấng đang hướng dẫn lịch sử tới chung cuộc hoàn thiện. Tôi khẩn nài xin Chúa hướng dẫn đời tôi trong ân sủng và tình yêu của Người. Tôi muốn tiếp nhận Lời Chúa, biến Lời Chúa hóa thân trong cuộc đời tôi, làm cho Lời Chúa trở thành bí tích cho mọi người chung quanh và để sau cùng, nơi Thiên quốc, tôi được chiêm ngưỡng và đồng hóa với Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng là viên mãn của tình yêu Thiên Chúa muôn đời. Amen.