Thời sự Thần học – Số 29 – Tháng 9/2002, tr. 58-71
LTS : Bài này là một suy tư khá “táo bạo” của nhà Thần học Jacques-J-Natanson về Giáo hội, được viết khoảng thập niên 70-80. Trong bối cảnh nhiều “rắc rối” của Giáo hội hôm nay trên thế giới. TSTH xin đăng bài này để góp phần suy tư về Giáo hội của Chúa Kitô, đã được Chúa Kitô quy tụ lại (Ecclesia). TSTH trân trọng quan điểm cá nhân của tác giả.
Thông tin về tỷ lệ người công giáo các châu lục lấy từ The Pew Forum on Religion and Public Life, The Global Catholic Population (Feb 13, 2013)
_Jacque J. Natanson_
Không một nhà quan sát thành thạo nào lại không nhận ra rằng: thế giới Kitô giáo đang trải qua một cơn khủng hoảng còn trầm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng thời cải cách. Các sử gia tương lai có lẽ sẽ ngạc nhiên khi thấy Giáo hội Công giáo suốt bốn thế kỷ đã có thể duy trì được bầu khí chống cải cách và trong vòng nửa thế kỷ, Giáo hội đã dập tắt mầm móng của chủ trương duy tân như thế nào.
Xem thêm các biểu đồ cuối bài viết
Công đồng Vatican II đã tưởng là có thể tháo gỡ được những lẫn cấn mà không ảnh hưởng gì đến tới nền Giáo hội học và khoa tín lý. Chúng ta hãy nhớ lại: đó là một Công đồng chỉ thiên về Mục vụ. Trong một khía cạnh nào đó, ta hiểu được vì sao có sự đối kháng của những nhà bảo toàn (intergrites). Từ khi người ta nhận ra rằng “cái sườn” Thần học và cái khung định chế của Công giáo truyền thống không phải là những điều tuyệt đối, thì không thể tránh được là cả toà nhà Giáo hội sẽ bị rạn nứt và hư hỏng toàn diện. Mặt tiền tuy vẫn còn nguyên đấy (và không biết còn đến bao giờ), nhưng phía sau thì toàn là những đổ vỡ.
Cơn khủng hoảng của Giáo hội và khủng hoảng xã hội
Rõ ràng có một mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng của nền văn minh chúng ta đang sống với cuộc khủng hoảng của Giáo hội. Nhưng về bản chất của mối liên hệ này thì có những ý kiến bất đồng. Một số người trách móc Giáo hội không còn đóng vai trò truyền thống của mình là canh giữ các giá trị căn bản của xã hội phương Tây, không còn đảm nhận chức năng thần hoá trật tự xã hội mà cho họ cho là cần thiết. Một số khác lại than phiền rằng: Giáo hội đã để mình bị dao động do cuộc khủng hoảng xã hội, rằng Giáo hội làm như một bầy sói tru trếu khi gặp chống đối.
Người ta cũng có thể ngạc nhiên vì một vấn đề như thế được đặt ra. Tin Mừng rất có thể không nguyên vẹn như buổi đầu nữa: tức là không còn là men trong bột, là mầm mống đặt lại vấn đề đối với tất cả những trật tự có sẵn về bất kỳ chủ trương hoà hợp nào, bất kỳ chủ trương duy chữ nghĩa, duy lễ nghi nào. Tin Mừng là cớ vấp phạm và điên rồ đối với sự thông thái thế gian, là mối đe doạ cho những kẻ quyền thế và kiêu căng, là sự lật đổ mọi thứ đẳng trật.
Như dân Do thái xưa định cư trong đất hứa, cuối cùng cũng đòi cho bằng được một vị vua, còn dân Kitô giáo đã được yên ổn dưới sự bảo trợ của Constantin và đã chấp nhận vị chủ tịch Giáo hội pháp đình. Nền văn minh Kitô giáo Tây phương rốt cuộc rồi cùng lợi dụng Thiên Chúa để làm tiền hút máu dân nghèo. Nền văn minh đó hiện nay đã bùng vỡ do những mâu thuẫn nội tại (giữa sung túc và bần hàn, tự do và áp chế). Những mâu thuẫn đó đã bị các tiên tri gốc Do thái như Marx, Freud, Mercuse tố cáo.
Điều mà người ta gọi là cuộc khủng hoảng Giáo hội thực ra chẳng phải là nguyên nhân hay hậu quả của cuộc khủng hoảng xã hội. Đó chỉ là một cuộc khủng hoảng duy nhất trong mức độ Giáo hội đã từ lâu chấp nhận và thậm chí còn yêu sách sự đồng nhất của mình với xã hội. Cuộc khủng hoảng này đã cho phép Giáo hội “tiết ra” ý thực hệ, tức là cái “hương thơm linh thiêng” mà Marx đã nói. Cơn khủng hoảng xuất hiện vào lúc phần lớn thế giới Kitô giáo từ chối sự đồng nhất nói trên. Ở Tây Ban Nha, sự kiện thật rõ ràng, nơi đó có những vị giám mục sống chung theo khế ước, có các Ủy hội thợ thợ thuyền, các hội Chiến sĩ Chúa Kitô Vua, cũng như các tu sĩ theo thuyết Marxisme. Đừng kể châu Mỹ La tinh, người ta còn thấy tại châu Âu, sự phân cắt gia tăng: các lực lượng bảo thủ được hoàn toàn đồng hoá với thể chế dân chủ Kitô giáo, nhưng chúng ta lại thường là linh mục hay tu sĩ, đứng trong hàng ngũ những người tiên phong của trào lưu cách mạng. Giữa hai khuynh hướng trên là các giáo sĩ cải cách, bất kể họ là các chuyên viên, giám mục, người thuộc giới đại học hay cán bộ đảng cộng sản. Từ bên ngoài người ta kêu trách thái độ xu thời đó. Trong các giới chuyên chống hàng giáo sĩ, người ta tố cáo sự khéo léo của Giáo hội khi rải khắp các quân cờ của mình trên khắp các bàn cờ, hẳn nhiên khi làm như thế Giáo hội sẽ tìm lại được vị trí truyền thống của mình, bất kể các cuộc xung đột sẽ nảy sinh từ đó. Thật là một mối nguy thực sự mà một thái độ “mị dân” nào đó của hàng giáo sĩ đã nhìn nhận. Nhưng rốt cuộc, dù người ta có ghê tởm khi cần môt con chuột cống, nhưng liệu người ta có thể lấy hết can đảm để nhảy ra khỏi một con tàu sắp chìm hay không? Chúng ta chỉ định được bệnh nhờ các căn bệnh. Cách đây không lâu các Kitô hữu tất cả đều đứng chung một phía. Điều đó đã cho phép tồn tại một Giáo hội thuần nhất và vững bền, kiên cường đương đầu với những cơn bão tố. “Cùng một phía” nói đây chính là một trật tự xã hội chặt chẽ, theo một cơ cấu đẳng trật với các mục đích và phương tiện của nó. Giáo hội đã đem lại cho trật tự này ý nghĩa và sự chế tài thánh thiêng của nó. Nhưng lúc này, thì không thể như thế được nữa, bởi vì cái vô nghĩa đang trở thành hiển nhiên ngay với những Kitô hữu. Một sự bần cùng và thất vọng trong sung mãn, một sự thiếu thốn mới về những gì từ trước tới nay không có giá trị mua bán (không gian, khí, nước, sự yên tĩnh), một sự thành tựu với đầy những cặn bã, sự vong thân quá đáng của tính dục do ảnh hưởng của những áng dâm thư, sự rạn nứt trong cơ cấu gia đình xem chừng không thể vượt thắng được. Sự từ khước lao động đồng thời đặt lại vấn đề về phương pháp lai tạo giống. Nếu có phải thay đổi cuộc sống thì đó là vì không thể tiếp tục sống như cũ được nữa, khi đó người ta khám phá ra rằng sống như trước đây thì không phải là sống. Rốt cuộc, việc chối bỏ trần thế trong một thời gian khá lâu đã là một luận đề ủng hộ cho cái gọi là “linh đạo Kitô giáo”: sau khi đã dạy cho người tín hữu xã lãnh trần gian, khi đó người ta lại khuyến khích họ dấn thân nhằm “xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn”. Cuối cùng người tín hữu cũng tin như thế.
Trật tự xã hội lâu nay vẫn được coi là cần thiết, nhưng lúc này đan bị “tình nghi” tận gốc rễ. Sự lừa phỉnh vốn cho phép Giáo hội dựa vào để bồi bổ thêm cho trật tự xã hội bằng cách tiết ra cái “hương thơm linh thiêng” thì không thể dung thứ được nữa, kể cả những cơ cấu của Giáo hội vốn biến hương thơm đó thành một thứ đồng dạng với một xã hội dân sự nhưng đã được chọn lọc.
Vậy ta thấy xuất hiện niềm khao khát chung cả nơi những Kitô hữu hay những thiện nam tín nữ khác, vốn tin rằng không còn gì để nói về Kitô giáo nữa. Với người này Kitô giáo là “các cộng đoàn” nhưng với những người kia thì lại là “các công xã”. Thậm chí có một sự từ khước, ít là tạm thời cần thiết, đối với các cơ cấu và định chế. Những khát vọng mơ hồ và xung khắc nhằm thay đổi cả xã hội lẫn cuộc sống. Việc duyệt xét lại các đẳng trật, các giá trị và cách sống “trưởng giả”, cuộc tìm kiếm những kiểu mẫu tương quan và thông giao mới. Những sự “đồng qui” đó lan tràn trong những gặp gỡ. Chẳng hạn trong cuộc tranh luận giữa những người vô thần và các Kitô hữu về việc cử hành phụng vụ đi liền với sự đào tạo một đôi bạn. Vì như thế là tìm lại ý nghĩa của cuộc lễ…
Cuộc khủng hoảng của Giáo hội và Cuộc khủng hoảng văn hoá
Càng ngày người ta càng hay nói rằng: cuộc cách mạng hoặc sẽ là cách mạng văn hóa hoặc là cách mạng văn hóa hoặc là không sách mạng. Thậm chí một số người còn cho như thế là đủ rồi, kể cả trên bình diện chính trị trong khi đó thì những người khác tìm cách năm được cả hai đầu dây.
Nếu sự thể như vậy, thì tương quan giữa cuộc khủng hoảng của Giáo hội và khủng hoảng văn hoá phải được xét lại. Khi còn trẻ, chúng tôi đã tin rằng Giáo hội là “kẻ chậm trễ”, “chậm trễ” của một nền triết học, cũng như nước Đại – Pháp xưa đã “chậm trễ” trong một trận chiến. Chúng ta đã là những kẻ duy linh trong khi lẽ ra phải theo thuyết của Berson rồi. Chúng ta chỉ đã khám phá ra Berson vào thời vàng son của thuyết Hiện sinh. Chúng ta đã trở thành những nhà Nhân bản vào kỷ nguyên cơ cấu thuyết. Và sau hết, nhân có chủ nghĩa Mác-xít, chúng ta đã chuyển từ “phạt vạ sang đối thoại” vào lúc mà thuyết Mác-xít tới lượt mình, bùng vỡ thành những phe thái không thể hoà giải được nữa.
Một sự chậm chạp như thế chẳng thể giải thích nổi, nhưng nó đã “trơ trơ” ra đấy và phải rút ra bài học. Suốt một thế kỷ , Giáo hội công giáo đã đương đầu với nền văn hoá hiện đại bằng cách trang bị cho mình một nền tảng thần học khắt khe nhưng mạch lạc, khác hẳn tình trạng suy đồi ở thế kỷ 16 và 19. Cuộc xung đột đã nổ ra khởi từ đó thường giữ một tốc độ thuận lợi nhưng không thể kéo dài mãi như thế được. Bao lâu các khoa học về con người còn trong tình trạng bập bẹ thì “tư tưởng Kitô giáo” bên cạnh các khoa học tự nhiên khác, vẫn tin là có thể dành riêng cho mình một lãnh vực: lãnh vực con người.
Ngày hôm nay, lãnh vực dành riêng này dường như bị những “Đụn cát lún” (sables mouvants), đó là các khoa học về con người giản lượt trong khoa học giải phẫu học, vốn phá hoại nền tảng tâm linh của con người. Trong khi đó khoa triết học với cao trào của Nietzsche và tiến hoá của Heidegger, đặt lại vấn đề về những tiến giả thiết thực thể luận của triết học.
Những vấn đề không chỉ là chậm trễ. Nếu có thể, việc bắt kịp tình trạng chậm trễ này rồi sẽ dẫn đến một chủ trương hoà hợp (concordisme) mới, tuy chỉ có tính cách tạm thời thôi. Tư tưởng Kitô giáo lại chẳng hết hơi để đuổi theo cái tính “tân thời” mãi như thế ư? Đúng hơn, tư tưởng đó lại không trở thành chính mình sao? Nếu như tư tưởng Kitô giáo phải ngỏ lời với những con người thời đại, đó không phải là để nói cho họ biết họ có khả năng nói với chính mình. Cuộc khủng hoảng hiện nay không phải là một cuộc khủng hoảng lòng tin, mà là khủng hoảng của một nền siêu hình học, mà Giáo hội vốn tưởng rằng mình có thể nấp mình sau đó để đương đầu với nền văn hoá hiện đại. Đàng khác, nền siêu hình học đó lại gắn liền với những hệ thống xã hội được Giáo hội chấp nhận thánh hoá. Chính trong mức độ đó, cơn khủng hoảng siêu hình học – với cùng một tính cách như cuộc khủng hoảng văn minh – đã giáng cho Giáo hội và tư tưởng Kitô giáo một đòn chí tử.
Yếu tố quyết định trong cuộc khủng hoảng này là yếu tố ngôn ngữ. Những tiến bộ về ngữ học và triết lý về ngôn ngữ. Những tiến bộ về ngữ học và triết lý về ngôn ngữ – vốn bao hàm trong ngữ học – đã làm tăng thêm sự ngờ vực đối với lối diễn tả đức tin cách truyền thống. Ngôn ngữ tôn giáo có thể được mô tả như một “hệ thống đọc-ra-được”, nhờ sự hỗ trợ của những bộ luật khác nhau là những thứ dễ nhận thấy các hạ tầng kiến trúc của chúng về mặt xã hội, văn hoá hay tâm lý. Sự ngờ vực đó không chỉ đụng chạm đến truyền thống Kitô giáo trong những lối diễn tả vốn thuộc những nền văn hoá kế tục nhau. Cái nhân nguyên thuỷ – tức “lời giảng tiên khởi” – không thoát khỏi một phương pháp chú giải triệt để. Không những khó tách rời cái nhân nói trên với những gì bao bọc chung quanh nó, nhưng trong mức độ chính cái nhân này là ngôn ngữ, thì nó lại tuỳ thuộc vào cùng một lối phân tích như truyền thống sau này. Việc trở về với Kinh thánh, với yếu tố Do thái Kitô giáo nguyên thuỷ, còn phải chịu sự “cám dỗ” nói trên, ngay khi nó vẫn là lối thoát duy nhất để tái khám phá ra căn tính của niềm tin.
Khủng hoảng Giáo hội và khủng hoảng niềm tin
Người ta có thể phản đối việc giản lược lối diễn tả niềm tin bằng cách duy trì tính tích cực (positiveté) của một cái nhân ngôn ngữ nguyên thuỷ và bất khả giản lược, tức lối diễn tả của một kinh nghiệm tâm linh siêu việt trên bất kỳ sự giản lược nào. Một số người đã bắt đầu từ đó để đặt lại vấn đề về cuộc khủng hoảng của chính Giáo hội. Các lời phê phán về định chế và văn hoá có lẽ chỉ là những tấm bình phong che giấu một cơn khủng hoảng niềm tin sâu xa nơi chính những người phê phán. Chẳng hạn người ta nói, nếu các linh mục nằng nặc đòi kết bạn, đòi làm công nhân hoặc tham gia chính trị, và nếu họ phải chịu đựng điều mà thiên hạ thường gọi là “cuộc khủng hoảng căn tính”, thì chẳng có gì phải nói đến các vị nữa, bởi lẽ các vị không còn niềm tin nữa.
Sự kiện rất có thể xảy ra trong một vài trường hợp. Nhưng phân tích trên khá hàm hồ. Tôi tạm bỏ qua cái đầu óc Pharisiêu vô thức hàm xúc trong phân tích đó. Nói về người khác như thế, tức là về phía người nói hiểu ngầm rằng phận họ thì trái lại, họ có niềm tin, một niềm tin chân thực và sâu xa… Tôi đã nghe những lời đó từ môi miệng “khoác lác” của những kẻ theo lạc thuyết mà chỉ vài tháng sau, đã bị khai trừ khỏi Giáo hội. Cứ làm như là ranh giới đã được phân định giữa những người có niềm tin và những kẻ có hay không còn niềm tin nữa. Làm như là sự phân cách đã không hề xảy ra nơi thâm tâm mỗi người chúng ta. Làm như người ta đã quên rằng niềm tin được ghi chép vào phép biện chứng giữa chúng tính và thất trung, giữa sống và chết, biện chứng đó vốn là thảm cảnh của hiện sinh Kitô giáo. Làm như chỉ cần nói: Lạy Chúa, lạy Chúa… là đủ, trong khi điều này hoàn toàn ngược lại với Tin Mừng.
Vậy người ta muốn gì khi tố cáo một vài người là không còn niềm tin nữa? Dù muốn dù không, người ta đang đặt mình trong bầu khí của một thứ “duy luân lý” thiêng liêng: “hãy sống đạo đức, cầu nguyện và thực hành luân lý Kitô giáo đi, rồi bạn sẽ vượt thắng được những khó khăn có thể gặp phải đối với niềm tin và Giáo hội”. “Sự sống tiền linh thiêng” này có lẽ còn đang lộng hành nếu chúng ta không hiểu rằng: niềm tin “được giữ gìn” như thế không đủ sức ngăn cản những tín hữu đạo đức cùng những giáo xứ sốt sắng phạm phải những tội tàn ác xấu xa nhất, ủng hộ những cuộc bóc một tệ nhất, vào hùa với những tay phú hào và đao phủ. Không thiếu những kẻ thật đạo đức, nhưng lại chủ trương cá nhân chủ nghĩa.
Nhìn sâu hơn, phải chăng có thể nói về một cuộc khủng hoảng niềm tin khác hơn là nói từ bên ngoài hay không? Đứng về mặt niềm tin, bất chấp sự ngờ vực chất chứa trong một ngôn ngữ như thế, thì không thể có khủng hoảng niềm tin, trừ ra những kẻ kém lòng tin. Bởi vì niềm tin luôn là một cuộc khủng hoảng. Hoặc nó chỉ là ảo tưởng, hay nếu là thực tại, thì đức tin này trong cuộc sống lại là sự xâm nhập của một ai đó rất khác, lại vừa thật gần gũi, Đấng không ngưng kêu gọi từng người và mời gọi họ hoán cải , nghĩa là suy xét lại và quay trở về bằng tất cả hiện sinh của mình, ra khỏi vỏ ốc cá nhân đồng thời mở lòng với tình yêu. Sự sâm nhập này vẫn luôn có đó, lừoi kêu gọi này vẫn ngỏ lời với từng người trong mọi lúc, bất chấp những thăng trầm về văn hoá và những tiến triển nơi mỗi các nhân. Điều xác thực, đó là sự ý thức, là việc bộc lộ ít nhiều rõ ràng của sự xâm nhập nói trên; Điều can hệ, và cũng là thảm cảnh của ơn cứu độ, đó là câu trả lời sống thực (vecue) đã được bộc lộ. Nơi mọi cá nhân hay tập thể, thảm cảnh đó bao gồm những thời kỳ ánh sáng và đêm tối, thanh tĩnh và bất an. Có lẽ chính những giai đoạn đêm tối và bất an lại dồi dào và phong phú hơn: đó là những giai đoạn chứng thực rõ nhất của sức mạnh của Thần khí. Nếu thế thì giai đoạn mà Giáo hội hiện sống, còn lâu mới phải giai đoạn của sự tự thú nhận là khủng hoảng niềm tin, nhưng đúng hơn, đó là một giai đoạn canh tân và hy vọng.
Trớ trêu thay, điều này lại hiểu ngầm rằng: người ta phải chấp nhận sự ngờ vực tận căn, tức việc đặt lại vấn đề về định chế, văn hoá và ngôn ngữ – tựa như một lời kêu gọi tái khám phá ra những gì chứa đựng trong niềm tin Kitô giáo độc đáo và bất khả giản lược. Một niềm tin phấn đấu luôn chấp nhận ngờ vực, và chỉ tới giá đó thì tới lượt mình, niềm tin mới có thể nghi ngờ tất cả những ý thức hệ, kể cả ý thức hệ ngờ vực. Ở đây, xin cho phép tôi được trưng dẫn lời Bonhoeffer một lần nữa: “Khi người ta muốn nói về Thiên Chúa một cách phi tôn giáo thì phải làm sao đừng để che đậy mà phải vạch trần thái độ vô đạo của thế giới, và chỉ như thế, một luồng sáng diệu kỳ mới tràn xuống trên thế giới. Thế giới trưởng thành sống vô đạo hơn, nhưng có lẽ cũng vì chính lý do này mà nó lại gần gũi Thiên Chúa hơn cái thế giới nhỏ dại”.
Sự sống nảy mầm từ cái chết
Người ta đang nói về cái chết của Giáo hội. Với những ai tin rằng sự chất vấn của niềm tin hiện đang và sẽ luôn được gởi tới những con người thì trong cộng đồng của những người đón nhận lời chất vấn trên, đó chỉ có thể là cái chết của những gì suy thoái, của những cơ cấu định chế và văn hoá đã lỗi thời, thậm chí còn trở thành những chướng ngại cho việc lắng nghe những lời chất vấn trên kia. Sự suy thoái này không thể gắn liền với thảm cảnh, khổ tâm và đôi khi tuyệt vọng nữa. Người ta không thể dằn lòng khi thấy có những kẻ cố bám vào những khía cạnh đã lỗi thời của tôn giáo, những khía cạnh mà theo họ, thì hình như gắn liền với chính sự biến thiên của đời nọ, trong khi một số khác phủi tay mặc cho may rủi. Những người bám víu cách tuyệt vọng vào các hình thức xưa cũ – mà họ đã lầm tưởng là điều cốt yếu -, là nạn nhân của những người thực chẳng tin họ – tuy những người này thành tâm tin rằng mình có thể cải hoá những người trên kia trở về với “niềm tin” toàn vẹn. Tất cả chúng ta đều liên đới với thảm trạng đó.
Nhưng cũng thật chính đáng việc chúng ta phải khổ tâm khi chứng kiến cả một thế hệ đồng hoá niềm tin với những điều đã chết trong một ý thức hệ nguỵ tạo Kitô giáo nào đó. Chính do lòng trung thành với phần cốt yếu của truyền thống Kitô giáo, mà chúng ta phải lãnh trách nhiệm trả lại cho đức tin một tương lai tươi sáng. Chúng ta phải là những Kitô hữu tiên khởi. Một đàng, vì cuộc mạo hiểm trong niềm tin đang bắt đầu lại với con người cũng như với mỗi thế hệ. Đàng khác, bởi vì chúng ta, như những Kitô hữu tiên khởi, phải bộc lộ lòng trung thành của mình đối với truyền thống trong cuộc canh tân tận căn.
Chính vì tin vào tính tận căn luôn mới mẻ của lời chất vấn mà chúng ta có thể đảm nhận tính tận căn trong sự ngờ vực. Những cộng đoàn nổi bật ở nhiều nơi trong lúc này thường được hình thành do những Kitô hữu không còn có thể sống trong những cơ cấu truyền thống của Giáo hội nữa, và họ hiểu rằng: chính cách biểu lộ lòng tin của họ hiện được đặt thành vấn đề. Đảm lãnh sự ngờ vực, đó là chấp nhận không nói gì cả trong một thời gian, hoặc là chỉ nói về chính sự ngờ vực đối với những gì trước kia người ta vẫn tưởng là có thể nói được.
Điều được khai sinh, đó là những cộng đoàn mà chúng ta vừa nói tới, những cộng đoàn mà trải qua sự sụp đổ của các cơ cấu cũng như sự ngờ vực đối với ngôn ngữ, họ vẫn cảm thấy lời chất vấn của lòng tin tựa như một lời kêu gọi hướng tới một đời sống cộng đoàn, thể hiện một kiểu mẫu sống phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng. Chẳng hạn ta có thể nhắc lại những đòi hỏi đó qua những biểu lộ sơ khởi của nếp sống Kitô giáo được mô tả trong sách Tông đồ Công vụ. Nếu ngôn ngữ tôn giáo bị ngờ vực, thì đó không chỉ khởi đầu từ khoa phê bình hiện đại về tôn giáo dựa trên các khoa nhân văn, nhưng còn và nhất là vì ngôn ngữ đó không phải là ngôn ngữ của một dân tộc, một cộng đoàn, ngôn ngữ đó chẳng bộc lộ được kinh nghiệm thực tế của những cộng đồng này. Ngôn ngữ phụng vụ còn chân thực hơn ngôn ngữ Thần học. Ngôn ngữ, âm nhạc, biểu tượng của phụng vụ Rôma vào thời của chúng đã biểu lộ một nếp sống văn hoá và cộng đồng đích thực – dù đó chỉ là một nếp sống của một tầng lớp ưu tú nào đó. Ở đây điều đáng phải thay thế, là những gì mang tính chất nhạt nhẽo. Chính từ những cộng đoàn sống động, sẽ trào hiện lên tính sáng tạo trong lãnh vực này.
Trong hiện trạng của chúng, những cộng đoàn nói trên chỉ mới đặc biệt thành công trong việc diễn tả những kinh nghiệm của mình thành những hình thức mới mẻ. Mặt khác, giới hạn của những kinh nghiệm này tuỳ thuộc vào những điều kiện sống trong xã hội hiện thời. Muốn tạo nên những phương thức tương quan và những cung cách sống mới, loại trừ những thứ vong thân do đẳng trật xã hội và kinh tế, như thế cũng chưa đủ. Có các trở lực và đối kháng không những gặp thấy trong cuộc sống thường nhật vốn phản ánh các cơ cấu xã hội, nhưng còn trong chính nội tâm mọi người, trong lịch sử riêng của họ. Chính vì thế, những cộng đồng này cảm thấy rằng mình không thể tự kiến tạo mà không đấu tranh với các hệ thống xã hội và chính trị, xét trong toàn bộ của chúng, cũng như không có một dự phóng tối thiểu về mặt chính trị cộng đồng, cùng với chiều kích văn hoá của nó.
Người ta dễ kêu trách chủ thuyết mới: “bênh Giáo hội” thuộc phe tả. Điều này có lẽ đúng nếu thuyết đó chỉ làm cái cộng việc giàn xếp giữa Giáo hội và các cơ cấu xã hội mới, tuy đi ngược với các cơ cấu trước đó, nhưng được thánh hoá một cách như nhau. Thực ra, những Kitô hữu liên kết trong cuộc tìm kiếm mới mang tính cách cộng đồng cảm thấy sự chất vấn của lòng tin như một phê phán tận căn đối với những cơ cấu hiện nay, đối với sức chế ngự của đồng tiền, cảnh đàn áp và miệt thị. Họ tự chọn một lập trường, tránh hầm hồ hết mức có thể. Nhưng đồng thời họ cũng hiểu rằng sự phê phán đó phải luôn hiện thực đối với bất kỳ thứ cấu trúc mới nào có thể hàm chứa những nguy hiểm tương tự như thế. Họ biết rằng con người ta sẽ chẳng khi ngừng đổi “đời”, bởi vì xuyên qua nỗi khát vọng này, đã lộ ra cách lờ mờ sự đòi hỏi phải hoàn toàn thay đổi đời sống, từ cuộc trở về luôn khẩn thiết đó, hàm xúc từ “hoán cải” của Tin Mừng. Niềm tin Kitô giáo đang tìm lại chính mình, sẽ không vì thế mà phải chọn lựa giữa ý thức hệ phe hữu và ý thức hệ phe tả. Niềm tin đó nghĩ rằng mình đã giải huyền thoại tận căn cho ý thực hệ phe hữu, đồng thời mình có trách nhiệm phản đối đến tận nền tảng những gì sẽ còn là ý thức hệ phe tả, và ngay phe cực tả nữa trong dự phóng về xã hội và chính trị – bất kể một thái độ duy khoa học nào đó nổi lên trong dự phóng này.
Niềm tin giáp mặt với cuộc khủng hoảng ngôn ngữ bằng cách đình chỉ sự ngờ vực. Niềm tin đó phản đối một quan niệm và một thực tại của thứ ngôn ngữ đụng chạm tới tất cả, nhưng trừ ra sức chống đỡ của một Lời. Lời mà người ta gặp trong thông giao, đồng thời lời đó mời gọi sống và kéo theo việc đổi đời. Các cộng đoàn chỉ có thể chứng nghiệm được thực tại của lời này bằng cách trở nên những môi trường, nơi đó Lời có thể đến được với ngôn ngữ. Điều đó giả thiết nơi những môi trường trên, thể hiện một cuộc sống Kitô giáo vừa có tính cộng đoàn lại vừa có chất phê phán, vừa khôn khéo nhưng cũng thật trữ tình. Những môi trường như thế đang xuất hiện, nhưng cần có thời gian để người ta thực sự bắt đầu lối sông đó.
Hiển nhiên là những môi trường này không được đứng cô lập, đồng thời phải xa lãnh cơn cám dỗ gấp mình lại, lui mình vào hoang mạc hoặc óc bè phái theo kiểu quí tộc. Những cộng đoàn phê phán sẽ chỉ mang tính chất Kitô giáo và có hiệu lực nếu chúng hoà nhập với cuộc sống thường ngày, luôn phấn đấu và tỏ ra mẫu mực, và nếu chúng vẫn còn cởi mở đồng thời hội nhập vào trong những cái toàn thể rộng lớn thay vì bám vào những chỗ ở lẻ tẻ.
Các cộng đoàn nói trên chưa đạt yêu cầu, nên vẫn phải khiêm tốn. Không nên đốt cháy giai đoạn kẻo lại bị tan rã vì các cơ cấu chính thức cũng như các ý thức hệ ưu thắng. Những cộng đoàn nền tảng không phải là một “mánh lới” để hồi sinh những giáo xứ đang hấp hối hay những phong trào hoạt động công giáo chết cứng, và đó cũng chẳng phải là những luận đề cho các cuộc thảo luận xã hội học hoặc chương trình truyền hình. Trước tiên các cộng đoàn này cần phải biết làm thinh và đừng để ai nói quá lời về mình, bao lâu còn chưa có gì đáng nói. Chỉ với giá đó, những cộng đoàn nói trên một ngày kia sẽ góp phần làm dội vang Lời bừng cháy.