Giới thiệu Thông điệp mới của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II về Thần học Luân lý
Thời sự Thần học – Số 2, tháng 11/1994, tr. 62 – 71
Đức Anh
Sáng ngày 05-10-1993, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã mở cuộc họp báo tại phòng báo chí Tòa Thánh, để giới thiệu Thông Điệp "VERITATIS SPLENDOR", Sự Sáng Ngời của Chân Lý, được xuất bản bằng 8 thứ tiếng : La-tinh, Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và Ba Lan.
Đây là Thông Điệp thứ 10 trong vòng 15 năm qua của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II và là Thông Điệp đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, trình bày rộng rãi về những yếu tố căn bản của luân lý Công Giáo (s.115). Đứng trước cuộc khủng hoảng rộng lớn hiện nay trong thần học luân lý (s.4.88).
Thông Điệp "Veritatis Splendor" được Đức Thánh Cha gửi tới trước tiên cho các Giám mục, và qua các vị, Đức Thánh Cha muốn nói với tất cả các tín hữu, đặc biệt là các nhà luân lý. Trong chiều hướng đó, Thông Điệp có liên hệ tới cuộc sống hằng ngày của mỗi tín hữu Công Giáo .
Thông Điệp được Đức Thánh Cha loan báo soạn thảo cách đây hơn 6 năm (01-8-1987), nhân dịp kỷ niệm 200 năm qua đời của thánh An-phong Li-gô-ri, vị sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế và cũng là bổn mạng của các nhà luân lý Công Giáo.
Sở dĩ Thông Điệp này bây giờ mới được công bố là vì Đức Thánh Cha thấy rằng nên công bố cuốn Giáo Lý chung của Hội Thánh Công Giáo trước, trong đó có trình bày toàn thể giáo huấn luân lý Công Giáo, và Thông Điệp này chỉ khai triển một số vấn đề cơ bản trong giáo huấn luân lý của Hội Thánh, đặc biệt là các vấn đề gây tranh luận từ lâu nay giữa các nhà luân lý Công Giáo .
Mở đầu cuộc họp báo, ông Navarro Valls, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh ghi nhận rằng : Chưa bao giờ một văn kiện Tòa Thánh được giới báo chí và dư luận quần chúng chờ đợi như Thông Điệp "Veritatis Splendor" này.
Sau đây, chúng tôi xin gởi đến quý vị tóm lược nội dung của Thông Điệp, và tiếp đó, chúng tôi sẽ nói đến những động lực thúc đẩy Đức Thánh Cha quyết định soạn thảo Thông Điệp này và một số chi tiết khác trong cuộc họp báo.
Thông Điệp "Sự Sáng Ngời của Chân Lý" dài gần 190 trang khổ nhỏ, được chia làm 120 đoạn, trong đó có phần nhập đề ngắn gọn xác định điểm khởi hành và mục đích của Thông Điệp, tiếp đến là 3 chương, và sau cùng là phần kết luận.
* Chương thứ I mang tựa đề "Chúa Ki-tô và câu trả lời cho vấn đề luân lý" và bắt đầu bằng một suy tư về đoạn thứ 19 trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, thuật lại cuộc đối thoại giữa chàng thanh niên giàu có và Chúa Giê-su.
Chương này mô tả luân lý Công Giáo như một câu trả lời của Chúa đối với câu hỏi mà chàng thanh niên đã hỏi Chúa : "Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?" (Mt 19,16). Chúa dạy chàng thanh niên hãy tuân giữ các giới răn, và nếu muốn nên trọn lành, hãy về bán hết gia sản, giúp đỡ người nghèo khó và đến theo Ngài.
Nền luân lý Công Giáo mà Thông Điệp trình bày ở đây có tính chất quy hướng về Thiên Chúa và có Chúa Ki-tô là trọng tâm. "Bước theo Chúa Ki-tô chính là nền tảng cốt yếu và nguyên thủy của luân lý Ki-tô giáo" (s.19). "Chúa Giêsu yêu cầu mọi người theo Ngài và bắt chước Ngài trên con đường tình thương, một tình thương hoàn toàn tận hiến cho anh em mình vì lòng yêu mến Thiên Chúa" (s.20).
Vì thế, Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng để tìm ra câu trả lời cho cuộc khủng hoảng luân lý ngày nay, các tín hữu cần phải hướng về Chúa Ki-tô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, là Ánh Sáng muôn dân, để lắng nghe những câu trả lời của Chúa nói với chàng thanh niên giàu có, và qua đó Chúa cũng nói với mọi người trong chúng ta. Trở nên tốt lành có nghĩa là trở nên giống Thiên Chúa. Mười giới răn là một sự tự biểu lộ của Thiên Chúa, các giới răn đó giúp chúng ta tìm thấy con đường để trở nên giống Chúa.
* Chương thứ II của Thông điệp "Verititas Splendor" có đề tựa là "Giáo Hội và sự nhận rõ một số khuynh hướng của thần học luân lý ngày nay"
Phần này có liên hệ đặc biệt tới các chuyên viên thần học luân lý và đạo đức học. Đây cũng là chương dài nhất trong Thông Điệp, với 56 đoạn, qua đó, Đức Thánh Cha phân tích và sửa sai nhiều khuynh hướng sai lầm nơi một số nhà thần học luân lý ngày nay. Ngài viết : "Tôi muốn nêu lên những nguyên tắc cần thiết để nhận rõ những điều trái ngược với đạo lý lành mạnh của Giáo Hội" (s.30)
Cuộc khủng hoảng trong thần học luân lý Công Giáo có thể nói là bắt đầu từ sau khi Thông Điệp "Humanae vitae", Sự Sống con người, do Đức Phao-lô VI công bố cách đây 25 năm.
Nhân cơ hội này có nhiều nhà luân lý Công Giáo chủ trương xét lại thần học luân lý. Người ta cho rằng mỗi tín hữu Ki-tô có quyền "tự quyết" (autonomie) về luân lý, và Mạc Khải của Chúa chỉ cung cấp hướng đi rất tổng quát về sự kính mến Chúa và yêu Người mà thôi (s.37), chứ không đưa ra những quy luật luân lý chi tiết mà tín hữu Ki-tô phải tuân theo.
Nói khác đi, theo lập trường của các nhà luân lý này thì không có một nền luân lý riêng của Ki-tô giáo, cũng như không hề có một khoa toán học Ki-tô giáo. Lý trí con người phải tự tìm ra hoặc sáng chế ra các giá trị và các quy luật một cách độc lập : Độc lập với Mạc Khải và Huấn Quyền của Giáo Hội và không cần tham chiếu một trật tự chân lý khách quan nào cả (ss.32.37).
Nòng cốt vấn đề ở đây là tương quan giữa TỰ DO và SỰ THẬT. Đây là một đề tài có tính cách rất quan trọng thời nay, và sau khi các chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ, nó càng trở nên cấp thiết hơn : làm thế nào để học cách sống tự do một cách đúng đắn ?
Nếu chỉ quan niệm tự do một cách hoàn toàn theo "cá nhân chủ nghĩa", thì người ta sẽ đi tới thái độ độc đoán và chỉ có thể đưa tới hủy hoại và đổ vỡ, và làm cho mọi người chống lại nhau.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng trái ngược với quan niệm sai lầm đó về tự do, cần phải nêu bật sự tự do trong sự thật. Sự thật này được biểu lộ trong chính bản tính con người chúng ta, bản tính xuất phát từ Đấng Tạo Hóa. Nói khác đi, cần phải sống tự do trong niềm tôn trọng luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã thiết định và ghi khắc trong bản tính con người.
Nhiều nhà luân lý ngày nay bác bỏ quan niệm về luật luân lý tự nhiên và họ nói rằng Giáo Hội quá gắn bó với một thứ siêu hình học lỗi thời, và làm nô lệ cho một chủ thuyết duy tự nhiên, duy sinh lý học lỗi thời, đến độ gắn cho những tiến trình sinh học những giá trị của luật luân lý.
Thông Điệp của Đức Thánh Cha quyết liệt phi bác những lời phê bình trên đây. Nòng cốt câu trả lời của Thông Điệp ở trong câu trích dẫn Thánh Tô-ma A-qui-no "Luật tự nhiên không là gì khác hơn là ánh sáng của trí tuệ được Thiên Chúa phú cho chúng ta" (s.40). Luật tự nhiên chính là một luật hợp với lý trí.
Nhiều nhà thần học luân lý cũng chủ trương tách biệt sự chọn lựa cơ bản và tổng quát (option fondamentale) với những chọn lựa cụ thể cho mỗi trường hợp trong cuộc sống (ss.67.67) : Nghĩa là người ta chỉ cần quyết chí trở thành một người tốt, rồi hành động tùy theo lương tâm của mình, mà không cần phải tham chiếu và tuân theo các luật lệ luân lý do Mạc Khải Kinh Thánh hoặc Giáo Hội tuyên dạy.
Người ta cũng quan niệm rằng bản tính là một thứ chất liệu mà người ta tác động trên đó, chứ tự nó chẳng có giá trị tốt xấu (s.47), cũng thế đối với thể xác của con người (s.48). Quan niệm này đưa tới những hệ luận có liên quan tới luân lý tính dục và luân lý sinh học, và theo đó các nhà luân lý ấy chấp nhận việc ngừa thai nhân tạo, làm tuyệt đường sinh sản, đồng tính luyến ái, nam nữ sống chung trước khi kết hôn, thủ dâm, thụ thai nhân tạo.
Cũng trong quan niệm gọi là cách mạng luân lý này, người ta đi tới chủ thuyết gọi là duy hậu quả hoặc là duy tương ứng (ss.71-75) để phán đoán tính cách tốt hoặc xấu của một hành động luân lý, và theo đó người ta có thể thực hiện một điều xấu tiền luân lý (prémo-rale), nếu về lâu về dài, hành động đó có nhiều công hiệu tích cực hơn.
Theo các nhà luân lý này, không có những quy luật nào cấm tuyệt đối mà không có luật trừ. Người ta có thể làm bất cứ một điều gì nếu có lý do tương xứng. Một hành động ý thức và tự do, đi ngược với luật luân lý hệ trọng, có thể không phải là một tội trọng.
Cũng trong chiều hướng này, họ phủ nhận tính cách tuyệt đối của quy luật "không bao giờ được giết người vô tội", để đi tới chỗ cho rằng có thể phá thai trong một số trường hợp nếu có lý do tương xứng. Tóm lại là theo các trào lưu luân lý mới, lương tâm, của mỗi người ngày càng trở thành cá nhân, ngày càng có quyền tự quyết độc lập với Mạc Khải của Chúa và giáo huấn của Hội Thánh.
Các quan điểm sai lầm trên đây bị Đức Thánh Cha phi bác trong chương II của Thông Điệp "Sự Sáng Ngời của Chân Lý", và Ngài tái đề nghị giáo huấn truyền thống của Hội Thánh, ví dụ như : Mạc Khải của Chúa chứa đựng những quy luật luân lý không phải tổng quát mà thôi, nhưng cho cả nhiều trường hợp riêng nữa (s.49).
Luật tự nhiên diễn tả sự tham dự của lý trí loài người vào sự Quan Phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, và người ta nhận ra luật luân lý tự nhiên nhờ lý trí tự nhiên và mạc khải của Chúa, luật luân lý tự nhiên được Chúa Ki-tô kiện toàn (ss.41-45).
Đức Thánh Cha tái khẳng định tính chất phổ quát và bất biến của quy luật luân lý tự nhiên và tính chất không có luật trừ của các quy luật luân lý tiêu cực là những luật cấm làm sự ác (s.52). Lương tâm không phải là một thẩm quyền độc lập, tự quyết định thế nào là thiện, là ác, nhưng phải tuân theo chân lý khách quan; lương tâm khám phá ra các giá trị luân lý chứ không sáng tạo nên chúng (ss.54-64). Do đó, lương tâm có thể sai lầm và vì thế cần phải được huấn luyện.
Sự lựa chọn căn bản tổng quát không được tách rời khỏi sự chọn lựa và quyết định trong những trường hợp cụ thể (ss.65-67). Đức Thánh Cha cũng vạch rõ sự sai lầm của những người tách rời đức tin ra khỏi sự tuân giữ các giới răn của Chúa trong cuộc sống luân lý cụ thể. Và sau cùng Ngài tái khẳng định rằng có những quy luật luân lý luôn luôn có giá trị ở mọi nơi mọi thời, những hành động tự nó là xấu.
* Chương thứ III của Thông Điệp có tựa là Sự Thiện luân lý đối với đời sống của Giáo Hội và thế giới.
Phần này có tính chất mục vụ và nói tới những vấn đề có liên quan tới sự canh tân đời sống chính trị và xã hội, trách nhiệm của các vị chủ nhân và các nhà thần học.
Thông Điệp đặc biệt nhấn mạnh tới Thập Giá Chúa Ki-tô và tử đạo như những thực tại tiêu biểu trong đời sống Công Giáo. Các vị tử đạo đã thà chết còn hơn là phạm tội. Các vị đã làm chứng cho sự thánh thiện bất khả xâm phạm của luật Chúa và cho sự tôn trọng vô điều kiện đối với những đòi hỏi của phẩm giá mỗi người.
Giữa chương II và chương III của Thông Điệp có một mối liên hệ có thể được diễn tả như sau : Thứ luân lý xét lại mà nhiều nhà thần học luân lý ngày nay chủ trương đang trở thành một thứ luân lý trưởng giả, thứ luân lý của những người chỉ tìm cách sống thoải mái, và không chấp nhận ý tưởng Thánh Giá.
Trong chương III, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng việc tái trình bày nhân sinh quan toàn bộ của Công Giáo cũng là công việc cần phải thực hiện trong công tác tái truyền giảng Tin Mừng để mang lại lợi ích cho Giáo Hội và thế giới. Luân lý cũng là thành phần cốt yếu trong công cuộc truyền giáo mới. Chống lại mọi toan tính tách rời đức tin ra khỏi luân lý, cần phải khẳng định rằng đức tin là một chân lý cần phải được sống, và vì thế đức tin có nội dung luân lý.
Sau cùng Đức Thánh Cha bày tỏ lòng cám ơn và khích lệ các nhà luân lý Công Giáo trong sứ vụ của họ. Các nhà luân lý cần chu toàn sứ vụ của Giáo Hội trong niềm hiệp thông với các vị chủ chăn. Ngài cũng nhắc nhở các vị chủ chăn về nghĩa vụ phải cảnh giác làm sao để các chủng viện, các cơ sở giáo dục mang danh hiệu là Công Giáo được trung thành với giáo huấn luân lý của Hội Thánh Công Giáo .
Trong buổi họp báo sáng ngày 05-10 Đức Hồng Y Ratzinger cũng đã kể lại cho giới báo chí những động lực thúc đẩy Đức Thánh Cha quyết định soạn thảo và ban hành Thông Điệp về luân lý cơ bản này. Có hai động lực nội tại và ngoại tại.
Động lực nội tại đi liền với chính mục đích của Ki-tô giáo. Trong thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, trước khi người ta dùng chữ "Ki-tô giáo" để chỉ tôn giáo mà Chúa Giê-su đã sáng lập, đạo của Chúa Ki-tô hồi đó được gọi là "con đường (Đạo)". Sáu lần trong sách Tông đồ Công vụ, Ki-tô giáo được coi là "con đường (Đạo)", ví dụ như Thánh Phao-lô tông đồ, trong diễn văn nói trước người Do Thái ở tiền đường đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ngài nói rằng "Tôi đã bắt bớ Đạo này" (Cv 22,4). Qua câu nói đó, Thánh Nhân thú nhận Ngài đã bách hại các tín hữu Ki-tô.
Ki-tô giáo được gọi là con đường, điều đó có nghĩa là tôn giáo này trước hết là một lối sống. Đức tin không phải chỉ là lý thuyết, nhưng trước tiên là một "con đường", nghĩa là một lối sống thực hành. Những xác tín mới mà đạo này đề ra có một nội dung thực hành đi kèm.
Nói khác đi, đức tin bao hàm luân lý và gồm có những chỉ dẫn cụ thể cho đời sống con người. Chính nhờ lối sống đó mà các tín hữu Ki-tô khác biệt với những người khác trong thời xa xưa. Chính vì thế mà Giáo Hội luôn có nhiệm vụ chỉ đường một cách cụ thể để giúp các tín hữu sống ngay chính. Giáo Hội phải luôn luôn làm cho nội dung luân lý của đức tin được các tín hữu nhận thấy rõ ràng và sống theo. Đó cũng là lý do nội tại của Thông Điệp mới mà Đức Thánh Cha cho công bố.
Sang đến động lực ngoại tại, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin ghi nhận rằng : Ngày nay hơn bao giờ hết, vấn đề luân lý là điều có liên hệ tới sự sống còn của nhân loại.
Trong nền văn minh kỹ thuật hiện đại, những xác tín chắc chắn về luân lý trước đây phần lớn đã bị người ta phá hủy. Vũ trụ quan duy kỹ thuật ngày nay không để ý gì tới các giá trị luân lý. Người ta chỉ quan tâm tự hỏi xem có thể làm được điều này hoặc điều kia hay không, chứ không chú ý tới vấn đề có được phép làm hay không.
Nhiều người còn cho rằng câu hỏi : "có được phép làm hay không ?" có hợp luân lý hay không, đó chỉ là câu hỏi thừa thãi, không thể dung hợp với sự giải thoát con người khỏi mọi sự ràng buộc. Vì thế, người ta cho rằng điều gì mà con người có khả năng làm được thì điều đó cũng là điều hợp pháp, hợp luân lý.
Đứng trước những quan niệm duy kỹ thuật như thế, tất cả những lời quả quyết chắc chắn về luân lý trở nên yếu ớt và dễ dàng bị đặt lại vấn đề. Nhiều người cho rằng chỉ có những gì tôi có thể kiểm chứng chắc chắn được như những công thức toán học và kỹ thuật thì đó mới là những điều hợp lý. Nhưng làm sao người ta có thể thực hiện được những sự kiểm chứng như thế trong những thực tại thuần túy là con người, như trong những vấn đề luân lý và trong cuộc sống ngay thẳng của con người ?
Ngoài ra, trong lãnh vực luân lý này, có sự khác biệt tùy theo nền văn hóa khác nhau, khiến cho người ta càng tương đối hóa luân lý và tôn giáo. Từ đó, người ta chủ trương rằng mỗi người chỉ cần theo những xác tín riêng của mình.
Quan điểm này được du nhập vào trong Ki-tô giáo và người ta đi tới kết luận : Đồng ý là Kinh Thánh đề ra giới luật tổng quát dạy phải mến Chúa yêu người, nhưng trong mỗi trường hợp cụ thể của mỗi cá nhân, không thể có quy luật chung cho hết mọi người, mỗi người phải tự quyết định trong mỗi trường hợp xem mình phải làm gì, chiếu theo sự khôn ngoan của mình.
Đức Hồng Y Ratzinger nói thêm rằng : Điều hiển nhiên là sự khôn ngoan vừa nói của mỗi người có thể là chẳng khôn ngoan bao nhiêu. Tình trạng luân lý trong xã hội chúng ta cho thấy rõ điều đó. Ví dụ khi một cá nhân hoặc một nhóm người nghĩ rằng bạo lực là phương thế tốt nhất để cải thiện thế giới, thì lúc đó cá nhân chủ nghĩa và tương đối chủ nghĩa trong luân lý sẽ trở thành sự phá hủy nền tảng cuộc sống chung giữa con người với nhau và đe dọa chính phẩm giá của con người.
Trong bối cảnh đó, các nhà luân lý ngày nay đang thảo luận về cách thức tìm ra những giải pháp thay thế, nhằm bảo đảm những hình thức cơ bản của luân lý. Thông Điệp mới của Đức Thánh Cha có nói đến những toan tính đó được du nhập vào thần học luân lý Công Giáo, nhưng chủ thuyết duy hậu quả (consequenzialismo), chủ thuyết duy tương xứng (proporzionalismo), và chủ trương gọi là hướng đích luận (teleologia).
Tất cả các chủ thuyết này đều có một điểm chung, đó là quan niệm cho rằng chúng ta không thể có hoặc không thể nhận biết một quy luật xuất phát từ chính bản tính con người và sự vật mà con người không bao giờ được hành động trái ngược với quy luật tự nhiên đó. Để xác định xem một điều là hợp luân lý hay trái luân lý, thì chỉ cần xem hậu quả của nó là tốt hay xấu, chứ không thể có những hành động tự nó là tốt hay xấu. Nói khác đi, ngoài giới luật yêu thương tổng quát, Ki-tô giáo không thể có những giới luân lý cụ thể. Mỗi người phải tự quyết định xem trong trường hợp cụ thể ở đây và bây giờ mình phải làm gì.
Chính vì muốn trình bày giáo huấn của Giáo Hội trong bối cảnh trên đây mà Đức Thánh Cha đã cho soạn thảo và ban hành Thông Điệp Veritatis Splendor. Đức Hồng Y Ratzinger cho biết rất nhiều nhà thần học năm châu và thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau đã được tham khảo và tham gia vào việc soạn thảo Thông Điệp này.
Sự tham khảo ý kiến hàng Giám Mục trên thế giới về cuốn Giáo Lý chung của Công Giáo cũng rất ích lợi cho việc soạn Thông Điệp Luân Lý, đến độ việc soạn Thông Điệp và cuốn Giáo Lý có liên hệ mật thiết với nhau.
Đức Thánh Cha và các vị hữu trách nhận thấy nên công bố trước cuốn Giáo Lý Công Giáo, vì tài liệu này trình bày toàn bộ giáo huấn Công Giáo và là điều mà Thông Điệp giả thiết là phải có trước. Cuốn Giáo Lý không đưa ra những lý lẽ, không đi vào các cuộc tranh luận, nhưng chỉ là những lời chứng tá và giáo huấn. Trong khi Thông Điệp "Sự Sáng Ngời của Chân Lý" có thêm phần trình bày những lý lẽ và biện luận, đồng thời đề cập tới những vấn đề gây tranh luận, làm sáng tỏ nền tảng của thần học luân lý Công Giáo .
Trong phần trả lời câu hỏi của các ký giả. Đức Hồng Y Ratzinger khẳng định rằng Thông Điệp mới của Đức Thánh Cha không hề tước đoạt tự do của các nhà thần học trong việc nghiên cứu và giảng dạy, trái lại còn làm cho con đường của họ đi không bị cản trở.