Thời sự Thần học – Số 2, tháng 11/1994, tr. 41 – 45
_Kim Thao_
Chúng tôi đã trình bày một khuynh hướng trong thần học luân lý hiện đại là nhấn mạnh đến yếu tố "chủ ý" (mục tiêu mà chủ thể nhắm tới) để mà đánh giá một hành vi là tốt hay xấu. Hơn thế nữa, khi nói tới chủ ý, thì họ chủ trương rằng không thể chỉ giới hạn vào ý định của chủ thể khi làm một hành vi, nhưng còn cần phải xét đến toàn thể ý hướng cuộc đời của đương sự nữa. Đây là thuyết mệnh danh là "sự lựa chọn căn bản" mà chúng tôi muốn trình bày.
I. Thuyết lựa chọn căn bản bắt đầu bằng một nhận xét từ khoa tâm lý học.
Chúng ta biết rằng sống trên đời này, con người phải luôn luôn chọn lựa quyết định. Mỗi ngày từ sáng đến tối không biết bao lần chúng ta phải quyết định làm cái này hay là bỏ cái kia. Tuy nhiên không phải mọi quyết định nào cũng quan trọng như nhau : có những quyết định quan trọng hơn bởi vì có ảnh hưởng tới cả cuộc đời.
Ta có thể lấy một tỉ dụ : cái quyết định lấy vợ lấy chồng thì quan trọng gấp trăm lần sự quyết định hôm nay đi chợ mua thứ cá nào về nấu canh. Ta có thể coi những quyết định liên hệ tới toàn thể cuộc đời như là sự lựa chọn căn bản, thí dụ : lựa chọn một nghề nghiệp, một lý tưởng, một người bạn trăm năm.
Hơn thế nữa, không những là các sự quyết định lựa chọn trong đời có tầm quan trọng khác nhau, mà ta còn phải nói tới ảnh hưởng của một số quyết định căn bản trên những quyết định còn lại.
Thực vậy, như đã nói trên, mỗi ngày chúng ta phải quyết định lựa chọn cả trăm điều. Tại sao ta chọn cái này, và lại bỏ cái kia ? Đành rằng có lúc bận trí quá thì bạ đâu làm đấy, nhưng trong điều kiện sáng suốt bình thường, thì những lựa chọn của chúng ta dựa trên những thâm tín, hướng đi mà chúng ta đã định cho tất cả cuộc đời.
Tục ngữ Việt nam đã chẳng có câu : "Người làm sao chiêm bao làm vậy" đó ư ? Muốn hiểu tại sao có giấc chiêm bao này, thì cần phải xem anh ta đã nghĩ gì lúc ban ngày; hơn thế nữa, cần phải biết tất cả tình hình, những hoài bão dự định của anh ta nữa.
Theo khoa tâm lý toàn diện (psychologie compréhensive, đối lại với tâm lý nguyên tử : atomisme psychologique, các biểu tượng, hình ảnh, tâm tình, hoạt động, đều diễn ra trong bối cảnh của một mơ ước, khát vọng hay dự án, mà con người coi đó là ý nghĩa (sens) của cuộc đời.
II. Từ những nhận xét dựa trên khoa tâm-lý-học, các nhà thần học đã muốn áp dụng vào việc thẩm định giá trị luân lý của các hành vi
Dĩ nhiên, càng tiến cao trên con đường đức-hạnh, thì con người lại càng cư xử một cách mạch lạc với những lý tưởng cao thượng mà mình đã lựa chọn ("tiền hậu như nhất" chứ không phải là "tiền hậu bất nhất" như đại đa số chúng sinh, thí dụ các thánh là nhũng người luôn luôn lấy tình yêu Chúa làm mẫu mực cho mọi tư tưởng hành động).
Tiếc rằng đại đa số chúng ta chưa đạt tới sự quy nhất của cuộc đời; tuy vậy, các nhà thần học luân lý đã đưa ra thuyết lựa chọn căn bản để vạch ra cho con người một lý tưởng năng động để đánh giá cuộc đời.
Đối lại với luân lý cổ truyền đánh giá trị của một hành vi căn cứ vào bản chất của nó (hành vi ấy là điều được phép làm hay là điều cấm) thuyết lựa chọn căn bản chủ trương rằng khi thẩm định giá trị luân lý của một hành vi thì không thể chỉ dựa theo bản chất nội tại của chúng nhưng cần phải xét tới định hướng tổng quát của chủ thể nữa.
Sự lựa chọn căn bản của cả cuộc đời hệ tại việc chọn lựa giữa Thiện với Ác như động lực thúc đẩy mọi hành động, chọn lựa giữa Yêu thương với Oán thù, giữa ích kỷ với vị tha; nhất là lựa chọn giữa việc nhìn nhận Thiên Chúa là Chủ tể của vạn vật và cùng đích của đời mình, hoặc là phủ nhận Ngài vì không muốn chịu có ai ở trên đầu mình nữa.
Như vậy, đối với thần học luân lý, sự lựa chọn căn bản được hiểu là sự lựa chọn theo Chúa hoặc chống lại Ngài. Vì vậy, mà cũng có tác giả gọi là "quyết định căn bản" (décision fondamentale) hay "chủ ý căn bản" (intention fondamentale), hoặc đôi khi cũng được gọi là "tự do căn bản" (liberté fondamentale).
Lúc đầu thuyết này được đề xướng trong thần học tín lý, khi bàn về thái độ của con người đứng trước ơn cứu độ. Sau đó nó được phát triển ở thần học luân lý tu đức, để nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc giáo dục lương tâm về các giá trị căn bản định hướng cho cuộc đời.
Dĩ nhiên, đối với người Ki-tô hữu, thì giá trị căn bản nhất là chính Thiên Chúa mà con người chọn lựa qua việc tin cậy, phó thác và yêu mến Ngài; những tâm tình, hành vi cụ thể nhằm biểu lộ hoặc củng cố thêm thái độ căn bản đó. Do đó, người Ki-tô hữu cần để cho đức tin, cậy, mến chi phối tất cả các tính toán, quyết định dù lớn dù nhỏ của đời mình. Cần phải nhận rằng đây là một sự đóng góp rất quan trọng của thuyết lựa chọn căn bản cho khoa luân lý tu đức.
Tuy nhiên, sự tranh luận được đặt ra khi một số nhà thần học luân lý đi xa hơn, họ muốn rút ra những hệ luận để phán đoán sự tốt xấu của mỗi hành vi, cách riêng khi ấn định tội nặng hay tội nhẹ. Theo họ, chỉ có thể gọi là tội trọng (theo nguyên ngữ la-tinh, tội chết: pecca-tum mortale) khi nào con người lựa chọn chống lại Thiên Chúa, chống lại tình yêu của Ngài, hay chống lại một giá trị có tính cách tối hậu .
Để hiểu rõ vấn đề, nên nhớ lại rằng theo thần học cổ điển, một hành vi xấu gọi là tội trọng khi có hai yếu tố sau: a/ bản chất của nó là điều xấu, đi ngược luật Chúa; b/ sự thỏa thuận của chủ thể (chủ thể hành động có ý thức và tự do).
Còn theo một số tác giả theo thuyết lựa chọn căn bản, có thể rằng một người đã làm hành vi xấu (thí dụ: giết người) mà không mắc tội trọng bao lâu họ không có chủ ý chống lại Thiên Chúa. Dĩ nhiên, cái hành vi xấu đó có thể trở thành "cơ hội" để họ dần dần từ bỏ Chúa, nhưng nếu họ chưa đi tới việc thay đổi sự lựa chọn căn bản thì chưa gọi là tội trọng. Nói khác đi, theo các tác giả này, việc thẩm định tội trọng không còn dựa trên bản chất của hành vi nữa, nhưng dựa trên thái độ căn bản có còn mến Chúa hay không!
Một số tác giả khác thì phân biệt ba thứ tội :
a) tội chết (peccatum mortale): khi lựa chọn chống lại Thiên Chúa;
Đức Thánh Cha nhắc lại những vấn nạn mà chính Ngài đã nêu lên trong tông huấn "Reconciliatio et poenitentia" (năm 1984). Thực ra ngay từ năm 1975, trong tuyên ngôn "Persona Humana" (bàn về một vài vấn đề luân lý tính dục), Bộ Giáo lý Đức tin đã lưu ý về tính cách hàm hồ của ý niệm lựa chọn căn bản.
b) tội nặng (peccatum grave), khi sáng suốt phạm một tội mà chất liệu nặng;
c) tội nhẹ (peccatum veniale): khi chất liệu nhẹ, hoặc sự tự do bị hạn chế.
III. Thông điệp "Veritatis Splendor" bàn tới vấn đề này ở số 65-70
Một đàng văn kiện đó nhìn nhận tầm quan trọng của nó, xét vì nó định nghĩa toàn thể khuynh hướng luân lý của một người (bản latinh: re quidem vera optio fundamentalis tandem apte definit mora-lem hominis propensionem; bản Pháp : c'est bien l'option fondamen-tale qui définit en dernier ressort la disposition morale de la per-sonne); tuy nhiên văn kiện ấy, cũng ở số 10, nhận định rằng sự lựa chọn căn bản có thể thay đổi hoàn toàn bởi những hành vi cá biệt.
Như vậy, ta có thể nêu lên hai vấn nạn chính đối với thuyết lựa chọn căn bản.
1) Việc tách rời sự lựa chọn căn bản khỏi các hành vi cụ thể. Sự lựa chọn căn bản được bộc lộ qua các hành động: chúng ta không thể quả quyết rằng mình mến Chúa khi mà ta không yêu thương tha nhân; và ta không thể nói rằng ta vẫn yêu thương tha nhân khi ta giết họ !
Hơn thế nữa, các hành vi có thể làm biến dạng sự lựa chọn căn bản cách tiệm tiến hay thậm chí có khi chớp nhoáng; dù sao, sự lựa chọn căn bản không có tính cách bất biến, nhưng nó có thể tăng trưởng, thụt lùi hay chuyển hướng, do chính các hành vi cụ thể.
Trường hợp điển hình là những tu sĩ hồi tục: Họ đã một lần quyết định dâng hiến trót đời cho Chúa. Tuy nhiên lời cam kết đó có thể bị rút lại không những chỉ một cách chớp nhoáng (do tiếng sét ái tình) mà còn qua những lần chểnh mảng lơ là nghĩa vụ; những lỗi phạm có thể là nhỏ giọt từng lần, nhưng dần dần có thể làm cho họ thay đổi hoàn toàn sự cam kết tận hiến.
2) Sự lựa chọn căn bản không làm thay đổi giá trị nội tại của một hành vi. Nếu một ông thánh đi ăn trộm, thì sự ăn trộm vẫn là xấu, chứ không thể gọi là sự ăn trộm thánh được ! Cứu cánh không biện minh cho phương tiện.
3) Ngoài hai vấn nạn về mối tương quan giữa sự lựa chọn căn bản với các hành vi cụ thể, Đức Gio-an Phao-lô 2 không chấp nhận sự phân biệt giữa tội chết (peccatum mortale) và tội trọng (peccatum grave). Cả hai đều là một.
Những vấn nạn vừa nêu lên không có nghĩa là thuyết lựa chọn căn bản hoàn toàn không thể chấp nhận được. Thông điệp chỉ vạch ra vài giới hạn của nó, cách riêng khi tách rời khỏi các hành vi cụ thể. Tuy nhiên, như trên đã nói, phải nhìn nhận tính cách tích cực của thuyết lựa chọn căn bản ở chỗ nó lưu ý cho chúng ta rằng những quyết định hằng ngày của chúng ta chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những quyết định căn bản của cuộc đời. Đối với người Ki-tô hữu, quyết định đó phải là: đi theo Đức Ki-tô, mà thông điệp nói tới trong phần I (số 19-21).