Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

HỌC THUYẾT VỀ LÝ LẼ CÂN XỨNG TRONG THẦN HỌC LUÂN LÝ

Thời sự Thần học – Số 2, tháng 11/1994, tr. 35 – 40

_Phan Tấn_


Chúng tôi đã nêu lên một vấn đề tranh luận giữa những nhà thần học luân lý về các tiêu chuẩn để đánh giá một hành vi. Thần học cổ điển đề ra ba tiêu chuẩn chính, tức là: a/ bản chất của hành vi; b/ các hoàn cảnh; c/ chủ ý. 

Để xét một hành vi tốt hay xấu thì tiên vàn phải căn cứ vào "bản chất nội tại" của nó, xem nó hợp hoặc trái với quy chuẩn luân lý; còn những "hoàn cảnh" hay "chủ ý" có thể gia tăng hay biến dạng một hành vi tự nó là tốt hay vô thưởng vô phạt, nhưng không thể biến một hành vi xấu thành hành vi tốt được.

Lập trường vừa nói đã bị xét lại do những luồng tư tưởng đặt nặng yếu tố "chủ ý" hay "hoàn cảnh" lên trên yếu tố "bản chất", theo đó một hành vi là tốt hay xấu tùy theo ý định của người làm, chứ không có hành vi nào tự nó là tốt hay là xấu cả. 

Đây là cuộc tranh luận giữa các nhà thần học Công Giáo sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, mang danh là : có những hành vi nào tự bản chất là xấu hay không? (actus intrincese mali). Như đã biết, nếu một hành vi tự bản chất là xấu, thì không bao giờ được phép làm hết (semper et pro semper) : không một lý do gì có thể biện minh, không một hoàn cảnh nào có thể cho phép hết ! Có những hành vi như vậy hay không? 

Thần học cổ truyền nói rằng có (tựa như giết người vô tội; ngoại tình). Tuy nhiên, khởi đầu với việc tranh luận về việc dùng thuốc ngừa thai, một luồng thần học mới đã đặt lại vấn đề, và đã đi tới kết luận rằng không có hành vi nào tự bản chất là xấu cả. Phần lớn những tác giả nổi tiếng tượng trưng cho trào lưu mới thuộc vùng Bắc Âu và Bắc Mỹ, tựa như: Franz Boeckle, Charles Curran, Richard Mc Cor-mick, Josef Fuchs, Louis Jannsens, Peter Knauer, Bruno Schueller. 

Để bênh vực cho lập trường của mình, các tác giả này đã du nhập hai thứ phân biệt cần phải xét tới trong khi xét đoán các hành vi: 1) phân biệt giữa những nguyên tắc siêu việt với những nguyên tắc phạm trù; 2) phân biệt giữa điều tốt với điều đúng. 

1) Thứ nhất phải phân biệt những nguyên tắc siêu việt với những nguyên tắc phạm trù. 

a/ Các nguyên tắc "siêu-việt" (:transcendental, còn gọi là "hình thức": formel) bảo cho ta biết những thái độ căn bản của đời sống, thí dụ : Mến Chúa yêu người, phải ăn ở ngay lành. Những nguyên tắc ấy rất tổng quát, hiển nhiên, nhưng mà không có nội dung cụ thể; chúng không nói cho ta biết phải cư xử thế nào trong trường hợp cụ thể; chúng chỉ có tính cách khuyến thiện (parénétique).- 

b/ Đối lại, những nguyên tắc "phạm trù" (catégoriel; hay còn gọi là "chất thể": matériel) thì bao gồm một nội dung (contenu), một quy chuẩn cụ thể, xác định về cách thức cư xử. Những quy tắc này không hiển minh, và chỉ có giá trị tương đối : chúng ta chấp nhận những quy chuẩn ấy do việc chia sẻ kinh nghiệm với những người cùng sống một thời đại với ta hoặc cùng nếp sống văn hóa : những quy chuẩn này lệ thuộc vào không gian và thời gian, cho nên không thể có giá trị phổ quát, bất biến. 

2) Các tác giả vừa nói còn du nhập thêm một sự phân biệt nữa, đó là giữa cái tốt bản thể (hay thực thể : bien ontique) và cái tốt luân lý (bien moral). Theo họ, đó là hai cấp độ khác nhau. 

a/ Ở cấp độ "thực thể", ta có thể nói tới điều tốt hay xấu (good / bad) khi đạt tới sự hoàn thiện của đời sống cá nhân hay tập thể: điều gọi là tốt khi giúp ta thực hiện được sự hoàn hảo của đời sống con người (tựa như : mạng sống, sức khoẻ, tiền bạc, sắc đẹp, văn hóa, tình nghĩa, thắng lợi); còn cái gì ngăn cản ta đạt tới những điều ấy thì là "xấu" (bệnh tật, chết chóc, thất bại, chán chường). Cấp độ này còn gọi là "tiền luân lý" (pré-moral) hay "vô luân lý" (non-moral), vì nó không làm cho con người nên tốt hay xấu về luân lý.- 

b/ Ở cấp độ "luân lý", điều tốt hay xấu (right, wrong : đúng / sai, trúng / trật) là điều làm cho con người trở nên tốt hay xấu (lành / dữ, thiện / ác) xét dưới khía cạnh luân lý : nó giả thiết một hành vi của ý chí tự do (Chủ thể hành động với một ý hướng, cân nhắc lựa chọn). 

Sau những phân biệt như vậy rồi, các tác giả lập luận như sau. Chúng ta biết có những điều tốt / xấu theo-hữu-thể; nhưng chúng không có giá trị luân lý. Đó chỉ là những tiêu chuẩn tổng quát, những đường hướng giúp ta lựa chọn. 

Còn trong những trường hợp cụ thể, khi phải quyết định làm hay không làm điều gì, thì ý chí phải dựa theo một tiêu chuẩn khác nữa, đó là nguyên tắc mệnh danh "lý-do tương-xứng" (proportionate reason; hay còn gọi là : điều thiện tương xứng : proportionate good) mà ta có thể phát biểu như sau : "khi hành động, phải lựa cái gì tốt hơn" (The greater good is to be preferred). Giữa hai cái tốt-hữu-thể thì phải lựa cái gì tốt hơn; hoặc giữa hai cái xấu-hữu-thể, phải lựa cái gì ít xấu hơn. 

Do đó mà ý chí có thể làm một điều xấu-hữu-thể (tiền-luân-lý) nếu có chủ ý đạt được một điều tốt-hữu-thể khá hơn. Thí dụ : ai ai cũng biết rằng việc giết người vô tội, nói dối, tà dâm là điều xấu; nhưng đó là những cái xấu-hữu-thể (tiền luân lý). 

Nếu có những lý do để đạt tới điều thiện tốt hơn thì được phép làm : nếu việc thả bom nguyên tử có thể kết liễu một cuộc chiến đã gieo quá nhiều tổn thất về tiền bạc và sinh mạng, thì đã có lý do cân xứng để hành động tuy kèm theo sự tàn sát những nạn nhân vô tội. (Cũng vậy dùng thuốc ngừa thai là điều xấu; nhưng nếu nó giúp để bảo vệ tình yêu hôn nhân thì được làm và nên làm). 

Thuyết này được gọi là lý do cân xứng (proportionalisme), xét vì nó đặt "lý lẽ cân xứng" làm tiêu chuẩn duy nhất trong mọi hành động: trong khi hành động cần phải nhằm tới hậu quả tốt xét theo lý lẽ tương xứng với hậu quả xấu kèm theo. 

Phải nhận rằng người đã hệ-thống-hóa thuyết đó là Peter Knauer, từ năm 1965. Tác giả đã dựa từ trường hợp "một hành-vi sinh hai hậu quả" của học thuyết cổ truyền, để tạo ra một nguyên tắc tổng quát cho mọi hành vi luân lý. 

Theo thần học cổ điển, nếu một hành động mang theo hai hậu quả (một hậu quả tốt và một hậu quả xấu) thì được phép làm việc đó, miễn là giữ 4 điều kiện sau đây: 

1) hành vi đó tự nó là tốt hoặc ít là không-tốt không-xấu; 

2) chủ thể có ý ngay thẳng, nghĩa là nhắm tới hậu quả tốt, còn hậu quả xấu xảy ra "ngoài ý muốn" (praeter intentionem); 

3) hậu quả xấu đi kèm theo hậu quả tốt, chứ không phải là căn cớ để đạt tới hậu quả tốt (xét vì không ai được làm sự dữ để đạt tới điều thiện); 

4) sau cùng chủ thể cần phải có những lý do trầm trọng cân xứng với hậu quả xấu gây ra. 

Thí dụ một bà mẹ đang mang thai và mắc bệnh; bà cần uống thuốc để lấy lại sức khỏe để mà nuôi chồng nuôi con dù rằng việc uống thuốc có thể làm sẩy thai. Bà ta không chủ ý phá thai, nhưng việc sảy thai chỉ là hậu quả đi kèm việc uống thuốc mà mục đích là để lành bệnh. 

Dù sao thì học thuyết cổ truyền hiểu ngậm là có những hành vi tự nó là xấu (phá thai) và không bao giờ được phép làm; nhưng chỉ có thể làm một hành vi tự nó là tốt tuy kèm theo hậu quả xấu. 

Còn cha Peter Knauer thì không nhận rằng có những hành vi tự nó là xấu hay tốt về luân lý. Tác giả chủ trương chỉ nhận có những điều tốt xấu "hữu thể"; còn một hành vi được gọi là tốt hay xấu "theo luân lý", khi đi kèm với ý muốn của chủ thể. Tác giả bỏ qua hết mọi hoàn cảnh khác của thuyết "hành vi với hai hậu quả cổ truyền" mà chỉ giữ lại điều kiện cuối cùng, và đặt nó làm nguyên tắc duy nhất đánh giá hết mọi hành vi : một hành vi bị coi là xấu khi nào chủ thể hành động thiếu lý lẽ tương xứng. Nếu không có lý lẽ tương xứng để biện minh cho việc thực hiện một điều xấu hữu-thể (tiền luân lý), thời lúc ấy phải coi là xấu về luân lý. 

Xét vì học thuyết này lấy việc cân nhắc lý lẽ tương xứng như là quy tắc luân lý duy nhất, nên nó cũng được gọi là thuyết "hướng đích" (théléologisme) hay là thuyết "hậu quả" (conséquentialisme). Gọi là "hướng đích", bởi vì họ lấy ý định của chủ thể làm tiêu chuẩn phán đoán hành vi; gọi là "hậu quả" bởi vì giá trị luân lý của hành vi không dựa trên bản chất của hành vi nhưng là xét theo hậu quả mà nó gây ra (là điều tốt hay xấu).

Như đã nói, thần học cổ điển cũng xét tới ý định của chủ thể khi thẩm định một hành vi cụ thể; nhưng ý định của chủ thể có thể tăng thêm phẩm-tính cho một hành vi tự nó đã là tốt hoặc là vô thưởng vô phạt, chứ không thể biến một hành vi tự nó là xấu trở thành tốt được. Thí dụ đi nhà thờ tự nó là tốt, nhưng nếu đi nhà thờ vì muốn cho người ta để ý đến mình thì nó sẽ là việc xấu. Ngược lại, cướp của giết người là chuyện xấu; nếu đi đánh cướp để lấy tiền giúp người nghèo, thì cái mục đích cứu nhân độ thế vẫn không thể biến sự ăn cướp thành việc tốt. 

Thực ra, không phải là thần học cổ điển coi nhẹ yếu tố chủ đích trong khi đánh giá các hành vi; nhưng họ phân biệt hai thứ chủ đích hay cứu cánh: 

a) một đàng là "cứu cánh của công việc" (finis operis), xét bản chất của nó có hướng về cứu cánh tối hậu của con người hay không, từ đó hành vi sẽ được đánh giá là tự nó tốt hay xấu (thí dụ móc túi của mình thì không sao, nhưng móc túi của người khác khi họ không muốn thì là việc xấu); 

b) đàng khác là "cứu cánh mà chủ thể nhắm tới" (finis agentis) khi làm một hành vi. Còn các tác giả của thuyết "hướng-đích" thì chỉ nhấn mạnh tới "cứu cánh của chủ thể" : theo họ, chỉ có cái chủ ý mới mang lại giá trị luân lý cho một hành vi cụ thể; còn cứu cánh công việc thì coi như là giá trị tiền-luân-lý, hình thức, có tính cách hướng dẫn mà thôi ! 

Bibl. S.T. PINCKAERS, Ce qu'on ne peut jamais faire. La question des actes intrinsèquement mauvais. Histoire et discussion. Ed. Universitaires Fribourg Suisse 1986.