Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

LECTIO DIVINA – TIẾP CẬN LỜI CHÚA

(Thời sự Thần học – Số 20 – Tháng 6/2000, tr. 40-63)

“Lectio Divina, coeur de la vie religieuse” trong Bulletin Dei Verbum, ss. 22, 23 - Fédération Biblique Catholique. (Tất Nguyễn chuyển ngữ)

Mở Đầu

Chúng ta muốn học biết cách đọc Kinh thánh và tìm xem đâu là bí quyết giúp chúng ta đọc Kinh thánh cho có hiệu quả. Có ba khía cạnh chúng ta cần để ý :

1. Đọc căn cứ vào thực tại chúng ta đang sống.
2. Đọc giữa cộng đoàn đức tin chúng ta đang là phần tử.
3. Đọc với thái độ và tâm tình trọng kính sâu xa bản văn Lời Chúa chúng ta đang đọc.

Cách đọc Kinh thánh như thế không phải là mới. Nó đã có từ nhiều thế kỷ trước và xuất phát từ sự kiện chính đức Giê-su giải thích Kinh thánh cho hai môn đệ đi làng Em-mau (x. Lc 24,13-15).

Ở đây, ta sẽ trở thành học trò của truyền thống cổ kính nhất trong Hội thánh, để ta có thể học được cách đọc Kinh thánh hiệu quả hơn và để càng ngày càng đi sâu vào mầu nhiệm giúp ta đọc cho có hiệu quả. Đó là cách thế được truyền thống quen gọi là “lectio divina”.

Lectio divina là một cách quan trọng trong việc đọc Kinh thánh. Đây là cách thế truyền thống nhất trong Hội thánh. Nó đã tái xuất hiện, không tên không tuổi, giữa lòng dân chúng đang lại bắt đầu đọc Kinh thánh giữa các cộng đoàn. Là tu sĩ nam nữ, khi thực hành việc đọc này, tức là lectio divina, ta lại tìm được nguồn mạch mà trong quá khứ vốn đã sản sinh ra đời tu, và trong hiện tại vẫn còn sản sinh và nuôi dưỡng sinh hoạt của các “cộng đoàn Hội thánh cơ bản”.

Sau khi nói qua sơ lược lịch sử và một vài nhận xét chung, ta sẽ phân tích bốn giai đoạn trong lectio divina: đọc, suy gẫm, nguyện ngắm và chiêm niệm (lecture, méditation, oraison, contemplation). Đó là bốn thì của việc đọc Kinh thánh cá nhân cũng như cộng đoàn. Đó cũng là những thái độ ta luôn phải có đối với Lời của Thiên Chúa. Ta sẽ tìm hiểu xem những thái độ đó hệ tại điều gì và những thái độ đó khi được nối kết với nhau có thể mở ra cho chúng ta một hướng đi khi chúng ta đọc Kinh thánh như thế nào.

1. Sơ lược lịch sử

Ban đầu, lectio divina chỉ là việc các ki-tô hữu đọc Kinh thánh nhằm nuôi dưỡng đức tin, niềm hy vọng và lòng yêu mến của mình. Vì thế, lectio divina cũng cổ xưa như chính Hội thánh, một Hội thánh vốn sống nhờ Lời của Thiên Chúa, và lệ thuộc vào Lời của Thiên Chúa như nước với nguồn (Dei Verbum, ss. 7. 10. 21). Lectio divina là đọc Lời của Thiên Chúa với tâm tình tin tưởng và cầu nguyện, đặt nền tảng trên lòng tin vào đức Giê-su: “Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 14,16; 16,12). Tân Ước chẳng hạn, là kết quả của việc các ki-tô hữu tiên khởi đọc Cựu Ước, khởi đi từ những điều đang làm họ quan tâm và nhờ ánh sáng mạc khải mới của Thiên Chúa trong cuộc phục sinh của đức Giê-su, Đấng đang sống giữa cộng đoàn.

Suốt dòng các thế kỷ, việc đọc Kinh thánh với tâm tình tin tưởng và cầu nguyện này đã nuôi dưỡng Hội thánh, các cộng đoàn và các ki-tô hữu. Tuy nhiên, lúc đầu, đây không phải là cách đọc có hệ thống, có phương pháp. Đây là truyền thống đích thực được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia nhờ việc dân Ki-tô giáo vẫn thực hành.

Kiểu nói “lectio divina” có từ thời giáo phụ Origène. Ông đã lưu ý rằng muốn đọc Kinh thánh một cách hữu ích, cần phải chú ý và kiên trì chăm chỉ. “Mỗi ngày chúng ta lại phải trở về nguồn mạch Kinh thánh”, và không phải chúng ta cứ nỗ lực thôi là được đâu! Vì thế phải cầu nguyện mà xin cho được ơn đó, vì “cầu nguyện là điều tuyệt đối cần để có thể hiểu những điều thuộc về Thiên Chúa”. Ông Origène kết luận là “bằng cách này chúng ta có thể đạt tới chỗ kinh nghiệm điều chúng ta đang hy vọng và đang suy niệm”. Với những suy nghĩ ấy chúng ta đã có được một bản tóm tắt thế nào là lectio divina.

Như vậy, lectio divina trở thành cột sống của đời tu. Đời đan tu trong sa mạc đã phát triển và được tổ chức chung quanh Lời Thiên Chúa được lắng nghe, được suy niệm và cầu nguyện. Các cuộc canh tân và thay đổi liên tiếp đời tu luôn luôn lấy lectio divina làm sợi chỉ đỏ. Tu luật đan tu của thánh Pacôme, thánh Augustinô, thánh Basiliô và thánh Biển Đức đều lấy việc đọc Kinh thánh làm nền tảng cho đời tu, bên cạnh công việc lao động tay chân và phụng vụ.

Lectio divina được hệ thống hóa thành bốn giai đoạn từ thế kỷ XII. Khoảng năm 1150, một đan sĩ Chartreux tên là Guigo có viết một cuốn sách nhan đề “cái thang của các đan sĩ” (Scala Monachorum). Trong phần mở đầu, trước khi trình bày lý thuyết về bốn giai đoạn, ông ngỏ lời với “Gervais, người anh em thân mến” rằng: “Tôi muốn chia sẻ với anh một vài suy nghĩ của tôi về đời sống thiêng liêng của các đan sĩ. Thế mà anh lại đã biết đời sống thiêng liêng này bằng kinh nghiệm rồi, trong khi tôi chỉ biết nhờ nghiên cứu lý thuyết. Nên xin anh làm ơn làm quan tòa và làm người kiểm duyệt cho những tư tưởng của tôi”. Guigo muốn rằng lý thuyết về lectio divina phải được đánh giá và sửa chữa nhờ kinh nghiệm của các đan sĩ đồng bạn của mình.

Tiếp theo, ông giới thiệu bốn giai đoạn: “Một ngày kia, đang lúc lao động chân tay, tôi suy nghĩ về hoạt động tinh thần của con người. Bỗng nhiên cái thang gồm bốn bậc thiêng liêng hiện lên trong trí tôi: đọc, suy gẫm, cầu nguyện và chiêm niệm. Đó là cái thang các đan sĩ dùng mà leo từ đất lên trời. Cái thang này chỉ có vài bậc, nhưng chiều cao thì vô cùng vô tận. Chân thang đặt tựa vào đất, đầu thang xuyên qua các tầng mây và xuyên đến tận các mầu nhiệm trên trời”. Rồi Guigo chứng minh mỗi bậc có đặc tính riêng, làm phát sinh một hiệu quả riêng nơi người đọc Kinh thánh.

Tiếp theo nữa, ông tóm tắt lại như sau: “Đọc là chăm chú tìm hiểu Kinh thánh với một tinh thần chăm chỉ ý tứ. Suy gẫm là hoạt động cần mẫn của tinh thần, với sự trợ giúp của lý trí, tìm cách hiểu chân lý còn đang được ẩn giấu. Cầu nguyện là hoạt động tha thiết của trái tim hướng về Thiên Chúa. Cầu nguyện để xin Thiên Chúa cất bớt những sự dữ và thương ban cho những ơn lành. Chiêm niệm là nâng tâm trí lên và hướng thẳng vào Thiên Chúa. Chiêm niệm giúp thưởng nếm những niềm vui của sự ngọt ngào vĩnh cửu”. Khi trình bày bốn giai đoạn như thế, Guigo tổng hợp truyền thống của một thời đại cổ xưa và biến đổi thành một phương thế đọc Kinh thánh nhằm giới thiệu với những người trẻ đang muốn gia nhập đời sống đan tu.

Đến thế kỷ XIII, các tu sĩ hành khất ra sức sáng tạo một kiểu đời tu mới, tập trung nhiều hơn cả vào sự hiện diện giữa những người “nhỏ bé”, tức là những người nghèo. Các tu sĩ này lấy lectio divina làm nguồn cảm hứng cho phong trào canh tân, như ta thấy rõ trong cuộc đời và tác phẩm của các tu sĩ tiên khởi dòng Phan Sinh, Đa Minh, dòng Tôi Tớ, Cát Minh và các tu sĩ hành khất khác. Họ tìm cách áp dụng lectio divina để phục vụ người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội ở thời họ.

Sau đó, một thời gian dài lectio divina bị quên lãng. Đọc Kinh thánh chỉ còn là điều khuyên làm, thậm chí nơi các nam nữ tu sĩ. Đó là hậu quả đáng buồn của thái độ chống lại phong trào Cải Cách. Chẳng hạn thánh Têrêxa Avila không được đọc trọn vẹn Cựu Ước. Người ta nhấn mạnh nhiều đến việc đọc và hiểu theo nghĩa thiêng liêng. Sợ phong trào Cải Cách khiến cho cắt đứt với nguồn mạch !

Công đồng Vaticanô II trở lại với truyền thống cổ xưa và tha thiết khuyên nhủ thực hành lectio divina trong Hiến chế Dei Verbum (s. 25). Bấy giờ, lectio divina tái xuất hiện, một cách mới mẻ, nhưng không được gọi bằng một danh xưng đặc biệt, trong các cộng đoàn nơi những người nghèo lại bắt đầu đọc Lời Thiên Chúa. Cuồi cùng, lectio divina lại được cổ võ và được học hỏi rõ ràng nơi các tu sĩ nam nữ. Là những tu sĩ nam nữ, chúng ta cũng nên khiêm tốn như Guigo và nói với dân chúng trong các cộng đoàn ki-tô hữu rằng: “Chúng tôi chia sẻ với anh chị em một vài suy nghĩ của chúng tôi về đời sống thiêng liêng. Nhưng anh chị em đã biết đời sống thiêng liêng này bằng kinh nghiệm, còn chúng tôi lại biết nhiều hơn về lý thuyết. Vì thế, xin anh chị em làm quan tòa và làm người kiểm duyệt cho những suy nghĩ của chúng tôi”.

2. Những nhận xét chung

Chúng ta nghe xem Kinh thánh nói gì: “Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,14). “Trong miệng” là đọc, “trong lòng” là suy niệm và cầu nguyện, “đem ra thực hành” là chiêm niệm.

Mục đích của lectio divina là chính Kinh thánh: “Sách Thánh có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ nhờ lòng tin vào đức Ki-tô Giê-su” (2 Tm 3,15). “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Tm 3,16-17). ”...Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15,4). “Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học cho chúng ta, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta” (x. 1 Cr 10,6-10).

Lectio divina giả thiết một số nguyên tắc vẫn luôn hiện diện trong việc đọc Kinh thánh của người ki-tô hữu :

a) Sự thống nhất của Kinh thánh

Kinh thánh là một thể thống nhất vĩ đại, trong đó mỗi cuốn sách, mỗi câu đều có vị trí và chức năng riêng nhằm mạc khải cho chúng ta biết kế hoạch của Thiên Chúa. Những phần khác nhau ví được như những viên gạch xây nên bức tường: các phần đó phác họa nên kế hoạch của Thiên Chúa. Theo nguyên tắc về sự thống nhất của Kinh thánh thì phải tránh cô lập các bản văn, tức là bứng bản văn ra khỏi văn mạch và lặp lại như là những chân lý riêng lẻ và tuyệt đối. Với một viên gạch mà thôi ta chẳng thể xây lên được bức tường. Một nét cọ mà thôi không làm nên được bức họa. Kinh thánh không phải là một xe gạch, nhưng là một căn nhà người ta có thể cư ngụ được.

b) Tính hiện tại hoặc Lời nhập thể

Là những ki-tô hữu, khi đọc Kinh thánh chúng ta không được quên cuộc đời, nhưng phải mang lấy cuộc đời vào nội tâm chúng ta. Khi để ý đến cuộc đời, chúng ta có thể khám phá thấy trong Kinh thánh tia sáng phản chiếu những gì chính con người chúng ta đang sống. Kinh thánh thành tấm gương phản chiếu những gì đang xảy ra trong cuộc đời và trong tâm hồn mọi người. Chúng ta sẽ khám phá thấy rằng Lời của Thiên Chúa không chỉ nhập thể vào những thời đại quá khứ, mà cả ngày hôm nay nữa, để ở với chúng ta hầu giúp chúng ta đương đầu với những khó khăn và giúp cho những gì chúng ta hy vọng được thành tựu: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95,8).

c) Lòng tin vào đức Giê-su Ki-tô, Đấng đang sống giữa cộng đoàn.

Chúng ta đọc Kinh thánh khởi đi từ lòng tin của chúng ta vào đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã phục sinh và đang sống giữa chúng ta. Đức Giê-su chính là chìa khóa chính yếu giúp ta đọc Kinh thánh. Lòng tin vào đức Giê-su Ki-tô giúp chúng ta nhận ra rõ hơn sự hiện diện của Người trong cuộc đời. Nhờ đọc Kinh thánh trong cộng đoàn, Truyền thống và cuộc đời đan kết với nhau làm thành một thể thống nhất sống động.

Lectio divina khởi đầu rất đơn giản với những phương pháp giản dị, theo cấp độ bình dân:

a) đọc đi đọc lại cho đến khi ta hiểu rõ điều đã được viết ra.

b) lặp đi lặp lại thuộc lòng những gì đã được viết ra và đã hiểu, và làm lại cho đến khi những gì đọc trong miệng và ở trong trí óc đi vào lòng và vào chính nhịp sống.

c) đáp lại Thiên Chúa bằng cầu nguyện và xin Người giúp chúng ta thực hành những gì Lời Người đòi hỏi chúng ta.

d) kết quả là một tia sáng mới soi cho ta để ta thưởng nếm Lời Thiên Chúa và nhìn thế giới một cách mới. Nhờ tia sáng này, ta bắt đầu đọc, lặp đi lặp lại, đáp lại Thiên Chúa một cách mới, và cứ như thế tiếp theo. Một tiến trình không bao gì kết thúc nhưng không bao gì nhàm chán vì lặp đi lặp lại.

Suy nghĩ cuối cùng về hiệu quả và mục đích của lectio divina :

Lời nói trước hết là phương tiện truyền thông tư tưởng. Các lời nói của chúng ta cũng như của Kinh thánh trước tiên hướng về lý trí, là quan năng có thể lĩnh hội được các ý tưởng. Nhưng lời nói không chỉ truyền tải ý tưởng, mà còn có nhiều chiều kích khác nữa. Chẳng hạn lời nói có sức mạnh của thi ca (thi ca tiếng Hy-lạp là poiein có nghĩa là làm, hành động). Lời nói không chỉ nói lên một điều gì mà thôi, nhưng còn hành động, làm nữa. Khi học hỏi Kinh thánh, thường ta chỉ lo một điều là khám phá ra ý tưởng mà Kinh thánh muốn thông truyền, tức là sứ điệp do Lời của Thiên Chúa đem đến. Còn lectio divina lại bao gồm nhiều chiều kích khác, nên kết quả của lectio divina rộng hơn.

3. Bốn thì của lectio divina

Bốn thì hay bốn giai đoạn của lectio divina là: đọc, suy gẫm, cầu nguyện và chiêm niệm. Phân biệt bốn giai đoạn này không phải lúc nào cũng là chuyện dễ dàng. Chẳng hạn cái người này cho là đọc thì người khác lại cho là suy gẫm... Như thế có sự thiếu rõ ràng trong bản chất của lectio divina. Đó là tiến trình đọc Sách Thánh năng động, các giai đoạn khác nhau thúc đẩy, sinh ra nhau, giống như đêm chuyển sang ngày. Lúc bình minh, người thì bảo là hãy còn tối, người lại nói là ngày đã bắt đầu. Hơn nữa, đó là bốn thái độ lúc nào cũng phải có. Chẳng hạn, việc đọc kéo dài suốt tiến trình của lectio divina, nhưng cường độ khác nhau tùy ta đang ở trong giai đoạn nào. Ở đây điều quan trọng là nêu lên những nét chính yếu của mỗi thì, giai đoạn. Tất cả các thì, giai đoạn làm thành lectio divina.

ĐỌC: làm cho Lời Chúa thành lời của mình, kính trọng và đặt Lời Chúa vào bối cảnh.

Đọc là giai đoạn đầu tiên trong tiến trình đưa Lời Thiên Chúa làm sở hữu của mình: đọc, đọc và đọc! Đọc đi đọc lại để quen thuộc với Kinh thánh, hầu Kinh thánh trở thành lời của chúng ta, có thể diễn tả cuộc sống và lịch sử của chúng ta, bởi vì Kinh thánh “đã được chép lại để răn dạy chúng ta là những người đang sống trong thời sau hết này” (1 Cr 10,11). Việc làm cho Lời Chúa thấm nhập vào mình này đã được thực hiện trong những cộng đoàn cơ bản.

Đọc là hoạt động đơn giản nhất: đọc, đọc rõ từng lời, nếu có thể thì đọc lớn tiếng. Giai đoạn này rất quan trọng và không được bỏ qua. Cũng không được đọc cho qua lần chiếu lệ.

Khi đọc Kinh thánh, chúng ta đến với Kinh thánh như thể ta đi thăm một người bạn. Giữa việc sống với con người và sống với Kinh thánh có một sự tương đồng rất lớn. Cả hai đòi phải chú ý tối đa, tôn trọng, thân hữu, hy sinh bản thân, thinh lặng và chú ý tối đa. Cả con người lẫn Kinh thánh đều không tự bảo vệ được khi bị tấn công hay bị lèo lái, nhưng lại chiến thắng được kẻ xâm lược vì nó mỏi mệt. Việc đọc Kinh thánh tạo nên nơi chúng ta những con mắt thích hợp dể đọc cuộc đời con người và ngược lại.

Đọc Kinh thánh cũng như việc chung sống với dân nghèo không thể lệ thuộc vào tính khí vui buồn, hứng khởi nhất thời nhưng cả hai đòi một sự nhất định kiên bền và liên tục. Phải đọc kiên trì và hằng ngày. Việc đọc này đòi phải khắc khổ và kỷ luật, phải đọc một cách vô vị lợi, nhưng không, hướng tới Nước Thiên Chúa và phục vụ lợi ích của con người.

Đọc là khởi điểm chứ không phải đích điểm. Đọc ví như việc làm cho người đọc đứng trên mảnh đất vững vàng. Đọc chuẩn bị người đọc và bản văn để đi vào đối thoại trong suy niệm. Muốn suy niệm không phải là kết quả của trí tưởng tượng không thực tế, nhưng có nền tảng trong bản văn và trong thực tại, cần phải đọc một cách chăm chú và tôn trọng một số những tiêu chuẩn. Nói theo đan sĩ Guigo là “học hỏi chăm chỉ trong tinh thần chú ý”. Việc đọc bản văn với thái độ không thiên lệch, cố gắng tìm ra ý nghĩa của chính bản văn giúp cho bản văn không bị lèo lái và không bị giản lược vào vòng chật hẹp của tư tưởng chúng ta. Việc đọc giúp cho bản văn trở nên độc lập trong cuộc đối thoại giữa chúng ta với Thiên Chúa. Việc đọc thiết lập ý nghĩa mà chính bản văn có, độc lập với chúng ta. Chính vì thế, việc đọc tạo nên nơi người đọc một thái độ có phê phán, cân nhắc và trọng kính đối với Kinh thánh. Chính ở đây, trong việc đọc, cần sự góp phần của khoa chú giải nhằm làm cho lectio divina được vận hành đúng hướng.

Việc đọc xét như là một sự nghiên cứu có phê bình giúp người đọc phân tích bản văn và đặt lại bản văn vào văn mạch nguyên thủy. Việc nghiên cứu này được thực hiện ở ba cấp độ:

A. Cấp độ văn chương: xem kỹ bản văn và phân tích chức năng của bản văn theo những câu hỏi đơn giản: Ai ? Cái gì ? Ở đâu ? Tại sao ? Khi nào ? Bằng phương tiện nào ? Bản văn phù hợp với văn mạch văn chương của cuốn sách trong đó có bản văn như thế nào ?

B. Cấp độ lịch sử: nhờ nghiên cứu bản văn, tiếp cận văn mạch lịch sử trong đó bản văn được viết ra hoặc sự kiện được tường thuật. Phân tích văn mạch này theo bốn phương diện: kinh tế, chính trị, xã hội, ý thức hệ. Khám phá ra những xung đột ở nền tảng của bản văn hoặc phản ánh trong bản văn.

C. Cấp độ thần học: khám phá ra sứ điệp của bản văn gửi đến những người sống trong hoàn cảnh lịch sử thời đó. Tìm xem tại sao bản văn lại được đặt giữa những xung đột ấy. Tìm xem Thiên Chúa muốn gì nơi dân, xem Người tỏ mình ra thế nào, dân đón nhận Người thế nào và sống sứ điệp này ra sao...

Nghiên cứu bản văn một cách khoa học không phải là mục đích của việc đọc, nhưng chỉ là một phương tiện. Tầm quan trọng của việc sử dụng khoa chú giải trong lectio divina không tùy thuộc vào nhà chú giải, nhưng tùy thuộc những đòi hỏi và những hoàn cảnh của người đọc. Muốn chọc thủng bức tường này, người ta phải dùng mũi khoan mạnh hơn mũi khoan người ta dùng để chọc thủng bức tường kia. Nhưng mục đích vẫn là một: chọc thủng bức tường. Nếu bức tường bằng cẩm thạch, ta không dùng mũi khoan vẫn được dùng để chọc thủng bức tường bằng ván ép !

Vậy mục đích việc đọc là thế này: chọc thủng bức tường ngăn cách giữa bản văn được viết ngày xưa với cuộc sống chúng ta hiện nay, ngõ hầu có thể đi vào đối thoại với Thiên Chúa trong suy niệm. Đâu là dụng cụ thích ứng để làm công việc này ? Một đàng, đó là “việc nghiên cứu chăm chỉ trong tinh thần chú ý” (Guigo). Đàng khác, đó là “kinh nghiệm riêng có được về cuộc sống” (Cassiano). Đức Phao-lô VI nói rằng ta phải “thủ đắc một sự đồng tính (connaturalité) nào đó, một sự liên hệ nào đó giữa điều ta quan tâm trong hiện tại (ngày nay) với những biến cố của bản văn (ngày xưa) để có thể sẵn sàng lắng nghe (đối thoại) (25.9.1970). Nói cách khác, có thể mô tả “mũi khoan” như sau: đào sâu đồng thời bản văn của quá khứ và kinh nghiệm của chúng ta hiện nay. Đôi khi, lectio divina không sinh ra một hiệu quả nào và bản văn chẳng nói gì, không phải do thiếu nghiên cứu, mà do thiếu đào sâu một cách có phê phán kinh nghiệm của chúng ta về cuộc đời, ngày hôm nay, ở đây, chỗ này.

Một khi đi đúng hướng, việc đọc giúp vượt qua thái độ bảo thủ (fondamentalisme). Ngược lại, thái độ ấy tăng lên. Thái độ của chủ trương bảo thủ là một cám dỗ lớn luôn có nơi nhiều người. Chủ trương này tách bản văn ra khỏi cuộc sống và lịch sử của dân chúng và coi bản văn tuyệt đối là việc biểu lộ Lời của Thiên Chúa mà thôi, còn cuộc sống, lịch sử của dân và cộng đoàn chẳng có gì để nói về Thiên Chúa và về thánh ý của Người.

Chủ trương bảo thủ không đếm xỉa gì đến hoạt động của Lời Thiên Chúa trong cuộc sống. Hoàn toàn không có chuyện đọc một cách phê bình. Chủ trương này vặn vẹo ý nghĩa của Kinh thánh và nuôi dưỡng luân lý, chủ trương cá nhân và duy linh trong cách giải thích Kinh thánh. Đó là quan điểm bị biến chất, vong thân, được những người áp bức ưa chuộng, vì nó ngăn không cho những người bị áp bức ý thức về hệ thống bất công do những người có quyền thế thiết lập và duy trì. Chỉ có thể vượt qua chủ trương bảo thủ tùy theo người đọc, nhờ việc đọc mà đạt tới chỗ đặt bản văn vào trong văn mạch xuất xứ và đồng thời nhận ra ở đó tình trạng xung đột, tình trạng lộn xộn, tranh luận mà con người chúng ta đang sống.

Khi nào thì chuyển từ đọc sang suy niệm ?

Khó xác định chính xác lúc nào là lúc mùa xuân chuyển sang mùa hè. Mỗi năm mỗi khác, mỗi nước mỗi khác. Tuy nhiên, có một vài tiêu chuẩn. Mục đích của việc đọc là đọc và nghiên cứu bản văn cho tới khi bản văn, tuy vẫn giữ được tính độc lập của nó, nhưng đã trở thành tấm gương phản chiếu chính chúng ta và phản chiếu một cái gì đó trong kinh nghiệm sống của chúng ta. Việc đọc làm cho chúng ta quen bản văn đến độ bản văn trở thành lời của chúng ta. Cassianô nói: “Một khi đã thấm nhuần chính những tâm tình đã được viết ra trong bản văn, có thể nói chúng ta trở thành tác giả”. Chính khi đó, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa muốn dùng phương thế này để nói với chúng ta và bảo ban chúng ta một điều gì. Đến lúc này, chúng ta cúi đầu, chúng ta lặng thinh và chúng ta chuẩn bị lắng nghe. “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán” (Tv 84,9). Đó chính là lúc việc đọc trở thành suy gẫm và mở ra giai đoạn hai trong tiến trình của lectio divina.

SUY GẪM: nghiền ngẫm, đối thoại,hiện tại hóa

Việc đọc trả lời câu hỏi này: 'Bản văn nói gì ?” Còn suy gẫm sẽ trả lời câu hỏi: “Bản văn muốn nói gì với tôi ?” Qua bản văn này, Thiên Chúa muốn nói gì với chúng tôi, những tu sĩ đang sống ở đây và bây giờ, bởi vì chúng tôi đã dâng hiến cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và dân chúng, theo tiếng gọi của Tin mừng ? Suy gẫm chỉ cho thấy nỗ lực phải có để hiện tại hóa bản văn và đặt bản văn vào thực tại chúng ta đang sống, cả trên bình diện cá nhân lẫn xã hội. Bản văn đã được viết cho chúng tôi cũng phải nói cho chúng tôi một điều gì đó. Trong tính năng động của lectio divina, suy gẫm chiếm vị trí chính yếu.

Guigo nói: “Suy gẫm là hoạt động chuyên cần của trí năng với sự trợ giúp của lý trí, nhằm tìm cách hiểu chân lý đang được giấu ẩn”. Nhờ việc ĐỌC, chúng ta sẽ khám phá ra tại sao bản văn lại phù hợp với bối cảnh thời bấy giờ, bản văn có vị trí nào trước những xung đột, bản văn đem sứ điệp gì cho các tín hữu. Từ lúc đó cho đến bây giờ, hoàn cảnh đã thay đổi, bối cảnh cũng không còn giống như nhau, các cuộc xung đột cũng khác nhau. Tuy nhiên, đức tin cho ta hay rằng bản văn này, cho dầu xuất phát từ một thời đại khác, một bối cảnh khác, vẫn nói với chúng ta một điều gì đó ngày hôm nay. Có một giá trị thường hằng trong bản văn này, giá trị này ngày hôm nay vẫn đang lôi kéo theo cùng một việc hoán cải hoặc biến đổi như nó đã tạo ra thời xưa vậy. Bây giờ chân lý đang được giấu ẩn mà đan sĩ Guigo nói đến là một giá trị thường hằng, một sứ điệp vẫn dành cho bối cảnh ngày nay và cần được khám phá và hiện tại hoá nhờ suy niệm. Nhưng tiến hành việc suy niệm như thế nào?

1. Cách thứ nhất để thực hiện việc suy niệm, theo lời gợi ý của Guigo là: “Cần phải sử dụng trí năng và lý trí để có thể khám phá ra ‘chân lý đang được ẩn giấu’”. Ta đi vào cuộc đối thoại với bản văn, với Thiên Chúa, bằng cách đặt ra những câu hỏi buộc phải sử dụng lý trí và tìm cách đưa bản văn đi vào cuộc sống của chúng ta. Ta suy niệm bằng cách suy nghĩ, tự hỏi: “Giữa hoàn cảnh của bản văn và hoàn cảnh của chúng ta hiện nay có những nét nào giống nhau và khác nhau? Những xung đột ngày hôm qua và vẫn còn trong ngày hôm nay là những xung đột nào? Bản văn muốn nói sứ điệp gì cho hoàn cảnh chúng tôi hiện nay ? Và tôi cần phải thay đổi lối sống như thế nào, trong môi trường tôi đang sống ngày nay, cho phù hợp với sứ điệp ấy? Rồi đối với chúng tôi, những tu sĩ, sứ điệp ấy an ủi hoặc kết án chúng tôi ở điểm nào? Sứ điệp ấy muốn làm cho điều gì lớn lên ở nơi tôi, ở nơi chúng tôi...?

2. Một cách khác để thực hành việc suy niệm, đó là lặp đi lặp lại bản văn, nghiền ngẫm cho đến khi tìm thấy điều bản văn muốn nói với chúng ta. Đó chính là điều đức Ma-ri-a đã làm khi người lưu giữ mọi biến cố trong tâm hồn (Lc 2,19.51). Đó chính là điều tác giả thánh vịnh khuyên người công chính năng thi hành: “Người vui thú với Lề Luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1,2). Đó chính là điều ngôn sứ I-sai-a đã xác định thật rõ ràng: “Lạy Chúa, chúng con chờ đợi Chúa. Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài” (Is 26,8). Sau khi ĐỌC và tìm ra ý nghĩa, ta phải gắng tóm tắt ý nghĩa đó vào trong một câu, một câu được ta ưu tiên chọn trong chính bản văn Kinh thánh, để nhớ câu đó và nhẩm đi nhẩm lại, nghiền ngẫm suốt ngày cho đến khi câu đó hòa lẫn với chính con người với sự sống của đời ta.

Khi nghiền ngẫm như thế, chúng ta để cho Lời Thiên Chúa phán xét và để cho Lời Thiên Chúa như thanh gươm hai lưỡi xuyên thấu con người chúng ta (x. Dt 4,12). Vì như nước chảy đá mòn, “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,12-13). Chúng ta, những tu sĩ, chúng ta hay giấu đằng sau những mặt nạ và những ngẫu tượng các ý thức hệ, các ước lệ, các học thuyết càm ràm và các truyền thống của phàm nhân (x. Mc 7,8-13). Nhờ suy gẫm, Lời Thiên Chúa dần dần thấm nhập, cất đi những mặt nạ, bộc lộ và phá tan sự vong thân của chúng ta đang ẩn núp trong đó để chúng ta tìm lại được cách diễn tả sống động Lời Chúa chúng ta đã nghe, đã nghiền ngẫm và đã suy niệm.

3. Cassianô còn đưa tới một khía cạnh quan trọng khác trong việc suy niệm, đó là hậu kết của việc nghiền ngẫm này. Ông bảo: “Một khi đã được những gì chính chúng ta cảm thấy dạy dỗ, chúng ta không còn nhận thức bản văn như một cái gì chúng ta chỉ nghe suông, mà như là một điều chúng ta kinh nghiệm và đụng chạm được, không phải như một câu chuyện xa lạ chưa nghe bao giờ, nhưng như là cái chúng ta làm vọt lên từ cõi lòng sâu thẳm của chúng ta, giống như những tâm tình vốn là một phần của chính con người chúng ta. Xin nhấn mạnh rằng: đó không phải là việc đọc giúp chúng ta thấu triệt ý nghĩa của các lời lẽ, nhưng là kinh nghiệm của chúng ta, kinh nghiệm chúng ta đã thủ đắc được trước, trong cuộc sống hằng ngày” (Collationes, X, 11). Lúc ấy dường như giữa Kinh thánh với cuộc đời, giữa Lời của Thiên Chúa với lời của chúng ta chẳng còn gì khác biệt nữa. Nói theo Cassianô đây là lúc trong “sự dường như đồng nhất" với Lời của Kinh thánh, có bí quyết giúp hiểu ý nghĩa Kinh thánh muốn nói với chúng ta. Cassianô bảo rằng không phải nghiên cứu giúp lĩnh hội ý nghĩa bản văn, mà là kinh nghiệm trong cuộc đời chúng ta. Ta lấy một so sánh trong lĩnh vực điện khí: nghiên cứu ví như kéo đường dây, kinh nghiệm đã thủ đắc tựa như năng lượng, suy niệm là bật công-tắc để năng lượng chạy vào đường dây, làm ngọn đèn, ví tựa bản văn, chiếu sáng. Cả đường dây lẫn năng lượng đều cần để có ánh sáng. Cuộc sống chiếu sáng bản văn, bản văn lại chiếu soi cuộc sống.

Suy niệm cũng đào sâu chiều kích cá vị của Lời Thiên Chúa. Lời nói có giá trị không chỉ vì nó mang đến một ý tưởng, nhưng còn vì chính con người đã nói lên lời đó và cách người ấy nói. Trong Kinh thánh cũng thế, Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta. Và Người dẫn dắt chúng ta với lòng yêu thương vô hạn. Một lời nói yêu thương làm tăng thêm sức mạnh, giải phóng những năng lực, tái tạo lại con người. Khi suy niệm Lời của Thiên Chúa, tâm hồn con người được nâng lên và đạt tới chính chiều kích Thiên Chúa, Đấng nói lên Lời của Người. Đó chính là nơi xuất phát chiều kích thần bí của lectio divina. Một công nhân ở Pernambuco bảo : “Tôi cả quyết rằng ai để cho Lời của Thiên Chúa thấm nhập vào mình, người ấy sẽ thấy mình được thánh hóa. Chính như thế, Lời thấm nhập vào anh, và ta không thể phân ra cái này là do từ Thiên Chúa, cái kia là từ chúng ta. Cũng chẳng thể bảo cái này là Lời của Thiên Chúa, lời kia là lời của tôi. Kinh thánh đã tạo nên chuyện ấy trong tôi” (Por tras da Palavra, số 46, 1988, tr.28).

Đọc là đến gần cái vỏ chữ viết và cố gắng đập vỡ để tìm cái nhân, tức là hoa trái của Thần Khí, trong việc suy niệm, “vì chữ kiết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2 Cr 3,6). Thần Khí hoạt động trong Kinh thánh (x.2 Tm 3,16). Nhờ suy niệm, Thần Khí chuyện trò với chúng ta, gợi hứng cho chúng ta, tạo nên nơi chúng ta tâm tình của đức Giê-su Ki-tô (x. Pl 2,5). Người giúp chúng ta đạt tới chân lý trọn vẹn về đức Giê-su (x. Ga 16,13). Người cho chúng ta nghiệm thấy rằng chúng ta chẳng làm được gì ngoài đức Giê-su (x. Ga 15,5). Người chuyển cầu cho chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả và tạo nên trong chúng ta sự tự do (x. 2 Cr 3,17). Chính Thần Khí là Đấng ngập tràn cõi đất (x. Kn 1,7). Ngày xưa, Thần Khí đã thúc đẩy các Thủ lãnh và các Ngôn sứ. Ngày nay, Người vẫn đang giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa thiêng liêng, tức là ý nghĩa mà Thần Khí của Thiên Chúa hôm nay đang muốn ngỏ cùng Hội thánh qua bản văn Kinh thánh.

Suy niệm là hoạt động cá nhân và cũng là hoạt động cộng đoàn. Chia sẻ những gì mỗi người cảm nghiệm, khám phá và đảm nhận khi giao tiếp với Lời của Thiên Chúa là điều đáng kể hơn là chia sẻ những gì do lời nói của con người mình. Cùng nhau tìm kiếm sẽ giúp cho ý nghĩa của Kinh thánh về Giáo Hội hiện lên và giúp cho cảm thức về đức tin của mọi người càng ngày càng mạnh mẽ hơn. Chính vì thế, đọc, suy niệm, học hỏi và cầu nguyện với Kinh thánh là điều vô cùng quan trọng, không chỉ đối với cá nhân, mà còn và nhất là trong cộng đoàn. Kinh thánh vốn và vẫn là cuốn sch của Hội thánh, của cộng đoàn.

Lúc nào thì chuyển từ suy niệm sang cầu nguyện? Nói chính xác lúc nào thì một người chuyển từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành là điều không dễ. Nhưng cũng có một số tiêu chuẩn. Suy niệm giúp bản văn trở thành hiện thực cho đến khi nhận thấy Thiên Chúa đang đòi hỏi chính chúng ta điều gì, chúng ta những tu sĩ đang sống ở đây và lúc này. Khi đã nhận thấy rõ điều Thiên Chúa đòi hỏi, tức thì đến lúc ta phải đặt câu hỏi: “Thế bây giờ, tôi sắp nói với Thiên Chúa điều gì đây ? Tôi có dám cáng đáng hay không ?” Khi đã rõ điều Thiên Chúa đòi hỏi, cũng là lúc sự bất lực và yếu đuối của chúng ta hiện lên rõ rệt. Đó chính là lúc để khẩn cầu: “Lạy Thiên Chúa, xin đứng lên phù giúp” (Tv 44,27). Khi đã nhận ra Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta nơi người anh em bị khai thác, bóc lột, nơi người anh em nghèo, khi đã nhận ra Thiên Chúa đang nghe tiếng những người nghèo kêu cứu, đó là lúc phải liên kết lời của chúng ta với tiếng kêu cứu của những người nghèo để xin Thiên Chúa lắng nghe tiếng họ kêu van và đến giải thoát dân Người. Nói cách khác, suy niệm là gieo vãi lời cầu nguyện. Cứ việc suy niệm và tự nó suy niệm sẽ chuyển sang cầu nguyện.

CẦU NGUYỆN: cầu khẩn, ca tụng, cầu xin

Khi đọc, ta hỏi: “Bản văn muốn nói gì ?” Khi suy niệm, ta hỏi: “Bản văn muốn nói gì với tôi, với chúng tôi ?” Bây giờ, khi cầu nguyện thì câu hỏi là thế này: “Bản văn bảo tôi nói lên điều gì ? Bản văn bảo tôi thưa gì với Thiên Chúa ?” “Từ đầu tới giờ,Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua việc đọc và suy niệm. Nay tới lúc ta phải đáp lại và phải bộc lộ phản ứng của chúng ta khi nghe và suy niệm Lời trước nhan Thiên Chúa. Guigo bảo: “Cầu nguyện là hoạt động tha thiết của trái tim hướng về Thiên Chúa, xin Người giúp tránh những sự dữ và thương ban cho những ơn lành”.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là không được cầu nguyện đang khi đọc và suy niệm. Như đã nói trước, tiến trình của lectio divina gồm bốn thái độ thường hằng. Bốn thái độ này cùng nhau hoạt động. Cầu nguyện có mặt ngay từ lúc khởi đầu. Khi bắt đầu đọc, bao giờ cũng có những phút cầu nguyện vắn. Suy niệm hầu như đã là hành động cầu nguyện rồi, bởi vì tự nó suy niệm chuyển thành những lời cầu xin. Nhưng trong sức năng động của lectio divina, cho dù cầu nguyện có mặt ở mọi giai đoạn, vẫn có một giai đoạn dành riêng cho việc cầu nguyện. Đó là giai đoạn thứ ba.

Thái độ phải có đối với Lời Thiên Chúa khi cầu nguyện là chính thái độ của đức Ma-ri-a: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Lời đức Ma-ri-a đã nghe không phải là một lời trong Kinh thánh, nhưng đúng hơn là một lời thuộc về những biến cố xảy ra trong cuộc đời, đức Ma-ri-a đã nghe được khi sứ thần đến thăm. Đức Ma-ri-a có thể lãnh hội được Lời ấy bởi vì trước đó việc suy niệm (x. Lc 2,19.51) đã thanh tẩy cái nhìn và trái tim của Mẹ. Những tâm hồn tinh tuyền trong sáng lĩnh hội được tác động của Thiên Chúa trong các biến cố (x. Mt 5,8). Khi cầu nguyện và khi ca tụng (x. Lc 1,46-56), nững tâm hồn ấy đưa hoạt động của Thiên Chúa vào cuộc đời. Cầu nguyện không phải viển vông và ngây ngô. Và điều này có được là nhờ suy niệm. Suy niệm phải hướng về hoạt động thường hằng của cuộc sống, và điều này có được là nhờ chiêm niệm.

Cầu nguyện theo sau suy niệm có thể là một lời cầu nguyện tự phát trong lúc thực hành lectio divina. Cầu nguyện có thể là lời ca tụng hoặc tạ ơn, cầu khẩn hoặc xin ơn tha thứ, tùy theo điều chúng ta nghe được như là Lời Thiên Chúa khi ta đọc và suy niệm. Cầu nguyện còn có thể là phản kháng, thậm chí nguyền rủa như ta đọc thấy nơi lời lẽ của ông Gióp, ông Giê-rê-mi-a và trong nhiều thánh vịnh khác. Ở đây cũng như trong suy niệm vừa nói trước đây, không phải chỉ có lời cầu nguyện của cá nhân là quan trọng, nhưng lời cầu nguyện tự phát còn phải mang chiều kích diễn tả tính cộng đoàn nữa.

Cầu nguyện theo sau suy niệm có thể lấy lại lời cầu nguyện đã có trước. Trong chiều hướng này, Các Giờ Kinh Phụng Vụ là một cách thế trợ giúp hữu hiệu. Các Giờ Kinh Phụng Vụ chia việc đọc theo các giờ trong ngày. Ông đan sĩ nghe Lời Chúa, nhớ lấy và mang theo mình để suy đi gẫm lại đang lúc lao động chân tay. Đó là trường hợp của đan sĩ Guigo. Việc cầu nguyện có được nhờ các thánh vịnh. Các thánh vịnh được phân phối theo các giờ Thần vụ khác nhau. Một trong những bổn phận hàng đầu của ông đan sĩ khi bước vào đan viện là học thuộc lòng các thánh vịnh để có thể dùng các thánh vịnh làm căn bản mà đối thoại với Thiên Chúa. Ngày nay, chúng ta không còn có thể rập theo lược đồ một ngày lao động của những ông đan sĩ thuở xưa nữa. Thời đại đã dổi thay rồi. Tuy nhiên hứng khởi, khuôn mẫu và thách đố vẫn còn giống nhau: nhớ một câu thánh vịnh để đọc vào những giờ ta cần đến, mang lấy một câu Kinh thánh để luôn nhớ đến trong lúc làm việc, trong những khoảnh khắc được thảnh thơi, trong khi ngồi trên xe đạp, xe máy, trong lúc đợi xe buýt, trên đồng trên ruộng... sáng tạo nên một kiểu sống thích ứng với cách sống của thời đại chúng ta và giúp đạ được cũng một mục đích cũng như các đan sĩ xưa đã nhắm tới.

Một lời nói có giá trị không chỉ vì tư tưởng nó mang theo, nhưng còn do sức mạnh nó truyền đạt nữa. Lời nói không chỉ nói lên nhưng còn làm nên nữa. Ví dụ rõ nhất trong bí tích Thánh Thể. Lời nói: “Này là Mình Thầy” thực hiện điều lời đó nói. Khi sáng tạo, Thiên Chúa nói và vạn vật hiện hữu (x. Tv148,5 ; St 1,3). Dân Do thái xưa nhạy cảm hơn chúng ta ngày nay khi đánh giá trị hai khía cạnh của lời nói. Họ đã liên kết hai khía cạnh đó lại trong một từ ngữ: “dabar”, vừa có nghĩa là lời nói vừa có nghĩa là hành động. Lời nói nói và làm. Lời nói loan báo và thúc đẩy. Lời nói soi sáng và lôi kéo. Lời nói là ánh sáng và là sức mạnh, là Lời và là Thần Khí.

Lectio divina, bắt nguồn sâu xa trong dân Do thái, cũng đề cao hai giá trị ấy và liên kết hai giá trị ấy làm một. Nhờ việc đọc, ta khám phá ra tư tưởng, sứ điệp mà lời nói truyền đi và dạy dỗ. Nhờ suy niệm, và nhất là nhờ cầu nguyện, một không gian được thiết lập, trong đó lời thực hiện những gì lời đó nói, lôi cuốn những gì lời đó loan báo, truyền thông sức mạnh của lời và nâng đỡ chúng ta để chúng ta lên đường. Hai khía cạnh ấy không thể tách rời bởi vì cả hai được liên kết thành một trong sự duy nhất của Thiên Chúa giữa lòng Ba Ngôi. Từ ngàn đời xưa, Chúa Cha loan báo Lời của Người và đặt nơi Lời của Người sức mạnh Thần Khí. Lời đã thành xác phàm nơi đức Giê-su, nơi đức Giê-su có sự viên mãn của Thiên Chúa. 

Khốn nỗi, hai khía cạnh này của Lời vẫn thường bị chia cắt trong thực hành mục vụ. Một đàng, có nhiều phong trào đoàn sủng; đàng khác, có nhiều phong trào giải phóng. Các phong trào đoàn sủng thực hành cầu nguyện nhiều, nhưng thường lại thiếu quan điểm phê bình. Đôi khi các phong trào này không làm như việc đọc đòi phải làm. Các phong trào này không đặt bản văn vào văn mạch nguyên thủy và như thế có khuynh hướng rơi vào cách giải thích Kinh thánh bảo thủ (fondamentaliste), duy luân lý (moralisatrice) và cá nhân. Vì lẽ đó, việc suy niệm và cầu nguyện của những phong trào này thường thiếu nền tảng thực sự trong bản văn và trong thực tế của cuộc sống.

Các phong trào giải phóng có ý thức phê bình, đọc tốt, nhưng đôi khi thiếu kiên trì và đức tin khi phải giáp mặt với những hoàn cảnh của nhân loại, là những hoàn cảnh khi phân tích thực tại một cách khoa học, chẳng đóng góp gì cho việc biến đổi xã hội. Các phong trào này gặp khó khăn khi phải hiểu một điều cần thiết là phải dành thời giờ cầu nguyện mà không thấy được hiệu quả ngay tức khắc. Khi lectio divina đi đúng hướng trong các giai đoạn khác nhau, có thể là một cách giúp sửa chữa những yếu tố lẽ ra không nên tách rời.

Trong cầu nguyện, mỗi người phản ánh lộ trình riêng của mình trên con đường hướng về Thiên Chúa và trong nỗ lực từ bỏ mình để dành chỗ cho Thiên Chúa, cho anh chị em, cho người nghèo, cho cộng đoàn. Đó chính là nơi có những đêm đen với những khủng hoảng và khó khăn, với những sa mạc và cám dỗ, thử thách. Đó là lúc cầu nguyện, suy gẫm, đối diện với ánh sáng của Lời Thiên Chúa (x. Mt 4,1-11).

Đến lúc nào thì chuyển cầu nguyện sang chiêm niệm ? Cũng lại không có câu trả lời thật chính xác. Chiêm niệm, đó chính là cái gì còn sót lại trong con mắt và trong trái tim khi cầu nguyện kết thúc. Đó là điểm tới của lectio divina. Đó cũng là điểm khởi hành để lại bắt đầu đọc, suy niệm, cầu nguyện. Chiêm niệm ví được như trái của cây: chiêm niệm, trái, đã có trong hạt giống rồi. Hạt giống này đâm chồi, dần dần lớn lên thành cây và lại sinh ra trái.

CHIÊM NIỆM: phân biệt, hành động, thưởng nếm

Chiêm niệm là giai đoạn cuối cùng của lectio divina. Đó là điểm tới nhưng cũng lại giúp cho một khởi điểm mới. Chính như thế, qua tiến trình luôn luôn đổi mới: đọc, suy niệm, cầu nguyện, chiêm niệm, chúng ta càng ngày càng lớn lên trong sự hiểu biết ý nghĩa và năng lực của Lời Thiên Chúa. Không có lúc nào là lúc ta có thể nói được: “Tôi đã đạt tới mục đích cuối cùng của Lời Thiên Chúa trong đời tôi”. Vẫn luôn có thể có một cái nhìn thấu suốt hơn, một việc đọc sâu xa hơn, suy niệm triệt để hơn, cầu nguyện tha thiết và có tính cách dấn thân hơn, chiêm niệm trong suốt hơn, cho tới khi nào mọi bức màn được hạ xuống, cho tới khi nào thực tại được biến đổi và Vương Quốc trọn vẹn tới. Nhưng từ đây cho tới lúc đó, con đường vẫn còn dài (x. 1 V 19,7).

Chiêm niệm tập trung toàn thể con đường đã đi lại: cho tới nay, anh em vẫn ở trước nhan Thiên Chúa, anh em đã đọc và nghe Lời, anh em đã nghiên cứu và tìm ra ý nghĩa. Anh em đã dấn bước đi cùng với Lời. Anh em đã bắt đầu suy đi gẫm lại đi từ tâm trí tới trái tim anh em. Anh em đã biến đổi tất cả thành một lời nguyện trước nhan Thiên Chúa và thành dự phóng cho cuộc đời anh em. Lời Chúa là bánh đã được anh em nhai kỹ, trở thành những năng lực mới giúp anh em có thể hoạt động một cách mới. Từ đây đến kết thúc, tuy vẫn giữ tất cả trong tâm trí và trái tim, anh em bắt đầu có một cách quan sát và đánh giá cuộc đời, các biến cố, lịch sử, bước đường của cộng đoàn, hoàn cảnh của quê hương đất nước, những người nghèo một cách mới. Đó là cái nhìn của Thiên Chúa đối với thế giới đang tự truyền thông như thế và đang tự phơi bày ra như thế. Cái nhìn mới này, đó là cách chiêm niệm. Nhìn một cách mới, thưởng thức một cách mới, hành động một cách mới. Chiêm niệm đụng chạm tới toàn thể con người.

Thánh Âu-tinh bảo rằng, nhờ đọc Kinh thánh, Thiên Chúa phục hồi cho chúng ta khả năng chiêm ngưỡng và khả năng ấy giúp chúng ta am hiểu thế giới cũng như biến cải thế giới thành một mạc khải mới của Thiên Chúa, một cuộc thần hiển mới. Một khi hiểu chiêm ngắm như thánh Âu-tinh, thái độ của người rút ra khỏi thế giới để có thể chiêm niệm Thiên Chúa là thái độ trái nghịch. Chiêm niệm xét như là kết quả của lectio divina là thái độ của người tìm cách hiểu sâu xa mọi biến cố để có thể khám phá và thưởng nếm sự hiện diện tích cực và sáng tạo của Lời Thiên Chúa trong các biến cố đó, và để dấn thân nhiều hơn nữa vào tiến trình biến đổi mà Lời Thiên Chúa khơi lên trong lịch sử. Chiêm niệm không phải chỉ là suy đi nghĩ lại sứ điệp Lời Thiên Chúa mang đến, mà còn là thực hiện nữa. Chiêm niệm không phải chỉ là nghe mà còn là đem ra thực hành. Chiêm niệm không tách rời hai khía cạnh đó; chiêm niệm nói và làm. Chiêm niệm dạy dỗ và thúc đẩy. Chiêm niệm là ánh sáng và là sức mạnh.

Đối với những người theo chủ trương bảo thủ (fondamentaliste), Lời của Thiên Chúa ở trong Kinh thánh, và chỉ ở trong Kinh thánh mà thôi. Thế giới, cuộc sống, lịch sử, hết thảy đều hư hỏng và đồi bại. Người ta chỉ có thể được cứu thoát khi áp dụng Lời của Kinh thánh vào cuộc đời của mình, và khi rút ra khỏi thế giới, khỏi chính trị, khỏi cuộc đấu tranh của dân, khỏi những vấn đề những khó khăn của khu vực mình đang sống... Chiêm niệm sửa chữa khuyết điểm này và giúp chúng ta đi đúng đường. Chiêm niệm giúp chúng ta khám phá thấy Thiên Chúa không hề vắng mặt trong thực tại vẫn diễn ra hằng ngày. Chính chúng ta mới là những người mù (x. Is 42,19). Lectio divina là thuốc nhỏ mắt. Lectio divina mở mắt người mù và giúp cho biết nhận ra, biết phân biệt. Lectio divina cất đi bức màn che và giúp khám phá, giúp sống sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử ngày hôm nay chúng ta đang sống. Lectio divina giúp chúng ta nhận biết đức Ki-tô là ai, là trung tâm của mọi sự, giúp chúng ta bước từ Cựu Ước sang Tân Ước. Lectio divina giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa của mọi việc, giúp dấn thân vào Nước của Thiên Chúa.

Chiêm niệm, như đan sĩ Guigo nói, là giai đoạn sau cùng trong “cái thang của các đan sĩ. Cái thang xuyên qua các tầng mây và xuyên đến tận các mầu nhiệm trên trời”. Đó là tương lai mình đang được hưởng trước trong hiện tại. Đó là khởi đầu hạnh phúc nhưng không mà mình đang hy vọng Thiên Chúa sẽ ban cho và cũng là hạnh phúc mình đang nỗ lực vươn tới. Đan sĩ Guigo dùng nhiều cách diễn tả khác nhau để miêu tả: “Đọc là tìm sự ngọt ngào của sự sống diễm phúc. Suy niệm là gặp được sự sống đó. Cầu nguyện là xin và chiêm niệm là thưởng nếm sự sống đó. Đọc là gắp thức ăn đưa vào miệng, suy niệm là nhai, là tiêu hóa. Cầu nguyện là chứng minh thức ăn đó có vị ngon. Và chiêm niệm là sự dịu ngọt làm cho vui thích. Đọc là động đến cái vỏ bên ngoài. Suy niệm là đi sâu vào cái nhân bên trong. Cầu nguyện tạo nên sự ước muốn và chiêm niệm là thú vị vì sự ngọt ngào đã được”. Đan sĩ còn nói tiếp: “Chiêm niệm là nâng tâm trí lên cao vượt trên chính mình. Nhờ dính vào Thiên Chúa, chiêm niệm là thưởng nếm giúp thưởng nếm những niềm vui trong sự ngọt ngào vĩnh cửu”. Điều khiến ta chú ý nhiều, đó là Guigo nhấn mạnh đến việc miêu tả chiêm niệm như là thái độ thưởng thức sự ngọt ngào hằng có nơi Lời của Thiên Chúa. Theo ông, khi chiêm niệm, kinh nghiệm về Thiên Chúa làm ngưng đọng tất cả, tương đối hóa tất cả và trong giây lát cho chúng ta hưởng trước một chút niềm vui mà “Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người” (1 Cr 2,9).

Guigo sử dụng những cách nói thuộc về thời của ông, lúc đó là thế kỷ XII. Ngày nay, ta cũng có thể nói như thế này: “Lúc tôi khởi sự học Kinh thánh, tôi có cảm tưởng Kinh thánh không phải là một trò chơi. Kinh thánh đòi hỏi phải cố gắng nhiều. Kinh thánh đòi ta sống điều ta nghe, ta đọc và ta học. Tôi đã có lần nghĩ rằng mình không thể chịu đựng được cái nhịp độ ấy, tôi đã tính thôi không học Kinh thánh nữa. Nhưng tôi ráng chịu đựng thêm một tí nữa và tôi đã nhận ra rằng nếu như ai để cho Lời Thiên Chúa thấm nhập vào mình, thì sẽ thấy mình được thánh hóa. Như thế, Lời ở trong bạn và bạn chẳng còn thể nào phân biệt ra cái này là của Thiên Chúa, cái này là của tôi nữa. Và cũng chẳng còn phải hỏi xem lời nào là Lời Thiên Chúa, lời nào là lời của tôi nữa. Kinh thánh thực hiện điều đó trong tôi”.

Tất cả tiến trình của lectio divina ở trong những lời vừa nói trên. Tiến trình này được mô tả đến độ Guigo cũng phải phát thèm. Thưởng thức sự ngọt ngào của Chúa và cảm nghiệm niềm vui có người hiện diện ở giữa chúng ta, đó là điều xảy ra nơi người đã thực hành lectio divina và đã nói lên cảm tưởng trên. Ngày nay, có nhiều người, rất nhiều người đang thực hành và cảm nghiệm như người ấy. Chiêm niệm là cái gì chúng ta thấy đang được thực hành trong các cộng đoàn. Bất chấp đấu tranh, đau khổ, thất bại, lừa dối, nghèo đói, bệnh tật, niềm vui của những người nghèo thực hành lectio divina vẫn là cái gì đáng kinh ngạc. Gì thì gì, cứ hân hoan cái đã! Lời của đức Giê-su hứa đã được thực hiện ở đây: “Niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,22). Đó là một niềm vui phát xuất từ niềm xác tín sâu xa: bảo đảm có anh em bạn hữu cùng hiện diện với mình trong những giờ phút khó khăn, chắc chắn có Thiên Chúa hiện diện trong mọi giây mọi phút. Niềm vui này phát xuất từ niềm hy vọng: sau cuộc chiến đấu, mình sẽ là người chiến thắng và góp phần đổi mới thế giới này, như trong một bài thánh ca kia: “Niềm vui của chúng ta là chúng ta biết rằng một ngày kia toàn dân sẽ được giải phóng, bởi vì đức Giê-su là Chúa của trần gian. Niềm hy vọng của chúng ta thế nào cũng sẽ thành tựu”. Tất cả chiêm niệm là như thế !

Chiêm niệm, nấc thang cuối cùng, cho ta nghỉ ngơi đôi chút rồi lại bắt đầu, giống như khi người ta trèo lên một ngọn núi cao chót vót. Anh leo tới chỗ nghỉ đầu tiên bằng một cái thang có ba bậc: đọc, suy gẫm và cầu nguyện. Từ cánh cửa sổ chặng nghỉ đầu tiên ấy, anh vừa nghỉ vừa chiêm ngưỡng cảnh vật. Tiếp đến anh lại tiếp tục leo tới chỗ nghỉ thứ hai bằng một cái thang mới, cũng lại có ba bậc: đọc, suy gẫm và cầu nguyện. Từ cánh cửa sổ nơi nghỉ thứ hai này, anh lại vừa nghỉ vừa chiêm ngắm cũng cảnh vật ấy lần thứ hai, với những cảnh sắc đẹp hơn. Và anh cứ tiếp tục leo như thế, theo một tiến trình không ngừng bao giờ cả. Lúc nào anh cũng đọc Kinh thánh, anh luôn luôn ngắm nhìn một cảnh vật. Càng lên cao, cái nhìn của anh càng sâu sắc hơn, cảnh trí càng bao la bát ngát, càng thật hơn và toàn diện hơn. Anh phân biệt được nhà của mình với nhà của hàng xóm. Anh tìm được ở đấy, giữa cuộc đời của anh chính định mệnh của anh. Và cứ như thế anh tiếp tục leo lên cao, cùng với các đồng bạn, bằng cách trao đổi những tư tưởng, bằng cách giúp đỡ nhau, để không bỏ một ai lại đằng sau. Và cứ như thế, chúng ta tiếp tục leo mãi cho đến khi chúng ta được chiêm ngưỡng nơi Thiên Chúa diện đối diện (x. 1 Cr 13,12), và được chiêm ngưỡng nơi Thiên Chúa các anh chị em, thực tại, cảnh trí với một cái nhìn toàn diện và vĩnh viễn.

Tất cả chiêm niệm là như thế, và còn hơn thế nữa! “Bao tia sáng, bao áng mây trong và đoàn người vui tươi ca hát... Tôi cứ nghĩ đó là một mảnh nhỏ của mầu nhiệm Phục Sinh vẫn còn trong mơ. Những người thận trọng không cho mình là đã tới đích khi được thấy sự an ủi của mầu nhiệm Phục Sinh, bởi vì họ vẫn luôn phải đương đầu với bóng tối của đau khổ và tranh đấu... Đau khổ và tranh đấu vẫn còn nguyên đấy, nhưng một ngày kia tôi hiểu rằng Phục Sinh là một hạnh phúc tốt đẹp hơn là tôi vẫn mơ tưởng. Niềm hạnh phúc ấy sẽ tới với tôi, với dân tộc tôi... Một ngày kia sự Phục Sinh sẽ ngự xuống trên đất nước tôi !” Đó là những lời của một anh thợ xây vẫn thực hành lectio divina.