Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

CÁC VĂN BẢN CHO THẤY LECTIO DIVINA LÀ QUAN TRỌNG VÀ ĐÁNG THỰC HÀNH

(Thời sự Thần học – Số 20 – Tháng 6/2000, tr. 35-39)

A. Tông huấn Pastores dabo vobis, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, 25.3.1992, số 47.

Suy gẫm và cầu nguyện bằng Lời Chúa (lectio divina), qua việc khiêm tốn và yêu mến lắng nghe Đấng đang phán dạy, là một yếu tố chủ yếu của việc đào tạo đời sống thiêng liêng. Thực vậy, chính trong ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa mà mỗi người có thể khám phá, yêu mến và theo đuổi ơn gọi của mình, đồng thời chu toàn sứ mệnh của mình, đến nỗi toàn thể cuộc sống có được ý nghĩa đầy đủ và căn bản khi trở thành nơi hoàn tất của Lời Chúa, Đấng mời gọi con người, và trở thành khởi điểm của lời con người đáp lại Thiên Chúa. Việc năng tiếp xúc với Lời Chúa sẽ giúp cho hành trình hoán cải được dễ dàng, hiểu theo hai nghĩa: không chỉ từ khước điều xấu để chấp nhận điều tốt, nhưng còn làm cho những ý định của Thiên Chúa được lớn lên trong tâm hồn. Xét như là thái độ đáp lại Lời Chúa, bấy giờ đức tin trở thành tiêu chuẩn mới để phán đoán và đánh giá con người và sự vật, về các biến cố và các vấn đề.

Điều đó được thực hiện với điều kiện là Lời Chúa được lắng nghe và đón nhận đúng theo bản chất của Lời, bởi vì Lời giúp gặp gỡ chính Thiên Chúa, một Đấng Thiên Chúa đang ngỏ lời với con người; Lời cũng giúp gặp gỡ đức Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, là sự Thật, đồng thời cũng là Đường và Sự Sống (x. Ga 14,6). Đó là việc đọc “Sách Thánh” đang khi lắng nghe “những lời nói”, “Lời” Thiên Chúa, như Công Đồng nhắc nhở: “Kinh thánh chứa đựng Lời Chúa, và vì được linh hứng nên thực sự là Lời của Chúa”(Hiến chế tín lý về mạc khải, Dei Verbum, số 24). Công đồng còn viết: “Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa, Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15 ; 1 Tm 1,17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xh 33,11 ; Ga 15,14-15). Người đối thoại với họ (x. Br 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Người” (Hiến chế tín lý về mạc khải, Dei Verbum, số 2).

Sự hiểu biết Lời Chúa một cách sâu sắc và tràn đầy tình yêu mến do việc cầu nguyện mang lại có tầm quan trọng rất đặc biệt trong tác vụ ngôn sứ của linh mục, đó là một điều kiện không thể thiếu để vị linh mục có thể thi hành tác vụ ấy cách xứng hợp, nhất là trong bối cảnh “việc loan báo Tin mừng mới” mà hiện nay Hội thánh đang mời gọi. Như Công đồng kêu gọi, “tất cả các giáo sĩ, trước tiên là các linh mục của Chúa Ki-tô và những người có bổn phận phục vụ Lời Chúa như các phó tế và các giáo lý viên, phải gắn bó với Kinh thánh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để không ai trong họ sẽ trở thành “kẻ huênh hoang rao giảng Lời Thiên Chúa ngoài môi miệng bởi không lắng nghe Lời Thiên Chúa trong lòng” (thánh Augustinô, Bài giảng 179,1 ; P.L. 38,966) (Hiến chế tín lý về mạc khải, Dei Verbum, số 25).

B. Trong “Việc giải thích Kinh thánh trong Hội thánh” – Ủy ban Giáo hoàng đặc trách Kinh thánh, 1993.

“Lectio divina là đọc một đoạn Kinh thánh, dài hay ngắn, đọc cá nhân hay đọc chung trong cộng đoàn. Đoạn văn này trước tiên được đón nhận như là Lời Chúa, sau đó được triển khai qua việc suy gẫm, cầu nguyện và chiêm niệm nhờ sức tác động của Chúa Thánh Thần.

Mối bận tâm làm thế nào để Kinh thánh được đọc đều đặn, thậm chí hàng ngày, phản ánh một tập tục cổ kính trong Hội thánh. Đó là một thói quen tập thể. Điều ấy được chứng nhận từ thế kỷ thứ III, thời đại của giáo phụ Origène. Ông quen giảng căn cứ vào một bản văn Kinh thánh được đọc liên tục suốt cả tuần. Thời bấy giờ đã có những cộng đoàn dành thời giờ mỗi ngày để đọc và giải thích Kinh thánh. Sau đó, thói quen này bị quên lãng và không phải lúc nào cũng đem lại những kết quả đáng kể cho các Kitô hữu (Origène, Hom. Gn., X,1).

Còn lectio divina xét như là một thói quen cá nhân thì đã có trong sinh hoạt đan viện thời xa xưa. Thời nay, Huấn thị của Ủy ban Kinh thánh, do đức giáo hoàng Piô X phê chuẩn, đã truyền cho các giáo sĩ cả triều lẫn dòng giữ thói quen ấy (De Scriptura Sacra, 1950 ; EB, 592). Như vậy, lectio divina dưới cả hai hình thức, cá nhân cũng như cộng đoàn, lại được nhấn mạnh một lần nữa. Mục đích là làm sao khơi dậy và nuôi dưỡng “một lòng yêu mến thiết thực và bền bỉ” đối với Kinh thánh, nguồn mạch củng cố đời sống nội tâm và làm cho hoạt động tông đồ đạt kết quả dồi dào (EB, 591 và 567), đồng thời cũng nhằm giúp hiểu phụng vụ thấu đáo hơn và bảo đảm cho Kinh thánh có một vị trí quan trọng hơn trong việc nghiên cứu thần học và cầu nguyện.

Hiến chế công đồng Lời Thiên Chúa (Dei Verbum, số 25) cũng nhấn mạnh về việc các linh mục và tu sĩ phải chăm chỉ đọc Kinh thánh. Ngoài ra, đây là điểm mới mẻ: Hiến chế cũng mời “mọi tín hữu Chúa Kitô siêng năng đọc Kinh thánh” để “hiểu biết tinh tường về Chúa Kitô” (Pl 3,8). Nhiều cách thế khác đã được đề nghị. Ngoài việc đọc cá nhân, còn có việc đọc theo nhóm. Bản văn Công đồng nhấn mạnh rằng kinh nguyện phải đi kèm với Kinh thánh, vì kinh nguyện là sự đáp trả Lời Thiên Chúa mình gặp được trong Kinh thánh, dưới sự linh hứng của Thánh Thần. Nhiều sáng kiến về việc đọc Kinh thánh trong cộng đoàn đã nảy sinh trong giới Kitô hữu, và người ta chỉ có thể khích lệ khát vọng này nhờ hiểu biết ngày càng sâu xa hơn về Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Người trong đức Giêsu Kitô, qua Kinh thánh”.

C. Tông huấn “Đời sống thánh hiến”, đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, 25.3.1996, số 94 – Lắng nghe Lời Thiên Chúa (lectio divina)

Lời Thiên Chúa là nguồn mạch đầu tiên của mọi linh đạo Ki-tô giáo. Lời Chúa nuôi dưỡng tương quan thân tình với Thiên Chúa hằng sống, với ý định cứu chuộc và thánh hoá của Người. Vì thế mà ngay từ buổi khai nguyên của các Hội đoàn tận hiến, và đặc biệt trong các đan viện, việc đọc và suy gẫm Sách Thánh – lectio divina – đã được quí trọng. Nhờ đọc Sách Thánh mà Lời Thiên Chúa thấm vào cuộc sống, chiếu dọi ánh sáng của sự khôn ngoan, hồng ân của Chúa Thánh Thần. Đành rằng “trọn Kinh thánh đều có ích cho việc giảng dạy (2 Tm 3,16), là nguồn mạch thanh khiết và không bao giờ cạn cho đời sống tâm linh” (Hiến chế tín lý về mạc khải, Dei Verbum, số 21; x. Sắc lệnh về canh tân thích nghi Dòng tu, Perfectae Caritatis, số 6), nhưng các bản văn Tân Ước đáng được tôn trọng đặc biệt, nhất là các sách Tin mừng, “trái tim của toàn bộ Sách Thánh” (Sách Giáo Lý Hội thánh Công Giáo, số 125 ; x. Hiến chế tín lý về mạc khải, Dei Verbum, số 18). Những người tận hiến nên chăm chú suy niệm chính bản văn Tin mừng và các bản văn Tân Ước khác, vì các bản văn ấy diễn đạt lời nói và gương lành của Chúa Ki-tô và của đức Trinh Nữ Ma-ri-a, đồng thời cũng cho thấy hình thức sống đời tông đồ. Các đấng lập dòng luôn luôn qui chiếu vào đó để đáp lại tiếng gọi và để phân biệt đoàn sủng cũng như sứ mạng của tu hội.

D. Bài thánh ca kính Mình Thánh Chúa

Hợp tuyển các bản văn Tân Ước để hát sau khi hiệp lễ, theo kiểu bài thánh ca của nghi lễ Byzantin, thế kỷ IV

Ca đoàn: Hôm nay chúng ta đã chiêm ngưỡng Chúa chúng ta là đức Giê-su Ki-tô trên bàn thờ. Hôm nay chúng ta đã nghe được lời trọng đại và vô cùng dịu êm này: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22,19).

Cộng đoàn: Đây là Thân Thể của “Con Thiên Chúa, Đấng đã sinh làm con một người đàn bà và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5).

Ca đoàn: Đây là Thân Thể của Đấng, sau khi ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, đã cảm thấy đói (Mt 4,2).

Cộng đoàn: Đây là Thân Thể của Chúa, Đấng “đã rảo khắp các thành thị và làng mạc, rao giảng Tin mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân”. Đây là Thân Thể của Đấng mà “từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan, đám đông lũ lượt kéo đến đi theo Người” (Mt 4,23.25).

Ca đoàn: Đây là Thân Thể của Đấng mà người đàn bà bị bệnh băng huyết đã mười hai năm tiến lại phía sau Người và sờ vào tua áo của Người, và bà đã được chữa lành. Đây là Thân Thể của Đấng đã được người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành xức dầu thơm và chị đã được Người rửa sạch bùn nhơ tội lỗi” (Mt 9,20-22 ; Lc 7,37).

Cộng đoàn: Đây là Thân Thể của Đấng mà ngày hôm nay chúng ta đang cho ăn cho uống, khi chúng ta làm như thế cho một người anh em khó nghèo (Mt 25,37).

Ca đoàn: Đây là Thân Thể của Đấng mà ngày hôm nay chúng ta đang an ủi khi chúng ta viếng thăm một người bệnh tật, Đấng mà ngày hôm nay chúng ta đang cho mặc khi chúng ta giúp đỡ một người đói rách cơ bần” (Mt 25,38-39).

Cộng đoàn: Đây là Thân Thể của Đấng mà “tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành tất cả”, và Người cũng là Đấng “không có chỗ tựa đầu” (Lc 6,19 ; 9,58).

Ca đoàn: Đây là Thân Thể của Đấng “đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17 = Is 53,4).

Cộng đoàn: Đây là Thân Thể đã được đức Giê-su ám chỉ đến khi Người tuyên bố: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19.21).

Ca đoàn: Đây là Thân Thể đã bị ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt nói đến khi ông trao đổi với các thượng tế: “Quí vị muốn cho tôi bao nhiêu ? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quí vị. Và họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Người” (Mt 26,14-16).

Cộng đoàn: Đây là Thân Thể của Đấng đang khi cầu nguyện trong vườn, mồ hôi như những giọt máu nhỏ xuống đất, và đã phải nhận một cái hôn phản bội (Lc 22,44.47).