Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO THEO SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Thời sự Thần học – Số 2, tháng 11/1994, tr. 56 – 60

Phúc Nhạc


Sau khi đã rảo qua lịch sử của thần học luân lý từ thời các giáo phụ cho tới thời hiện đại, chúng ta điểm qua những chiều hướng chính của luân lý theo Sách Giáo lý Công Giáo, được ban hành cách đây hai năm. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ không đi sâu vào nội dung của các vấn đề cụ thể, nhưng chỉ giới hạn vào những đường hướng tổng quát.

Nhận xét đầu tiên mà chúng tôi muốn nêu bật là mối tương quan giữa phần luân lý (tức là phần thứ ba của Sách Giáo lý) với các phần khác. Ta thấy rằng luân lý Ki-tô giáo gắn với tín lý (phần thứ nhất), trong khung cảnh của lịch sử cứu độ. Thiên Chúa qua đức Ki-tô đã mạc khải cho ta biết ý định của Ngài kêu mời chúng ta vào chia sẻ hạnh phúc của Ngài (nội dung chính của phần nhất); chúng ta đón nhận lời mời gọi ấy qua đức tin, một đức tin diễn tả qua nếp sống.

Như vậy, phần luân lý được coi như sự đáp lại ơn gọi của Thiên Chúa, và được đặt tên là "Đời sống trong đức Ki-tô". Hơn thế nữa, Thiên Chúa không những chỉ mời gọi ta bằng lời hô hào, nhưng Ngài còn ban cho ta ơn thánh nhờ các bí tích, ngõ hầu ta có khả năng để thể tiến lên với Ngài. 

Đó là lý do của sự liên hệ giữa phần luân lý với phần bí tích (tức là phần thứ hai của Sách Giáo lý) : nó muốn cho ta thấy rằng đời sống luân lý không phải chỉ gồm những cố gắng của sức riêng con người mà còn có ơn Chúa giúp nữa; ta cũng có thể nói cách tương tự khi bước sang phần bốn của Sách Giáo lý, dành cho sự cầu nguyện, nơi mà chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa để hàn huyên, yêu mến, tạ ơn, thờ lạy, và cầu xin những ơn cần thiết. 

Những nhận xét vừa rồi cho thấy vài chiều hướng chính mà Sách Giáo lý muốn trình bày về luân lý Ki-tô giáo: 

- Ki-tô giáo có một nền luân lý độc đáo, xét vì nó dựa trên mạc khải đặc biệt về Thiên Chúa và về con người mà Đức Ki-tô mang lại. Đức Ki-tô nói cho chúng ta biết thiên chức cao quý của con người : con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được gọi chia sẻ hạnh phúc với Chúa. 

Dựa trên mạc khải đó, chúng ta biết Thiên Chúa là Cha. Ý thức về mối liên hệ cha con không những chỉ làm thay đổi tâm tình của chúng ta với Chúa (tin, cậy, mến) mà cũng làm thay đổi các tương quan xã hội nữa : ta phải đối xử với tha nhân như anh chị em, con cùng một cha trên trời, và tôn trọng phẩm giá của họ. 

Đời sống luân lý của người Ki-tô hữu là đời sống trong Đức Ki-tô, dựa theo lời dạy và gương sáng của Ngài (Ngài là đường, là sự thật, là sự sống). Sau cùng Thánh Thần tình yêu được ban cho ta như một thày dạy nội tâm, giúp cho ta ý thức luật nội tại của con tim, của tình yêu. Ngài khuyên lơn, mời gọi chúng ta sống tinh thần con thảo của Chúa chứ không phải như tôi tớ sợ sệt trước bao cấm đoán của ông chủ. 

- Vì vậy, cần phải tránh trình bày luân-lý như là một mớ những điều răn luật cấm. Số 1697 đã nhắc nhở rằng huấn giáo về luân lý phải làm nổi bật niềm vui và những yêu sách của đời sống trong Đức Ki-tô: đời sống ấy bao gồm tác động của Chúa Thánh Thần, ơn sủng, các chân phúc, các nhân đức, tội lỗi và sự tha thứ. 

Chúng ta hãy xem những đường hướng đó được diễn tả như thế nào trong cụ thể. Thoạt tiên, xem ra Sách Giáo lý Công Giáo không có gì thay đổi so với các Sách giáo lý cổ truyền bởi vì còn dựa trên 10 điều răn. Sự thực không phải như vậy, 10 điều răn chỉ là cái sườn, cần phải lấy lại để nói lên sự liên tục với truyền thống; tuy nhiên trên cái sườn cũ ấy, các bức tường và trần nhà đã được canh tân rất nhiều. 

Sự canh tân nằm ở chỗ đặt 10 giới răn trong khung cảnh của giao ước Si-nai; được Tân Ước giải thích một cách tích cực hơn khi thu tóm lại vào hai giới răn thương yêu; do đó nó được chuyển hướng qua việc thực hiện các nhân đức và các mối phúc thật. 

I. Ý nghĩa của 10 điều răn. 

Sách Giáo lý một đàng đã đặt 10 điều răn trong bối cảnh của giao ước Si-nai, cho thấy rằng chúng là một hồng ân của tình yêu Thiên Chúa; sau khi đã giải thoát Israel khỏi cảnh nô lệ Ai cập, Thiên Chúa còn muốn giải thoát Israel khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi, dục tình, tham lam. Việc tuân giữ các giới răn nhằm bảo đảm sự gắn bó biết ơn của Israel đối với Thiên Chúa cũng như điều kiện để được hưởng sự sống (số 2056-2063). 

Hơn nữa trong Tin Mừng, Đức Ki-tô đã nhiều lần giải thích ý nghĩa của 10 giới răn, coi chúng như là biểu hiệu cụ thể của giới răn yêu thương. Ngoài ra, trong bài giảng trên núi cũng như trong cuộc đối thoại với chàng thanh niên mà Mát-thêu thuật lại ở chương 19, Chúa Giê-su mời gọi hãy tiến xa hơn việc tuân giữ các giới răn, để đi tới mức hoàn hảo của những lời khuyên Tin Mừng (số 2052-2055). 

Mười điều răn được xếp thành hai nhóm, biểu lộ hai khối tình yêu : Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực (3 điều răn đầu); hãy yêu mến tha nhân như chính mình (7 điều răn kế tiếp). Như vậy, các giới răn được gắn với yêu thương, một giới răn trọng nhất và nhân đức cao nhất. 

II. Các nhân đức. 

Trong quá khứ, các sách luân lý được soạn nhằm giúp các linh mục ngồi tòa giải tội; do đó người ta thấy rằng việc xử dụng 10 điều răn rất hữu dụng. Các sách giáo lý cũng đựơc soạn theo chiều hướng đó, nghĩa là nhằm giúp xét mình xưng tội. Tuy nhiên, khuyết điểm của nó là thu hẹp đời sống Ki-tô hữu vào mức tối thiểu và tiêu cực, nghĩa là làm sao tránh phạm tội, kẻo mất linh hồn sa hỏa ngục ! 

Sách Giáo Lý Công Giáo cố gắng sửa lại não trạng đó, qua việc xen phần các nhân đức vào 10 điều răn. Nói tới các nhân đức không những là nói tới cố gắng làm việc tốt, nhưng mà còn phải cố gắng trở nên người tốt nữa. Nhân đức không chỉ kiện toàn một vài hành vi lẻ tẻ, nhưng biến đổi toàn thể con người. 

Các nhân đức được trình bày trong phần luân lý tổng quát (s.1803-1832), với những khái niệm, phân loại (4 nhân đức nhân bản: khôn ngoan, công bằng, can đảm, tiết độ; 3 nhân đức đối thần : tin, cậy mến); và sự triển nở của các nhân đức nhờ các hồng ân và hoa trái của Chúa Thánh Thần. 

Trong phần luân lý chuyên biệt, các nhân đức được phân phối theo các điều răn. Ba điều răn đầu tiên được gắn với các nhân đức tin cậy mến và nhân đức thờ phượng. Điều răn thứ bốn đi với nhân đức vâng lời. Điều răn thứ năm với lòng tôn trọng sự sống. Điều răn thứ 6 bao gồm nhân đức khiết tịnh. Điều răn thứ 7 gắn với nhân đức công bằng. Điều răn thứ 8 kèm với nhân đức thành thực. Điều răn thứ 9 và thứ 10 hướng tới nhân đức tiết độ. 

Ngoài ra, ta còn phải kể tới những nhân đức khác được phân phối rải rắc trong những giới răn khác nhau, thí dụ : khiêm nhường (2540, 2559, 2628, 2631), khổ hạnh (2015-2340), chừng mực (2535-2537), kiên nhẫn (1810), hiếu thảo (2186, 2215), đại lượng (1937, 2213, 2540), trung thành (1832, 2044, 2363-2365), quảng đại, hiền lành, từ tốn (1832), cảm thông (2448, 2843), từ bi (1829,2100,2447) tha thứ (2838-2845), phục vụ (2235), vân vân. 

III. Tám mối phúc thật. 

Sách Giáo lý trình bày các phúc thật trong phần luân lý tổng quát lẫn trong phần luân lý chuyên biệt. Trong phần luân lý tổng quát, tám mối phúc thật được gắn liền với lòng khao khát hạnh phúc nằm trong thâm tâm của con người; con người khao khát được hạnh phúc; nhưng không biết tìm đâu ra hạnh phúc, và con đường nào đưa tới hạnh phúc. Đức Ki-tô đã chỉ con đường ấy qua các mối phúc thật. 

Trong hai số 1716-1717, sách giáo lý đã vạch ra 9 khía cạnh của các phúc thật: 
  1. là trung tâm lời giảng của Chúa Giê-su; 
  2. kiện toàn các lời hứa cho các tổ phụ, hướng chúng không phải về việc thừa hưởng đất đai mà thôi nhưng còn về Nước trời nữa; 
  3. phác họa ra chân dung của Đức Ki-tô và tình yêu của Ngài; 
  4. diễn tả ơn gọi của người Ki-tô hữu cần thông dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Cứu thế; 
  5. soi sáng các hành động và tâm tình của đời sống Ki-tô giáo; 
  6. là những lời hứa tương phản, có sức nâng đỡ hy vọng giữa những cơ cực; 
  7. loan báo những phúc lành và phần thưởng mà các môn đệ đã phần nào nếm hưởng; 
  8. đâ được áp dụng trong cuộc đời của Đức Ma-ri-a và các thánh; 
  9. đáp ứng với khao khát hạnh phúc của con người. 
Trong phần luân lý chuyên biệt, Sách giáo lý cho thấy 10 giới răn cần được tuân giữ theo tinh thần Bát phúc mà Đức Ki-tô đã giải thích trong bài giảng trên núi. Một cách cụ thể, các chân phúc được trưng dẫn khi giải thích các điều răn thứ 5 (bảo vệ hòa bình, số 2305), thứ 7 (thương yêu người nghèo, số 2444), thứ 9 (con tim trong trắng, số 2518-19), thứ 10 (tinh thần khó nghèo, số 2546). 

Dĩ nhiên ta không thể coi Sách Giáo Lý Công Giáo như một tác phẩm tiêu biểu của thần học luân lý cận đại, xét vì văn thể huấn giáo thì khác văn thể luận cứ thần học; vả lại Sách Giáo lý dành cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo chứ không bênh vực một trường phái nào. Tuy nhiên, không thể nào phủ nhận ảnh hưởng của các luồng canh tân thần học luân lý sau Va-ti-ca-nô II trong lối soạn thảo và trình bày huấn giáo về luân lý trong Sách Giáo lý.