Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

MẠC KHẢI VÀ HỘI THÁNH

(Thời sự Thần học – Số 25&26 – tháng 12/2001, tr. 35-56)

Huynh đệ chuyển ngữ

Từ Chúa Kitô và các Tông đồ, những chứng nhân của Người, mạc khải đã chấm dứt. Thiên Chúa không còn nói với chúng ta bằng Lời nào khác, nhưng Người tiếp tục nói bằng Lời mà Người đã nói một lần dứt khoát: Hội thánh. Vì đã được sinh ra từ Lời Chúa Kitô, Hội thánh vẫn luôn bảo tồn Lời của Người và không ngừng suy niệm, nhắc nhở, giải thích Lời đó cho nhân loại ở mọi thời đại. Từ nay, giữa Hội thánh và mạc khải, giữa Hội thánh và Lời có mỗi tương quan cốt tử. Hội thánh tùy thuộc vào Lời và Lời cũng lệ thuộc vào Hội thánh. Chúng tôi muốn trình bày chính những tương quan đó. Vậy đâu là tương quan chính yếu giữa Lời với mầu nhiệm Hội thánh và sự tăng trưởng của Hội thánh? Làm thế nào Hội thánh có thể phục vụ Lời? Đâu là bản chất hành động của Hội thánh trong tương quan với sứ điệp cứu độ và với những con người mà sứ điệp này muốn gửi tới.
I. LỜI TRIỆU TẬP VÀ KHAI SINH HỘI THÁNH

Chính Lời Chúa Kitô đã khai mở cho các Tông đồ bước vào những bí ẩn của Chúa Cha và chính Lời đó đã sáng lập ra Hội thánh khi ban cho các Tông đồ ba quyền: rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo. Chính nhờ Lời Chúa Kitô mà các Tông đồ đã nhận lấy sứ mạng mời gọi nhân loại đến lãnh nhận niềm tin và qua phép rửa cho họ tham dự vào mối thâm giao của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần: một đức tin, một phép rửa, một Thánh Thần (Ep 4,5). Theo một nghĩa nào đó, người ta có thể khẳng định rằng: Hội thánh được triệu tập và khai sinh bởi Lời. Thánh Phaolô nói với các tín hữu Côrintô: “trong Đức Giêsu Kitô, nhờ Tin mừng, chính tôi đã sinh ra các anh em” (1Cr 4,15). Các Kitô hữu đã được kêu gọi nhờ Tin mừng của Đức Giêsu (Rm 1,6). Trước khi là một cộng đoàn Thánh Thể và phép Rửa, Hội thánh phải là một cộng đoàn Tin mừng, có nghĩa là được triệu tập bởi Lời. Ngay từ đầu, sự sống của Hội thánh tùy thuộc vào Lời Chúa Kitô, Lời đã khai sinh và nuôi dưỡng Hội thánh.

Theo ngôn ngữ của Tin Mừng Nhất Lãm, chính Lời Thiên Chúa thiếp lập một vương quốc mới: Nước Trời (Mt 13,19). Và các dụ ngôn chỉ mô tả cho ta thấy lịch sử của việc thành lập này: Trong dụ ngôn người giep giống. Lời được gieo vào trong tâm hồn để con người nghe và hiểu (Mt 13,25), có nghĩa là để họ tin (Mc 4,9; Mt 11,15; Lc 14,36) và sinh hoa quả sự sống (Mt 13,25). Dụ ngôn men trong bột cũng thế, Lời nhằm kết hợp con người trong cùng một bánh hằng sống duy nhất.

Sách Công vụ Tông đồ cũng cho thấy: cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã được khởi dậy và nuôi dưỡng bằng Lời. Chính nhờ việc rao giảng của thánh Phêrô đã khai sinh cộng đoàn Giêrusalem, cộng đoàn này đã đón nhận Lời và chịu Thanh tẩy (Cv 2,41-42). Nhờ Thánh Philíp rao giảng Tin mừng Nước Trời và danh Chúa Kitô, những người Do thái ở Samari đã đón nhận Lời và chịu Thanh tẩy (Cv 6,12,14). Vào những thời đầu của Hội thánh, Lời thể hiện một tính năng động mà sách Công vụ Tông đồ trình bày như một thực thể hữu ngã. Lời Thiên Chúa tăng trưởng và sinh sôi nảy nở (Cv 12,24). Lời Thiên Chúa được truyền bá khắp mọi miền (Cv 13,49).

Đối với thánh Phaolô, Hội thánh là cộng đoàn được thiết lập do sự triệu tập của Thiên Chúa như được diễn tả trong sứ điệp Kitô giáo (Rm 1,6; 1Cr 1,2). Hội thánh được đặt nền trên Lời rao giảng của các tông đồ (Ep 2,20).Hội thánh Côrintô được sinh ra nhờ việc rao giảng của thánh Phaolô (2Cr 3,30). Các tín hữu Êphêsô, vì đã tin vào Lời sự thật, vào Tin mừng cứu độ (Ep 1,13) nên đã được gia nhập vào Dân Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa phát sinh hoa quả và triển nở trong toàn thế giới (Cl 1,6; 1Tx 1,8). Lời nhằm xây dựng thân thể Chúa Kitô là Hội thánh, nhằm đạt tới con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô (Ep 4,11-13).

Đối với thánh Gioan, Chúa Kitô là vị mục tử nhân lành kêu gọi mọi chiên của người làm thành một đàn chiên duy nhất trong một chúa chiên (Ga 10,16). Việc qui tụ nhân loại bằng lời là quan tâm hàng đầu của Chúa Kitô: “Con đã truyền lại cho họ Lời của Cha… Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ… Lời Cha là sự thật… Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, những cho cả những ai nhờ họ mà tin vào Con để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,14, 20-21). Lời Chúa Kitô muốn nối dài giữa con người sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con trong cùng một Thánh Thần Tình yêu và Chân lý.

Việc xây dựng nhân loại theo hình ảnh sự liên kết của Chúa Ba Ngôi là công trình của ân sủng. Lời triệu tập và khai sinh Hội thánh, không phải chỉ một mình Lời, nhưng còn có Chúa Thánh Thần… Từ lễ Ngũ tuần cho tới ngày quang lâm, Lời và Thánh Thần hoạt động phối hợp chặt chẽ với nhau để xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần cùng hành động với thừa tác vụ tông đồ hay trong Hội thánh cơ chế, Người là tác nhân hiện thực hóa sự nghiệp Chúa Kitô” (Congar, Esquisses du Mystère de L’Eglise). Những gì các tông đồ và Hội thánh thực hiện cách hữu hiệu thì chính Chúa Thánh Thần thực hiện cách vô hình trong tâm hồn con người. Lời hằng xây dựng một giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân thánh (1Pr 2,9). Dân Thiên Chúa được thiết lập dựa trên hai lời mời gọi: Lời mời gọi rao giảng Tin mừng (Rm 10,14-17; 2Tx 2,13-14), và Lời mời gọi bước vào đời sống ân sủng (Cv 16,14; Ga 6,44). Ơn gọi là một tác động thường xuyên của Thiên Chúa để Người lựa chọn. Việc lựa chọn này được biểu lộ ra bên ngoài bằng Lời và bên trong bằng hành động mà Chúa Thánh Thần là tác giả. Như thế, Nhiệm thể Chúa Kitô là Hội thánh không ngừng phát triển cho tới khi có mạc khải tối hậu về những con cái Thiên Chúa, nhưng mầu nhiệm này là hoa quả của Lời mạc khải sinh sôi nảy nở nhờ Chúa Thánh Thần.

II. HỘI THÁNH HIỆN TẠI HÓA LỜI

Lời Thiên Chúa triệu tập và khai sinh Hội thánh. Nhưng đến lượt mình, Hội thánh hiện tại hóa Lời, trình bày Lời cho con người mọi thời đại. Qua Hội thánh, Chúa Kitô chất vấn con người của mọi thời đại và mạc khải cho họ biết ý định cứu độ của Người, đồng thời thôi thúc họ hoán cải (Mc 1,14-15).Giám mục Martin nói: “Hội thánh, theo công đồng Vatican II, là một mạc khải được cụ thể hóa: quasi concreta est revelatio”. Nhờ Hội thánh, mạc khải luôn luôn thức thời và có tính cách năng động (Lc 10,16). Thời gian của Hội thánh là thời gian Tin mừng được thông trị cho mọi tạo vật (Mc 16,15).

Đó là thời gian thuận tiện, thời gian cứu độ (2Cr 6,2) là ngày hôm nay của Thiên Chúa. Trong suốt thời gian đó, mỗi người được kêu gọi hoán cải (Cv 3,20; Dt 3,7-10; 4,7). Trong sách Khải huyền, Hội thánh được trình bày như một môi trường cho mạc khải tối hậu của Thiên Chúa; cũng thế, trong thời gian, Hội thánh là đền thờ, nơi đó không ngừng vang lên Lời Thiên Chúa (Ep 2,19-20). Hội thánh là thiên đàng, ở giữa thiên đàng này Lời vọt lên như một nguồn suối tinh tuyền và không bao giờ cạn, làm cho toàn thể trái đất trở thành phì nhiêu. Hội thánh là Hiền thê đã tiếp nhận Lời từ vị Hôn phu là Chúa Kitô, nên không ngừng suy niệm Lời để rao truyền lại cho nhân thế một cách trung thành và sống động như buổi đầu.

Việc rao giảng Lời đối với Hội thánh không chỉ là một vinh dự, nhưng còn là một sứ vụ phát xuất từ một sứ vụ phát xuất từ một mệnh lệnh khẩn cấp của Chúa (Mt 28,18-20; Mc 16,15-16; Ga 17,18-20). Thừa tác vụ của Lời phát xuất từ Chúa Kitô xét cả về mặt lịch sử, việc Phúc âm hóa, là một trách vụ, vì Hội thánh là Hội thánh của Lời cũng như thừa tác viên của bí tích. Hoạt động Tông đồ được khai mạc bằng Lời Chúa Kitô làm nên các tông đồ, những nhân chứng của Người (Cv 1,8) và kết thúc theo quan điểm của thánh Phaolô về “rao giảng nước Thiên Chúa, dạy về Chúa Kitô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào” (Cv 28,31). Các Tông đồ phải chọn lựa giữa nhiều thừa tác vụ để phục vụ Lời (Cv 6,2-4). Thánh Phaolô tuyên bố: “Chúa Kitô đã không sai tôi đi làm phép rửa nhưng sai tôi đi rao giảng Tin mừng” (1Cr 1,17). Ngài nói tiếp: “Người ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin mừng” (2Tm 4,17).

Trong kế hoạch cứu độ hiện thời, việc rao giảng là nhất thiết và không thể thay thế, vì đức tin cần cho ơn cứu độ và đức tin lại dựa trên sự rao giảng về ơn cứu độ. Để cho Chúa Kitô được nhận biết và Chúa Cha được vinh hiển, cần phải có những miệng lưỡi loan báo Lời: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng?” Như vậy, niềm tin này sinh từ việc rao giảng, Lời Chúa Kitô là dụng cụ của việc rao giảng này (Rm 10, 14-17). Thừa tác vụ của Lời thuộc về cơ cấu của Hội thánh. Nếu Hội thánh im lặng, nếu Lời thôi không còn vang lên, thế giới sẽ chết mà chẳng hay biết gì về ơn cứu độ đã được ban cho họ. Rao giảng Lời thuộc về sứ vụ ngôn sứ của Hội thánh. Cũng như các ngôn sứ trong Cựu ước là miệng lưỡi của Thiên Chúa ngỏ lời với Israen thì Hội thánh là miệng lưỡi của Chúa Kitô và là dụng cụ của Chúa Thánh Thần để công bố Tin mừng.

Hội thánh không ngừng loan báo biến cố cứu độ cho toàn thể nhân loại. Khi đã nghe Lời Thiên Chúa và đã thuận theo Lời bằng niềm tin, Hội thánh được bước vào đời sống thân mật với Ba Ngôi mãi mãi.

Công việc hiện tại hóa mạc khải này, trước tiên được thực hiện bằng việc rao giảng sống động, thâm nhập đến tận xương tủy người nghe và hóa thành hiện thực. Lời được nói ra không được thay thế bằng văn bản. Chắc chắn Lời Thiên Chúa có một hiệu lực khách quan nội tại như trong Bí tích, nhưng còn hơn thế, bản thân người rao giảng có vai trò của mình. Thực vậy, những điều nhà giảng thuyết thông chuyển, không phải là một hệ thống tư tưởng thuần túy (tức chính người giảng không dám dấn thân vào những điều mình giảng), nhưng là một sứ điệp cứu độ gắn liền với một biến cố đã làm thay đổi ý nghĩa cuộc hiện sinh con người và trước tiên là đã làm thay đổi cuộc sống của chính nhà giảng thuyết. Nói vết thương do lỗi khốn cùng và tội lỗi tạo ra. Chúa Kitô đã lấp đầy bằng chính niềm hy vọng. Người đã đến như Ánh sáng và Sự sống (Ga 14,5). Cái chết và sự phục sinh của Người đã làm cho chúng ta trở thành những người con của Chúa Cha, được mời gọi thông phần sự sống và vinh quang của Người. Điều mà nhà giảng thuyết loan báo như Tin mừng và điều mà họ chứng nghiệm như sự thật về Con Người, thì chính họ được thừa hưởng đầu tiên. Họ rao giảng niềm hy vọng mà trước tiên niềm hy vọng đó đã chiếu sáng và biến đổi cuộc đời họ. Từ đó thính giả của Lời cũng chờ đợi để tìm thấy nơi họ một phản ánh của niềm hy vọng này. Nhà thuyết giảng rao truyền Chúa Kitô là tất cả cho cuộc đời họ, từ đó, cuộc đời họ phải cho thấy Tin mừng có khả năng biến đổi cuộc sống con người. Chính trong khi sống bằng Thánh Thần của Chúa Kitô mà nhà thuyết giảng rao truyền Người có hiệu quả. Do đó việc rao giảng đích thực phải vừa là việc phục vụ vừa là một chứng từ, có nghĩa là, một lời trào ra từ một cuộc dấn thân, được bảo chứng bởi sự thánh thiện của đời sống. Sự dấn thân của họ phải làm cho người khác thấy được Tin mừng đang hiện thực, đồng thời cũng chứng tỏ chân lý và hiệu lực của Tin mừng đó. Một viễn ảnh như thế sẽ khơi lên nơi con người lắng nghe một ước vọng hiệp thông với những giá trị mà Lời khai mở cho họ. Niềm tin có thể phát sinh từ ước vọng đã được Chúa Thánh Thần làm cho phong phú.

Một lời giảng thuyết đòi phải được chứng thực bằng cuộc sống mà nói lên sứ điệp Kitô giáo là mạc khải tình yêu của Thiên Chúa xuyên qua tình yêu của Chúa Kitô. Chính nơi mầu nhiệm của tình yêu vô cùng được biểu lộ trong Chúa Kitô mà việc giảng thuyết phải khai mở. Thế nhưng, làm thế nào dẫn vào tình yêu của một ngôi vị, nếu không phải bằng cách làm cho tình yêu lan rộng? Làm thế nào khai mở nơi con người một tinh yêu tự hiến, nếu không phải là bằng sự tiếp xúc với Đấng đã say đắm trong tình yêu? Tình yêu của Chúa Kitô phải xâm chiếm trái tim của người tông đồ để nhân loại thấy được nơi nhà giảng thuyết Thiên Chúa được yêu và Thiên Chúa đang yêu. Lời đã được nghe phải khơi lên sự phản tỉnh như nơi các tông đồ trên đường Emmau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32).

III. HỘI THÁNH, TÔI TỚ, NGƯỜI CANH GIỮ VÀ GIẢI THÍCH LỜI

Mạc khải kết thúc cùng với các tông đồ. Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta biết một lần dứt khoát sứ điệp cứu độ của Người qua Chúa Kitô và các tông đồ của Người. Đạo lý về đức tin đã được thiết lập cách dứt khoát qua lời khai của chứng nhân chính thức. Đàng khác, Lời Thiên Chúa vẫn sống động như thủa ban đầu, con người hôm nay phải cảm thấy được Lời tác động mạnh mẽ như người Do thái, Hy lạp hoặc Rôma ở thế kỷ đầu. Lời dù được nói ra ở một môi trường nhất định nào đó hay trong một thời gian nào đó, nhưng Lời cũng phải gặp gỡ con người của mọi thời đại, Lời bắt chộp họ trong mọi hoàn cảnh lịch sử duy nhất của họ. Lời giải quyết những vấn đề và những khắc khoải của họ nhằm đưa họ về với Thiên Chúa. Ở đây, lại một lần nữa, chúng ta phải chạm trán với vấn đề lịch sử tình của mạc khải. Làm thế nào Lời có thể thích nghi với những thế hệ kế tục nhau như thế mà không bao giờ bị sai lệch, lạc hướng hoặc bị lây nhiễm? Xuyên qua sự kế tục hay sự pha trộn các nền văn minh, qua những thay đổi về cơ cấu chính trị, xã hội, kinh tế… làm thế nào Lời vẫn luôn đồng nhất, hơn nữa vẫn luôn luôn mới mẻ và hiện thực như trong buổi sáng ngày lễ Ngũ tuần? Những vấn đề này mời gọi chúng ta xác định huấn quyền của Hội thánh trong tương quan với kho tàng đức tin.

Là người quản lý Lời, Hội thánh đã nhận sứ vụ rao giảng và giải thích Tin mừng cách trung thực. Hội thánh đã được ban cho quyền hiểu Tin mừng cách trong sáng, luôn mới mẻ để đáp ứng những vấn đề của mỗi thế hệ.

Trong việc tìm hiểu Huấn quyền của Hội thánh, cần tránh hai thái cực này:

1. Hội thánh không thể thay thế các nguồn như nhiều nhà Tin lành hiện nay vẫn nghĩ, chẳng hạn như: G. Ebeling, W.Won Loewenich, W. Schweitzer cho rằng Hội thánh Công giáo là người thừa kế tuyệt đối của Chúa Kitô và hoàn toàn thay thế Người trong lịch sử mà không quan tâm gì đến Kinh thánh hay truyền thống.

2. Đối với Hội thánh, sự trở về nguồn không phải như L. Charlier chủ trương, tức là một tiến trình nhằm mang lại ích lợi cho lịch sử, cũng không phải một kho tàng mà người ta chỉ có thể gặp lại nó trong một Hội thánh hiện tại. Ngôn ngữ của Hội thánh nói về chính mình hoàn toàn khác biệt những điều trên: Hội thánh được định nghĩa dựa trên kho tàng của đức tin mà Hội thánh tự nguyện tuyên bố rằng mình chỉ là người tôi tớ phục vụ kho tàng đó (VT II), là người canh giữ và giải thích kho tàng đó (D. 1793, 1800, 1836, 12145, 12307).

Lời đến với chúng ta qua Thánh kinh, Thánh truyền và Huấn quyền của Hội thánh. Lắng nghe Hội thánh, đó là nghe Lời đã được viết ra và được lưu truyền lại như Hội thánh đã hiểu và giải thích. Trong chiều hướng này, Huấn quyền của Hội thánh trong tương quan với các tín hữu, là mẫu mực trực tiếp và phổ quát của chân lý (D. 2313). Đó không phải là qui luật cấu tạo của niềm tin, những là qui luật hướng dẫn trong tương quan với Lời nhận được từ các tông đồ.

Những văn kiện Hội thánh dành cho Huấn quyền của Hội thánh ba chức năng; trong tương quan với kho tàng đức tin, Huấn quyền đó phải canh giữ, bảo tồn cách trung thành và thánh thiện đạo lý được tiếp nhận từ Chúa Kitô và các tông đồ như một kho tàng (D. 7921a, 1781, 1793, 1800, 1836, 2145, 2307, 2313, 2355). Phải che chở và bảo vệ kho tàng và đạo lý đó khỏi mọi sai lầm (D. 792 a, 1817, 2321). Cuối cùng phải trình bày cách trung thành đạo lý đã được mạc khải, công bố ý nghĩa đích thực của đạo lý đó, đồng thời trung thực giải thích nó (D. 1800, 1836, 2313, 2314, 2307). Quyền nắm giữ đạo lý của Hội thánh có mục đích riêng là giữ gìn, bảo vệ và giải thích. Hội thánh thực hiện Huấn quyền thông thường của mình (giáo huấn của các giám mục) hoặc Huấn quyền đặc biệt (Công đồng hoặc chỉ Đức Giáo hoàng định tín ở tông tòa).

Là người quản lý Lời Thiên Chúa, cũng như dân Israen trong Cựu ước, Hội thánh tiên quyết phải bảo toàn kho tàng đã được giao phó. Bảo toàn có nghĩa là gìn giữ kho tàng cho nguyên vẹn, không để một điều gì bị lãng quên, nhưng cũng không thêm thắt gì vào các chân lý đã được chứng nhận, không đưa vào một cái gì mới mẻ, cũng không sáng kiến thêm điều gì. Bảo vệ Lời đã được mạc khải, tức là che chở Lời bằng cách giải quyết những khó khăn xảy đến với Lời, nhưng một cách trực tiếp cũng là khai trừ và lên án mọi giải thích sai lầm, lệch lạc về Lời. Trình bày, công bố, giải thích, tức là làm cho Lời được thấu hiểu và tăng tiến. Vì Hội thánh đã tiếp nhận Lời thì phải bảo tồn Lời như một thực thể sống được Chúa Thánh Thần nuôi dưỡng. Hội thánh đã nhận lãnh không phải là một kho tàng bất động, và cần bảo tồn như một thứ đồ trang sức của gia đình, nhưng là Lời sống động: không phải như một kho tàng không sinh lợi như nén bạc mà người đầy tớ lười biếng sợ hãi chôn vùi trong lòng đất, nhưng là một nguồn suối nước hằng sống mà con người của mọi thời đại không ngững kín múc. Như Đức Nữ Trinh trung thành gìn giữ và suy niệm trong lòng tất cả những điều xảy ra, Hội thánh cũng không ngừng suy niệm Lời Chúa Kitô, vị hôn phu của mình, không ngừng đào sâu, hập thụ Lời nhờ sự phân định vô giới hạn do Chúa Thánh Thần ban cho Hội thánh.

Vì Lời Thiên Chúa hàm chứa một sự phong phú vô tận. Lời luôn luôn đánh động tâm hồn và trí tuệ. Lời không phải như một hầm mỏ rồi sẽ cạn kiệt vào một ngày nào đó khi cuộc thăm dò khai thác hoàn tất, nhưng như một vực thẳm càng lúc càng sâu hút khi mắt ta vừa nhìn thấy được những độ sâu mới nhất của nó.

Để mô tả tiến trình hấp thụ Lời – nguồn mạc khải phong phú – Hội thánh nói tới một sự chuyển tiếp từ cái hàm ẩn tới cái minh nhiên, hoặc từ cái mờ tối tới cái hiện tỏ (D. 2314). Theo thông điệp Humani Generis, “Thiên Chúa đã nối kết Huấn quyền sống động của Hội thánh với các nguồn của mạc khải để làm sáng tỏ và rút ra những gì còn mờ tối và ẩn tàng trong kho tàng đức tin”.

Huấn quyền của Hội thánh chỉ làm sáng tỏ những gì hàm ẩn trong các nguồn mạc khải. Như thế, trong lời khẳng định: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1,14) còn hàm chứa những chân lý sau đây: Chúa Kitô có bản tính nhân loại, Người có thân xác và linh hồnm, trí tuệ và ý chí nhân loại, nhân tính và tâm hồn của Người đáng tôn thờ. Ở đây, sự tiến triển có được là do một sự khai mở đơn giản, tức vén mở một chân lý đã được Thánh kinh chứng thực cách minh nhiên; Huấn quyền của Hội thánh soi sáng những gì còn mờ tối trong các nguồn mạc khải. Như thế, khởi từ những dữ kiện Kinh thánh nói về đặc ân của Đức Maria, nhờ sự hiểu biết ngày càng sâu xa mối trương quan giữa Đức Maria và bà Eva, giữa Chúa Kitô và Hội thánh, và nhờ không ngừng suy tư về sự cao trọng và thánh thiện của Mẹ, Hội thánh đã nắm vững và xác định rõ ràng hơn những điểm chói sáng mà Hội thánh linh cảm ngay từ đầu, Hội thánh đã nhận thức rõ ràng hơn những chiều kích căn bản: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa; Đức Maria, Eva mới; Đức Maria, cộng tác viên của Chúa Kitô trong việc chiến thắng tội lỗi và sự chết, đồng thời Hội thánh đã định tín Đức Maria vô nhiễm nguyện tội và Đức Maria lên trời. Đây không phải là một lối lý luận theo đường thẳng cho bằng một sự đối chiếu để hiểu biết chính xác hơn những dữ kiện sẵn có nhờ ơn soi sáng đặc biệt.

Vậy, kho tàng đức tin không được thiết lập cách khách quan và dứt khoát, nhưng là vấn đề hiểu biết mạc khải mỗi ngày một hơn. Đó là những xác tín mới, nhưng luôn luôn đồng nhất với chân lý ban đầu, luôn luôn được đặt bên trong đối tượng của niềm tin và nhân đó không chấp nhận hình thức chuyển những chân lý thuộc lãnh vực cứu độ thành những chân lý thuộc lãnh vực khác, dù những chân lý này liên hệ với chính đạo lý. Như thế, trong mạc khải từ Cựu ước cho tới Chúa Kitô và các Tông đồ, phải công nhận một tiến trình không phải làm cho mạc khải và chiếm hữu được mạc khải nhờ những định thức ngày càng rõ ràng và minh nhiên hơn.

Hội thánh đã được ban cho ơn đoàn sủng để bảo tồn và công bố mạc khải cách trung thực. Chúa Thánh Thần trợ giúp Hội thánh trong sứ mạng canh giữ và giải thích Lời mạc khải (D. 1793) có nghĩa là ban cho Hội thánh ơn trợ giúp đặc biệt trong hiện tại để gìn giữ, bảo vệ và giải thích kho tàng đức tin. Sự trợ giúp này vẫn mãi tích cực, vì ơn đoàn sủng này can thiệp vào sự tiến bộ của đạo lý. Không những Chúa Thánh Thần giữ gìn Hội thánh mà Hội thánh còn không còn được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, Đấng hoạt động trong Hội thánh bằng con đường linh hứng (D. 873a, 792a) và hướng dẫn cách vững vàng để Hội thánh nhận thức hoàn hảo hơn về những chân lý mạc khải”. Huấn quyền của Hội thánh rõ ràng dựa trên: “Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ các tông đồ và sẽ làm cho họ nhớ lại mọi điều Chúa Kitô đã nói” (Ga 14,26) Thánh Thần sẽ hướng dẫn họ tới chân lý toàn diện (Ga 16,12-13) và Người sẽ làm chứng về Chúa Kitô (Ga 15,26). Chính Chúa Kitô đã hứa Người sẽ ở lại với những kẻ thuộc về Người cho tới ngày tận thế (Mt 28,20) và do lời hứa loan báo Đấng Bảo Trợ, Thần Khí Sự Thật, Người sẽ ở với các tông đồ mãi mãi (Ga 14,16-17). Những đoạn văn trên chỉ có thể hiểu được cách trọn vẹn nếu sự trợ giúp đã được hứa với các tông đồ lúc ban đầu cũng được truyền lại cho những người kế vị các tông đồ và như thế là truyền lại cho Hội thánh thuộc mọi thời đại.

Tuy nhiên công việc thấu hiểu và giải thích mạc khải được thực hiện do Huấn quyền của Hội thánh với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần không hàm xúc một mạc khải mới. Công đồng Vatican I đã nói: Chúa Thánh Thần đã đươc hứa cho các Đấng kế vị thánh Phêrô không phải là để trình bày một đạo lý mới, nhờ dựa vào mạc khải mà Thánh Thần là tác giả rồi, nhưng nhờ sự trợ giúp của Người mà họ bảo tồn cách thánh thiện và trình bày cách trung thành mạc khải đã được các Tông đồ truyền lại. Với Chúa Kitô và các tông đồ, những chứng nhân của Người, thời kỳ viên mãn đã tới. Hội thánh không còn trông chờ vào những mạc khải mới để thiết lập giáo huấn của mình. Hội thánh có sứ mạng bảo tồn và trình bày mạc khải đã được trao ban một lần dứt khoát. Sự trợ giúp được ban cho Hội thánh tương tự như sự linh hứng trong ánh sáng đức tin. Không bao giờ sự trợ giúp của ân sủng làm cho con người cảm thấy như một lời rõ ràng của Thiên Chúa mời gọi tin vào một nội dung tư tưởng mới, sự trợ giúp này vẫn còn ẩn giấu những ân sủng thuộc lãnh vực linh ứng.

Như thế, luôn có việc hiểu biết Lời cách sâu xa, cặn kẽ và chính xác hơn, chứ không phải có một sứ điệp cũng như mầu nhiệm mới nào. Có sự giải thích mạc khải, nhưng không hề làm thay đổi ý nghĩa của mạc khải. Hội thánh dần dần đến khám phá ra những chiều kích của mầu nhiệm đã được mạc khải. Mỗi thời đại, Hội thánh đều mang lại một sự soi sáng mới, nhờ đó những điểm còn mờ tối trở thành sáng tỏ hay một chi tiết còn bị ẩn giấu được bộc lộ, tựa như một khuôn mặt càng ngày càng thoát ra khỏi màn sương đêm để tiến vào ánh sáng.

Theo đà tiến của đạo lý Giáo hội, còn có những cuộc tấn công chống lại Hội thánh, những lạc giáo: docétisme, arianisme, nestorianisme, protestantisme…, những cuộc tranh luận giữa các thần học gia, những khó khăn thực tiễn, những vấn đề riêng của từng thế hệ tức sự tiến bộ của khoa học và những mạc khải tư. Nhưng những yếu tố tích cực thấy được là:

- Sự nghiên cứu thần học
- Sự gợi hứng của Thánh Thần trong ý thức của các tín hữu và trong ý thức về Huấn quyền của Hội thánh.
- Ơn đoàn sủng bất khả ngộ.

Việc nghiên cứu thần học là việc tìm hiểu niềm tin được thực hiện dưới quyền kiểm soát của Hội thánh. Cùng với vận dụng mọi khả năng lý luận của con người, việc nghiên cứu này sẽ còn có nhiều triển vọng hơn khi nó được thực hiện trong những hoàn cảnh tốt nhất, đó là trường hợp nhà thần học vừa là tiến sĩ vừa là cha giải tội. Người có khả năng hiểu sâu xa hơn và khả năng này là kết quả của lòng tin mạnh mẽ và của những ân huệ Chúa Thánh Thần; nhất là ơn hiểu biết sẽ làm cho tâm trí sắc bén hơn để đi sâu vào chân lý đức tin; Ơn khôn ngoan phú vào trong linh hồn của nhà thần học một sự đồng cảm tự bản tính giúp họ phán đoán chính xác về những đối tượng của niềm tin theo tư tưởng của Thiên Chúa. Giống như thế, do có tình cảm, một người thấu hiểu tư tưởng của bạn mình hơn bất kỳ ai khác. Cũng thế, nhà thần học được Chúa Kitô hướng dẫn và giúp đỡ để có những tư tưởng phù hợp với tư tưởng của Chúa Kitô đồng thời nắm vững cách chính xác những gì hàm xúc trong tư tưởng đó và những gì là nối dài thêm (1Cr 2,10-16; 6,17).

Hoạt động linh hứng của Chúa Thánh Thần được thực hiện tùy theo chức năng của mỗi người, như thế, Chúa Thánh Thần tác động trong Hội thánh được giáo huấn cũng hiệu quả như trong Hội thánh giáo huấn. Hoạt động này của Chúa Thánh Thần trong dân tộc có niềm tin thì hiện thực và mạnh mẽ. Thậm chí, có khi trực giác của các tín hữu, dưới tác động của Thánh Thần, cách nào đó đã đi trước những phân tích và kết luận mà các nhà thần học đã phải dầy công nghiên cứu mới có. Đó là trường hợp của những giáo điều: Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội và Đức Mẹ lên trên. Đức Giáo hoàng đã nhận thấy hai chân lý này là thuộc về đức tin của toàn Hội thánh phổ quát, và với ơn vô ngộ, người đã chuẩn y niềm tin phổ quát này.

Vì nhân tố chính yếu và quyết định cho sự tiến bộ đạo lý là sự công bố cách không sai lầm của Huấn quyền Hội thánh, nên ơn đoàn sủng vô ngộ đã được ban cho Hội thánh bảo tồn, gìn giữ và trình bày đạo lý đức tin cách dứt khoát đồng thời bảo đảm cho chúng ta rằng: chân lý đã được trình bày như chân lý mạc khải thì không phải là kết quả của một chủ trương thiên khải nơi các tín hữu, cũng không phải là một ơn soi sáng trí tưởng tượng của các nhà nghiên cứu, nhưng là một chân lý được chứng nhận đích thực bởi Thiên Chúa và được chứa đựng trong những lời khai của các nhân chứng tông đồ.

IV. HỘI THÁNH, DẤU CHỈ CỦA MẠC KHẢI

Không những Hội thánh làm cho mạc khải luôn luôn thức thời bằng việc rao giảng của mình cũng như trình bày và giải thích mạc khải cách trung thực cho mọi thời đại, nhưng tự bản chất, Hội thánh phải làm cho mọi người tin vào mạc khải. Để làm cho loài người nhận ra Lời của mình, Thiên Chúa đã không bao giờ tách Lời khỏi những dấu chỉ chứng nhận đó là Lời Thiên Chúa. Ngay từ đầu, việc công bố Tin mừng được gắn liền với những dấu chỉ của nước trời, nhất là những phép lạ và các lời ngôn sứ (D. 1790). Những dấu chỉ này giữ nguyên giá trị của chúng để làm chứng mạc khải có, nhưng thông thường, đức tin của người thời đại còn tựa nhiều vào những phép lạ của Sách thánh hơn là các dấu chỉ mà Hội thánh mang lại. Vậy, Hội thánh vừa là Hội thánh tiếp nhận đồng thời thực hiện hóa những dấu chỉ thời xưa và cũng là Hội thánh tiên báo qua sự hiện diện luôn luôn hợp thời của mình rằng: sứ mạng truyền giáo và đạo lý của Hội thánh là do từ Thiên Chúa. Công đồng Vatican I nói: Chỉ có một mình Hội thánh công giáo mới có vô số những dấu chỉ được Thiên Chúa sắp đặt để làm cho niềm tin Kitô giáo được hiện tỏ. Hơn nữa, do việc loan truyền trung thành, do sự thánh thiện trổi vượt và sự phong phú thiện hảo không thể cạn của mình, do tính duy nhất công giáo và sự bền vững không lay chuyển của mình, nên Hội thánh đáng được tín nhiệm và là một chứng tá minh nhiên về sứ mạng thiêng liêng của mình. Như một lá cờ được treo lên giữa muôn dân nước, Hội thánh mời gọi tất cả những người chưa tin đến với mình và làm cho các con cái của mình thêm xác tín rằng: niềm tin mà họ tuyên xưng dựa trên một nền tảng rất chắc chắn. Tự bản thân, Hội thánh là một phép lạ luân lý. Cũng như Chúa Kitô tỏa sáng bằng đạo lý, sự khôn ngoan, sự thánh thiện, phép lạ của Người cho con người thời đại mình thế nào, thì Hội thánh, bằng những tia sáng tỏa ra từ toàn thể hữu hình của mình (sự lan rộng, sự duy nhất bền vững, thánh thiện, phong phú) đã tỏ ra cho con người thời đại hôm nay thấy rằng: Hội tháng mang sứ vụ và nắm giữ một sứ điệp đến từ Thiên Chúa. Hội thánh thông phần vào vinh quang của Chúa Kitô. Về phương diện này, Hội thánh thực sự là dấu chỉ của mạc khải. Lập luận này là của truyền thống Hội thánh. Ngay từ những thế kỷ đầu, các giáo phụ, nhất là Irénée, Tertulien, Origène, Augustin để bảo vệ đạo lý Kitô giáo, các Ngài đã dẫn chứng bằng sự lan rộng lạ lùng của Hội thánh, sự kiên vững của các thánh tử đạo và ánh sáng thánh thiện của Hội thánh. Chứng cứ này sau đó còn được Cha Savonarole lặp lại ở thế kỷ 15, Bossuet và Pascal thế kỷ 17, Fénelon thế kỷ 18, Balmes, Lacordaire, Bautain và Dechsups thế kỷ 19 và trước công đồng cũng được lặp lại bởi J. Kleut-Ger và J.B.Franzelin. Dầu sao, trong khi lấy quyền bình mình mà chuẩn y giá trị luận cứ này, thì Huấn quyền của Hội thánh đã dứt khoát công nhận điều đó, đồng thời lấy đó làm khởi điểm cho một suy tư thần học vô tận.

Hội thánh là dấu chỉ của mạc khải, theo quan điểm tín lý hoặc theo quan điểm hộ giáo.Dưới ánh sáng đức tin, tín lý phải thấy được những điều sâu kín trong vinh quang bề ngoài của Hội thánh. Khi chiêm ngắm ánh sáng bên ngoài của Hội thánh, quan điểm hộ giáo liền tự hỏi đâu là nguồn của ánh sáng đó, rồi tìm một giải thích tương ứng. Hai cách nhìn như thế về Hội thánh không đối nghịch nhưng bổ túc cho nhau. Mầu nhiệm soi sáng những điều lạ lùng trong các biến cố, trong khi phép lạ lại khơi dậy sự hiện diện của mầu nhiệm.

Trước tiên, cần xem xét một vài điểm: cộng đoàn đầu tiên, khuôn mẫu và là nguồn của mọi xã hội, đó là cộng đoàn của Ba Ngôi Thiên Chúa. Cộng đoàn có một sự duy nhất hoàn toàn giữa Chúa Cha, Chúa Con trong cùng một Thánh Thần. “Chúa Cha yêu thương Người Con, và đã giao mọi sự trong tay Người” (Ga 3,35; 5,21,26,38). Tất cả những gì của Con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Ga 17,10). Tất cả những gì Cha có đều thuộc về Con (Ga 17,4; 18,11). Đáp lại, Chúa Kitô yêu thương Chúa Cha bằng một tình yêu trọn vẹn. Ý muốn của Chúa Cha là lương thực của Người cũng có nghĩa là sự sống của Người (Ga 7,16; 12,50) sứ mạng và hiến tế của Người (Ga 6,38-40; 10, 17-18; 12,27-28).

Chúa Kitô là tiếng “xin vâng” của Chúa Cha, Người luôn luôn thưa “vâng” trước thánh ý Chúa Cha (Dt 10, 5-7; Lc 10,21). Đời sống thân mật này được thánh Gioan diễn tả bằng những kiểu nói kiên kết với nhau: “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 10,38), Cha và Con, Chúng Ta là một (10,30), Chúa Thánh Thần là tình yêu chan chứa giữa Cha và Con.

Qua Chúa Kitô, Thiên Chúa đã muốn đưa nhân loại vào trong cộng đoàn tình yêu này, Người đã muốn rằng: những con người này, những người bị phân tán, chia rẽ, những người con của hận thù và bất công… phải được qui tụ và hợp nhất với nhau trong tình bác ái, theo hình ảnh của cộng đoàn Ba Ngôi: “Để họ nên một như Chúng Ta” (Ga 17,11). Và Người cũng muốn: yếu tố gắn bó con người lại với nhau phải là chính tình yêu này mà qua đó Chúa Cha đã ban cho Con tất cả những gì người có, và cũng thế, Con dâng lên Cha tất cả những gì Con có: “Con đã cho họ biết danh Cha… để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17,26). Phải, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau. (Ga 13,34-35; 15,12,17; 1,50,3,11,18; 4,7-8,11-12).

Việc nhân loại chuyển từ tình trạng phân rẽ, thù hận tới sự duy nhất trong tình yêu thương bác ái là kết quả cái chết của Chúa Kitô. Đấng đã tự hiến để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối (Ga 11,52). Chúa Kitô là mục tử (Ga 10,18) và là cửa chuồng chiên độc nhất (Ga 10,7-9). Do cái chết và sự phục sinh của Người, Người đã cho con người trở thành con cái Thiên Chúa (Ep 1,5; Rm 8,29; 1,50. 3.11.18; 5,20), đến với Chúa Cha trong cùng một Thần Khí duy nhất (Ep 2,18), được quyền thốt lên “Abba, Cha ơi” với Thần Khí của Con (Gl 14,6) và có thể yêu thương mọi người như Chúa Kitô và Chúa Cha yêu họ (1Ga 3,11.18).

Chúa Kitô đã ban cho Hội thánh mà Người đã thành lập một yếu tố gắn bó và phát triển là Chúa Thánh Thần, Đấng nối kết giữa Cha và Con. Từ đó người ta thấy rằng: cộng đoàn công giáo được sống động nhờ một nguyên lý như thế, sẽ vượt qua mọi giới hạn không gian và thời gian cũng như chủ trương cục bộ của nhân loại. Theo công đồng Vatican I (D.1794): Hội thánh đã chiến thắng sự phân rẽ nội tại cũng như phân rẽ ngoại tại vốn là hậu quả của chủ trương cục bộ nhân loại. Hội thánh đã chiến thắng những giới hạn của thời gian và lịch sử bằng sự vững bền, chiến thắng những giới hạn của sự hao mòn, già nua, chết chóc bằng sự thánh thiện, phong nhiêu nhờ một nguyên lý Thần Linh – Thánh Thần của Thiên Chúa, Đấng làm cho Hội thánh sống động. Hội thánh trần gian là một phác họa của thánh đó Giêrusalem trên trời, một sự thông dự trước vào vương quốc các thánh.

Sự hiện diện của một cộng đoàn như thế, một cộng đoàn chìm hút trong xã hội nhân loại đã đập vào mắt mọi người do ánh sáng chói lọi của nó. Sau khi đã chiêm ngắm ngọn nguồn tỏa ra những tia sáng, bây giờ chúng ta hãy xem những tia sáng này dẫn chúng ta tới cội nguồn của chúng như thế nào. Trong cộng đoàn Hội thánh, đúng như nó được biểu lộ ra bên ngoài, điều gì làm cho Hội thánh trở thành một cộng đoàn khác thường giữa xã hội loài người. Làm sao giải thích sự hiện diện của cộng đoàn đó nếu không công nhận có một sự can thiệp đặc biệt nào đó của Thiên Chúa.

Trước hết phải kể đến tính duy nhất của Hội thánh. Không phải là một sự duy nhất bề ngoài, nhưng là một sự duy nhất trong đạo lý, phượng tự, cai trị… vốn đã có từ hai ngàn năm và đã qui tụ được số đông nhân loại. Trong Hội thánh, nhân vị được bảo toàn, lương tâm được thực thi, tình liên đới và sự hiệp thông hiện diện giữa các phần tử của Hội thánh, - dù những phần tử này chưa quen biết nhau, sống xa nhau – Nguyên lý làm gắn bó của cộng đoàn này là Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, mọi Kitô hữu đều làm chứng về điều đó. Hội thánh luôn tăng trưởng những cũng luôn gắn bó nội tại. Hội thánh tham gia vào những cơ cấu nhân loại, những không bao giờ để mình bị đồng hóa. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp đặc thù, một nhánh nào đó – lý giáo hay dị giáo – tự tách rời khỏi thân mình Hội thánh.

Sự duy nhất “năng động và công giáo” này vượt thắng mọi không gian và triệu tập nhân loại trên trái đất. Điều quan trọng trong chứng từ của Hội thánh, không phải nằm chính nơi hiện tượng mà nẳm ở phẩm chất của Hội thánh. Hội thánh lan rộng vượt qua những phân biệt về văn hóa và chủng tộc, không do sức mạnh vũ trang hay cưỡng bách luân lý, nhưng hoàn toàn do tình yêu lôi cuốn, tình yêu Thiên Chúa thể hiện trong Chúa Kitô và bất chấp mọi chướng ngại nội hay ngoại tại. Cộng đoàn Kitô giáo là cộng đoàn những con cái Thiên Chúa trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô. Hội thánh xây dựng thân thể Chúa Kitô, trong đó không còn Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, nhưng tất cả mọi người là con cái cùng một cha, “được lãnh nhận cùng một cha, “được lãnh nhận cùng một Thánh Thần duy nhất” (1Cr 12,13). Hội thánh được thiết lập không phải là để đi ngược nhưng hợp nhất tình yêu giữa mọi người với nhau. Lan rộng trong duy nhất, duy nhất trong những bất nhất, phỏ quát trong những bất khả phân và trong bác ái… tất cả tạo nên một nghịch lý ghê gớm.

Hội thánh luôn bền vững: Hội thánh trải qua lịch sử nhưng vượt trên những thăng trầm của lịch sử. Hội thánh luôn giữ được thế quân bình nội tại của mình, mặc dầu có những đối nghịch từ bên trong (những sai lầm cố ý hay vô ý, những đam mê cá nhân hay tập thể) và từ bên ngoài (những bách hại dưới nhiều hình thức…). Sự bền vững của Hội thánh luôn sống động trong nhịp phát triển và tiến độ theo thời gian. Hội thánh vẫn luôn đứng vững và thoát ra khỏi những mãnh lực chính trị vốn không ngừng lăm le bóp chết mình. Bất chấp những cuộc tấn công của chủ nghĩa duy nhiên và quốc gia, Hội thánh vẫn tồn tại, vẫn bảo đảm tính chất trường cửu của mình; Sự bền vững của Hội thánh là sự bền vững bất khả thắng. Một sự bền vững và vĩnh tồn như thế xuất hiện như một sự tham dự vào tính bất biến của Thiên Chúa. Chúng có được là nhờ một nguyên lý sống động vượt trên thời gian, không gian và lịch sử.

Hội thánh thánh thiện trong đạo lý, sứ mạng và trong những phương tiện thánh hóa của mình (lề luật, các bí tích). Hội thánh hoạt động trong xã hội loài người như men làm “dậy bột” đạo đức và tinh thần, bằng cách luôn đưa công bình, bác ái, khiêm tốn, thanh khiết vào xã hội. Hội thánh nêu cao lý tưởng hoàn thiện Tin mừng và mời gọi những tâm hồn quảng đại bước vào đời sống sung mãn, đời sống làm con cái Thiên Chúa ngay tại trần gian, đời sống toàn hiến cho Thiên Chúa bằng sự từ bỏ của cải (khó nghèo) và bằng một giao ước thâm sâu và độc nhất giữa linh hồn và lý trí của mình với Thiên Chúa (khiết tịnh, vâng phục). Hội thánh gồm cả một khối nặng nề những người con tội lỗi, vì thế, Hội thánh không ngừng nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa cho họ. Nhưng Hội thánh có cả một số đông những phần tử đạt tới sự thánh thiện chung của Hội thánh. Hơn nữa, trong mọi thời đại, trong hàng ngũ con cái của Hội thánh luôn có những vị thánh anh hùng giữa những bắt bớ của thế gian. Sự thánh thiện này, mỗi người sẽ gặp thấy, nếu không qua kinh nghiệm bản thân, thì ít ra cũng xuyên qua lịch sử. Vì sự thánh thiện của Augustin, Phanxico Xavier, Bernard, Francoise d’Assie, Thomas d’Aquin, Vincent de Paul, của cha sở họ Ars… đều nằm trong dòng lịch sử lớn. Mỗi người cũng có thể hiểu được cường độ, sung mãn, bền vững, và phong phú của sự thánh thiện đó. Vì Hội thánh phong phú trong mọi thiện hảo của mình do sự phong phú của đức ái tràn lan trong những cử chỉ, thái độ và công việc từ thiện, không phải để cạnh tranh với xã hội dân sự nhưng vì Hội thánh sống bằng Thánh Thần Thiên Chúa, nên Hội thánh cũng phản chiếu sự phong phú đời sống thần linh của Người, đó là một cuộc sống luôn được đổi mới trong tình yêu. Hội thánh, vốn sống tình bác ái của Chúa Kitô, thì cũng như Người, Hội thánh đi đến đâu làm việc thiện đến đó (Cv 10,38). Xét cho cùng, sự thánh thiện sẽ giải thích tất cả, vì không có bác ái thì không có duy nhất, mà chỉ có ly khai không thể có đại đồng mà chỉ có ích kỷ, không có sự bền vững mà chỉ có sự đổi thay và tiêu diệt.

Nhìn chung, tất cả những điều trên đã làm cho Hội thánh trở thành một cộng đoàn khác thường giữa xã hội loài người. Lịch sử cho thấy không có một xã hội nào giống như Hội thánh, một xã hội vừa có sự thống nhất nội và ngoại tại, vừa phổ quát và trường cửu, thánh thiện và bền vững. Lý giải cho điều này: đó là nguồn gốc và sứ mạng của Hội thánh là do từ chính Thiên Chúa. Hội thánh xác nhận rằng Hội thánh hiện hữu và hành động đều nhờ sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Hội thánh khẳng định rằng: Hội thánh hiện hữu là do thánh ý Thiên Chúa và được coi là con đường cứu độ độc nhất đối với mọi người. Sứ mạng và đạo lý của Hội thánh là do từ Thiên Chúa.

Thật vậy, Hội thánh dạy rằng: Chúa Kitô là Con Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta để khai mở một Nước Trời trên trần gian, để đổi mới nhân loại, cá nhân cũng như xã hội. Hội thánh hiện diện ở đâu, sức mạnh thánh hóa của Chúa Thánh Thần hoạt động và đổi mới các tâm hồn ở đó. Trong Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đang sống và hành động dưới tác động của Thánh Thần; trong nhân loại mới, Hội thánh, dân Thiên Chúa cũng đang hiện diện giữa các đô thị nhân loại và tỏ cho thấy một số nét của thành đô Giêrusalem trên trời ngay tại trần gian này: sự thống nhất, bền vững, thánh thiện, phong phú, trường cửu. Sự sống tuyệt diệu của Hội thánh vừa là dấu chỉ xác định vừa là biểu tượng của mạc khải. Hội thánh nói lên nguồn gốc mạc khải là từ Thiên Chúa (dấu chỉ xác định) đồng thời cho thấy cuộc sáng tạo mới đã được mạc khải loan báo (dấu chỉ biểu tượng). Như thế, Hội thánh và mạc khải, Hội thánh và Lời là hai thực tại bất khả phân ly và làm cho nhau thêm sống động. Hội thánh vừa là Hội thánh triệu tập vừa được triệu tập. Được khai sinh bởi Lời, Hội thánh phục vụ Lời và trở thành dấu chỉ của hôn thê đã tiếp nhận Lời của hôn phu và không thể quên Lời đó. Hội thánh sống bằng Lời Thiên Chúa trong khi chờ đợi Đức lang quân trở lại.