(Thời sự Thần học – Số 20 – Tháng 6/2000, tr. 23-34)
Hồng y Carlos Martini. Chuyển ngữ: Vinh Sơn Lương Hồng Phong, O.P.
Thánh Đa Minh - Lectio Divina dưới chân thập giá |
Chúng con cũng nài xin Ngài ban cho chúng con một hồng ân trọng đại hơn nữa: đó là nhận ra hoạt động của Thiên Chúa nơi Hội thánh hữu hình và sống động trong dòng lịch sử thế giới, để qua Hội thánh, đặc biệt là Hội thánh thời sơ khai, chúng con chiêm niệm lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi con người đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đi vào lịch sử của nhân loại, và vẫn còn hiện diện giữa chúng con cho đến tận thế”.
Qua cuộc tĩnh tâm này, hồng ân chúng ta phải đón nhận từ Chúa Thánh Thần chính là khả năng chiêm niệm sâu xa hơn về công việc của Thiên Chúa.
Có lẽ chiêm niệm các công việc của Thiên Chúa nơi đức Giê-su không khó lắm, vì các sách Tin mừng đã trình bày cho chúng ta khuôn mặt của đức Ki-tô dưới ánh sáng lôi cuốn và bị che khuất do các huyền nhiệm (!). Nhưng việc chiêm niệm những biến cố cứu độ trong đức Ki-tô đòi hỏi một sự gia tăng lòng tin và lời cầu nguyện. Nhiều người đã sẵn sàng đón nhận Tin mừng, đón nhận đức Ki-tô, nhưng lại không muốn đón nhận Hội thánh.
Theo hướng đó, sách Công vụ đã mở ra một con đường giúp thực hành. Tác giả sách Tin mừng Mác-cô không dám viết tiếp tác phẩm, mà dừng lại ở việc loan báo sự phục sinh của đức Ki-tô. Thánh Mát-thêu dừng lại ở việc đức Giê-su phái các Tông đồ ra đi thi hành sứ mạng truyền giáo khắp thế giới. Chỉ có thánh Lu-ca là can đảm tiếp tục đề cập đến hoạt động của Thiên Chúa Cha trong lịch sử, qua Hội thánh. Đồng thời, thánh nhân nhấn mạnh rằng hoạt động này phải được dùng làm chất liệu cho chính việc chiêm niệm.
Đây là một đặc ân tối quan trọng mà chúng ta phải cầu xin Chúa Thánh Thần. Nếu thiếu đặc ân ấy, chúng ta có thể là những người thuộc về đức Ki-tô, nhưng không hoàn toàn thuộc về Người: chúng ta không phải là người của Hội thánh.
Phần chúng ta, chúng ta chuẩn bị đón nhận hồng ân ấy qua việc đọc và suy niệm Kinh thánh (lectio divina) trong ít trang sách Công vụ: vì mục đích này, tôi xin trình bày cùng một suy nghĩ mở đầu về lectio divina.
Trước hết, chúng ta nhớ lại hai câu Tin mừng của thánh Lu-ca: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). “Riêng mẹ Người (đức Giê-su) thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Tiếp đến, chúng ta đọc đoạn sách Công vụ viết về các tín hữu ở cộng đoàn Bê-roi-a: “Họ cởi mở hơn những người ở Thê-xa-lô-ni-ca. Họ đón nhận Lời Chúa với tất cả nhiệt tâm. Ngày ngày họ tra cứu Sách Thánh để xem có đúng (Cv 17,11b) như lời thánh Phao-lô giải thích không.
Trong những câu dẫn trên, chúng ta thấy có cùng một sự quan tâm đến lòng trung tín với ký ức về đức Ki-tô. Đức Ma-ri-a minh chứng qua việc suy gẫm trong lòng những biến cố trong cuộc sống của đức Ki-tô và kết hợp những biến cố ấy với Ngôi Lời. Những người dân Bê-roi-a minh chứng qua việc đọc Kinh thánh, tra cứu và chất vấn Kinh thánh để hiểu biết sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử.
Giờ đây, chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi :
– Lectio divina là gì ?
– Hệ thống của lectio divina như thế nào ?
– Lectio divina có liên hệ gì đến sinh hoạt thường nhật của linh mục ?
1. Lectio divina là gì ?
Lectio divina là một công việc thực tập có tổ chức nhằm lắng nghe Lời Chúa một cách cá vị.
Đây là công việc thực tập: công việc này chiếm một tầm quan trọng vì đặc tính hoạt động của nó. Trong việc cử hành và sinh hoạt tôn giáo của chúng ta, nhiều người đã đặt ra những hình thức thụ động mà chúng ta thi hành theo kiểu rập khuôn người khác hoặc theo thói quen. Lectio divina là công việc thực hành theo đó người ta dấn thân, người ta tự quyết định, người ta bắt tay vào việc. Kỳ tĩnh tâm này không nhắm mục đích chính là giúp các bạn nghe giảng: đây là một hoạt động, một sự tiến bước của cá nhân vào việc cầu nguyện và chiêm niệm. Một phần trong hoạt động này là lectio divina.
Công việc có tổ chức: đây là một công việc thực hành hàm chứa động lực nội tâm rất đơn giản mà chúng ta thường quên lãng. Chính vì vậy, chúng ta cảm thấy Kinh thánh thật khô khan và chúng ta kết luận ngay rằng Kinh thánh không giúp chúng ta cầu nguyện.
Mặt khác, việc đọc sách ở đây là lắng nghe, là đón nhận Lời Chúa như là đón nhận một ân huệ. Những đặc tính của việc lắng nghe này hoạ theo thái độ của đức Ma-ri-a. Sau khi lắng nghe, người đã vâng theo và thưa lên lời “xin thực hiện cho tôi theo như lời của ngài”. Do đó, đây là một việc lắng nghe được thực hiện trong tinh thần tôn kính và tuân phục. Chúng ta không tìm trong Kinh thánh một đôi điều để nói với người khác, cũng không tìm điều gì bản thân chúng ta thú vị. Chúng ta phải để cho Thiên Chúa nói với chúng ta.
Việc lắng nghe có tính cách cá nhân. Đây không phải là nghe một bài thuyết giảng, một bài thuyết trình hay nghe những lời được đọc lên trong Giáo hội. Đây là một khoảnh khắc riêng tư để lắng nghe, rất cần phải tương ứng với lòng đạo đức của cộng đoàn. Thời điểm này có tương quan rất chặt chẽ giữa Lời Chúa được đọc trong phụng vụ với lectio divina. Việc lắng nghe riêng tư bổ túc cho việc lắng nghe trong cộng đoàn. Lắng nghe riêng tư là chuẩn bị cá nhân để có thể lắng nghe trong cộng đoàn. Lectio divina trở thành việc có tính cách cá nhân nhiều hơn. Thiếu lectio divina, việc lắng nghe chung trong cộng đoàn sẽ có thể rơi vào tình trạng đại chúng, đại khái.
Nói về Lời Chúa. Chính Thiên Chúa lên tiếng, chính đức Ki-tô, chính Thánh Thần đã nói. Những gì tiêu biểu nhất nói với tôi là Lời. Lời đã tác tạo tôi, chất chứa những huyền nhiệm vì cuộc sống của tôi, là chìa khoá giải gỡ những lo âu hiện tại của tôi. Lời hiểu biết điều bí nhiệm trong cuộc hành trình của Hội thánh, là chià khoá giải mã cho những hoàn cảnh lịch sử đương thời. Những gì nói với tôi là Thần Khí, Thần Khí đã đi sâu vào từng thực tại kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá của thế giới. Đây luôn luôn là việc lắng nghe Lời với một sự trân trọng, vì Lời đã tác tạo thế giới, đã giữ gìn, hướng dẫn và cai quản thế giới.
2. Tiến trình của lectio divina
Lectio divina có một chiều dài lịch sử xấp xỉ 2500 năm vì công việc này đã được thực hành từ thời Cựu Ước. Các ngôn sứ đã dựa vào truyền thống trước đó để tổ chức nên công việc này. Sau đó, các nhà hiền triết lại dõi theo các ngôn sứ, và các thầy ráp-bi cũng biết khá rõ công việc này.
Lectio divina có một tiến trình khá đơn giản, đã được các giáo phụ trong Hội thánh và các tác giả thời Trung cổ công nhận. Tiến trình này đi theo ba giai đoạn cơ bản mà người ta có thể phân chia thành bốn hoặc bảy giai đoạn, vì họ muốn nhận biết giá trị thâm sâu của tiến trình đó.
Đọc, suy niệm, chiêm niệm là ba giai đoạn vốn luôn được Hội thánh nhìn nhận và áp dụng. Đây cũng là những việc mà người ta không được quên, không được lơ là.
a) Qua việc đọc (lectio), chúng ta lắng nghe để am hiểu đoạn Sách Thánh, để từ đó rút ra những ý tưởng quan trọng. Công việc này khá đơn giản: cần chú ý đến động từ, chủ từ, những tình cảm, phẩm chất của hành động, những sự kiện nối tiếp nhau hoặc vì có liên đới với nhau, hoặc vì những lý do phải tranh luận. Nếu tôi không đọc chỉ cho qua lần chiếu lệ, nếu tôi không bằng lòng với việc chỉ đọc đoạn văn ấy một lần duy nhất, tôi sẽ được vén mở cho thấy một điều gì đó mới lạ nơi mỗi bài đọc. Những đoạn sách tương tự và có liên hệ đến Kinh thánh sẽ nảy ra trong tâm trí tôi, đánh thức những hoài niệm Kinh thánh trong tôi. Việc đọc sách như thế mở ra những viễn ảnh khởi đi từ những bối cảnh trước mắt đến những quan niệm sâu rộng hơn, cho đến những lối đánh giá trong những lãnh vực tương tự.
Như vậy, đoạn văn trở nên phong phú, mạch lạc và phải nhận rằng: đoạn văn này không phải chỉ được viết lên một cách tức thời, tình cờ mà thôi, nhưng hơn thế nữa, đó là hoa trái của tất cả việc suy niệm của đức Giê-su do các Tông đồ và Hội thánh sơ khai tích góp nên.
Mọi người chúng ta đều có thể thực hành lectio divina, vì công việc này không nhằm tạo nên lời chú giải theo sát nghĩa. Nếu chúng ta không chú tâm đến lời chú giải, bài đọc sẽ chỉ mở ra cho chúng ta hai hoặc ba ý tưởng mà xhúng ta đã biết. Tiếp đó, chúng ta sẽ lựa chọn một bài học để áp dụng vào cuộc sống thường ngày của chúng ta. Nhưng chúng ta không thể nào nắm bắt hết động lực sống động mà bài học đã gợi lên. Đây cũng giống như mỗi một ý tưởng nhỏ được phản hồi lại để cho mỗi chi tiết nhỏ của chúng đều đem lại sinh lực sung mãn.
b) Suy niệm. Sau một khoảng thời gian nào đó dành cho sự đánh giá của chúng ta – sự đánh giá dựa trên thói quen và thời gian chúng ta đặt ra -, chúng ta tiến tới việc suy niệm, một công việc làm sáng tỏ những giá trị bền vững chất chứa trong bản văn. Trong khi việc đọc sách bị giới hạn để chú tâm đến ngôn từ, thì việc suy niệm lại khởi sự việc suy gẫm những tình cảm, hành động, những thái độ được gợi lên.
Chúng ta nghiệm xét những thái độ của Thiên Chúa đối với con người như: lòng nhân từ, tín trung và sự công bằng của Người. Hoặc chúng ta nhìn xem những thái độ của con người đối với Thiên Chúa: những thái độ tích cực như: lòng sám hối, lời ca tụng tán dương, lòng tri ân cảm tạ. Và những thái độ tiêu cực như: dối trá, hèn nhát, bội nghĩa vong ân, sợ dấn thân…
Những giá trị lâu bền rút ra từ bản văn và trở thành đối tượng so sánh với hoàn cảnh riêng tư của tôi. Tôi tự nhủ mình phải đảm nhận, phải lưu tâm, phải ưng thuận hoàn cảnh đó như thế nào, và tôi liên kết với động lực phát xuất từ những tâm tình trong bản văn.
Đây là cách suy niệm của đức Ma-ri-a, Đấng đã đối chiếu biến cố này với biến cố kia, và những cách xử sự bề ngoài xem ra mâu thuẫn của đức Giê-su (sống vâng phục ở Na-da-rét, nhưng trong Đền Thờ, Người lại tỏ ra ít vâng lời). Qua đó, đức Ma-ri-a hiểu được mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã dung hoà được những giá trị đối kháng nhau này. Nhờ suy niệm, đức Ma-ri-a đã tiến vào huyền nhiệm của Thiên Chúa.
c) Chiêm niệm. Chiêm niệm đem lại một không gian, ở đó vô số những tình cảm, những sự phản tỉnh và cả việc cầu nguyện cũng đều tập trung vào việc chiêm niệm về mầu nhiệm của đức Giê-su, tượng trưng cho từng trang Kinh thánh, đặc biệt là mỗi trang Tin mừng.
Đây là khởi sự đi vào chiều sâu của bản văn và tiến tới những giá trị mà bản văn đã nêu bật lên, để được say mê và được nuôi dưỡng nhờ sự Hiện Diện thần linh sống động trong những biến cố đã gợi lại.
Thật vậy, đoạn văn Kinh thánh đã làm nên mặc khải do chính Thiên Chúa vô hình thực hiện qua những hoạt động, lời nói, những mô tả về Dân Thiên Chúa, về đức Ki-tô và các Tông đồ.
Lectio còn có thể được cắt nghĩa. Việc suy niệm còn mang nhiều tính cá nhân. Nhưng chiêm niệm lại được khơi gợi lên trong chính chúng ta nhờ Thánh Thần.
Trong một dịp tĩnh tâm nọ, cha Karl Rahner đã xây dựng một luận đề rất sáng giá mà có thể tóm tắt như sau: “Mọi người đều có thể có một kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa”. Đây là lời khẳng định về một tầm quan trọng cả thể. Và một trong những phương tiện thông thường nhất con người có thể áp dụng để thực hiện kinh nghiệm này, là chiêm niệm như chúng ta từng nghe biết đến: một sự dứt bỏ chính mình và một sự dấn bước vào huyền nhiệm quyết định cho đời sống chúng ta.
Ngày nay, chúng ta đang cần đến chính sự chiêm niệm này. Nói khác đi, chúng ta đã bị vong thân. Trong một thế giới mà những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa, trong cách thức trình bày có tính cách văn hoá về niềm tin, ngày càng bị phai mờ, thì con người, nếu không tìm thấy được kinh nghiệm về Thiên Chúa sẽ cảm thấy trống vắng, bị bỏ rơi, thiếu vắng sự nâng đỡ. Phương pháp hướng dẫn trong Hiến chế Lời Thiên Chúa (Dei Verbum) của công đồng Va-ti-ca-nô II chính là tái khám phá năng lực chiêm niệm Kinh thánh của mọi người và của mọi linh mục. Khả năng làm vui thoả tâm hồn và khả năng ấy cũng cho phép trải qua đêm tối của lòng tin, qua việc làm chứng cho đức Ki-tô phục sinh.
Sau khi đã phác hoạ ba giai đoạn nền tảng của lectio divina, chúng ta có thể tự hỏi rằng đối với một linh mục, làm sao có được khả năng cụ thể để mỗi ngày vào một khoảng thời gian nào đó, có thể thực tập công việc này với một đoạn Kinh thánh nào đó.
Trước tiên, tôi muốn nói với các bạn: theo kinh nghiệm riêng của tôi, là hoàn toàn có thể thực tập lectio divina mỗi ngày. Tất nhiên, trước tiên chúng ta cũng phải chuẩn bị cho công việc này. Đối với một giáo dân chưa được chuẩn bị, thì khó mà bắt đầu ngay lập tức. Tuy nhiên, đối với một linh mục, trường hợp này lại khác. Thật vậy, một cuộc hội thảo, một khoá nghiên cứu Kinh thánh, một môn học về suy tư và cầu nguyện sẽ tạo được một sự chuẩn bị chu đáo cho công việc thực tập lectio divina.
Việc lựa chọn thời gian tùy thuộc vào chúng ta, và chính chúng ta phải tìm kiếm sự thanh thản và thinh lặng cho mình. Truyền thống đan tu và truyền thống Cựu Ước đã giúp chúng ta hiểu rằng một buổi suy niệm lâu giờ vào ban sáng là nguồn trợ lực tinh thần mỗi ngày. Tuy vậy, những hoàn cảnh hiện tại không phải là lý tưởng hơn đối với công việc này: các linh mục thường bị bó buộc miệt mài với công việc mãi đến chiều tối.
Vậy chúng ta có thể thử duy trì đều đặn ba khoảng thời gian ngắn trong ngày dành để cho việc hồi tâm, bằng cách nối kết các khoảng thời gian đó lại với nhau.
Lần đầu tiên sắp xếp vào buổi chiều. Chúng ta đọc một trang Tin mừng trong tâm tình khẩn nài Thiên Chúa giúp ta hiểu biết Người qua Lời của Người: chúng ta kết thúc bằng một lời cầu nguyện để ghi nhớ những hoài niệm của trang Tin mừng này trong lòng chúng ta.
Lần thứ hai vào buổi sáng, trước hoặc sau thánh lễ: chúng ta sử dụng lại trang Tin mừng hôm qua, nhưng chúng ta đọc lại trang Tin mừng đó trong tinh thần chiêm niệm về đức Giê-su và về công việc của Hội thánh đã mặc khải Tin mừng cho chúng ta, và chúng ta tìm kiếm trong bài Tin mừng đó một vài hướng dẫn cho ngày sống.
Lần thứ ba vào buổi trưa, trước hoặc sau bữa cơm trưa: chúng ta ngẫm nghĩ về bài đọc và qua lời cầu nguyện, chúng ta có thể biết được mình đã đi quá xa lý tưởng mà chúng ta đặt ra cho Lời Chúa. Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa, nài xin Người ban ơn hoán cải cần thiết, giúp chúng ta tiến lại gần lý tưởng này.
Về việc lựa chọn đề tài, tôi có thể gợi ý cho các bạn những đề nghị thật đơn giản. Theo tôi, có lẽ trước tiên chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa đã đem lại cho chúng ta tiến trình lectio divina qua những lời hướng dẫn mới mẻ. So với truyền thống dài hàng nghìn năm, tiến trình ba năm của các bài đọc phụng vụ đã đem đến sự đổi mới, tạo cho chúng ta sự phong phú lớn lao và một con đường tươi sáng của lectio divina đã nối tiếp theo đó. Chúng ta có thể thêm vào đây những bài đọc của Các giờ kinh phụng vụ. Thực ra, đây chỉ là những lời đề nghị khác nhau giữa những ý kiến mà chúng ta nên lựa chọn: mỗi năm chúng ta có thể thực hiện một cách lựa chọn khác nhau.
Tuy nhiên, nếu sử dụng Tin mừng theo năm phụng vụ để suy niệm (lectio) liên tiếp thì chúng ta không sợ bỏ sót Lời Thiên Chúa, vì Các giờ kinh phụng vụ đã chứa đựng những đoạn Cựu Ước không được nhắc đến trong Tin mừng. Mỗi trang Kinh thánh mà chúng ta được đọc đều hàm chứa và vén mở mầu nhiệm duy nhất về ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Tôi muốn nói với các bạn lời lưu ý sau cùng này: Lectio divina không thay thế Các giờ kinh phụng vụ. Đây là hai công việc khác biệt, nhưng có liên đới chặt chẽ với nhau. Các giờ kinh phụng vụ được xem như một ngọn lửa và lectio divina được xem như khí ô-xy. Ngọn lửa của kinh nguyện trong Hội thánh không bao giờ có thể bị tách biệt khỏi kinh nguyện của thánh lễ.
Nếu tôi có dưỡng khí ô-xy từ lectio divina mà chẳng có một sự liên tục nào trong việc cầu nguyện phụng vụ đối với Các giờ kinh phụng vụ, dưỡng khí đó sẽ có thể khiến tôi say mê mà quên lãng những thực tại của Hội thánh.
Trái lại, ngọn lửa thiếu ô-xy sẽ có khuynh hướng bị tắt dần, vì những thánh vịnh – những chất liệu trong việc cầu nguyện bằng Các giờ kinh phụng vụ – những phần cô đọng của bản văn Kinh thánh và của nhãn quan thần linh về thực tại sẽ có khuynh hướng đánh mất ý nghĩa của chúng.
Do đó, hai thành phần thiết yếu trong đời sống của một linh mục là: Các giờ kinh phụng vụ, một mối dây liên kết sống động với lời cầu nguyện của Hội thánh, và lectio divina, một công việc giúp thắp sáng Các giờ kinh phụng vụ để soi chiếu và hun đúc cho tâm hồn.
3. Mối liên hệ giữa lectio divina và sinh hoạt hằng ngày
Chúng ta là những nạn nhân vô ý thức với một sai lầm căn bản mà nhiều lần đức Gio-an Phao-lô II đã khuyến cáo: sự tách biệt giữa đức tin và cuộc sống mà chúng ta đề cập ở đây là sự tách biệt giữa việc cầu nguyện và cuộc sống. Quả vậy, chúng ta sống với tương quan trên một cách khiếm khuyết và chúng ta không ý thức được sức mạnh tiềm tàng của mối tương quan đó.
Sự khiếm khuyết này thực sự được diễn tả trong câu nói sau: “ Chúng ta cầu nguyện để hoạt động tốt hơn”. Nghĩa là: chúng ta cầu nguyện để có sức mạnh mà hoàn thành chu đáo hơn những bổn phận của chúng ta, chúng ta cầu nguyện để được trở thành những linh mục trung tín với các khuyến giới của Hội thánh. Chúng ta cầu nguyện để biết quan tâm nhiều hơn tới nhu cầu của người khác.… Nếu chúng ta sử dụng những lối biểu lộ trên một cách chính đáng theo sát nghĩa của chúng, có lẽ chúng sẽ chứa đựng một sự loại trừ nguyên sơ về một mối tương quan đích thực và trọn vẹn giữa việc cầu nguyện và cuộc sống. Thực ra, những cách biểu lộ đó chỉ giả thiết cho chúng ta thấy điều phải làm, cho thấy những bổn phận đó. Thực tế cho thấy một sự hiểu biết sâu xa hơn về mối liên hệ cầu nguyện – cuộc sống phải được diễn tả trong một tiến trình có hệ thống và có tính truyền thống theo việc thực hành bộ ba là: lectio, suy niệm và chiêm niệm.
Khi việc suy niệm đã bén rễ trong chúng ta nhờ ân huệ của Thánh Thần, nhờ việc chiêm niệm về mầu nhiệm của đức Ki-tô, thì kết quả đem lại cho ta sự hiện diện của Thánh Thần như Kinh thánh nói đến “Paraclèse” (Ngôi vị Thánh Thần). Đây là nguồn an ủi thiêng liêng, một niềm vui sâu thẳm về mầu nhiệm thần linh không theo cảm giác cần thiết, nhưng chân thực và chuẩn xác. Trái tim như được mở ra vì nó cảm thấy có được một tia sáng về mầu nhiệm mà chúng ta dường như vẫn thường thấy vô cảm, xa lạ và u mê về mầu nhiệm đó.,
Từ sự an ủi thiêng liêng này đã phát sinh ra điều mà trong các ngục thư thánh Phao-lô gọi là sự phân định hoặc chọn lựa. Kinh nghiệm về Thánh Thần (Paraclèse) đã đem lại cái nhìn mang tính Ki-tô giáo cần thiết để biết được điều gì thích ứng với kế hoạch của Thiên Chúa trong đời sống cá nhân chúng ta, trong thế giới, trong lịch sử. Và trái lại cũng biết được điều gì đối nghịch với kế hoạch đó. Khả năng phân định xem điều gì có thuộc Thần Khí của đức Ki-tô hay không thì không nảy sinh từ một lý luận hay một tiến trình suy diễn, nhưng hơn thế, khả năng đó phát sinh từ sự thấm nhuần bên trong, từ một kinh nghiệm chân thực về Thiên Chúa (x. Rm 12; Cl 1). Sự lựa chọn gợi lên sự quyết định mang lại cho chúng ta khả năng chọn lựa những hoạt động phù hợp với Tin mừng giữa những hoạt động khả thi khác trong đời sống chúng ta: đối với việc mục vụ, đối với những gì chúng ta phải nói và phải giữ im lặng, đối với việc hướng dẫn lương tâm, đối với việc hoà giải (bí tích giải tội), đối với những mối tương quan của chúng ta với tha nhân, đối với những vấn đề nghiêm túc hơn về đặc tính của pháp luật liên quan đến cuộc sống và xã hội. Đây thường chỉ là hướng quyết định để tìm hiểu, để sử dụng những phương tiện đúng lúc, để biết quan tâm, biết đi sâu vào một hoàn cảnh nhất định mà không rập khuôn theo một quan niệm tiên thiên: đây luôn luôn là một sự quyết định hướng dẫn chúng ta hành xử đúng với Tin mừng.
Hành xử theo Tin mừng là hoa trái của sự quyết định nội tâm, làm cho ánh sáng của sự phân định đến từ sự sung mãn thâm sâu nhận được qua việc suy niệm Kinh thánh.
Như vậy, mối liên kết cầu nguyện – hoạt động đã được hình thành. Tôi không cầu nguyện để hoạt động được chu đáo hơn. Tôi cầu nguyện và trong cầu nguyện tôi tìm ơn linh hứng chỉ cho tôi biết những phương tiện tốt hơn để hoạt động, tôi thử nghiệm chúng, tôi đối chiếu với những phương tiện đó.
Mối tương quan giữa lectio divina và sinh hoạt thường ngày là một tương quan tới sự liên lỉ trong việc cầu nguyện, giữa cầu nguyện và sinh hoạt: không phải mối tương quan đến tình trạng việc này ảnh hưởng việc kia. Những cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi đã sống trong một thế giới bị tục hoá mạnh mẽ, một thế giới ngoại giáo, một phần thì trang nghiêm hơn cộng đoàn chúng ta, phần khác lại rất cứng nhắc. Chính nhờ sức mạnh của Thánh Thần mà các cộng đoàn tiên khởi đã được tăng trưởng, từ con số không trở thành những cộng đoàn có tổ chức và những công dân sống đời Ki-tô hữu.
Ngày nay, chúng ta thấy hoàn cảnh sống cũng gần giống với thời gian trước đây, cho dù có ít nghiêm trọng hơn. Qua những cơ chế phức tạp, thế giới bị tục hoá của chúng ta chỉ đem lại những tiêu chuẩn ngầm cho đời sống ki-tô hữu, được tìm thấy qua những nét đặc thù, qua cộng đoàn, nhờ vào đặc ân chiêm niệm. Đó là lý do tại sao thực hành lectio divina lại là công việc căn bản trên hết đối với những người có trách nhiệm trong Hội thánh. Sự gia tăng những thay đổi về xã hội và văn hoá, những áp lực tinh thần của mọi nhân tố có thể gây rối loạn tinh thần chúng ta, nếu chúng ta không có được một sự qui chiếu liên tục, một sự qui chiếu cho phép chúng ta trở nên đèn sáng chiều soi vào nơi tăm tối. Đây là lời đề nghị đòi buộc chúng ta phải ngẫm nghĩ một cách cẩn trọng về nó. Chúng ta có thể thắc mắc rằng:
- Trong những ngày tĩnh tâm này, tôi có thể làm gì để tiếp tục thực hành và đi sâu vào lectio divina ?
- Tôi có tin chắc vào tầm quan trọng mà công việc thực hành này đem lại cho đời sống của tôi không ?
- Những trở ngại nào đã ngăn chặn tôi thực hành lectio divina ?
Chúng ta hãy cầu xin đức Trinh Nữ Rất Thánh giúp chúng ta đi sâu vào cái nhìn chiêm niệm của người về đức Ki-tô và về Hội thánh, vì việc chiêm niệm cần thiết cho chúng ta. Và với ơn trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta mong muốn thực hành công việc đó với nhau trong kỳ tĩnh tâm này.