Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

LƯƠNG TÂM VÀ CHÂN LÝ THEO THÔNG ĐIỆP VERITATIS SPLENDOR

Thời sự Thần học – Số 2, tháng 11/1994, tr. 77 – 82

_Kim Thao_

Sanctus Dominicus - Doctor Veritatis

Số 4 của Thông Điệp Veritatis Splendor, Đức Gio-an Phao-lô II đã báo động về hai chủ trương nguy hiểm tới đời sống luân lý Ki-tô giáo, đó là tách rời tự do khỏi chân lý, và tách rời đức tin khỏi luân lý. 

Chính vì vậy mà Ngài đã dành phần lớn Thông Điệp để giải thích mối tương quan giữa "lương tâm / tự do / chân lý / luật Chúa". Trong bài này, chúng tôi muốn trình bày những bối cảnh lịch sử của vấn đề, để hiểu rõ hơn mối bận tâm của Thông Điệp.

I. Bối cảnh lịch sử cận đại của vấn đề sự tự do của lương tâm . 

Có thể nói tới hai bối cảnh : một đàng là bối cảnh chính trị xã hội ở Âu Châu; đàng khác là bối cảnh lịch sử thần học. 

1) Xét về bối cảnh xã hội cận đại, ta nên nhớ rằng Âu Châu đã nếm kinh nghiệm của những chế độ độc tài: Quốc xã, Phát xít, Cộng sản. Các chế độ ấy, tuy có khác mầu sắc (đen đỏ) nhưng gặp nhau ở một điểm: các công dân phải nhắm mắt tuân theo lệnh nhà nước. Sau khi các chế độ ấy đã sụp đổ, người ta đã tố giác bao nhiêu luật lệ vô nhân đạo mà hàng loạt người đã bị bắt buộc tuân hành; đồng thời người ta cũng phát giác bao tấm gương can đảm của những người bất khuất sẵn sàng vào tù, lĩnh án khổ sai hay tử hình, chứ không chịu hành động trái với lương tâm. 

Từ những kinh nghiệm đau thương đó, không lạ gì mà con người thời đại này đề cao sự tự do cao quý của lương tâm: con người tỏ ra chí khí khi hành động theo lương tâm của mình, chứ không do áp lực ngoại tại. 

2) Mặt khác, sự canh tân thần học luân lý sau Công Đồng, với việc trở về nguồn Kinh Thánh, đã nêu bật sự cần thiết phải sống theo chiều sâu, theo linh ứng của Thánh Thần, chứ không thể chỉ an tâm với việc giữ luật lệ bên ngoài như hạng Biệt Phái. 

Thực ra, trong các sách luân lý trước Công Đồng, các tác giả nhấn mạnh rất nhiều đến việc tuân giữ những điều răn của Thiên Chúa và của Hội Thánh, và nhất là đến việc vâng lời tối mặt đối với các Bề Trên trong Giáo Hội. Sự vâng-lời tối mặt nhiều khi đưa đến kết luận phi lý không kém gì các chế độ độc tài, như ta đọc thấy trong quy luật số 13 mà thánh I-nha-xi-ô đặt trong phụ trương của sách Linh Thao: "nếu tôi thấy một đồ vật trắng mà Hội Thánh dạy là đen, thì tôi phải vâng lời chấp nhận là đen !" 

Dĩ nhiên một lối trình bày về sự vâng lời như vậy sớm muộn gì cũng sẽ gây ra sự tranh chấp : tôi phải vâng theo sự thâm tín của tôi hay là phải vâng theo mệnh lệnh của bề trên ? đâu là chân lý ? 

Từ những bối cảnh lịch sử như vậy, không lạ gì mà nảy ra những đối chọi (xung khắc) giữa lương tâm với pháp luật, giữa lương tâm với quyền bính; tóm lại, đối chọi giữa nội tâm với ngoại giới. Xem ra chỉ có ai biết sống theo lương tâm thì mới là sống thực cho chính mình; còn lề luật quyền bính thì bị đồng hóa với sự áp chế. 

II. Lương tâm với Huấn quyền của Giáo Hội. 

Ngoài những hoàn cảnh lịch sử vừa nói, ta còn phải kể thêm ít là hai nhân tố khác đã gây ra cuộc tranh luận về sự tương quan giữa lương tâm với Huấn Quyền của Giáo Hội. Hai nhân tố đó là: a) quan niệm về bản chất của lương tâm; b) quan niệm về nội dung Mạc Khải Ki-tô giáo. 

1) Xét về bản chất của lương tâm, đừng kể những thuyết thực nghiệm coi lương tâm như một mớ phản xạ của tiềm thức (như chúng tôi đã trình bày), không thiếu các sách luân lý đã trình bày lương tâm như tác động của ý chí, quyết định muốn làm hay không làm điều gì. Chính vì nhấn mạnh tới vai trò quyết định như vậy, cho nên các tác giả ấy chủ trương rằng mỗi người phải tự quyết định lấy cho mình, chứ không thể ủy thác cho người khác quyết định thay cho mình. Theo viễn tượng ấy, sự vâng lời luật lệ trái nghịch với lương tâm, bởi vì mình quyết định do lệnh của người khác. 

2) Sự quyết định tự lập cũng được áp dụng trong tương quan giữa các tín hữu với Giáo Quyền. Theo một số tác giả, Giáo Hội không có thẩm quyền gì để mà dạy dỗ về luân lý hoặc ràng buộc lương tâm các tín hữu. Họ lập luận như thế này : Mạc Khải Ki-tô giáo không có chứa đựng một nội dung luân lý riêng biệt. Những mệnh lệnh hay luật truyền mà ta đọc thấy trong Kinh Thánh chỉ có tính cách khuyến thiện đề ra những lý tưởng, chứ không chủ ý vạch ra những quy tắc cụ thể. Không thể ràng buộc Mạc Khải và Đức Tin vào những lối sống có tính chất sử tính, gắn liền với một nền văn hóa của một thời đại và một khu vực. Do đó, vai trò của Huấn Quyền không phải là dạy dỗ hay phán đoán về những việc cụ thể; mà chỉ đề ra những giá trị phổ quát. 

Cũng nên ghi nhận rằng những chủ trương này phủ nhận những chân lý luân lý có giá trị tuyệt đối : không có gì tuyệt đối tốt, cũng không có cái gì tuyệt đối xấu; giá trị tốt xấu tùy thuộc sự đánh giá của mỗi nơi mỗi thời. Tiêu chuẩn cuối cùng để đánh giá tính cách luân lý của hành vi là ý định (intentio) của chủ thể. Nếu ta làm việc gì để đạt tới cái tốt thì việc đó đúng, cho dù có thể rằng trong cụ thể việc đó là điều bậy; nhưng theo họ hậu quả bên ngoài không có ảnh hưởng chi tới tính cách luân lý, bởi vì chỉ có chủ ý bên trong mới là quan trọng. 

III. Thông Điệp Veritatis Splendor : Luân lý và chân lý. 

Dù sao khi đọc Thông Điệp "Veritatis Splendor", ta đừng vội kết luận rằng Đức Gio-an Phao-lô 2 đã bài bác tất cả các luận điệu vừa kể. Đừng kể vấn đề thẩm quyền của Giáo Hội có quyền dậy dỗ về các vấn đề luân lý (nói ở số 25-27), chúng ta có thể nhận thấy rằng Thông Điệp đã cố gắng không nhỏ để đặt lại vấn đề đúng chỗ. 

Trên đây ta đã thấy rằng một số vấn nạn đã nảy lên do những hoàn cảnh lịch sử hoặc do sự trình bày giáo huấn cách lệch lạc. Chúng tôi chỉ xin dừng lại ở ba điểm sau đây: a) chân lý; b) vai trò của lương tâm; c) luật Chúa. 

1) Chân lý. Thông Điệp đã khẳng định sự liên hệ mật thiết giữa lương tâm - tự do và chân lý, và nhất là cần đặt chân lý làm nền tảng của luân lý (số 31-33). Nói tới chân lý có nghĩa là nại tới cái gì khách quan; hơn thế nữa, chân lý là đối tượng của sự hiểu biết chứ không phải là đối tượng của ý chí. Việc nại tới chân lý và sự hiểu biết tránh được cả hai thái cực : chủ quan và độc đoán, cả hai đều mắc bệnh mù quáng như nhau ! Việc đặt chân lý làm nền tảng cho đời sống luân lý đòi hỏi cá nhân đừng khép kín mình, khư khư chủ trương rằng tôi quyết định làm theo lương tâm của tôi, chứ không chịu nghe ai hết. 

Đồng thời, việc đặt chân lý làm nền tảng cho luân lý cũng đòi hỏi rằng người nắm giữ quyền bính trong Hội Thánh không được ra lệnh cách võ đoán, áp đặt ý muốn của mình lên cộng đoàn. Huấn Quyền được đặt lên để mà hướng dẫn cộng đồng tín hữu tiến tới chân lý : chân lý của lý trí, của Mạc Khải, và nhất là Đức Ki-tô, ánh sáng chân lý chiếu soi hết mọi người. 

Thực vậy, không có chỗ nào Thông Điệp nói rằng Giáo Hội có quyền sáng tác ra chân lý (thay trắng đổi đen, và bắt các tín hữu phải vâng lời tối mặt). Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội phải tùng phục chân lý, cẩn thủ và bảo toàn kho tàng chân lý mà đức Ki-tô ủy thác. 

2) Lương tâm. Trên đây chúng ta thấy rằng khá nhiều người quan niệm lương tâm như là cơ quan quyết định, một chức năng của ý chí. Thông Điệp nói lương tâm như là cơ quan nhận định, phê phán (số 57), tức là một chức năng của lý trí. 

Thực ra, ta có thể nói tới ba cấp độ nhận định hoặc hiểu biết của lương tâm, dựa theo John Macquarrie khi phân tích các văn kiện của Công Đồng Va-ti-ca-nô II (về Giáo Hội giữa thời đại hôm nay, Tuyên ngôn về Tự Do Tín Ngưỡng) : 

a/ Ở cấp thứ nhất, lương tâm ám chỉ sự phán đoán thực tiễn trong một hoàn cảnh cụ thể, xét xem một hành vi là tốt hay xấu (và do đó, được phép làm hay không được phép làm). Số 16 của hiến chế "Vui Mừng và Hy Vọng" mô tả nó như là "tiếng nói của luật Chúa bảo : hãy làm điều này, tránh điều kia". Nói đúng hơn, ta có thể phân biệt hai giai đoạn của phán đoán: trước khi thực hiện hành vi, lương tâm bảo cho ta biết nên làm hoặc không nên làm; còn sau khi đã hoàn tất hành vi, thì lương tâm sẽ là tiếng nói khen thưởng hay trách móc, tùy theo ta đã làm điều tốt hay điều xấu. 

b/ Ở cấp độ cao hơn, lương tâm ám chỉ sự hiểu biết những nguyên tắc căn bản của luân lý; biết những gì là tốt những gì là xấu. Nó không phải chỉ là sự phán đoán về từng hành vi, nhưng là sự hiểu biết có tính cách tổng quát về đời sống luân lý. Cũng ở số 16 của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" và ở số 3 của Tuyên ngôn về Tự Do Tín Ngưỡng, Công Đồng nói rằng chính nhờ lương tâm mà con người ý thức được những đòi hỏi của luật Chúa, những đòi hỏi phải làm lành lánh dữ. Sự hiểu biết những nguyên tắc tổng quát về luân lý được các nhà thần học gọi là "synderesis". Chính dựa trên những nguyên tắc này mà lương tâm sẽ xét đoán trong mỗi trường hợp cụ thể, đối chiếu xem hành vi có hợp với những nguyên tắc luân lý hay không. 

c/ Ngoài hai cấp độ vừa nói, Công Đồng Va-ti-ca-nô II còn thêm một cấp độ thứ ba nữa (cũng ở số 16 của Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng) khi nói rằng lương tâm như là thâm cung thánh thiêng nhất của con người, nơi con người đối diện với Thiên Chúa. Ở cấp độ này lương tâm không phải ám chỉ là một quan năng nào, mà là chính toàn thể con người, bản thân con người xét như là một chủ thể luân lý: con người ý thức mình có trách nhiệm, và nhất là ý thức về phẩm giá của mình. Con người không phải chỉ là một cái máy hoạt động nhưng là một chủ thể muốn tìm ra một ý nghĩa cho cuộc đời. Qua những hành vi luân lý, con người cần phải nhào nặn cuộc đời phù hợp với nhân cách. 
"Nơi tận sâu thẳm của lương tâm, con người khám phá ra một lề luật không do chính mình đặt ra nhưng lại phải tuân theo, và tiếng nói của luật lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải sống yêu thương và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác"_Gaudium et Spes, 16

Ta có thể đặt tên cho lương tâm ở cấp độ này là "lương tâm siêu việt" (transcendentalis), bởi vì nó hướng chủ thể tới cõi siêu việt, tới Thiên Chúa. Dù xét ở cấp nào đi nữa, thì lương tâm, xét như là chức năng của lý trí, luôn luôn hướng tới chân lý khách thể, đi tìm đâu là đường ngay nẻo thật, đâu là điều thiện tuyệt đối, đâu là cứu cánh của đời mình. 

3) Luật Chúa. Trong quá khứ, không thiếu lần người ta trình bày luật Chúa không khác chi với luật nhà nước : bảo sao nghe vậy, không có cãi ! Lối trình bày như vậy không tránh tạo ra hình ảnh về một Thiên Chúa độc đoán hay ít là Thiên Chúa công an ! Tuy nhiên đây là một hình ảnh sai lệch về luật Chúa. Luật Chúa đâu phải là quyết định võ đoán của Ngài áp đặt lên con người ! Luật Chúa chính là kế hoạch tạo dựng của Ngài : Ngài ước mong cho mỗi loài hoạt động theo đúng với bản chất của nó để đạt tới sự toàn thiện. 

Cách riêng, 10 giới răn nhằm bảo vệ phẩm giá và sinh mạng của con người, và do đó nhằm bảo vệ sự an toàn và hạnh phúc của con người. Nhất là trong Tân Ước, luật Chúa chính là Thánh Thần tình yêu ghi khắc trong tim ta để ta có thể hành động cách tự nguyện, quảng đại tới mức độ anh hùng trong việc thực thi lòng mến Chúa yêu người. Đây là yếu tính của Luật mới mà Thông Điệp nói tới ở số 22-24.