(Thời sự Thần học – Số 21 – Tháng 09/2000, tr. 7-16)
Thái Lam Hồng
Trong mấy thập niên gần đây, đối thoại đã trở thành một danh từ thời thượng, một cách thế sống và một lối giải quyết vấn đề được đề cao trong xã hội hôm nay. Có thể coi đây là một nỗ lực của nhân loại nhằm đem trí huệ thay thế cho bạo lực và bom đạn, ngõ hầu giải quyết một cách nhân bản những bất đồng quan điểm, tranh chấp, xung đột ... giữa người với người.
Trên bình diện xã hội và chính trị, từ khi bức tường Bá linh sụp đổ chiến tranh lạnh giai giẳng giữa Đông và Tây đã chính thức chấm dứt. Nhưng tại nhiều vùng trên thế giới, súng vẫn nổ và máu vẫn tiếp tục đổ ra. Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng lương tâm nhân loại hầu như đang tiến dần đến một đồng thuận: yêu cầu giải quyết những xung đột và tranh chấp về xã hội, kinh tế và ngay cả quân sự bằng đường lối đối thoại. Ở thời đại nhân bản ngày nay, bạo lực và vũ khí cần phải nhường chỗ cho thương thuyết và đàm phán.
Cuối cùng, đã cũng đã chấm dứt cái thời u buồn và đen tối của những cuộc chiến tranh tôn giáo. Trong xã hội đa nguyên văn hóa này, nhân phẩm và nhân quyền được đề cao. Không ai bị cưỡng bức theo một tín ngưỡng trái với thâm tín của mình. Quyền tự do tín ngưỡng và tự do hành động theo lương tâm được đảm bảo. Đối thoại liên tôn bắt đầu phát triển và sẽ trở thành một hành trình truy tầm chân lý. Chúng ta thử phân tích ý nghĩa của nó.
1. Ý nghĩa của đối thoại.
Có thể nói “đối thoại” là một từ tương đối mới trong tiếng Việt. Nghĩa đen là nói chuyện, kẻ nói đi người nói lại, trao đổi, đàm phán với nhau. Người ta đã dùng hai từ này để dịch chữ “dialogos” trong tiếng Hy Lạp. Tiếp đầu ngữ “dia” vừa có nghĩa là tách rời, phân biệt vừa có nghĩa là thông qua. Trong khi đó “logos” là lời nói, lý luận, lý trí, trí huệ, nhưng cũng ám chỉ chiều sâu của ngôn từ, ý niệm... Logos phần nào na ná như chữ “Đạo” của Lão Tử, cho nên không thể chuyển ngữ mà không mất mát.
Như vậy đối thoại trước hết là nói cùng và nói với người khác. Thực ra, không phải chỉ nói suông, nhất là nói một mình hay nói để thóa mạ, vu khống người khác. Lời nói ở đây phải là nhịp cầu -bằng biểu tượng, tâm linh hay hành động- để đi tới tha nhân, để lấp đầy khoảng trống và hố cách biệt giữa ta với người. Nó đòi hỏi phải vượt thắng cảm xúc, thiên kiến, tập quán để bình thản đặt vấn đề, ngõ hầu có thể lắng nghe và lãnh hội quan điểm của người.
Theo hiền triết Socrate, đối thoại là thái độ dấn thân kiếm tìm chân lý, xây dựng niềm cảm thông giữa người với người. Ong tổ triết học tây phương cũng quan niệm đối thoại như một đường hướng triết lý giáo dục. Thật vậy, đối với Socrate, sứ mệnh của giáo dục là soi sáng và hướng dẫn, chứ không phải truyền đạt kiến thức một cách máy móc cho người khác. Đây là một hành động chung giữa thầy và trò. Socrate thường mệnh danh phương pháp giáo dục của ông là “khích biện pháp” (mạeutique) và ông thú nhận đã học được nó nơi nghề hộ sinh của mẹ ông. Cũng như hộ sinh không bao giờ có nghĩa là sinh thay cho người khác, mà chỉ là giúp đỡ để sản phụ sinh dễ dàng và đảm bảo hơn, nhiệm vụ của giáo dục cũng không phải là chụp lên đầu môn sinh những quan niệm tiền chế, nhét vào óc họ những tri thức khách quan, mà là soi sáng, hướng dẫn và giúp đỡ hầu làm triển nở chân lý tiềm ẩn trong tâm linh.
Trong thế giới hôm nay, điều kiện tiên quyết của một cuộc đối thoại đích thực là phải chấp nhận đa nguyên và trân trọng những khác biệt căn bản giữa người với ta. Người khác tự bản chất không những không thể đồng hóa với ta, mà thực sự khác biệt rõ rệt với ta. Chính nơi sự khác biệt này ta tìm thấy căn tính và đặc thù của họ, làm cho họ là họ, chứ không phải là ta hay một ai khác.
Cám dỗ thường xuyên của chúng ta là muốn nhanh chóng loại trừ mọi khác biệt, muốn đúc nặn môn sinh theo quan niệm và hình ảnh của riêng mình. Ra như cứ canh cánh sợ rằng người khác, đặc biệt những đứa con tinh thần của ta, sẽ không giống ta. Thế nên ta cố sức nhào nặn, bắt chúng phải vào một khuôn nhất định, phải cảm nghĩ, tư tưởng, hành động y hệt như ta. Tệ hơn nữa nhiều khi còn lấy tiêu chuẩn chủ quan của ta để đánh giá, phê phán và xếp loại tha nhân: ai phù hợp với tiêu chuẩn của ta sẽ được liệt vào hạng gương mẫu, ai có lối sống, nếp nghĩ khác ta... sẽ bị nghi ngờ hay đánh gía thấp.
Nếu bình tâm suy nghĩ chúng ta sẽ nhận ra tính phi lý của thái độ nói trên. Phần nào nó tương tự như tâm trạng của anh chàng hủi trong sách cổ ngày xưa. Lần kia, vợ anh sinh đứa con đầu lòng. Anh chàng hết sức nôn nóng, vừa mừng vừa lo. Nửa đêm vội vã thắp đèn đi xem mặt con. Chỉ canh cánh lo sợ đứa con sẽ khác mình, nghĩa là không hủi như anh! Ở đây chắc chắn không thiếu tình yêu và thiện chí. Nhưng nó bị hiểu sai và đặt không đúng chỗ, nên có nguy cơ biến thành chiếc gường Procuste[1].
Vì không chấp nhận tính đa nguyên và đa diện trong cuộc đời, rất nhiều lần sự khác biệt của tha nhân đã gây nên nhiều nỗi bất an, lo sợ, phiền muộn. Nhiều khi ta đau khổ vì không chịu nổi sự khác biệt của tha nhân hay vì thấy tha nhân có lối sống, quan điểm chính trị, niềm tin tôn giáo... không giống ta. Ta quên rằng chính vì tha nhân là tha nhân nên khác ta, và, nhìn từ một góc độ khác, những khác biệt đó không những có thể làm giàu cho cộng đoàn, mà còn bổ túc và làm triển nở bản sắc của riêng ta. Khai trừ những khác biệt giữa người với ta có thể dẫn đến thái độ áp đặt, độc quyền và độc tôn, mà hậu qủa tai hại của nó là có thể khai trừ chính tha nhân. Thái độ đối thoại, trái lại, đòi hỏi chấp nhận và trân trọng tính đa nguyên, cũng như sự khác biệt căn bản giữa người với ta để cố gắng bắc nhịp cầu thông cảm và tiến tới một giải pháp thỏa đáng cho cả đôi bên.
2. Từ bao dung đến tự do tôn giáo.
Trên lãnh vực tôn giáo, đối thoại còn mang một ý nghĩa thâm sâu hơn: đây là tiến trình đồng hành kiếm tìm chân lý, với hy vọng hiểu được đôi chút cuộc đối thoại nhiệm mầu yêu thương giữa Thiên Chúa với con người suốt dọc lịch sử nhân loại. Công đồng Vatican II khẳng định chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa[2] và mời gọi các tín hữu cố gắng khám phá “hạt giống Ngôi Lời” mà Thánh Linh không những đã “gieo vào tâm hồn con người” mà còn nơi “lễ nghi và văn hóa của các dân tộc” (L.G. 17).
Theo Công đồng để cuộc đối thoại được hữu hiệu, cần có can đảm nhìn nhận những điểm đồng quy và những điểm khác biệt. Trong Tuyên ngôn về các TG, Công đồng nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa các TG, chẳng hạn như nỗ lực trả lời cho các khắc khoải của tâm hồn khi đối diện với những vấn đề sinh, bệnh, lão, tử (số 2); đồng thời công đồng cũng cho thấy mỗi TG đã đưa ra giải pháp riêng.
Sau khi đã chân thành nhìn nhận sự khác biệt, hai bên sẽ tìm hiểu nguồn gốc của sự khác biệt, lắm lần tùy thuộc vào cách thức diễn tả của nền văn hóa. Chủ đích của đối thoại là tiến đến điểm đồng quy, vượt lên trên những sự khác biệt. Dù sao, người kitô hữu cần ý thức về chân lý của đức tin. Đây không phải là một thứ chân lý thuộc loại siêu hình, mà là ân sủng Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Đức Kitô. Chính nhờ đức Kitô mà chúng ta biết rõ phẩm giá của con người cũng như biết đánh giá tác động của Chân lý và Thánh Linh hiện diện nơi các TG khác.
Đặc biệt trong tuyên ngôn về “Tự do tín ngưỡng”, Công đồng đã can đảm làm một cuộc chuyển đổi não trạng: bước từ tình trạng chấp nhận, chịu đựng có tính cách tiêu cực (tolerantia religiosa) sang thái độ tôn trọng tự do tín ngưỡng (libertas religiosa). Theo Công đồng đây là một quyền căn bản của con người, “nằm ở chỗ con người không bị lệ thuộc vào bất cứ một áp lực nào của cá nhân, đoàn thể xã hội hay của bất cứ quyền bính trần gian nào khác” (TDTN, 2). Tự do tín ngưỡng này cũng được hiểu như tự do theo lương tâm. Mặc dù lương tâm có thể sai lầm và không hề có tự do tuyệt đối, nhưng không ai bị cưỡng bách theo một tôn giáo trái với xác tín và lương tâm.
Tiếp nối và khai triển đường hướng của Vatican II, đức Gioan Phaolô II đề cao hoạt động của Thánh linh nơi các tôn giáo. Thánh linh dun dủi, thanh tẩy và cứu vớt không những từng cá nhân mà cả những nền văn hóa và các tôn giáo nữa: “Thánh linh trao ban cho mọi người, theo một cách thế mà chỉ duy Thiên Chúa biết được, khả năng được tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh (...). Sự hiện diện và tác động của Thánh linh không chỉ liên hệ đến mỗi cá nhân, mà còn liên hệ đến xã hội và lịch sử, các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo (...). Chính Thánh linh đã gieo “mầm Ngôi Lời”, tiềm ẩn nơi các lễ nghi và văn hóa, và làm cho nó triển nở trong Đức Kitô”[3].
Mục đích của đối thọai liên tôn là cùng nhau khám phá và làm triển nở những yếu tố “chân lý và ân sủng do sự hiện diện tiềm ẩn của Thiên Chúa” nơi mọi tôn giáo (Ad Gentes, 9). Đức Gioan Phaolô coi đây như một bước chuẩn bị để thực hiện chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, “một bước đi trong tình huynh đệ, qua đó chúng ta cùng dẫn dắt nhau tiến về một mục tiêu siêu việt mà Ngài chuẩn bị cho chúng ta”[4].
Chính trong viễn tượng đó, ngỏ lời với các thành viên của Hội Đồng Giáo hòang về Đối thọai Liên tôn, đức Gioan Phaolô II qủa quyết : “Việc đối thoại liên tôn, trên một mức độ sâu xa hơn, luôn luôn là cuộc đối thoại cứu độ, bởi vì chủ tâm của nó là khám phá, làm sáng tỏ và hiểu rõ hơn cuộc đối thoại vĩnh cửu mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện với nhân loại”[5].
“Tài liệu Làm việc” của Thượng Hội đồng Giám mục Á châu nhìn nhận hoạt động mạnh mẽ và đa dạng của Thánh linh nơi các tôn giáo và văn hóa Á châu. Có thể coi các tôn giáo truyền thống tại lục địa mênh mông này như con đường Thiên Chúa dùng để dẫn đưa đại đa số các dân tộc Á châu tới đến với Ngài và đây cũng là cách thế Ngài dùng để gặp gỡ họ[6]. Sứ điệp bế mạc Thượng Hội đồng tái xác nhận nhu cầu khẩn thiết của cuộc đối thoại nói trên, theo đó “Hội thánh tại Á châu được mời gọi để dấn thân vào một cuộc đối thoại ba chiều: đối thoại với các văn hóa Á châu, đối thoại với các tôn giáo Á châu và đối thoại với các dân tộc Á châu, đặc biệt với những người nghèo”[7].
3. Đối thoại và giữ vững căn tính.
Một vấn đề quan trọng khác đang được đặt ra: làm sao dung hòa thái độ đối thoại với việc giữ vững căn tính của mình? Đặc biệt trên bình diện niềm tin, rao giảng Tin Mừng và dấn thân vào cuộc đối thọai liên tôn phải chăng là hai điều mâu thuẫn, đối kháng và loại trừ nhau? Đâu là mối tương quan giữa đối thọai liên tôn và sứ vụ rao giảng Tin Mừng?
Một số người đồng hóa một cách sai lầm đối thọai với thái độ “ba phải” hay một thứ “tổng hợp bát nháo” (syncrétisme). Hình như kinh nghiệm lịch sử làm họ lo sợ tính tòan trị và thái độ bất bao dung, nếu không muốn nói là cuồng tín, của nhiều con chiên ngoan đạo. Chính vì vậy, họ nghĩ rằng không thể có đối thoại đích thực nếu không sẵn sàng từ bỏ xác tín riêng và yêu sách nội tại của niềm tin tôn giáo.
Ap đặt quan điểm chính trị và niềm tin tôn giáo trên tha nhân đã là một thực tế đau lòng và vẫn là một nguy cơ thường xuyên cho phong trào đối thoại hôm nay. Nhưng không thể vì đó mà có thể chấp nhận chủ trương thỏa hiệp bát nháo. Làm như vậy là không tôn trọng sự khác biệt của người và thiếu chân thành với chính mình. Thật vậy, trong lãnh vực tư tưởng và niềm tin tôn giáo không thể chấp nhận thái độ ba phải, xuề xòa, dễ dãi, chín bỏ làm mười. Đó không phải là đối thoại tôn giáo đích thực, chẳng qua chỉ là một thứ đồng hóa hạ sách, hời hợt, gỉa tạo.
Đối thoại đích thực luôn đòi hỏi làm sao tiếp nhận ý kiến của người, tôn trọng những nét riêng của họ, mà đồng thời vẫn không đánh mất căn tính của mình. Nó đòi hỏi cả hai bên phải ý thức rõ rệt căn tính và bản sắc của mình cũng như của người. Albert Camus đã nhận định sâu sắc: “Thái độ giả dối cũng như im lặng đều đối nghịch với đối thoại. Chỉ có đối thoại đích thực giữa những người chân thành và nói sự thật”. Không thể có đối thoại đích thực với người, mà đồng thời lại đánh lẫn con đen hay tự lừa dối chính mình.
Hiểu như vậy, có xác tín, lập trường và trân trọng giữ vững bản sắc của mình không những không phải là chướng ngại, mà còn là điều kiện cần thiết để có thể đối thoại thực sự. Rất nhiều lần, những khác biệt giữa ta và người có thể giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển căn tính. Paul Ricoeur dám nói: “Để có thể là mình, hãy đối thoại với người; nhưng để đối thoại với người, mình phải là mình”.
Một cuộc đối thoại đích thực đòi hỏi phải đảm nhận đồng thời hai yếu tố có vẻ trái ngược, nhưng bổ túc nhau: giữ căn tính của mình và tôn trọng quan điểm của người. Phải chăng đó là thái độ lương thiện trí thức? Người xưa cũng thường nói: “quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”.
Trong viễn tượng đó, để có thể thực hiện đúng đắn cuộc đối thoại giữa Kitô giáo với các tôn giáo khác, thiện chí mà thôi chưa đủ. Cần được chuẩn bị đầy đủ về trí thức, tâm linh và đạo đức và có một tấm lòng rộng mở để đón nhận linh ứng của Thánh linh, bất cứ từ đâu đến và bất cứ do ai nói[8].
Về điểm này Đại sư Buddhadasa đã có những nhận định rất chí lý: “Mang tinh thần đối thoại hoàn toàn không có nghĩa là ngây thơ tin tưởng hoặc làm cho người ta có cảm tưởng rằng mình nghĩ là vị thế của đối phương tiên quyết đã ưu việt hơn mình, bởi vì nếu mỗi người đối thoại hăm hở bênh vực quan điểm của đối phương thì cuối cùng ai sẽ đối thoại với ai đây? Mỗi người tham gia đối thoại cần phải đào sâu không những kiến thức của mình về Đạo của người, mà cả kiến thức về lý thuyết của Đạo mình nữa”[9]
Đây cũng là vấn đề hội nhập văn hóa với hai chiều hỗ tương: một đàng đức tin phải được diễn tả bằng những giá trị văn hóa của mỗi dân tộc; đàng khác nhiệm vụ của các tín hữu là cố gắng làm sao để giá trị của Tin Mừng thấm nhập và soi sáng sinh hoạt văn hóa. Tiến trình này là một tiến trình song đôi: Yêu sách hội nhập đòi hỏi phải phân tích, phê phán, đánh gía lại những hình thức trình bày lòng tin mang nặng sắc thái văn hóa Tây phương và có thể làm lu mờ niềm tin đích thực. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải can đảm làm một cuộc “vượt qua” và thăng hóa dưới ánh sáng của Tin Mừng, để lột bỏ những gì tiêu cực, dính dấp tội lỗi nơi mỗi văn hóa...
4. Thách đố của đối thoại liên tôn.
Đại sư Buddhadasa thú nhận “đối thoại là một công tác khó khăn và hao tổn: nó thực sự đưa đến những mối căng thẳng tâm lý cá nhân và tập thể. Trên bình diện cá nhân, đối thoại thực sự gây xáo trộn, bởi vì nó bao hàm rằng người ta phải bảo vệ bản sắc của mình, như đã thấy ở trên, đồng thời chấp nhận kẻ khác thực sự có thể dạy được cho ta một điều gì đó; điều này có nghĩa là chúng ta có thể phải thay đổi lối nhìn của chúng ta đối với một số điểm mà cho đến bây giờ chúng ta cho là đương nhiên. Đó là một thử thách có tác dụng thanh tẩy, có thể phong phú hóa việc tiếp thu những giá trị và giúp chúng ta đào sâu hơn ý nghĩa việc lệ thuộc tôn giáo của chính chúng ta.
Trên bình diện tập thể, phải chăng người tiếp xúc với những người khác tôn giáo và cố gắng tìm hiểu họ thường dễ bị những người trong cộng đoàn nghi ngờ là lạc giáo, thiếu niềm tin, bị cám dỗ tìm kiếm nơi khác điều họ nghĩ là không thể tìm gặp nơi tôn giáo của mình, tóm lại không còn là một phật tử thuần thành hoặc một kitô hữu tốt nữa?”[10].
Xưa cũng như nay, thách đố gay go nhất của đối thoại liên tôn là làm sao thực hiện tốt một cuộc đối thoại chân thành và đích thực, không có ý đồ áp đặt quan điểm của mình nhưng đồng thời cũng không đánh mất căn tính của mình và bổn phận rao giảng Tin Mừng. Nếu Giáo hội chủ trương đối thoại với các tôn giáo khác, phải chăng như vậy là gián tiếp chấp nhận không cần phải rao giảng Tin Mừng hay ít nhất đã từ bỏ “vai trò cứu độ độc nhất của Đức Kito”? Trái lại, nếu tích cực rao giảng Tin Mừng và mời gọi đồng loại gia nhập Đạo Chúa, phải chăng như vậy là phủ giá trị của đối thoại liên tôn?
Một số văn kiện mới đây của Giáo hội như thông điệp “Sứ vụ Cứu độ” của đức Gioan Phaolô II, tài liệu “Đối thoại và Rao giảng” của Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn và Thánh bộ Truyền giáo, tài liệu “Kitô giáo và các tôn giáo khác” của Ủy ban thần học quốc tế, tài liệu của Thượng hội đồng Giám mục Á châu... đã trực tiếp trả lời cho những câu hỏi hóc búa nói trên. Nói một cách tổng quát, đối thoại và rao giảng Đức Kitô mỗi bên có sắc thái và nhiệm vụ riêng, nhưng đều cần thiết và liên kết chặt chẽ trong sứ vụ truyền giáo của Giáo hội nói chung và của mỗi Kitô hữu nói riêng. Từ chối rao giảng Tin Mừng là phản bội lý tưởng Kitô giáo và đánh mất căn tính của mình. Nhưng trong bối cảnh đa nguyên tôn giáo hôm nay, việc loan báo Tin Mừng nên được thực hiện qua dạng thức đối thoại liên tôn.
Tài liệu của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại liên tôn coi đây là hai yếu tố đích thực và căn bản của sứ vụ truyền bá Tin Mừng. “Cả hai đều chính đáng và cần thiết. Chúng liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng không thay thế cho nhau: đối thoại liên tôn chân thật của người Kitô hữu phát xuất từ ước muốn làm cho người khác biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô mỗi ngày nhiều hơn, còn rao truyền Chúa Giêsu Kitô phải được thực hiện trong tinh thần đối thoại của Phúc âm. Hẳn nhiên, hai lãnh vực này độc lập, nhưng, như kinh nghiệm cho thấy,... cùng một con người duy nhất có thể dấn thân một cách khác nhau vào lãnh vực này hay lãnh vực kia”[11].
Nói tóm lại, tất cả Kitô hữu được mời gọi để thực thi sứ vụ truyền bá Phúc âm và trong thế giới hôm nay, đối thoại được coi là một phương thế hay nhất để thực thi sứ vụ đó. Động cơ thâm sâu của sứ vụ truyền bá Tin Mừng này nằm ở mầu nhiệm tình yêu. Chính tình yêu Thiên Chúa và tha nhân thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng cho anh em ta. Đây là một tặng vật tình yêu được trao tặng cho đồng loại, với tất cả sự chân thành, tôn trọng và yêu thương. Thực vậy, nếu “thực sự yêu mến Chúa Kitô thì không thể không chia sẻ tình yêu đó cho người khác”[12].
Dưới tác động của Thánh linh, mỗi tín hữu được mời gọi tìm những cách thế tốt nhất, hữu hiệu nhất và phù hợp với Tin Mừng nhất để trao tặng cho tha nhân những chứng từ của tình yêu Thiên Chúa và dẫn dắt nhau tiến về mục tiêu siêu việt. Đây là một hành trình khó khăn, thăm thẳm và diệu vợi. Liệu có kết qủa gì không? Sẽ đi về đâu và cho đến bao giờ? Chẳng ai có thể trả lời thỏa đáng câu hỏi trên. Nói cho cùng, “chỉ duy Thiên Chúa biết lúc nào và giai đoạn nào sẽ hòan thành hành trình thăm thẳm mà con người đang lần bước tìm gặp Ngài”[13]. Nhiệm vụ của chúng ta trong lúc này là can đảm lên đường với tất cả nghị lực, xác tín và tình yêu.
______________
[1] Theo thần thoại Hy Lạp, Procuste là một tên tướng cướp kỳ lạ. Y có một chiếc “gường kiểu mẫu”. Mỗi lần bắt được ai, y đặt lên chiếc gường đó để đo. Nếu vừa vặn, y sẽ thả cho đi bằng an; nếu thừa, y sẽ dùng gươm xén bớt; còn nếu ngắn quá, y sẽ kéo cho tới khi bằng chiếc gường mới thôi. [2] Xin coi Lumen Gentium, 2; Gaudium et Spes, 13; Ad Gentes, 3,11,15.
[3] Redemptoris Missio, 28.
[4] Insegnamenti di Giovanni Paolo II, Vol.IX, 2 (1986), tr. 1262.
[5] Ibidem, vol. XV, 2 (1992), tr. 551.
[6] Xem Instrumentum Laboris, số 32.
[7] Sứ điệp của THĐ GM Á châu, số 5.
[8] Thánh Thomas thường thích thú nhắc lại một câu nói đã trở thành thời danh: “Omne verum, quocumque dicatur, Spiritu Sancto est”.
[9] Đại sư Buddhadasa, Kitô giáo dưới mắt một Phật tử, Định Hướng tùng thư, 1996, tr.178.
[10] Ibidem, tr. 178- 179.
[11] Đối thoại và rao truyền, số 77.
[12] Ibidem, số 83.
[13] Ibidem, số 84.